Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16/2000/NQ-CP

Hà Nội , ngày 18 tháng 10 năm 2000

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TINH GIẢN BIÊN CHẾ TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) "Một số vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách Nhà nước", trong hai ngày 29 và 30 tháng 3 năm 2000, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất về việc thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp từ nay đến hết năm 2002 như sau:

I. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC VÀ ĐỐI TƯỢNG TINH GIẢN BIÊN CHẾ

1. Mục tiêu tinh giản biên chế

a. Mục tiêu tổng quát

Tinh giản biên chế được tiến hành cùng với việc rà soát, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy, làm tiền đề cho việc đổi mới căn bản hệ thống hành chính Nhà nước trong thời gian tới.

b. Mục tiêu cụ thể

Từ nay đến hết năm 2002, phấn đấu giảm khoảng 15% biên chế trong các cơ quan hành chính Nhà nước và biên chế gián tiếp trong các đơn vị sự nghiệp.

2. Nguyên tắc tinh giản biên chế

a. Bảo đảm hoàn thành các chức năng, nhiệm vụ được giao trên cơ sở sắp xếp bố trí hợp lý lại lao động trong cơ quan, đơn vị để nâng cao năng suất lao động và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.

b. Trên cơ sở rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế quản lý của từng cơ quan, đơn vị để sắp xếp tổ chức hợp lý và phân định rõ biên chế trong các cơ quan hành chính với biên chế trong các đơn vị sự nghiệp, kinh tế, dịch vụ công; có kế hoạch giảm biên chế phù hợp cho từng loại tổ chức; không quy định tỷ lệ giảm biên chế bình quân như nhau, không tiến hành giảm biên chế một cách nhất loạt, máy móc, cào bằng.

c. Biên chế của từng cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương phải được dựa trên cơ sở xác định nội dung, khối lượng công việc cụ thể và tiêu chuẩn chức danh, cơ cấu cán bộ, công chức hợp lý; có cơ chế thích hợp để bố trí kinh phí cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị thay cho việc cấp kinh phí theo số người trong biên chế hiện nay.

d. Bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ theo đúng quy định của pháp luật.

đ. Bảo đảm thực hiện tốt việc tinh giản biên chế mà không gây ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, đời sống cán bộ, công chức, viên chức.

3. Phạm vi tinh giản biên chế

Tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính Nhà nước, biên chế gián tiếp trong các đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến cấp huyện (gồm cả công chức làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an). Việc tinh giản biên chế gián tiếp trong các doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện trong đề án sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Chính phủ.

4. Đối tượng giảm biên chế

Các đối tượng giảm biên chế (trừ những người nghỉ hưu theo quy định hiện hành), bao gồm:

a. Những người trong diện phải sắp xếp sau khi rà soát chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp lại tổ chức.

b. Những người không thường xuyên bảo đảm chất lượng và thời gian lao động quy định đối với công việc được giao do năng lực lãnh đạo, quản lý và chuyên môn nghiệp vụ yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật kém.

c. Những người không đủ sức khoẻ để làm việc.

d. Những người dôi ra do việc điều chỉnh cơ cấu công chức, viên chức ở bộ phận phục vụ.

đ. Những người được cơ quan có thẩm qyền quản lý công chức điều độ sang tổ chức không sử dụng biên chế, ngân sách nhà nước.

II. VỀ NỘI DUNG, GIẢI PHÁP VÀ CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN TINH GIẢN BIÊN CHẾ

1. Tiến hành việc rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy

a. Đối với các cơ quan hành chính Nhà nước

Việc rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện theo nguyên tắc và nội dung quy định tại các mục 2, 3 và 5 phần I Quyết định số 207/1999/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII).

Khi sắp xếp tổ chức phải xác định rõ những tổ chức cần duy trì và củng cố, những tổ chức cần sáp nhập, hợp nhất hay giải thể. Tập trung vào việc tinh giản đầu mối cơ cấu bên trong của các Tổng cục, Vụ, Cục, Sở, Ban, Phòng có chức năng, nhiệm vụ chồng chéo.

b. Đối với các đơn vị sự nghiệp

Căn cứ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế tài chính, đối tượng được thụ hưởng sản phẩm và tình hình hoạt động thực tế của các đơn vị sự nghiệp, xác định và phân loại các đơn vị sự nghiệp (giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, kinh tế, văn hoá - thông tin, thể dục - thể thao) thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương cần duy trì, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi cơ chế hoạt động.

2. Sắp xếp sử dụng biên chế

a. Căn cứ vào cơ cấu tổ chức đã được sắp xếp và tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức do Nhà nước ban hành, xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức đối với từng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Khi xây dựng cơ cấu và số lượng cán bộ, công chức, viên chức cần xem xét các yếu tố ảnh hưởng:

- Khối lượng công việc mà tổ chức phải thực hiện;

- Mức độ phức tạp của công việc;

- Tầm quan trọng công việc;

- Phạm vi tác động quản lý;

- Đặc điểm của đối tượng quản lý;

- Việc hiện đại hoá công sở, phương tiện điều kiện làm việc để nâng cao năng suất lao động của cán bộ, công chức, viên chức;

- Kinh nghiệm và thực tế tổ chức chỉ đạo thực hiện.

b. Sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức phải căn cứ tiêu chuẩn, nghiệp vụ các ngạch công chức, viên chức do Nhà nước ban hành gắn với việc đánh giá trình độ, năng lực và kết quả công tác của từng người.

Lựa chọn những người có năng lực, phẩm chất giữ lại làm việc lâu dài, ổn định để đảm bảo chất lượng hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Đối với những người thuộc đối tượng giảm biên chế được sắp xếp theo các nhóm sau:

- Nhóm 1: những người làm việc trong các bộ phận phục vụ, dịch vụ cần được tổ chức lại để chuyển sang áp dụng chế độ hợp đồng thay cho việc tuyển người vào biên chế.

- Nhóm 2: Những người có thể chuyển đến làm việc trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc loại hình bán công theo Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao và các đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ tự trang trải một phần kinh phí;

- Nhóm 3: những người do sắp xếp cần bố trí nghỉ hưu trước tuổi;

- Nhóm 4: những người có hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ và những người có chuyên môn không phù hợp với công việc mà tuổi đời còn trẻ, thì tạo điều kiện cho đi học nghề để tìm việc làm mới;

Nhóm 5: những người không thuộc các nhóm trên thì giải quyết thôi việc (kể cả những người chuyển đến làm việc tại các cơ sở dân lập, tư nhân theo Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ).

3. Về các giải pháp tinh giản biên chế

a. Trong khi triển khai Quyết định số 207/1999/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, đơn vị không lập thêm tổ chức mới. Trường hợp thật cần thiết, được cấp có thẩm quyền cho phép thành lập tổ chức mới thì biên chế của tổ chức mới (trừ sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế) do cơ quan, đơn vị tự điều chỉnh trong phạm vi biên chế được giao.

b. Ưu tiên và tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức trong diện sắp xếp chuyển sang các tổ chức khác không sử dụng biên chế và kinh phí hành chính từ ngân sách nhà nước.

c. Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức có tuổi đời dưới 45 tuổi, nếu có hạn chế về trình độ chuyên môn hoặc không phù hợp với nhiệm vụ đang đảm nhận thì được đi học để chuyển đổi nghề.

d. Thực hiện nghiêm chỉnh việc nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định hiện hành. Việc tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức thay thế những người nghỉ hưu chỉ thực hiện sau khi Chính phủ phê duyệt đề án tinh giản biên chế của các Bộ, ngành, địa phương và phải thực hiện thi tuyển theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức.

đ. Giải quyết nghỉ trước tuổi quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức trong diện tinh giản biên chế.

e. Giải quyết cho thôi việc đối với cán bộ, công chức, viên chức.

g. Thực hiện mở rộng khoán biên chế và khoán chi hành chính ổn định 3 năm đối với các đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

h. Chuyển số lao động đang làm công tác phục vụ đã được tuyển dụng sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 sang áp dụng cơ chế hợp đồng thay cho việc tuyển người vào biên chế như hiện nay (trừ đối tượng phục vụ trong một số cơ quan theo quy định của Chính phủ). Cơ chế hợp đồng do Chính phủ quy định.

i. Thực hiện chính sách và cơ chế tài chính mới cho các đơn vị hành chính và đơn vị dịch vụ công (sự nghiệp) có thu.

k. Đẩy mạnh việc xã hội hoá các đơn vị dịch vụ công (sự nghiệp) theo Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ.

Tuỳ theo loại hình và tính chất nhiệm vụ của đơn vị dịch vụ công để ban hành các cơ chế chính sách và tài chính để đổi mới về cơ chế quản lý và thực hiện việc xã hội hoá.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện căn cứ tình hình thực tế, tạo điều kiện và cho phép đơn vị trực thuộc thành lập các tổ chức hoạt động dịch vụ (không sử dụng biên chế, tài sản và ngân sách Nhà nước) theo các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật để giải quyết việc làm cho những người trong diện tinh giản biên chế.

l. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để tiếp tục nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành và thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức hành chính sự nghiệp theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2000 - 2005.

4. Một số chính sách trong việc tinh giản biên chế.

Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế, ngoài việc thực hiện các chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện hành còn được hưởng các chính sách, chế độ như sau:

a. Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc ở các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền cử sang làm việc ở các cơ sở bán công được hưởng các chính sách, chế độ:

- Được cơ sở bán công bảo đảm quyền lợi như cán bộ, công chức bao gồm: trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, xét đề nghị phong tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước và tổ chức bồi dưỡng, học tập, tham quan để nâng cao trình độ.

- Được cơ quan quản lý công chức bảo đảm:

+ Bình đẳng trong việc xem xét bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo của cơ quan Nhà nước như cán bộ, công chức làm việc ở cơ sở công lập khi có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

+ Trợ cấp một lần bằng 03 tháng lương và phụ cấp (nếu có) hiện đang hưởng.

+ Trong trường hợp tổ chức bán công bị giải thể thì cán bộ, công chức, viên chức đó được tiếp tục bố trí về cơ quan, đơn vị công tác cũ với điều kiện người đó vẫn giữ được phẩm chất đạo đức tốt và có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc của cơ quan, đơn vị.

b. Cán bộ, công chức, viên chức trong diện tinh giản biên chế, nếu tuổi đời đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì được nghỉ hưu nhưng không trừ phần trăm do việc nghỉ hưu trước tuổi và còn được hưởng thêm 2 khoản trợ cấp sau:

- Cứ mỗi năm (12 tháng) nghỉ hưu trước tuổi quy định được trợ cấp thêm 03 tháng lương và phụ cấp (nếu có) hiện đang hưởng.

- 20 năm đầu công tác có đóng đủ bảo hiểm xã hội được trợ cấp 5 tháng lương và phụ cấp (nếu có) hiện đang hưởng. Sau đó, cứ mỗi năm công tác thêm có đóng bảo hiểm xã hội thì được trợ cấp thêm 1/2 tháng lương và phụ cấp (nếu có) hiện đang hưởng.

c. Cán bộ, công chức, viên chức trong diện tinh giản biên chế có đủ điều kiện tuổi đời theo quy định tại Bộ luật Lao động, nếu thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu từ một năm trở xuống thì cơ quan, đơn vị sẽ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian còn thiếu cho đối tượng này và bố trí để họ nghỉ hưu theo chế độ.

d. Đối với những người thôi việc chuyển ra ngoài biên chế nhà nước, ngoài việc giải quyết chế độ thôi việc theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 96/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ về chế độ thôi việc đối với cán bộ, công chức còn được trợ cấp thêm như sau:

Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1 tháng lương và phụ cấp (nếu có) hiện đang hưởng, nhưng thấp nhất cũng bằng 2 tháng lương và phụ cấp (nếu có) hiện đang hưởng.

đ. Cán bộ, công chức, viên chức trong diện tinh giản biên chế có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng bị hạn chế về trình độ chuyên môn hoặc không phù hợp với nhiệm vụ đảm nhận, nếu có nguyện vọng thì được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề để tìm việc làm mới. Những người đi học được hưởng nguyên lương trong thời hạn tối đa 6 tháng và được trợ cấp thêm một khoản kinh phí bằng 6 tháng lương và phụ cấp (nếu có) hiện đang hưởng.

Sau khi kết thúc học nghề, người đi học được giải quyết chế độ trợ cấp tìm việc làm và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 96/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ và tự tìm việc làm mới.

e. Chính sách khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo sau khi sắp xếp tinh giản tổ chức.

Cán bộ, công chức, viên chức thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ 12 tháng. Trong thời gian bảo lưu, nếu được bổ nhiệm lại, bổ nhiệm chức vụ mới thì không được hưởng bảo lưu phụ cấp chức vụ cũ. Trường hợp không bổ nhiệm lại thì điều chỉnh lại bậc lương theo nguyên tắc mức lương mới tương đường với mức lương cũ cộng với phụ cấp chức vụ đang được bảo lưu.

Các chính sách được quy định tại các điểm b, c, d, đ của mục này được áp dụng trong 3 năm (2000 - 2002).

III. VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo cấp ủy Đảng cùng cấp đề án kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế và trực tiếp chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức và tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị mình, chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc lập đề án về kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế đảm bảo chất lượng theo tiến độ quy định tại Quyết định số 207/1999/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Trình tự thực hiện theo các bước như sau:

a. Bước 1: Rà soát chức năng, nhiệm vụ gắn liền với việc chuyển giao sang cơ quan, đơn vị khác những nhiệm vụ không phù hợp; phân cấp cho địa phương, cấp dưới và các tổ chức dịch vụ công đã được xã hội hóa;

b. Bước 2: Sắp xếp lại tổ chức; giải thể ngay những tổ chức trung gian; cải tiến lề lối làm việc và cải cách thủ tục hành chính.

c. Bước 3: Lập phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ vào việc lựa chọn, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại điểm b mục 2 phần II của Nghị quyết này, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị báo cáo cấp ủy và bàn bạc với tổ chức công đoàn cùng cấp về phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức; dự kiến mức kinh phí gồm phần thuộc ngân sách nhà nước, phần do cơ quan hỗ trợ (nếu có) để thực hiện việc tinh giản biên chế; trình Thủ trưởng cấp trên trực tiếp phương án đã được thông qua cấp ủy cùng cấp;

d. Bước 4: Sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thủ trưởng cơ quan, đơn vị báo cáo với cấp ủy Đảng và bàn bạc với tổ chức công đoàn cùng cấp, đồng thời tiến hành tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị thực hiện phương án tinh giản biên chế. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức tiến hành sắp xếp điều chuyển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

3. Bộ Tài chính bố trí kế hoạch ngân sách nhà nước thực hiện Nghị quyết này, chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thủ tục cấp phát, chi trả và quyết toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế trên cơ sở các nguyên tắc sau:

- Khu vực hành chính nhà nước, sự nghiệp dịch vụ công không có thu do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Khu vực sự nghiệp, dịch vụ công có thu do ngân sách nhà nước và đơn vị có thu cùng bảo đảm.

4. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện việc sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế đối với các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi thực hiện Nghị quyết này, định kỳ 6 tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế là công việc phức tạp, liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, ngoài việc tổ chức, học tập quán triệt các văn kiện của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII), các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm vững, chỉ đạo nghiêm túc và có chế độ báo cáo việc thực hiện Nghị quyết này.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các tổ chức Đảng chỉ đạo, phối hợp với Thủ trưởng, tổ chức đoàn thể ở từng cơ quan, đơn vị trong suốt quá trình triển khai thực hiện kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế cơ quan, đơn vị để thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII).

Phan Văn Khải

(Đã ký)