Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 145/2018/NQ-HĐND

Hưng Yên, ngày 13 tháng 7 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA TỈNH HƯNG YÊN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

Căn cứ Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 165/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công;

Căn cứ Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;

Căn cứ Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

Xét Tờ trình số 79/TTr-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2018 của UBND tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 244/BC-KTNS ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh; ý kiến thảo luận và biểu quyết của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Hưng Yên.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết này nếu gặp vướng mắc phát sinh, Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp, thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 218/2010/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức đơn vị thuộc tỉnh quản lý.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVI, kỳ họp thứ Sáu thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2018./.

 

 

CHỦ TỊCH




Đỗ Xuân Tuyên

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 145/2018/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị quyết này quy định việc phân cấp thẩm quyền quyết định trong việc quản lý, sử dụng tài sản công gồm: Nhà làm việc, công trình sự nghiệp, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc (bao gồm cả quyền sử dụng đất); xe ô tô và phương tiện vận tải khác; máy móc, thiết bị; quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu và tài sản khác theo quy định của pháp luật thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

2. Những nội dung khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công chưa quy định tại Khoản 1, Điều này được thực hiện theo các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị) trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Cơ quan của Đảng là Văn phòng Huyện ủy, Thành ủy (gọi chung là Văn phòng Huyện ủy) trong việc mua sắm và thuê tài sản từ ngân sách nhà nước.

3. Doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Hưng Yên quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 2 Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ (gọi chung là doanh nghiệp) trong việc bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Chương II

THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH MUA SẮM, THUÊ, XỬ LÝ TÀI SẢN CÔNG TẠI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ

Điều 3. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mua sắm tài sản công trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính theo dự toán chi ngân sách hàng năm hoặc dự toán bổ sung được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với:

a) Nhà làm việc, công trình sự nghiệp, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc (bao gồm cả quyền sử dụng đất);

b) Xe ô tô và các phương tiện vận tải khác;

c) Tài sản khác có giá trị [từ 500 triệu đồng trở lên đến dưới 2 tỷ đồng/01 đơn vị tài sản; từ 1 tỷ đồng trở lên đến dưới 10 tỷ đồng/01 gói tài sản (một gói thầu)], trừ trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều này.

d) Đối với các tài sản tại Điểm a; Điểm b và các tài sản có giá trị từ 2 tỷ đồng trở lên/01 đơn vị tài sản, từ 10 tỷ đồng trở lên/01 gói tài sản tại Khoản 1, Điều này; Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định mua sắm sau khi xin ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, Văn phòng Huyện ủy được quyết định mua sắm tài sản không thuộc phạm vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này trong phạm vi dự toán chi ngân sách hàng năm hoặc dự toán bổ sung được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định mua sắm tài sản (trừ trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều này) từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và từ nguồn vốn vay, vốn huy động theo chế độ quy định để phục vụ cho các hoạt động sự nghiệp và hoạt động kinh doanh của đơn vị.

4. Mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung: Đối với việc mua sắm các loại tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung thực hiện theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Đối với các chương trình, dự án thì thực hiện mua sắm theo quy định Nhà nước về chương trình, dự án đó.

Điều 4. Thẩm quyền quyết định thuê tài sản công

1. Thuê tài sản là nhà làm việc, công trình sự nghiệp, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc (bao gồm cả quyền sử dụng đất):

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thuê đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp tỉnh quản lý trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của Sở Tài chính;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thuê đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện quản lý và Văn phòng Huyện ủy trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của cơ quan tài chính cấp huyện;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thuê đối với các đơn vị thuộc cấp xã quản lý.

2. Thuê tài sản khác (trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này):

a) Trường hợp thuê tài sản phải chi trả bằng nguồn kinh phí ngoài định mức chi thường xuyên (ngoài kinh phí khoán chi) của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của ngân sách cấp nào thì do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp đó quyết định theo đề nghị của cơ quan tài chính cùng cấp;

b) Trường hợp thuê tài sản được chi trả bằng nguồn kinh phí trong định mức chi thường xuyên (kinh phí khoán chi) của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì do thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định phù hợp với tiêu chuẩn, định mức, chế độ hiện hành.

3. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư quyết định thuê tài sản từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khấu hao tài sản và từ nguồn vốn vay, vốn huy động theo chế độ quy định để phục vụ cho các hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của đơn vị.

4. Giá thuê tài sản được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thuê và được cấp có thẩm quyền quyết định thuê tài sản công quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều này phê duyệt giá.

Điều 5. Thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi tài sản công đối với tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính, gồm: Nhà làm việc, công trình sự nghiệp, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc (bao gồm cả quyền sử dụng đất); xe ô tô và các phương tiện vận tải khác.

2. Giám đốc Sở Tài chính quyết định thu hồi tài sản công (trừ những tài sản được quy định tại Khoản 1 Điều này):

a) Tài sản có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng trở lên cho 1 đơn vị tài sản, từ 1 tỷ đồng trở lên cho 01 gói tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

b) Tài sản có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 500 triệu đồng cho 1 đơn vị tài sản, dưới 1 tỷ đồng cho 01 gói tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc dự toán ngân sách cấp tỉnh (cơ quan, tổ chức, đơn vị là đơn vị dự toán ngân sách cấp 1).

c) Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phát hiện tài sản bị sử dụng sai mục đích, sai chế độ nhà nước quy định nhưng không được cơ quan có thẩm quyền xử lý.

3. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi tài sản công (trừ những tài sản được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này) tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Điều 6. Thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản công

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chuyển tài sản là nhà làm việc, công trình sự nghiệp, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc (bao gồm cả quyền sử dụng đất); xe ô tô và phương tiện vận tải khác giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính.

2. Giám đốc Sở Tài chính quyết định điều chuyển tài sản công (Không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này):

a) Tài sản có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng trở lên cho 01 đơn vị tài sản, từ 1 tỷ đồng trở lên cho 01 gói tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

b) Tài sản có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 500 triệu đồng cho 01 đơn vị tài sản, dưới 1 tỷ đồng cho 01 gói tài sản từ cơ quan, tổ chức, đơn vị này sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác (của các cơ quan, tổ chức, đơn vị là đơn vị dự toán ngân sách cấp 1).

3. Đối với tài sản khác (không thuộc quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này) thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp nào quyết định đầu tư, mua sắm thì cấp đó quyết định điều chuyển trong phạm vi nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Điều 7. Thẩm quyền quyết định bán tài sản công

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bán tài sản công sau khi xin ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực HĐND tỉnh đối với tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và thủ trưởng các cơ quan liên quan đối với:

a) Nhà làm việc, công trình sự nghiệp, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc (bao gồm cả quyền sử dụng đất).

b) Xe ô tô và các phương tiện vận tải khác.

2. Giám đốc Sở Tài chính quyết định bán các tài sản công (ngoài tài sản quy định tại Khoản 1 và Khoản 4, Điều này) có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng trở lên cho 1 đơn vị tài sản; từ 1 tỷ đồng trở lên cho 01 lần bán tài sản.

3. Đối với tài sản khác (ngoài tài sản đã quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều này) của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp nào quyết định đầu tư, mua sắm thì cấp đó quyết định bán, chuyển nhượng.

4. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định bán tài sản được hình thành từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hoặc từ nguồn vốn vay, vốn huy động theo quy định (trừ cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô).

Điều 8. Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thanh lý tài sản công sau khi xin ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực HĐND tỉnh đối với tài sản là nhà làm việc, công trình sự nghiệp, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc (bao gồm cả quyền sử dụng đất) có nguyên giá từ 1 tỷ đồng trở lên cho 1 đơn vị tài sản theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính.

2. Giám đốc Sở Tài chính quyết định thanh lý các loại tài sản theo đề nghị của Thủ trưởng các cơ quan liên quan:

a) Nhà làm việc, công trình sự nghiệp, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc (không bao gồm cả quyền sử dụng đất) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 200 triệu đồng trở lên đến dưới 1 tỷ đồng cho 1 đơn vị tài sản;

b) Xe ô tô và các phương tiện vận tải khác;

c) Các tài sản khác của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng trở lên cho 1 đơn vị tài sản; từ 1 tỷ đồng trở lên cho 01 lần thanh lý tài sản.

3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thanh lý:

a) Nhà làm việc, công trình sự nghiệp, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc (không bao gồm cả quyền sử dụng đất) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 200 triệu đồng cho 1 đơn vị tài sản.

b) Các tài sản khác của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản; từ 500 triệu đồng dưới 1 tỷ đồng cho 01 lần thanh lý tài sản.

4. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh, trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, thủ trưởng các tổ chức cấp huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thanh lý những tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 100 triệu đồng cho 1 đơn vị tài sản; dưới 500 triệu đồng cho 01 lần thanh lý tài sản.

5. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định thanh lý các tài sản khác của đơn vị (trừ trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều này) có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 500 triệu đồng cho 1 đơn vị tài sản; dưới 1 tỷ đồng cho 01 lần thanh lý tài sản.

Điều 9. Thẩm quyền tiêu hủy tài sản công

1. Đối với tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tiêu hủy: cơ quan nào có thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm thì cơ quan đó ra quyết định tiêu hủy.

2. Đối với tài sản bị tịch thu phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật thì thực hiện theo các văn bản pháp luật chuyên ngành và các văn bản quy định có liên quan.

Điều 10. Thẩm quyền xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xử lý tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính và thủ trưởng các cơ quan liên quan. Gồm:

a) Nhà làm việc, công trình sự nghiệp, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc (bao gồm cả quyền sử dụng đất).

b) Xe ô tô và các phương tiện vận tải khác.

2. Giám đốc Sở Tài chính quyết định xử lý các tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại (trừ tài sản quy định tại Khoản 1, Điều này) có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng cho 1 đơn vị tài sản, từ 1 tỷ đồng trở lên cho 01 lần xử lý tài sản.

3. Đối với tài sản khác (ngoài tài sản đã quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều này) của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp nào quyết định đầu tư, mua sắm thì cấp đó quyết định xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại theo quy định.

Chương III

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG CỦA DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC; TÀI SẢN NHÀ ĐẤT CỦA DOANH NGHIỆP

Điều 11. Thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản công phục vụ dự án sử dụng vốn nhà nước

Thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản công phục vụ dự án sử dụng vốn nhà nước do tỉnh quản lý, gồm: điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy, xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại thực hiện theo quy định tại Chương II Quy định này.

Điều 12. Thẩm quyền quyết định bán, chuyển nhượng tài sản nhà đất của doanh nghiệp

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính đối với nhà đất của doanh nghiệp quy định tại Khoản 2, Điều 2 Quy định này.