Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2017/NQ-HĐND

Sóc Trăng, ngày 07 tháng 07 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH NỘI DUNG, MỨC CHI BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THI HÀNH PHÁP LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Thông tư số 19/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 02 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý Nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính;

Xét Tờ trình số 33/TTr-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc Quy định nội dung, mức chi bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Quy định nội dung, mức chi bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, cụ thể như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh

Quy định nội dung, mức chi bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

b) Đối tượng áp dụng

Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

2. Nội dung chi

Thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Thông tư số 19/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 02 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

3. Mức chi cụ thể

a) Chi công tác phí cho những người thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính; chi sơ kết, tổng kết tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức Hội nghị đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

b) Chi điều tra, khảo sát, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính; chi hoạt động thống kê về xử lý vi phạm hành chính theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Thực hiện theo quy định hiện hành về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia.

c) Chi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Báo cáo theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

- Chi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

- Chi báo cáo theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

+ Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo chuyên đề: Mức chi 5.000.000 đồng/báo cáo.

+ Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật đột xuất: Mức chi 3.000.000 đồng/báo cáo.

+ Báo cáo tổng hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính do Sở Tư pháp chủ trì xây dựng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Tư pháp: Mức chi 3.400.000 đồng/báo cáo.

+ Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính do các sở, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp, xây dựng gửi Sở Tư pháp: Mức chi 1.700.000 đồng/báo cáo.

+ Báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính do Ủy ban nhân dân cấp xã; các phòng, ban, ngành cấp huyện chủ trì xây dựng gửi Phòng Tư pháp: Mức chi 900.000 đồng/báo cáo.

d) Chi cho công tác hệ thống hóa, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Thực hiện theo Nghị quyết số 25/2011/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

đ) Chi cho công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; chi tổ chức cuộc thi, hội thi công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Thực hiện theo Nghị quyết số 05/2014/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

e) Chi cho công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Thực hiện theo Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và các quy định hiện hành.

g) Chi tổ chức các cuộc họp, Hội nghị, Hội thảo, tọa đàm trao đổi nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính

- Người chủ trì: Mức chi 150.000 đồng/người.

- Các thành viên tham dự: Mức chi 100.000 đồng/người.

- Ý kiến tham luận bằng văn bản của thành viên tham dự: Mức chi 200.000 đồng/văn bản.

- Đối với các nội dung khác có liên quan không quy định tại Nghị quyết này thực hiện theo quy định hiện hành.

h) Chi tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ cho những người làm công tác theo dõi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

i) Chi tổ chức nghiên cứu khoa học về theo dõi thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước.

k) Chi khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Thực hiện theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.

l) Chi xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính.

Thực hiện theo Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn theo quy định hiện hành.

m) Chi mua sắm, thuê trang thiết bị phục vụ cho quản lý công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức quy định tại Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập.

n) Chi công bố kết quả xử lý hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện theo định mức, đơn giá của các ngành có công việc tương tự và theo chứng từ chi thực tế hợp pháp và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện.

o) Chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng: Mức chi là 500.000 đồng/hồ sơ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể về thẩm quyền và cách thức xác định các hồ sơ phức tạp nêu trên.

p) Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính (nếu có), theo hóa đơn, chứng từ chi thực tế hợp pháp, hợp lệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong dự toán ngân sách hàng năm.

Điều 2.

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng Khóa IX, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 07 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 17 tháng 7 năm 2017./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu;
- Văn phòng Quốc hội (bộ phận phía Nam);
- Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các Bộ: Tư pháp, Tài chính;
- TT. TU, TT. HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Sóc Trăng;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- TT. HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố;
- TT. HĐND, UBND xã, phường, thị trấn;
- Công báo tỉnh;
- HTĐT: phongkiemtravanban2012@gmail.com;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Lâm Văn Mẫn