HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/NQ-HĐND | Hải Dương, ngày 30 tháng 6 năm 2021 |
NỘI QUY KỲ HỌP HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG KHÓA XVII, NHIỆM KỲ 2021 - 2026
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ NHẤT
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Xét Tờ trình số 144/TTr-HĐND ngày 25 tháng 6 năm 2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI về việc đề nghị ban hành Nghị quyết về Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Điều 2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Nghị quyết thi hành.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVII, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 30 tháng 6 năm 2021./.
| CHỦ TỊCH |
KỲ HỌP HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG KHÓA XVII, NHIỆM KỲ 2021 - 2026
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương)
Điều 1. Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh
Kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh là hình thức hoạt động chủ yếu của HĐND tỉnh. HĐND tỉnh họp thường lệ mỗi năm ít nhất hai kỳ, kỳ họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất khi Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu HĐND tỉnh yêu cầu.
HĐND tỉnh họp công khai. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh hoặc yêu cầu của ít nhất 1/3 tổng số đại biểu HĐND tỉnh thì HĐND tỉnh quyết định họp kín.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh xem xét, quyết định và giám sát các vấn đề thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Kỳ họp đầu nhiệm kỳ thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kỳ họp cuối nhiệm kỳ được tiến hành chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khóa mới. Tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ, ngoài những nội dung của kỳ họp thường lệ, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Tòa án nhân dân (TAND) và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ hoạt động; HĐND tỉnh tiến hành công tác thi đua - khen thưởng nhiệm kỳ.
Tại phiên họp trù bị, đại biểu HĐND tỉnh nhận tài liệu kỳ họp; Thường trực HĐND tỉnh báo cáo về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp và thống nhất một số nội dung quan trọng trình tại kỳ họp. Đại biểu HĐND tỉnh tham gia ý kiến để hoàn chỉnh trước khi báo cáo tại phiên họp chính thức.
Kỳ họp HĐND tỉnh nếu không có phiên họp trù bị thì các nội dung của việc trù bị sẽ được Thường trực HĐND tỉnh tổ chức triển khai trước giờ khai mạc kỳ họp.
Điều 3. Tổ chức hội nghị thống nhất thời gian, nội dung kỳ họp
Chậm nhất 45 ngày trước ngày tiến hành kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp, những vấn đề khác có liên quan đến kỳ họp và giao cho các cơ quan hữu quan chuẩn bị.
Nội dung, chương trình kỳ họp thứ nhất của HĐND tỉnh khóa mới do Thường trực HĐND tỉnh khóa trước dự kiến. Các Ban của HĐND tỉnh khóa trước thẩm tra các nội dung trong chương trình kỳ họp thứ nhất và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh khóa trước xem xét trước khi trình ra kỳ họp thứ nhất của HĐND tỉnh khóa mới.
HĐND tỉnh quyết định chương trình kỳ họp. Trong trường họp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Chánh án TAND tỉnh, Viện trưởng VKSND tỉnh, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh, HĐND tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung chương trình kỳ họp đã được thông qua.
HĐND tỉnh áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm hỗ trợ công tác kiểm danh đại biểu HĐND tỉnh tại các phiên họp. Các văn bản, báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết,... trình tại kỳ họp không sử dụng văn bản giấy và được gửi tới đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu tham dự kỳ họp qua Trang thông tin điện tử của HĐND tỉnh: http://hdnd.haiduong.gov.vn và Ứng dụng hỗ trợ kỳ họp HĐND tỉnh để đại biểu nghiên cứu (trừ các văn bản theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và theo quyết định của Thường trực HĐND tỉnh).
Việc biểu quyết, thông qua các nội dung trình kỳ họp của đại biểu HĐND tỉnh được áp dụng biểu quyết bằng phần mềm ứng dụng kỳ họp. HĐND tỉnh quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín đối với các vấn đề sau: Bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng, Phó Trưởng các Ban HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND, Hội thẩm nhân dân và các vấn đề khác mà HĐND xét thấy cần thiết phải bằng hình thức bỏ phiếu kín.
1. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp, đảm bảo kỳ họp được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, đạt hiệu quả theo chương trình đã được thông qua.
2. Chủ tọa kỳ họp có nhiệm vụ:
- Báo cáo, xin ý kiến biểu quyết thông qua nội dung, chương trình kỳ họp;
- Chủ tịch HĐND tỉnh khai mạc và bế mạc các kỳ họp. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh giúp Chủ tịch HĐND tỉnh trong việc điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch HĐND tỉnh;
- Điều khiển phiên họp theo nội dung, chương trình kỳ họp đã được HĐND tỉnh biểu quyết, thông qua;
- Dự kiến các vấn đề đưa ra thảo luận tại phiên họp của HĐND tỉnh hoặc tại phiên thảo luận tổ, chia tổ thảo luận;
- Bảo đảm thảo luận dân chủ, tạo điều kiện để các đại biểu đóng góp ý kiến; dành thời gian thỏa đáng cho việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp;
- Chỉ đạo việc tổng hợp ý kiến thảo luận của đại biểu tại phiên họp HĐND tỉnh và tại phiên thảo luận tổ;
- Chỉ đạo việc tiếp thu ý kiến của đại biểu và chỉnh lý dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh tại kỳ họp;
- Điều hành để HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết.
Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thư ký phục vụ kỳ họp của HĐND tỉnh, gồm các nội dung cụ thể như sau:
- Cử thư ký kỳ họp và thư ký các Tổ thảo luận;
- Lập danh sách đại biểu HĐND tỉnh có mặt, vắng mặt trong các phiên họp và trong kỳ họp;
- Ghi biên bản phiên họp, kỳ họp;
- Tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể và thảo luận tổ, ghi rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để Chủ tọa kỳ họp yêu cầu cơ quan có liên quan báo cáo giải trình cụ thể và biểu quyết từng vấn đề;
- Tham mưu, phục vụ Chủ tọa kỳ họp trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục tại kỳ họp, cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền về kỳ họp;
- Giúp Chủ tọa kỳ họp những nội dung có liên quan để điều khiển thảo luận và biểu quyết;
- Trình bày dự thảo nghị quyết trước khi Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết thông qua nếu được Chủ tọa kỳ họp phân công;
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tọa kỳ họp.
1. Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa mới do Chủ tịch HĐND tỉnh, Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khóa trước hoặc Triệu tập viên triệu tập chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày bầu cử đại biểu HĐND các cấp; nếu phải bầu cử lại, bầu cử thêm đại biểu HĐND tỉnh hoặc lùi ngày bầu cử thì thời hạn triệu tập kỳ họp thứ nhất được tính từ ngày bầu cử lại, bầu cử thêm.
2. Trong nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh quyết định triệu tập kỳ họp thường lệ chậm nhất là 20 ngày, kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.
3. Quyết định triệu tập kỳ họp tới đại biểu HĐND tỉnh, dự kiến chương trình kỳ họp được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp thường lệ và chậm nhất là 03 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.
Điều 8. Khách mời tham dự kỳ họp
1. Đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, đại biểu Quốc hội được bầu tại tỉnh.
2. Các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh (Mời dự phiên khai mạc kỳ họp cuối năm).
3. Các thành viên UBND tỉnh, Chánh án TAND tỉnh, Viện trưởng VKSND tỉnh.
4. Đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội được mời tham dự các phiên họp công khai của HĐND tỉnh khi bàn về các vấn đề có liên quan. Các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
5. Đại diện đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, khách quốc tế, cơ quan báo chí và công dân có thể được tham dự các phiên họp công khai của HĐND tỉnh (Khi có sự đồng ý của Thường trực HĐND tỉnh và chủ tọa kỳ họp).
Điều 9. Trách nhiệm của đại biểu tham dự kỳ họp
- Đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu được mời tham dự kỳ họp có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp, họp Đoàn, họp tổ thảo luận (trừ một số đại biểu được mời dự phiên khai mạc). Nếu không tham dự phải có lý do chính đáng và báo cáo trước với Chủ tịch hoặc các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Khi kỳ họp đã khai mạc thì báo cáo với Chủ tọa kỳ họp (nếu đại biểu HĐND tỉnh vắng cả kỳ họp phải báo cáo bằng văn bản trước khi khai mạc kỳ họp). Khi được Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp đồng ý, đại biểu mới được phép vắng mặt.
Trường hợp đại biểu HĐND tỉnh không tham dự các kỳ họp liên tục trong 01 năm mà không có lý do chính đáng thì Thường trực HĐND tỉnh phải báo cáo HĐND tỉnh để xem xét tư cách của đại biểu HĐND đó.
- Đại biểu HĐND tỉnh có quyền chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các Ủy viên UBND tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
- Trong kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu khách mời ngồi họp theo vị trí đã được quy định, nghiêm túc nghiên cứu, tích cực tham gia các nội dung trình tại kỳ họp; Tổ trưởng các Tổ đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm quản lý đại biểu của tổ mình và chịu trách nhiệm báo cáo khi có yêu cầu của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch hoặc Chủ tọa kỳ họp.
- Khi tham dự các phiên họp toàn thể tại hội trường, các đại biểu không làm việc riêng, hạn chế đi lại, không đọc sách, báo, tài liệu không liên quan đến kỳ họp; để điện thoại di động ở chế độ im lặng.
- Đại biểu chỉ được phát biểu khi đã đăng ký với Chủ tọa kỳ họp (Thông qua Thư ký kỳ họp) và được Chủ tọa kỳ họp đồng ý.
- Đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu chính thức dự kỳ họp có trách nhiệm tham gia vào các văn bản, dự thảo các nghị quyết của kỳ họp do cơ quan phục vụ chuyển đến. Sau khi tham gia phải ghi rõ họ tên và chuyển lại Thư ký kỳ họp để tổng hợp báo cáo Chủ tọa kỳ họp.
- Đại biểu tham dự kỳ họp phải mặc trang phục lịch sự; phiên khai mạc, bế mạc, nam mặc comple, nữ mặc áo dài, đại biểu có trang phục ngành thì mặc trang phục của ngành; đại biểu là chức sắc các tôn giáo thì mặc trang phục tôn giáo (Tùy theo tính chất của từng phiên họp, sẽ có yêu cầu riêng).
- Các đại biểu HĐND tỉnh phải đeo phù hiệu đại biểu. Khi bị mất phù hiệu, đại biểu phải báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh (Qua Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh).
- Đại biểu khách mời tham dự đầy đủ các phiên họp và thảo luận; có quyền phát biểu tham gia ý kiến vào nội dung kỳ họp theo gợi ý của Chủ tọa kỳ họp, các Tổ trưởng tại các tổ thảo luận; thảo luận tại tổ theo sự điều hành của Tổ trưởng tổ thảo luận; không được biểu quyết tại kỳ họp.
Điều 10. Các phiên họp toàn thể
1. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của HĐND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh, Hội thẩm nhân dân của TAND tỉnh. Tổ chức việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.
2. HĐND tỉnh nghe trình bày các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết; thảo luận, chất vấn và quyết định các vấn đề trong chương trình kỳ họp.
3. Để đảm bảo thời gian của kỳ họp, các văn bản trình tại kỳ họp nói chung đọc bản tóm tắt hoặc bản rút gọn. Thời gian trình bày báo cáo không quá 15 phút, tờ trình và các văn bản khác không quá 10 phút, trường hợp đặc biệt do Chủ tọa kỳ họp quyết định. Riêng báo cáo về kinh tế - xã hội không quá 20 phút.
4. Các báo cáo, đề án, tờ trình không trình bày trực tiếp tại các phiên họp nhưng có giá trị như các văn bản khác và các đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu tham dự kỳ họp chủ động nghiên cứu, tham gia ý kiến.
Điều 11. Các phiên thảo luận tại kỳ họp
1. Phiên thảo luận toàn thể tại hội trường
a) Chủ tọa nêu nội dung đề nghị đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu tham dự kỳ họp tập trung thảo luận;
b) Đại biểu đăng ký phát biểu;
c) Chủ tọa mời từng đại biểu phát biểu;
Các đại biểu phát biểu tập trung vào nội dung của phiên thảo luận, không phát biểu quá hai lần về cùng một nội dung. Chủ tọa căn cứ tình hình thực tế để điều chỉnh thời gian, số lần phát biểu.
Trường hợp đại biểu đã đăng ký mà chưa được phát biểu hoặc đã phát biểu nhưng chưa hết ý kiến do hết thời gian thì gửi ý kiến bằng văn bản đến thư ký kỳ họp để tổng hợp.
d) Thời gian mỗi lần phát biểu không quá 10 phút.
e) Chủ tọa phát biểu kết thúc từng vấn đề và kết thúc phiên thảo luận.
2. Phiên thảo luận tổ tại kỳ họp
Chủ tọa kỳ họp quyết định chia tổ thảo luận, phân công Tổ trưởng, Tổ phó để chủ trì thảo luận. Mỗi tổ thảo luận gồm từ 02 đến 03 Tổ đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu khách mời tham dự.
Thư ký tại các tổ thảo luận là cán bộ, công chức cơ quan Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh do Thường trực HĐND tỉnh phân công trước kỳ họp; thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Tổ trường, Tổ phó tổ thảo luận.
Điều 12. Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp
Đại biểu HĐND tỉnh có quyền chất vấn. Đại biểu muốn chất vấn phải ghi rõ nội dung chất vấn, người được chất vấn vào phiếu chất vấn (do Thường trực HĐND tỉnh cung cấp) hoặc tự cá nhân đại biểu chất vấn tại kỳ họp (nếu có). Nội dung chất vấn phải rõ ràng, phong cách, thái độ văn minh, mang tính xây dựng; không được lạm dụng chất vấn và trả lời chất vấn để đạt mục đích ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND tỉnh. Đại biểu khách mời dự kỳ họp được phát biểu ý kiến nhưng không biểu quyết; có trách nhiệm trả lời chất vấn đối với các nội dung có liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu hoặc trách nhiệm tập thể cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình phụ trách.
Căn cứ vào chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn.
Nội dung trả lời chất vấn phải cụ thể, rõ ràng, đi thẳng vào nội dung chất vấn, xác định rõ trách nhiệm và biện pháp, thời gian khắc phục; phải lập thành văn bản gửi Thường trực HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn trước khi diễn ra phiên họp. Thời gian trả lời chất vấn về từng vấn đề không quá 15 phút, không phát biểu quá hai lần về một vấn đề, thời gian không quá 10 phút một lần; trường hợp đặc biệt do Chủ tọa kỳ họp quyết định.
Trình tự chất vấn tại kỳ họp thực hiện theo quy định tại Điều 60, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND số 87/2015/QH13 và Nội quy kỳ họp HĐND tỉnh.
Căn cứ nhóm vấn đề chất vấn, kết quả chất vấn tại kỳ họp, Thường trực HĐND đề nghị HĐND ban hành Nghị quyết về chất vấn; nội dung Nghị quyết theo quy định tại Khoản 5 Điều 15 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND số 87/2015/QH13.
Điều 13. Trình tự thông qua nghị quyết, đề án, báo cáo tại kỳ họp
1. Thường trực HĐND tỉnh, thư ký kỳ họp, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh trình HĐND tỉnh dự thảo nghị quyết, đề án theo sự phân công của Chủ tọa kỳ họp.
2. Trưởng ban của HĐND tỉnh trình báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết (trường hợp Phó Trưởng ban trình bày báo cáo phải xin ý kiến của Chủ tịch HĐND tỉnh);
3. HĐND tỉnh thảo luận. Trong quá trình thảo luận tại phiên họp toàn thể, Chủ tọa kỳ họp có thể nêu những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, khi cần thiết yêu cầu cơ quan hữu quan báo cáo giải trình, làm rõ thêm về những vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh quan tâm hoặc những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để HĐND tỉnh thảo luận trước khi xem xét, quyết định. Cơ quan, tổ chức trình dự thảo nghị quyết báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh (nếu có).
4. Dự thảo nghị quyết trình bày tại phiên họp phải đọc đầy đủ, toàn văn để đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết, thông qua.
HĐND tỉnh biểu quyết thông qua từng dự thảo nghị quyết theo điều hành của Chủ tọa kỳ họp.
5. Báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh được thông qua khi có quá nửa tổng số đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết tán thành; riêng Nghị quyết về bãi nhiệm đại biểu HĐND tỉnh được thông qua khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết tán thành.
Điều 14. Công tác thông tin, tuyên truyền
1. Tùy điều kiện thực tế, Chủ tịch HĐND tỉnh quyết định tổ chức truyền hình trực tiếp từng phiên họp HĐND tỉnh.
2. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin về chương trình, nội dung kỳ họp, hoạt động của HĐND tỉnh tại kỳ họp trên cơ sở quyết định của Chủ tịch HĐND tỉnh.
3. Các cơ quan thông tin đại chúng được mời đến dự và đưa tin về kỳ họp phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của Chủ tọa kỳ họp.
4. Tổ chức họp báo về nội dung, chương trình kỳ họp do Chủ tịch HĐND tỉnh quyết định khi cần thiết.
Điều 15. Tài liệu phục vụ kỳ họp
1. Chủ tịch HĐND tỉnh quyết định những văn bản được lưu hành tại kỳ họp. Văn bản lưu hành có giá trị pháp lý như văn bản trình bày tại kỳ họp.
2. Tài liệu kỳ họp phải được gửi đến đại biểu HĐND tỉnh chậm nhất là 05 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.
3. Đại biểu HĐND tỉnh, các đại biểu tham dự kỳ họp có trách nhiệm thực hiện quy định về sử dụng, bảo quản tài liệu trong kỳ họp; không được tiết lộ nội dung tài liệu mật, tối mật theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, nội dung các phiên họp kín của HĐND tỉnh.
4. Nghị quyết, văn bản, các tài liệu khác của mỗi kỳ họp HĐND tỉnh được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
5. Chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết phải được gửi tới HĐND tỉnh để các Ban HĐND tỉnh tiến hành thẩm tra.
Điều 16. Cơ quan giúp việc kỳ họp
Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh điểm danh các đại biểu HĐND tỉnh (thông qua hệ thống phần mềm), thông báo số đại biểu có mặt, vắng mặt và thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tọa kỳ họp.
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm chuẩn bị tài liệu, hội trường, phòng họp để thảo luận Tổ đại biểu, các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ thành công kỳ họp; hoàn thiện Nghị quyết, trình Chủ tịch HĐND tỉnh ký chứng thực để ban hành đúng thời gian quy định.
Điều 17. Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm Nội quy này.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh nội dung chưa phù hợp với thực tiễn hoặc với văn bản hướng dẫn của cấp trên, Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung Nội quy này tại kỳ họp HĐND tỉnh./.
- 1 Nghị quyết 11/2021/NQ-HĐND về Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
- 2 Nghị quyết 09/NQ-HĐND năm 2021 về Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh
- 3 Nghị quyết 31/NQ-HĐND năm 2021 về Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
- 4 Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND về Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026
- 5 Nghị quyết 92/NQ-HĐND năm 2021 về Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026