Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2023/NQ-HĐND

Cà Mau, ngày 07 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH MỨC CHI BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ, RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 09/2023/TT-BTC ngày 13 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật;

Xét Tờ trình số 97/TTr-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc ban hành Nghị quyết Quy định mức chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Cà Mau (sau thẩm tra); Báo cáo thẩm tra số 80/BC-HĐND ngày 26 tháng 6 năm 2023 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết quy định mức chi kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sở Tư pháp.

2. Phòng Tư pháp.

3. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác có nhiệm vụ giúp cơ quan, người có trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa văn bản theo quy định tại khoản 3 Điều 139 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).

4. Các cơ quan, đơn vị, người được giao nhiệm vụ kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản theo chỉ đạo, yêu cầu, kế hoạch.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng

1. Việc tự kiểm tra văn bản, rà soát văn bản theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 09/2023/TT-BTC ngày 13/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (Thông tư số 09/2023/TT-BTC), các cơ quan, đơn vị, địa phương được vận dụng nội dung chi, mức chi theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết này để thực hiện.

2. Đối với đối tượng là các cơ quan khác quy định tại điểm c khoản 3 Điều 139 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, được áp dụng mức chi theo cấp quản lý, cấp nào thì áp dụng mức chi của cấp đó.

3. Đối với các mức chi quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 09/2023/TT-BTC được áp dụng như sau:

a) Trường hợp văn bản viện dẫn giao địa phương quy định chi tiết và địa phương đã ban hành văn bản quy định chi tiết thì áp dụng theo văn bản của địa phương;

b) Trường hợp văn bản viện dẫn không giao địa phương quy định chi tiết thì áp dụng theo văn bản của Trung ương.

Điều 4. Mức chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

1. Chi cho các thành viên tham gia họp, hội thảo, tọa đàm để trao đổi nghiệp vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản; họp xử lý kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo yêu cầu, kế hoạch; họp bàn về kế hoạch kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

a) Chủ trì cuộc họp: 150.000 đồng/người/buổi;

b) Các thành viên tham dự: 100.000 đồng/người/buổi.

2. Chi lấy ý kiến chuyên gia trong trường hợp văn bản được kiểm tra, rà soát thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp hoặc có dấu hiệu trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp và dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát theo chuyên đề, địa bàn, ngành, lĩnh vực; báo cáo tổng rà soát hệ thống văn bản; báo cáo hệ thống hóa văn bản cần phải lấy ý kiến tư vấn của các chuyên gia: 1.000.000 đồng/văn bản được xin ý kiến.

3. Chi soạn thảo, viết báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản theo chuyên đề, địa bàn, ngành, lĩnh vực; báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản định kỳ (05 năm); báo cáo kết quả tổng rà soát hệ thống văn bản; báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hằng năm hoặc báo cáo đột xuất về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản

a) Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh: 6.000.000 đồng/báo cáo;

b) Báo cáo của các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau (Ủy ban nhân dân cấp huyện); báo cáo kết quả của Đoàn kiểm tra liên ngành do Chủ tịch Ủy ban nhân dân dân tỉnh quyết định thành lập: 2.500.000 đồng/báo cáo;

c) Báo cáo của các phòng, ban, ngành cấp huyện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Ủy ban nhân dân cấp xã); báo cáo kết quả của Đoàn kiểm tra liên ngành do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập: 1.300.000 đồng/báo cáo.

4. Chi soạn thảo, viết báo cáo đánh giá về văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp: 300.000 đồng/báo cáo.

5. Chi chỉnh lý các loại dự thảo báo cáo (trừ báo cáo đánh giá về văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp); 600.000 đồng/lần chỉnh lý (một báo cáo được thanh toán không quá 03 (ba) lần chỉnh lý).

6. Chi kiểm tra văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 106 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP

a) Trường hợp kiểm tra văn bản mà không phát hiện dấu hiệu trái pháp luật: 250.000 đồng/văn bản;

b) Trường hợp kiểm tra văn bản mà phát hiện dấu hiệu trái pháp luật: 500.000 đồng/văn bản.

7. Chi rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn; rà soát, hệ thống hóa văn bản để thực hiện hệ thống hóa văn bản định kỳ (05 năm); rà soát văn bản khi thực hiện tổng rà soát hệ thống văn bản theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

a) Đối với văn bản của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh: 200.000 đồng/văn bản;

b) Đối với văn bản của Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện: 150.000 đồng/văn bản;

c) Đối với văn bản của Hội đồng nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã: 100.000 đồng/văn bản.

8. Chi thù lao cộng tác viên kiểm tra văn bản: 200.000 đồng/văn bản.

Đối với văn bản thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp: 500.000 đồng/văn bản.

9. Chi thù lao cộng tác viên rà soát, hệ thống hóa văn bản

a) Đối với văn bản của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh: 250.000 đồng/văn bản;

b) Đối với văn bản của Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện: 200.000 đồng/văn bản;

c) Đối với văn bản của Hội đồng nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã: 150.000 đồng/văn bản.

10. Chi kiểm tra lại kết quả hệ thống hóa văn bản theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP: 150.000 đồng/văn bản.

11. Chi xây dựng hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa

a) Chi rà soát, xác định văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực tại thời điểm kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản để cập nhật, lập hệ cơ sở dữ liệu, làm cơ sở pháp lý phục vụ cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản: 150.000 đồng/văn bản;

b) Chi tổ chức phân loại, xử lý thông tin, tư liệu, tài liệu, văn bản phục vụ cơ sở dữ liệu kiểm tra rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật mà không có mức giá xác định sẵn: 50.000 đồng/văn bản.

Khoản chi này không áp dụng đối với việc thu thập các văn bản quy phạm pháp luật đã được cập nhật trong các hệ cơ sở dữ liệu điện tử của cơ quan, đơn vị hoặc đăng trên Công báo.

12. Chi cho các hoạt động in ấn, chuẩn bị tài liệu, thu thập các văn bản thuộc đối tượng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản; các khoản chi làm đêm, làm thêm giờ, chi văn phòng phẩm thực hiện theo chứng từ chi hợp pháp theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán trước khi thực hiện làm căn cứ quyết toán kinh phí.

Điều 5. Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán

1. Kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản của cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc cấp nào do ngân sách nhà nước cấp đó bảo đảm và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan, đơn vị.

2. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau khóa X, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 07 tháng 7 năm 2023; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2023 và thay thế Nghị quyết số 16/2012/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành mức chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Cà Mau).

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- BTT. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh;
- TT. HĐND, UBND huyện, thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh (đăng Công báo);
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Hải