HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2011/NQ-HĐND | Thừa Thiên Huế, ngày 09 tháng 12 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2012
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VI, KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 11/2011/QH13 ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012;
Quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012;
Sau khi xem xét tờ trình và báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 do Ủy ban nhân dân tỉnh trình, đồng thời nhấn mạnh:
Năm 2012 là năm bản lề tiến đến thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Nhằm huy động tổng lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo bước đột phá trong phát triển đô thị, năm 2012 tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
I. Mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu
1. Mục tiêu
Năm 2012 là “Năm đô thị“. Tập trung tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo chuyển biến căn bản diện mạo đô thị Huế và các đô thị vệ tinh. Duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý với yêu cầu chất lượng cao; bảo đảm các chính sách an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; phát triển mạnh các lĩnh vực văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, xứng tầm là trung tâm của cả nước; tạo bước đột phá trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Các chỉ tiêu cụ thể:
- Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 12,2 - 12,5%, trong đó:
+ Các ngành dịch vụ tăng trên 13%;
+ Công nghiệp - xây dựng tăng 14,5 - 15%;
+ Nông - lâm - ngư nghiệp tăng 2,3 - 2,5%.
- Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người (GDP): 1.500 USD.
- Giá trị xuất khẩu hàng hoá: 400 triệu USD.
- Tổng đầu tư toàn xã hội: 13.500 tỷ đồng.
- Thu ngân sách nhà nước 5.062,6 tỷ đồng.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh 0,2‰, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,12%
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,5 - 8% (theo chuẩn thời kỳ 2011 - 2015).
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 15,3%.
- Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề: 48%.
- Tạo việc làm mới: 16.600 người.
- Tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước sạch: 58%.
- Trồng 4.500 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng: 57,1%.
- Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom: 85%.
II. Các chương trình trọng điểm
Tiếp tục thực hiện 8 chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, trong đó ưu tiên 4 chương trình trọng điểm sau đây:
- Chương trình nâng cấp và phát triển đô thị, trọng tâm là thành phố Huế, đô thị Thuận An, Hương Thủy, Hương Trà, thị trấn Sịa, cửa ngõ phía Bắc (thị trấn Phong Điền).
- Chương trình phát triển du lịch.
- Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.
- Chương trình xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
- Các dự án và công trình trọng điểm
- Triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cấp quy hoạch chung thành phố Huế.
- Hoàn thành cầu đường bộ qua sông Hương, hệ thống giao thông khu A, B của khu đô thị An Vân Dương; chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc tỉnh (thị trấn Phong Điền) và dọc Quốc lộ 1A; chỉnh trang đường Điện Biên Phủ,... cửa ngõ phía Bắc và phía Nam Thành phố Huế.
- Trùng tu di tích (giải tỏa lấn chiếm thượng thành và xây dựng chung cư).
- Hoàn thành Bệnh viện Đa khoa phía Bắc.
- Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế.
- Hoàn thành Khu Du lịch Laguna Huế (giai đoạn 1), xi măng Đồng Lâm.
- Khởi công dự án Khu nhà ở An Đông.
IV. Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
1. Ổn định kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1792/CT- TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư công. Tiếp tục rà soát quy mô, tiến độ đầu tư của các dự án để có kế hoạch điều chuyển kịp thời vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách. Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu; nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai nộp thuế qua mạng. Thực hiện nghiêm các quy định về đấu giá tài sản công; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng. Tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường. Khuyến khích sử dụng hàng sản xuất trong nước.
2. Quản lý quy hoạch, huy động và quản lý các nguồn vốn đầu tư. Tiếp tục hoàn thành các dự án quy hoạch thuộc đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương (quy hoạch chung các đô thị Bình Điền, La Sơn, Vinh Thanh, An Lỗ, Thanh Hà, Điền Lộc,...; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các thị trấn huyện lỵ: Phú Lộc, Phong Điền, Sịa, Khe Tre). Công khai các quy hoạch được phê duyệt; tổ chức thực hiện theo quy hoạch, nhất là quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc và vệ sinh môi trường đô thị.
Tập trung chỉ đạo các chương trình, dự án trọng điểm; huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Thừa Thiên Huế; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tạo vốn từ quỹ đất. Thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn ODA, FDI và các nguồn vốn trong nước. Rà soát, thu hồi hoặc chuyển những dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc chủ đầu tư không đủ năng lực cho chủ đầu tư mới có năng lực.
3. Khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh của vùng đất văn hóa, di sản để phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ.
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, biển và đầm phá. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá để giới thiệu hình ảnh Huế, văn hóa Huế với các đặc trưng về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường an toàn, thân thiện.
Mở rộng liên kết với các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh Duyên hải Bắc Trung Bộ, các tỉnh trên tuyến “Con đường di sản miền Trung”; đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây để thực hiện có hiệu quả chương trình “Ba quốc gia một điểm đến” nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh trùng tu di tích khu vực Đại Nội và một số di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng quan trọng.
Tổ chức thành công Năm du lịch quốc gia tại Huế và Festival Huế 2012 nhằm quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa, khẳng định vị thế trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục phổ thông. Củng cố và phát triển mạng lưới giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng tạo cơ hội cho người lao động được đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn định kỳ và thường xuyên.
Tiếp tục chuẩn hóa cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề theo hướng đầu tư nghề trọng điểm; ưu tiên đầu tư các trường phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp, các trung tâm dạy nghề cấp huyện.
Thực hiện xã hội hoá đầu tư cho khoa học công nghệ, trong đó chú trọng hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Hợp tác chặt chẽ với Đại học Huế và các tổ chức khoa học công nghệ của Trung ương trên địa bàn.
5. Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh và tiếp cận vốn, đất đai; khuyến khích tiết kiệm, giảm chi phí, phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Định kỳ tổ chức gặp mặt doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh, các ngành liên quan. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước.
Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và phát triển thị trường mới... Ưu tiên, hỗ trợ cho các dự án dịch vụ du lịch. Khuyến khích phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản và thị trường.
Khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu. Hỗ trợ khai thông thị trường các sản phẩm chủ lực như bia, xi măng, dệt may, du lịch... Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với các lễ hội lớn.
6. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính năm 2012. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước. Kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là quản lý chính quyền đô thị. Hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý trên địa bàn.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến hành phổ biến, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết này theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.
Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, quân và dân trong tỉnh nêu cao tinh thần làm chủ, đoàn kết, nhất trí, phát huy những kết quả đạt được, huy động mọi nguồn lực, tận dụng thời cơ thuận lợi, tạo chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ trên các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ kế hoạch năm 2012, tạo tiền đề hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VI, kỳ họp thứ 3 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Nghị quyết 22/NQ-HĐND năm 2011 về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 2 Nghị quyết 17/2011/NQ-HĐND về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 do Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XV, kỳ họp thứ 2 ban hành
- 3 Nghị quyết 33/2011/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 do Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII, kỳ họp thứ 3 ban hành
- 4 Nghị quyết 11/2011/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 do Quốc hội ban hành
- 5 Chỉ thị 1792/CT-TTg năm 2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Nghị quyết 22/NQ-HĐND năm 2011 về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 2 Nghị quyết 33/2011/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 do Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII, kỳ họp thứ 3 ban hành
- 3 Nghị quyết 17/2011/NQ-HĐND về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 do Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XV, kỳ họp thứ 2 ban hành