Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2004/NQ-HĐVIII

Phan Thiết, ngày 13 tháng 12 năm 2004

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHOÁ VIII, KỲ HỌP THỨ 3

(Từ ngày 07/12/2C04 đến ngày 10/12/2004)

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHẾ ĐỘ THU NỘP VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI NƯỚC THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ về Phí bảo vệ môi trường;

- Căn cứ Thông tư Liên tịch số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT ngày 18/12/2003 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003;

- Sau khi xem xét tờ trình của UBND tỉnh về việc đề nghị ban hành quy định về chế độ thu nộp và quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

HĐND tỉnh nhất trí thông qua tờ trình của UBND tỉnh về về chế độ thu nộp và quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo nhũng nội dung chủ yếu sau:

I - Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh:

1 -Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt thải ra môi trường gồm:

- Hộ gia đình;

- Cơ quan nhà nước;

- Đơn vị vũ trang nhân dân bao gồm các lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng..;

-Trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng của các tổ chức, cá nhân;

- Các cơ sở rửa ô tô, xe máy;

- Bệnh viện, Trung tâm y tế, Phòng khám chữa bệnh; Nhà hàng, khách sạn; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác;

- Các đối tượng khác có nước thải không thuộc đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Mục I Thông tư Liên tịch số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT ngày 18/12/2003 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2- Đối tượng không chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt thải ra môi trường gồm:

- Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội;

- Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch do Công ty cấp thoát nước, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn hoặc các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh cung cấp nước sạch;

- Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình ở các xã thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa và các xã không thuộc đô thị loại III, IV và V theo quy định tại Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 của Chính phủ về phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị.

II- Mức thu phí:

1- Đối với các đối tượng có sử dụng nước sạch (có đồng hồ nước) do Công ty cấp thoát nước, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn hoặc các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh cung cấp nước sạch, thì số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được xác định như sau:

Số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt phải nộp hàng tháng hàng tháng

=

Chỉ số tiêu thụ nước sinh hoạt hàng tháng

x

100 đồng/m3

2- Đối với tổ chức, hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở trong vùng có nước sinh hoạt do Công ty cấp thoát nước, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn hoặc các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh cung cấp nước sạch nhưng không sử dụng nước của Công ty cấp thoát nước, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn hoặc các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh cung cấp nước sạch mà tự khai thác nước giếng, nước ngầm.... để sử dụng thuộc đối tượng phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt do UBND xã, phường, thị trấn thu, thì số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt đươc xác định như sau:

Số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt phải nộp hàng tháng

=

Số nhân khẩu thường trú tại hộ (đối với gia đình) hoặc số lao động (đối với tổ chức)

x

Lượng nước khoán sử dụng bình quân 3m3/người/tháng

x

100 đồng/m3

Trong đó: 100đ/m3 là mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.

III- Quản lý và sử dụng tiền thu phí:

Phí bảo vệ môi trường (đối với nước thải sinh hoạt là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước được quản lý, sử dụng như sau:

1- Phần tỷ lệ phần trăm (%) tiền phí trích để lại cho các đơn vị thu nhằm trang trải cho chi phí phục vụ công tác thu:

- Đối với Công ty cấp thoát nước và Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn hoặc các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh cung cấp nước sạch: được để lại 10% trên tổng số phí thu được.

- Đối với UBND xã, phường, thị trấn: được để lại 15% trên tổng số phí thu được.

2- Phần tiền phí còn lại nộp Ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước được quy thành 100% và điều tiết cho ngân sách các cấp như sau:

+ Ngân sách trung ương: 50%

+ Ngân sách địa phương: 50%

Trong đó:

- Số tiền phí do Công ty cấp thoát nước và Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn hoặc các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh cung cấp nước sạch thu được điều tiết cho ngân sách tỉnh 100%.

- Số tiền phí do UBND xã, phường, thị trấn thu được điều tiết 100% cho ngân sách xã, phường, thị trấn để sử dụng cho việc bảo vệ môi trường trên địa bàn (phòng ngừa, khắc phục và xử lý ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường), đầu tư mới, nạo vét cống rãnh, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước tại địa phương.

IV- Tổ chức thực hiện:

1 - Tổ chức, cá nhân xả nước thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, vi phạm tiêu chuẩn môi trường Việt Nam bị xử phạt theo quy định của pháp luật và phải nộp phí bảo vệ môi trường .

2- Các khiếu nại tố cáo và việc giải quyết khiếu nại tố cáo về thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về phí, lệ phí.

3- Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2005.

4- Giao trách nhiệm cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này .

(Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Bình Thuận khoá VIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 10/12/2004)./.

 

 

TM. HĐND TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Văn Tí