Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14d/NQ-HĐND

Huế, ngày 23 tháng 7 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN XÂY DỰNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị và Thông tư số 34/2009/TT-BXD, ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 42/2009/NĐ-CP;

Quán triệt Kết luận số 48-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Bộ Chính trị (khoá X) về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020; Quyết định số 86/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3053/TTr-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế ngân sách và ý kiến thảo luận của các đại biểu,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành và thông qua Đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với các nội dung chủ yếu như sau:

I. Mục tiêu:

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - trung tâm của khu vực miền Trung và là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch; khoa học-công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trước năm 2015. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

II. Nội dung:

1. Phương hướng xây dựng và phát triển đô thị Thừa Thiên Huế

a) Tầm nhìn

- Trước năm 2015: Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời là trung tâm của khu vực miền Trung, cực phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

- Tới 2025: Phát triển thành phố với cấu trúc đô thị sinh thái hoàn chỉnh - xứng tầm là đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, y tế, đào tạo lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

- Sau 2025: Đô thị Thừa Thiên Huế hoàn chỉnh theo các chương trình và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, trở thành thành phố “đô thị sinh thái, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường” phát triển năng động của khu vực; đồng thời là thành phố Festival và du lịch đặc sắc, hấp dẫn trên thế giới.

b) Quan điểm

Xây dựng Thừa Thiên Huế theo “mô hình chùm đô thị, đa trung tâm”, bao gồm “đô thị thành phố trung tâm và các đô thị vệ tinh”, trong đó thành phố Huế hiện nay sẽ là đô thị hạt nhân để thúc đẩy đưa toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Mô hình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế

Trên cơ sở phân tích các mô hình đô thị trên thế giới, mô hình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế được xác định trên cơ sở phát huy những nét đặc trưng của một “đô thị sinh thái cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”.

a) Phương án mở rộng đô thị Thừa Thiên Huế

Vùng đô thị hóa tập trung bao gồm thành phố Huế với các đô thị vệ tinh như: Hương Trà, Hương Thủy, Thuận An và đô thị Chân Mây - Lăng Cô; là vùng động lực chính, là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội trên toàn tỉnh. Các tuyến giao thông chính sẽ kết nối vùng đô thị trung tâm (thành phố Huế) với các đô thị vệ tinh (các thị trấn: Phong Điền, Sịa, Phú Đa, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông) và các đô thị khác.

Các huyện ngoại thị của đô thị Thừa Thiên Huế bao gồm: Phong Điền, Quảng Điền, Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phú Vang.

Bên cạnh đó, định hướng phát triển tập trung trên cơ sở phát huy hai nguồn tài nguyên nổi trội, đó là tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên lịch sử - văn hóa - nhân văn - kiến trúc. Phát triển đô thị Thừa Thiên Huế thành thành phố sinh thái, cảnh quan.

b) Mô hình phát triển đô thị

Thành phố trung tâm gồm các quận, huyện, đô thị vệ tinh. Thành phố trung tâm khoảng 229,5 km2, bao gồm:

Thành phố Huế hiện hữu (qui mô: 71,0 km2) và phần mở rộng thành phố trung tâm: nội thị của thị xã Hương Thủy (83,0 km2), thị xã Hương Trà (30,05 km2) và thị trấn Bình Điền (khoảng 15 km2), thị xã Thuận An (khoảng 30 km2). Dự kiến khu vực nội thị mở rộng sẽ trở thành quận của thành phố tương lai. Quy mô dân số của đô thị trung tâm dự kiến đến 2015 là 47,5 vạn; đến 2025 là 61,0 vạn. Các đô thị vệ tinh đến 2015 là 13,2 vạn; đến 2025 là 27 vạn.

3. Chương trình phát triển đô thị (2010- 2015)

a) Các chương trình trọng điểm:

- Chương trình nâng cấp và phát triển đô thị, trọng tâm là đô thị Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị xã Thuận An;

- Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai;

- Chương trình xây dựng và phát triển khu kinh tế, đô thị Chân Mây- Lăng Cô;

- Chương trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội;

- Chương trình giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực;

- Chương trình phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao.

- Chương trình xây dựng mạng lưới hạ tầng chính (giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước) kết nối mạng lưới đô thị thành phố trung tâm với các đô thị vệ tinh độc lập phía Nam và các đô thị vệ tinh phụ thuộc phía Bắc...

b) Các nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2015:

Ngoài các giải pháp phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế xã hội cần tập trung đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực đạt thấp so với tiêu chí đô thị loại I (hiện nay mới đạt khoảng 65 điểm, phải phấn đấu đạt tối thiếu 80 điểm), bao gồm các nhiệm vụ sau:

- Tập trung rà soát các quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch xây dựng đô thị như điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh theo định hướng phát triển đô thị toàn tỉnh, quy hoạch chung xây dựng thị trấn Thuận An theo hướng mở rộng đạt chuẩn đô thị loại IV, quy hoạch chung xây dựng các thị trấn mới: Bình Điền, Thanh Hà, Vinh Thanh, A Đớt, Hồng Vân, La Sơn, An Lỗ, Phong Mỹ, Điền Hải... tập trung công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010-2015 toàn tỉnh và các địa phương.

- Huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống đô thị vệ tinh nhất là các đô thị Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền..., đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị ở thành phố Huế nhất là các dự án xử lý nước thải, các dự án chỉnh trang đô thị, các dự án đầu tư khu đô thị mới ở khu quy hoạch An Vân Dương, nâng cao chất lượng đô thị hóa trên toàn tỉnh, đầu tư phát triển các khu cụm đô thị mới. Phát triển các cơ sở hạ tầng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở sinh viên, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, xây dựng mới các khu tái định cư, khu dân cư tập trung ở các đô thị...

- Phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, tăng cường kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh với quy mô lớn; đồng thời tập trung các giải pháp cải cách hành chính, giải quyết mọi chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp trên các lĩnh vực, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm huy động tối đa tổng mức đầu tư toàn xã hội để phát triển kinh tế - xã hội.

- Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ nguồn lực của trung ương, huy động cao nhất nguồn lực trong và ngoài nước như các nguồn vốn ODA, NGO... để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật như giao thông bằng nhiều hình thức (BT, BOT, BOO...), đặc biệt là giao thông đối ngoại, giao thông kết nối các đô thị vệ tinh, kết nội đô thị miền núi Nam Đông, A Lưới và thành phố Huế.

- Ưu tiên đầu tư hạ tầng cấp nước cho các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, đầu tư hệ thống xử lý nước thải đô thị ở các đô thị vệ tinh, phát triển hạ tầng cấp điện, thông tin liên lạc...

- Tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn toàn diện, thực hiện quy hoạch và xây dựng nông thôn mới, tăng cường công tác đào tạo nghề trong nông thôn, tạo tiền đề chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn sang lao động phi nông nghiệp trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu sản xuất và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, công nghiệp.

- Thực hiện kế hoạch triển khai Quyết định 1955/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 nhằm đẩy nhanh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững, nâng cao các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở khu vực nông thôn.

- Triển khai thực hiện Quyết định 818/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Đề án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020 nhằm phát huy tối đa giá trị văn hóa Huế và di sản cố đô Huế góp phần xây dựng Huế thực sự là thành phố Festival đặc trưng - một trung lớn đặc sắc của cả nước về văn hóa và du lịch.

4. Lộ trình thực hiện

a) Lập Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (hoàn thành trong tháng 7 năm 2010) để trình Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để tổ chức thực hiện.

b) Lập chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2010- 2015 (2010 - 2012, 2013- 2015) và sau 2015 trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để triển khai thực hiện.

c) Điều chỉnh Qui hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2025 theo định hướng xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.

d) Lập Đề án tổng thể phân loại đô thị Thừa Thiên Huế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương (trong năm 2012- 2013) trình Chính phủ phê duyệt.

e) Lập Đề án đề nghị công nhận toàn tỉnh Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc trung ương, trình Chính phủ thông qua (vào cuối 2013) để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định trong năm 2014.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân tỉnh khóa V, kỳ họp thứ 14 thông qua.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện