HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2011/NQ-HĐND | Quảng Bình, ngày 18 tháng 10 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG ĐIỀU CHỈNH XÂY DỰNG THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI VÀ VÙNG PHỤ CẬN ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 3 (KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ)
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009;
Căn cứ Nghị định 08/2005/NĐ-CP ngày 24/3/2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/04/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;
Qua xem xét dự thảo Nghị quyết kèm theo Tờ trình số 1935/UBND ngày 05 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Đồ án quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Đồ án quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (Có Đồ án quy hoạch kèm theo).
Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết này và các quy định của pháp luật để triển khai thực hiện Đồ án quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 theo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Điều 3. Giao thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế và ngân sách của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVI, kỳ họp thứ 3 (kỳ họp chuyên đề) thông qua ngày 18 tháng 10 năm 2011./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
ĐỒ ÁN
QUY HOẠCH CHUNG ĐIỀU CHỈNH XÂY DỰNG THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI VÀ VÙNG PHỤ CẬN ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035
(Kèm theo Nghị quyết số 16/2011/NQ-HĐND ngày 18 tháng 10 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVI.
1. Mục tiêu quy hoạch
1.1. Mục tiêu tổng quát
- Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận nhằm phát triển không gian toàn diện cho đô thị trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Bình.
- Xác định tầm nhìn, lựa chọn hướng phát triển thành phố Đồng Hới theo quy hoạch tổng thể, quy hoạch tổ chức không gian phát triển đô thị và các chuyên ngành, gắn với việc phát triển năng lực quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch, nhằm xây dựng Thành phố Đồng Hới thực sự trở thành một trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Bình, một địa danh hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế.
- Xây dựng thành phố Đồng Hới ngày càng, văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, cộng đồng phát triển bền vững, thịnh vượng, thân thiện với thiên nhiên.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Định hướng phát triển đô thị, sử dụng đất đai đô thị, giao thông vận tải, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ cảnh quan môi trường và cải thiện điều kiện sống của người dân đô thị theo định hướng “Xây dựng một thành phố du lịch Đồng Hới” phát triển bền vững.
- Xây dựng thành phố Đồng Hới đảm bảo đồng bộ và hiện đại về quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật cũng như không gian đô thị hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, có sự kết hợp hài hòa giữa các nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Qua đó thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên trong và bên ngoài, nhằm thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác phát triển.
- Quy hoạch và đề xuất kế hoạch trị thủy, đưa Đồng Hới trở thành một đô thị thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, giảm thiểu tình trạng lũ lụt, đảm bảo điều kiện sống an toàn, tiện nghi cho người dân.
- Tạo một số điểm nhấn cho thành phố bằng các công trình kiến trúc, tượng đài, các cửa ngõ ra vào đô thị; không gian cây xanh, mặt nước, các khu du lịch gần gũi với thiên nhiên…
Khu vực nghiên cứu rộng 21.240 ha, trong đó thành phố Đồng Hới có diện tích 15.571 ha, khu vực xung quanh gồm các xã Lương Ninh (562 ha), Quán Hàu (326 ha), Vĩnh Ninh (1.185ha), Lý Trạch (2.178 ha), Nhân Trạch (245 ha), Nam Trạch (1.172 ha). Khu vực quy hoạch có phạm vi như sau:
+ Phía Đông giáp biển Đông;
+ Phía Nam thị trấn Quán Hàu, xã Lương Ninh, một phần xã Vĩnh Ninh của huyện Quảng Ninh;
+ Phía Tây giáp huyện Quảng Ninh và huyện Bố Trạch;
+ Phía Bắc giáp Sông Dinh, xã Nhân Trạch của huyện Bố Trạch.
3. Tầm nhìn đến năm 2035
Mục tiêu xây dựng thành phố thị cần hướng đến:
1. Xây dựng đô thị du lịch giao lưu, với sự khám phá và gặp gỡ, với sự hòa hợp của thiên nhiên, lịch sử và con người;
2. Xây dựng đô thị với các ngành nghề phát triển liên kết;
3. Xây dựng đô thị cộng sinh với môi trường thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan có núi và biển;
4. Xây dựng đô thị thích ứng trước tác động của thiên tai đảm bảo điều kiện sống an toàn cho người dân;
5. Xây dựng đô thị có không gian sống chất lượng cao;
6. Xây dựng đô thị đáp ứng linh hoạt sự biến chuyển của thời đại và mong muốn của người dân thành phố.
4. Quy mô dân số
Dân số trong khu vực quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2025 là 250.000 người, trong đó dân số đô thị là 190.000 người; nông thôn là 60.000 người.
5. Quy mô đất đai
Tổng diện tích trong phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận là 21.239,61ha, trong đó:
- Đất dân dụng: 6.024,06ha;
- Đất ngoài dân dụng: 2.275,22ha;
- Đất khác: 12.940,34 ha.
6. Phát triển không gian đô thị và vùng phụ cận
- Phát triển 03 trục giao thông chính theo hướng Bắc - Nam gồm tuyến quốc lộ 1A, đường tránh thành phố Đồng Hới, tuyến đường Hồ Chí Minh; 04 trục giao thông theo hướng Đông - Tây gồm: trục giao thông nối từ khu du lịch Quang Phú - Lộc Ninh - Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới - Đường Hồ Chí Minh, trục Trần Hưng Đạo nối dài đến đường Hồ Chí Minh, trục nối từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh và trục nối cầu Nhật Lệ 3 đi Khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu nối đường Hồ Chí Minh. Không gian đô thị được phát triển về bốn phía:
+ Phía Đông phát triển không gian du lịch biển, và đô thị mới tại các khu vực Bảo Ninh, Quang Phú, Lý Trạch;
+ Phía Nam phát triển đến hết thị trấn Quán Hàu tạo thành cửa ngõ phía Nam của đô thị;
+ Phía Tây phát triển đến đường Hồ Chí Minh và khu vực Hồ Phú Vinh nhằm khai thác hiệu quả vẻ đẹp cảnh quan vùng đồi núi, thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái;
+ Phía Bắc phát triển đến Sông Dinh hình thành không gian xanh và hình thành trọng điểm đô thị là cửa ngõ phía Bắc thành phố.
- Xây dựng, cải tạo cảnh quan hai bên bờ các con sông Nhật Lệ, sông Cầu Rào, Sông Lũy, sông Mỹ Cương tạo thành các trục cây xanh, mặt nước nhằm tôn tạo cảnh quan và không gian thoáng mát cho đô thị.
- Quy hoạch khu trung tâm hành chính của tỉnh tại khu vực phía Đông Bắc và phía Tây Nam sông Cầu Rào thuộc phường Đồng Phú và phường Đức Ninh Đông. Khu vực này sẽ được quy hoạch theo hướng hiện đại và đồng bộ, là một trong các điểm nhấn quan trọng của thành phố.
- Trung tâm hành chính của thành phố được quy hoạch tập trung tại khu vực phía Đông sông Cầu Rào thuộc phường Đồng Phú.
- Cải tạo, chỉnh trang Chợ Đồng Hới thành khu thương mại phức hợp, khu vực phía Đông đường Quang Trung thành trọng điểm thương mại, dịch vụ tấp nập, với các đường phố đi bộ nơi giao lưu của người dân đô thị và khách du lịch.
- Từng bước di dời các công trình trụ sở làm việc, sân vận động ra khỏi Khu vực thành cổ Đồng Hới, Xây dựng nơi đây thành công viên lịch sử với nhà bảo tàng, trung tâm văn hóa, quảng trường tổ chức sự kiện để thu hút du khách trong và ngoài nước.
- Phát triển khu vực Bảo Ninh thành một trọng điểm du lịch nghĩ dưỡng với hệ thống khách sạn thấp tầng hợp nhất với bãi biển đẹp, công viên bờ biển có thể ngắm biển, tổ chức sự kiện; Hình thành các các khu đô thị mới, với nơi ở, làm việc, nghỉ dưỡng gần nhau, có không gian mặt nước và cây xanh bao quanh.
- Phát triển các khu công nghiệp phía Bắc thành phố, Khu công nghiệp phía Tây Bắc Quán Hàu với quy mô khoảng 500ha, ưu tiên bố trí các loại hình công nghiệp sử dụng công nghệ cao, ảnh hưởng thấp nhất đến môi trường.
7. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được quy hoạch đồng bộ và hiện đại, đảm bảo cho sự phát triển đô thị lâu dài và tiện ích. Hệ thống công trình hạ tầng đảm bảo thích ứng với các thay đổi của điều kiện tự nhiên do tác động của quá trình biến đổi khí hậu.
- 1 Nghị quyết 35/2012/NQ-HĐND về quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 do tỉnh Hòa Bình ban hành
- 2 Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị
- 3 Luật Quy hoạch đô thị 2009
- 4 Nghị quyết 98/2008/NQ-HĐND điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thanh Hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035
- 5 Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 6 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7 Luật Đất đai 2003
- 8 Luật xây dựng 2003