Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2021/NQ-HĐND

Vĩnh Long, ngày 09 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH VIỆC XỬ LÝ CÁC CƠ SỞ KHÔNG ĐẢM BẢO YÊU CẦU VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG ĐƯỢC ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRƯỚC KHI LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY SỐ 27/2001/QH10 CÓ HIỆU LỰC

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Xét Tờ trình số 152/TTr- UBND ngày 16 tháng 11 năm 2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị ban hành nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực (trước ngày 04 tháng 10 năm 2001), bao gồm:

a) Cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết tắt là PCCC) được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực;

b) Kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

2. Đối tượng áp dụng

Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 1 điều này được đưa vào sử dụng trước ngày 04/10/2001.

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng

1. Tuân thủ việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về PCCC tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước về PCCC theo hướng ổn định, phát triển phù hợp với quy hoạch.

2. Cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về PCCC thì áp dụng quy định tại Điều 4 của Nghị quyết này.

3. Cơ sở thuộc loại hình kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người bắt buộc phải có phương án di chuyển, bảo đảm khoảng cách an toàn về PCCC theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết này.

4. Việc áp dụng quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị quyết này phải được cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (sau đây viết tắt là PCCC&CNCH) có thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật. Sau khi cơ sở tổ chức thực hiện xong phải được cơ quan Cảnh sát PCCC kiểm tra, xác nhận điều kiện an toàn về PCCC theo quy định.

5. Cơ sở quy định tại Điều 1 không thực hiện hoặc tiếp tục vi phạm quy định pháp luật về PCCC thì bị xử lý hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự theo quy định.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Cơ sở đảm bảo yêu cầu về PCCC là cơ sở đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 20 Luật PCCC.

2. Cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC là cơ sở không đáp ứng ít nhất một trong các yêu cầu quy định tại Điều 20 Luật PCCC.

Điều 4. Quy định việc xử lý đối với cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh và các sở, ban, ngành tổ chức kiểm tra, khảo sát, thống kê lập danh sách, phân loại đánh giá các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

2. Căn cứ vào kết quả, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành hướng dẫn các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực thực hiện các giải pháp kỹ thuật bổ sung tăng cường đảm bảo an toàn PCCC cụ thể:

a) Bố trí mặt bằng, công năng sử dụng: Cơ sở đã đưa vào hoạt động nhưng có điều chỉnh một phần hoặc toàn bộ công năng sử dụng phải kiểm tra sự phù hợp với thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng (nếu có) và thực hiện việc thiết kế điều chỉnh, bổ sung hệ thống PCCC, hệ thống kỹ thuật khác có liên quan để thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

b) Giao thông phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu về chiều rộng, chiều cao thông thủy, tải trọng của đường giao thông, kích thước bãi đỗ cho xe chữa cháy tiếp cận, hoạt động phù hợp với từng loại hình cơ sở theo quy định tại Mục 5 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình được ban hành tại Thông tư số 02/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (sau đây viết tắt là: QCVN 06:2021/BXD).

c) Khoảng cách an toàn về PCCC: Phải đảm bảo yêu cầu về khoảng cách PCCC theo quy định tại Phụ lục E QCVN 06:2021/BXD. Trong đó, khoảng cách đối với nhà ở, công trình công cộng và nhà phụ trợ của các cơ sở công nghiệp quy định tại Mục E.l (Bảng El); khoảng cách đối với nhà và công trình công nghiệp quy định tại Mục E.2 (Bảng E2); trường hợp khoảng cách từ ngôi nhà đến ngôi nhà và công trình xung quanh được lấy nhỏ hơn quy định nêu trong Mục E.l (Bảng El), Mục E.2 (Bảng E2) phải đảm bảo khoảng cách đến đường ranh giới khu đất theo quy định tại Mục E3 (Bảng E3) QCVN 06:2021/BXD.

d) Bậc chịu lửa: Nhà và công trình phải đảm bảo bậc chịu lửa quy định tại Bảng 4 QCVN 06:2021/BXD phù hợp với số tầng giới hạn (chiều cao cho phép) và diện tích khoang cháy quy định tại Phụ lục H QCVN 06:2021/BXD. Đối với các công trình có kết cấu khung thép mái tôn phải có giải pháp ngăn cháy lan, tăng giới hạn chịu lửa của cấu kiện xây dựng chủ yếu theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC nhằm hạn chế nguy cơ sụp đổ khi xảy ra cháy theo quy định tại Điều 11 của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ.

e) Lối ra thoát nạn: Theo từng loại hình cơ sở phải đảm bảo yêu cầu lối ra thoát nạn, lối ra khẩn cấp quy định tại Mục 3.2 QCVN 06:2021/BXD, đường thoát nạn quy định tại Mục 3.3 QCVN 06:2021/BXD, cầu thang bộ và buồng thang bộ trên đường thoát nạn theo quy định tại Mục 3.4 QCVN 06:2021/BXD.

g) Ngăn cháy lan: Theo từng loại hình cơ sở phải đảm bảo các yêu cầu về ngăn chặn cháy lan quy định tại Mục 4 QCVN 06:2021/BXD.

h) Trang bị phương tiện PCCC và hệ thống kỹ thuật có liên quan về PCCC: Yêu cầu và định mức trang bị phương tiện về PCCC, hệ thống kỹ thuật có liên quan về PCCC thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3890:2009 về phương tiện PCCC cho nhà và công trình. Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định hiện hành.

3. Cùng với việc áp dụng quy định nêu trên, phải áp dụng các yêu cầu về PCCC được quy định cụ thể hơn tại quy chuẩn, tiêu chuẩn khác quy định cho từng loại nhà, công trình theo Mục 1.1.3 QCVN 06:2021/BXD, trên nguyên tắc tuân thủ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29/6/2006.

4. Trường hợp cho phép giảm bớt một số yêu cầu nêu trên đối với từng công trình cụ thể khi có luận chứng gửi cơ quan có thẩm quyền nêu rõ các giải pháp bổ sung, thay thế theo quy định tại Mục 1.1.7 QCVN 06:2021/BXD.

5. Đối với các cơ sở không có khả năng thực hiện các điều kiện an toàn PCCC, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cơ sở tự nguyện thay đổi tính chất sử dụng công trình.

6. Đối với các cơ sở không tổ chức thực hiện, thực hiện không đầy đủ, hoặc đã bị khiếu nại, khiếu kiện về điều kiện an toàn PCCC từ hai lần trở lên mà vẫn không khắc phục, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC &CNCH xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Quy định việc xử lý đối với cơ sở thuộc loại hình kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người

1. Chủ cơ sở xây dựng kế hoạch, phương án di chuyển khi không bảo đảm khoảng cách an toàn về PCCC theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về PCCC và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện việc di chuyển theo kế hoạch đã được phê duyệt.

2. Trong thời gian thực hiện các thủ tục phục vụ việc di dời, chủ cơ sở phải giảm trữ lượng, khối lượng tồn chứa chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; trang bị bổ sung phương tiện, hệ thống PCCC và hệ thống kỹ thuật liên quan về PCCC, nhằm tăng cường đảm bảo an toàn về PCCC. Chỉ được phép hoạt động khi đã tuân thủ đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định, bảo đảm khoảng cách an toàn về PCCC theo quy định.

3. Các loại kho chứa, các công trình chế biến và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người sau khi di chuyển cần đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật PCCC và các yếu tố kỹ thuật khác theo tiêu chuẩn và quy chuẩn chuyên ngành có liên quan. Đối với các cơ sở không tổ chức thực hiện, thực hiện không đầy đủ thì Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh

a) Xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết này, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể cho sở, ban, ngành UBND các huyện, thị xã, thành phố.

b) Phê duyệt kế hoạch, phương án di chuyển, chính sách hỗ trợ hiện hành; đền bù, bố trí quỹ đất tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển cơ sở thuộc loại hình kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người theo quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phù hợp với quy hoạch xây dựng, phát triển tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

c) Tổ chức tuyên truyền, thông tin, vận động, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của Nhân dân và toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh để đảm bảo thực hiện Nghị quyết thực sự hiệu quả.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long Khóa X, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 19 tháng 12 năm 2021./.

 

 

CHỦ TỊCH




Bùi Văn Nghiêm