Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 161/2014/NQ-HĐND17

Bắc Ninh, ngày 11 tháng 12 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN “ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THỂ DỤC, THỂ THAO TỈNH BẮC NINH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1752/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 và Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục thể thao quốc gia và quy hoạch phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ thông tư 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Kết luận số 132-KL/TU ngày 22/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển thể dục, thể thao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

Sau khi xem xét Tờ trình số 223/TTr-UB ngày 04/12/2014 của UBND tỉnh đề nghị về việc phê duyệt Đề án “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thể dục, thể thao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua đề án “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thể dục, thể thao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Về mục tiêu:

1.1. Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng nền thể dục, thể thao tiên tiến, góp phần tăng cường thể lực, nâng cao tầm vóc và giáo dục nhân cách, chất lượng cuộc sống và làm phong phú đời sống tinh thần của người dân; phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển phong trào thể dục, thể thao cho mọi người, thể dục, thể thao trong trường học làm nền tảng cơ bản và là tiền đề để phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh. Phấn đấu thành tích ở một số môn thể thao thế mạnh của tỉnh đạt trình độ của khu vực, châu lục và thế giới. Tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật các cấp, đặc biệt là Khu liên hợp thể dục, thể thao tỉnh tại khu đô thị mới Nam Sơn diện tích khoảng 100 ha trở lên.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

1.2.1. Phát triển thể dục thể thao cho mọi người:

- Thể dục thể thao quần chúng:

+ Tỷ lệ dân số tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên phấn đấu đến 2020 đạt 33,5%; đến 2025 đạt 37%; đến 2030 đạt trên 40% dân số.

+ Tỷ lệ gia đình thể thao phấn đấu đến 2020 đạt khoảng 25%; đến 2025 đạt khoảng 27%; đến 2030 đạt trên 30% tổng số hộ gia đình.

+ Số câu lạc bộ thể dục thể thao đến năm 2020 đạt từ 2000 câu lạc bộ trở lên; đến 2025 đạt trên 2500 câu lạc bộ; đến 2030 đạt trên 3000 câu lạc bộ.

+ Đến năm 2020 số cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục thể thao cấp xã được bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ thể dục thể thao đạt 95%; đến 2025 đạt 98%; đến 2030 đạt 100%.

- Giáo dục thể chất và thể dục thể thao trong nhà trường:

+ Đảm bảo tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tất cả các cấp học, bậc học thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa.

+ Tỷ lệ học sinh tham gia tập luyện thể dục, thể thao ngoại khóa thường xuyên đến năm 2020 đạt 65%; đến 2025 đạt khoảng 75%, đến 2030 đạt khoảng 85% học sinh, sinh viên

+ Tỷ lệ học sinh đạt tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực học sinh theo tiêu chuẩn đến năm 2020 đạt 90%; đến 2025 đạt khoảng 93%, đến 2030 đạt trên 95% học sinh, sinh viên.

+ Tỷ lệ giáo viên chuyên trách thể dục, thể thao/học sinh, sinh viên các cấp trung bình đến năm 2020 đạt 1/300; đến 2025 đạt 1/270; đến 2030 đạt 1/250.

+ Diện tích sân tập, sàn tập dành cho giáo dục thể chất và thể thao trong trường học thuộc các cấp học, bậc học trên đầu học sinh, sinh viên như sau:

Tiểu học: Đến năm 2020 đạt 1,5m2; năm 2025 đạt 1,8m2 và năm 2030 đạt 2,0m2;

Trung học cơ sở và Trung học phổ thông: Đến năm 2020 đạt 2,0m2; năm 2025 đạt 2,3m2 và năm 2030 đạt 2,5m2.

Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp: Đến năm 2020 đạt 3,0m2; năm 2025 đạt 3,5m2 và năm 2030 đạt 4,0m2.

- Thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang:

+ Tỷ lệ cán bộ chiến sĩ tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đến năm 2020 đạt 93%; đến năm 2025 đạt 96% và đạt 98 -100% vào năm 2030.

+ Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đạt 90% vào năm 2020; đạt 95% năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030.

- Thể dục thể thao người khuyết tật:

+ Đến năm 2020 thành lập Hội thể thao khuyết tật tỉnh, cấp huyện thành lập các câu lạc bộ, tạo môi trường tập luyện, hoạt động thể thao cho người khuyết tật.

- Thể dục thể thao trong lực lượng công nhân, người lao động:

+ Đến năm 2020: 100% huyện, thị, thành phố (có khu công nghiệp) hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, xây dựng 50% công trình phục vụ công nhân, người lao động; 70% công nhân ở các khu công nghiệp tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao.

+ Đến năm 2025: Xây dựng 80% công trình văn hóa - thể thao phục vụ công nhân, người lao động; 70-80% công nhân ở các khu công nghiệp tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao.

+ Đến năm 2030: Xây dựng 100% công trình văn hóa - thể thao phục vụ công nhân, người lao động; 80-90% công nhân ở các khu công nghiệp tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao.

1.2.2. Phát triển thể thao thành tích cao:

- Đến năm 2020: Phấn đấu các giải quốc gia, quốc tế đạt 140-160 huy chương các loại. Trong đó 8-10 huy chương giải vô địch, 6-8 huy chương giải quốc tế. Đại hội thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ 8 (năm 2018), đoàn Bắc Ninh xếp thứ 20-22 tỉnh, thành, ngành/toàn quốc.

- Đến năm 2025: Phấn đấu các giải quốc gia, quốc tế đạt 150-170 huy chương các loại. Trong đó 10-12 huy chương giải vô địch, 8-10 huy chương quốc tế. Đại hội thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ 9 (năm 2020) duy trì thứ hạng từ 19-21 tỉnh, thành, ngành/toàn quốc.

- Đến năm 2030: Phấn đấu các giải quốc gia, quốc tế đạt 160-180 huy chương các loại. Trong đó 12-14 huy chương giải vô địch, 8-10 huy chương quốc tế. Đại hội thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ 10, 11 (năm 2026-2030) duy trì thứ hạng 18-20/toàn quốc.

1.2.3. Về quỹ đất và cơ sở vật chất thể dục, thể thao:

- Về quỹ đất: Đến năm 2020 đảm bảo dành đất cho hoạt động thể dục, thể thao theo quy định là 3m2/người dân; đến 2025 đạt 3,5m2/người dân; đến 2030 đạt 4m2/người dân.

- Về cơ sở vật chất Thể dục, Thể thao:

+ Cấp tỉnh: Triển khai xây dựng khu liên hợp thể dục, thể thao tỉnh tại khu đô thị mới Nam Sơn (sân vận động, nhà thi đấu đa năng, khu thể thao dưới nước, làng vận động viên, các hạng mục phụ trợ...).

+ Cấp huyện: Đến năm 2020 phấn đấu cơ bản có đủ 03 công trình thể dục, thể thao đủ tiêu chuẩn (sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi).

+ Cấp xã: Đến năm 2025 phấn đấu cơ bản có đủ 03 công trình thể dục, thể thao cấp xã (sân thể thao phổ thông, nhà tập luyện, thi đấu, bể bơi); có 02-04 sân chơi thể thao giải trí hoặc sân chơi cho trẻ em (hoặc khu thể thao giải trí); các địa điểm công cộng được trang bị các thiết bị tập luyện đơn giản.

+ Khu thể thao thôn, làng, khu phố; địa điểm tập luyện thể dục, thể thao công cộng (vườn hoa, công viên...) được đầu tư trang thiết bị tập luyện đơn giản như: Xà đơn, xà kép...

1.2.4. Về ngân sách thể dục, thể thao:

- Ngân sách sự nghiệp thể dục, thể thao đầu tư tăng dần từng năm theo sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Đảm bảo chi ngân sách xây dựng cơ bản cho các công trình thể dục, thể thao các cấp theo đúng quy định và theo chương trình dự án. Ưu tiên nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng cho các công trình thể dục, thể thao cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, lộ trình đầu tư theo trọng điểm.

2. Các giải pháp.

2.1. Nhóm giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới công tác quản lý hoạt động, bộ máy thể dục, thể thao các cấp

2.2. Nhóm giải pháp về hoàn thiện thiết chế phục vụ phát triển thể dục, thể thao:

Cho phép gắn Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới với quy hoạch cơ sở vật chất cho thể dục, thể thao; dành quỹ đất và ngân sách đầu tư cho các thiết chế thể thao cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, thôn, làng, khu phố và trường học; đầu tư xây dựng Khu liên hợp thể dục, thể thao tỉnh tại khu đô thị Nam Sơn diện tích khoảng 100 ha trở lên, kết hợp các phương thức xã hội hóa; đầu tư xây dựng Trung tâm Huấn luyện thể dục, thể thao tỉnh đạt tiêu chuẩn quốc gia.

2.3. Nhóm giải pháp về đầu tư vốn:

Ưu tiên nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng cho các công trình thể dục, thể thao cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, lộ trình đầu tư theo trọng điểm. Đa dạng phương thức, cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư từ thực hiện xã hội hóa.

2.4. Nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách về nguồn nhân lực và công tác đào tạo vận động viên:

Thành lập Trường năng khiếu thể dục thể thao tỉnh, đầu tư ngân sách mở các lớp năng khiếu thể thao tuyến huyện và cơ sở.

Cho thực hiện chế độ ưu đãi, khuyến khích thu hút nhân tài thể thao; có chế độ hỗ trợ kinh phí hàng tháng đối với vận động viên đội tuyển tỉnh đạt thành tích cao tại các giải thể thao quốc gia, quốc tế; có cơ chế chính sách tuyển đặc cách vào viên chức nhà nước đối với các vận động viên có thành tích đặc biệt xuất sắc, đóng góp cho tỉnh: Đạt huy chương vàng Đại hội thể dục, thể thao toàn quốc, huy chương vàng Sea Games, huy chương vàng, bạc châu Á; đạt huy chương Olympic.

2.5. Nhóm giải pháp về xã hội hóa thể dục, thể thao:

Thành lập “Quỹ hỗ trợ tài năng thể thao” các cấp; có cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư cho sự nghiệp thể dục, thể thao.

2.6. Nhóm giải pháp về khoa học công nghệ và hợp tác phát triển:

Ưu tiên tiếp nhận chuyển giao và mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học, y sinh học thể thao về trang thiết bị, phương tiện dụng cụ tập luyện, thi đấu, trong phát hiện và tuyển chọn năng khiếu thể thao.

3. Nguồn kinh phí.

Kinh phí gồm: Ngân sách của Trung ương (nếu có); ngân sách địa phương; huy động nguồn vốn của xã hội.

3.1. Ngân sách sự nghiệp thể dục, thể thao:

Ngân sách sự nghiệp thể dục, thể thao được cân đối hàng năm từ ngân sách của tỉnh theo các quy định hiện hành, căn cứ nhu cầu phát triển của ngành và khả năng cân đối của nền kinh tế.

Phân kỳ thực hiện:

* Cấp tỉnh:         - Đến năm 2020: Kinh phí thực hiện: 50-61 tỷ đồng/năm.

- Đến năm 2025: Kinh phí thực hiện: 61-72 tỷ đồng/năm.

- Đến năm 2030: Kinh phí thực hiện: 72-83 tỷ đồng/năm.

* Cấp huyện:     - Đến năm 2020: Kinh phí thực hiện: 0,85-0,96 tỷ đồng/huyện/năm.

- Đến năm 2025: Kinh phí thực hiện: 0,96-1,1 tỷ đồng/huyện/năm.

- Đến năm 2030: Kinh phí thực hiện: 1,1-1,3 tỷ đồng/huyện/năm.

* Cấp xã:           - Đến năm 2020: Đạt 62,5-70,0 triệu đồng/xã/năm.

- Đến năm 2025: Đạt 75,0- 87,5 triệu đồng/xã/năm.

- Đến năm 2030: Đạt 87,5-100,0 triệu đồng/xã/năm.

3.2. Ngân sách xây dựng cơ bản:

Đến năm 2020 ưu tiên nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng cho các công trình thể dục, thể thao cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Điều 2. Giao UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển thể dục, thể thao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định hiện hành. Hàng năm báo cáo kết quả tại kỳ họp thường kỳ cuối năm của HĐND tỉnh.

Điều 3. Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết được HĐND tỉnh khóa XVII, kỳ họp thứ 13 thông qua./.

 


Nơi nhận:
- VPQH, VPCP, các Bộ: VH-TT&DL, TP (b/c);
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- VKSND, TAND tỉnh;
- VP TU, VP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Các cơ quan TW đóng trên địa bàn tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;
- TTHĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Ban HĐND tỉnh, các Đại biểu HĐND tỉnh;
- Công báo tỉnh; Báo BN, Đài PTTH tỉnh,
- TTXVN tại Bắc Ninh; Cổng TTĐT tỉnh;
- VP: LĐVP, các phòng CM, lưu VT.

TM. HĐND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Huy Tính