Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2023/NQ-HĐND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 9 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHẤP THUẬN VIỆC CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA CÓ QUY MÔ DƯỚI 500 HA ĐỂ THỰC HIỆN DỰ ÁN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ MƯỜI MỘT

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định số 01/20177NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Thông tư số 01/2021/TT-BTNMT ngày 12 tháng 4 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

Căn cứ Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngấy 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Quyết định số 2028/QĐ-BTNMT ngày 22 tháng 10 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đính chính Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;

Xét Tờ trình số 4538/TTr-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc quy định trình tự, thủ tục chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa có quy mô dưới 500 ha để thực hiện dự án trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Báo cáo thẩm tra số 848/BC-HĐND-ĐT ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Ban Đô thị Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này quy định trình tự, thủ tục chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (bao gồm đất chuyên trồng lúa nước và đất trồng lúa còn lại) có quy mô dưới 500 ha để thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Đối tượng áp dụng: áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy định tại khoản 1 Điều này trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Điều kiện chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án

1. Dự án đầu tư có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 1Nghị quyết này.

2. Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, dự án đầu tư có trong danh mục kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật.

3. Có dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp theo quy định của pháp luật đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

4. Có phương án sử dụng tầng đất mặt và văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về trồng trọt đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước.

Điều 3. Đề nghị chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án

1. Căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị quyết này, Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức có trách nhiệm rà soát, tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên cơ sở xem xét đơn đề nghị của tổ chức, cá nhân có nhu cầu, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện các thủ tục đề nghị chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.

2. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết này, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức nơi thực hiện dự án trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đáp ứng điều kiện theo Điều 2 Nghị quyết này, Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức nơi thực hiện dự án phối hợp với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn nơi có đất lấy ý kiến theo quy định sau:

a) Nội dung lấy ý kiến:

- Địa điểm, quy mô sử dụng đất của dự án đầu tư;

- Tác động của việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.

b) Hình thức lấy ý kiến:

- Lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa;

- Lấy ý kiến bằng văn bản của các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị khác có liên quan (nếu có) về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án.

c) Thời gian lấy ý kiến: 30 ngày.

d) Trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc lấy ý kiến, Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức nơi có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn nơi có đất để tổng hợp, giải trình, tiếp thu các ý kiến và lập hồ sơ đề nghị chấp thuận thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường.

4. Hồ sơ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường gồm:

a) Tờ trình của Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức đề nghị chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án (Tờ trình thể hiện các nội dung liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa mẫu 3b và Bảng 02 kèm theo mẫu 3b ban hành theo Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

b) Danh mục đề nghị chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa có quy mô dưới 500 ha để thực hiện dự án trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

c) Bản đồ hiện trạng vị trí khu đất hoặc trích lục bản đồ khu vực chuyển mục đích sử dụng đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức;

d) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý;

đ) Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư; hoặc quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

e) Phương án sử dụng tầng đất mặt và văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về trồng trọt đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất chuyện trồng lúa nước.

Điều 4. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ của Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định, đánh giá sự phù hợp việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết này, trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

2. Nội dung thẩm định, đánh giá gồm:

a) Nhu cầu, sự cần thiết của việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa;

b) Sự phù hợp của việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quyết định, phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan;

c) Việc đáp ứng điều kiện và việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này.

3. Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gồm có:

a) Tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án (Tờ trình thể hiện các nội dung liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo mẫu 3b, Bảng 01, Bảng 02 kèm theo mẫu 3b ban hành theo Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường);

b) Dự thảo Tờ trình của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án (Tờ trình thể hiện các nội dung liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo mẫu 3c, Bảng 01, Bảng 02 kèm theo mẫu 3c ban hành theo Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường);

c) Thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết này.

Điều 5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

1. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm rà soát, trình Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án.

2. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết này, trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

Điều 6. Chấp thuận thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án

1. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án, hồ sơ gồm:

a) Tờ trình của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án (Tờ trình thể hiện các nội dung liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo mẫu 3c, Bảng 01, Bảng 02 kèm theo mẫu 3c ban hành theo Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường);

b) Thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết này.

2. Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, chấp thuận thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án theo quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về trồng trọt và pháp luật khác có liên quan.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức có trách nhiệm tổ chức triển khai việc thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Nghị quyết này được thực hiện cho đến khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội hết hiệu lực thi hành.

2. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì đối tượng được ưu đãi được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, kỳ họp thứ mười một, thông qua ngày 19 tháng 9 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2023./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu Quốc hội;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy TP.HCM;
- Thường trực Hội đồng nhân dân TP.HCM;
- Ủy ban nhân dân TP.HCM;
- Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP.HCM;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM;
- Văn phòng Thành ủy TP.HCM;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND TP.HCM;
- Văn phòng Ủy ban nhân dân TP.HCM;
- Ban Đô thị Hội đồng nhân dân TP.HCM;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP.HCM;
- Thường trực HĐND thành phố Thủ Đức, huyện;
- UBND, UBMTTQVN thành phố Thủ Đức và quận, huyện;
- Trung tâm Công báo Thành phố;
- Lưu: VT, Ban Đô thị, H.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Lệ