Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/NQ-HĐND

Thái Nguyên, ngày 18 tháng 5 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN'‘TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG VÀ ĐẨY LÙI TỆ NẠN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020’’

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008;

Căn cứ Nghị quyết số 98/NQ-CP, ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 1001/QĐ-TTg, ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2596/QĐ-TTg, ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 07/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 65/2014/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án duy trì và mở rộng Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015 - 2020;

Xét Tờ trình số 35/TTr-UBND, ngày 28/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Đề án'‘Tăng cường phòng, chống và đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017- 2020’’; Báo cáo thẩm tra của Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án'‘Tăng cường phòng, chống và đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020’’, với nội dung cơ bản sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các đoàn thể và đông đảo nhân dân về tác hại của tệ nạn ma túy, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong tham gia phòng, chống ma túy. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, với phong trào “Toàn dân phòng, chống ma túy”. Từng bước kiềm chế, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, hạn chế tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư; tạo môi trường lành mạnh; đảm bảo an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

b) Kiềm chế gia tăng tội phạm ma túy và người nghiện ma túy, ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy từ các nơi thẩm lậu vào địa phương, triệt phá cơ bản các tụ điểm về ma túy trên địa bàn tỉnh, không để phát sinh mới các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy gây bức xúc trong nhân dân. Tập trung lực lượng để phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm khắc các đối tượng phạm tội về ma túy. Nâng tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.

c) Tổ chức các biện pháp, hình thức điều trị nghiện ma túy theo hướng hiệu quả bền vững, từng bước làm giảm dần số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Xác định mục tiêu mang tính đột phá của Đề án là: “Đầu tư cho dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế- xã hội đối với người điều trị, cai nghiện và sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng; nâng cao hiệu quả công tác điều trị cai nghiện tự nguyện”.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các kiến thức phòng, chống ma túy với các hình thức, thời lượng và nội dung phù hợp tại 100% xã, phường, thị trấn, trường học, khu công nghiệp; phấn đấu ít nhất 80% số người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy tự giác, vận động tham gia các hình thức điều trị nghiện ma túy.

b) Phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy từ 7,78% năm 2016 lên 10% vào năm 2020; hằng năm mỗi huyện, thành phố, thị xã xây dựng được 01 mô hình điểm về phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn; 100% số cơ quan, đơn vị, hành chính sự nghiệp và 95% các doanh nghiệp và tổ chức khác không có tệ nạn ma túy.

c) Hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh người nghiện ma túy mới; hằng năm giảm từ 1% trở lên số người nghiện ma túy; không để tình trạng ma túy xâm nhập học đường.

d) Triệt phá 100% điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy đã được xác định; phát hiện, bắt giữ, xử lý số vụ tội phạm ma túy tăng hơn 5% so với năm trước; kiểm soát và quản lý chặt chẽ các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần, không để lợi dụng sản xuất ma túy bất hợp pháp.

đ) Phấn đấu 90% các cơ sở cai nghiện đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện về cai nghiện ma túy; tổ chức cai nghiện, điều trị nghiện ma túy hoặc điều trị thay thế bằng thuốc Methadone cho trên 90% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có 6% trở lên được cai nghiện tại cơ sở cai nghiện tập trung; 100% số người nghiện đã hoàn thành thời gian cai nghiên bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện được quản lý sau cai theo đúng quy định pháp luật. Phấn đấu tăng tỷ lệ người được điều trị, cai nghiện hòa nhập cộng đồng, có việc làm từ 67,3% năm 2016 lên 70% vào năm 2020.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, trường học, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy. Tổ chức phòng, chống ma túy trong trường học và thanh thiếu niên; tiếp tục đưa nội dung giáo dục về phòng chống ma túy vào chương trình học tập phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của từng cấp học.

3. Tăng cường công tác đấu tranh, xử lý tội phạm ma túy; hằng năm tổ chức các đợt cao điểm tấn công truy quét tội phạm, tập trung đấu tranh với tội phạm ma túy tại các địa bàn và trên các tuyến trọng điểm, không để phát sinh các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy gây bức xúc trong nhân dân.

4. Nâng cao hiệu quả công tác điều trị giảm tác hại, điều trị nghiện các chất ma túy và công tác quản lý sau cai; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy. Tiếp tục thực hiện Dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy”.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí

a) Kinh phí từ ngân sách nhà nước.

b) Kinh phí từ Quỹ phòng, chống tội phạm của tỉnh.

c) Kết hợp lồng ghép với các chương trình, dự án khác có liên quan trong quá trình thực hiện đề án.

d) Kinh phí đóng góp của nhân dân (theo Luật Phòng, chống ma túy). đ) Kinh phí hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

2. Kinh phí thực hiện

a) Ngân sách Trung ương:

- Theo hướng dẫn Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ.

- Ưu tiên dành một phần kinh phí Quỹ quốc gia về việc làm đối với các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma túy, người nghiện ma túy tham gia chương trình điều trị, sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng có dự án vay vốn giải quyết việc làm theo quy định.

b) Ngân sách địa phương: Bố trí kinh phí thực hiện Đề án, tổng số 22.400 triệu đồng (Hai mươi hai tỷ, bốn trăm triệu đồng), bao gồm:

- Hỗ trợ hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh 400 triệu đồng/4năm. (100 triệu/năm x 4 năm = 400 triệu đồng)

- Hỗ trợ Ban Chỉ đạo cấp huyện 3.600 triệu đồng/4 năm.

(100 triệu/1 đơn vị x 4 năm x 9 đơn vị = 3.600 triệu đồng)

- Hỗ trợ đấu tranh tội phạm về ma túy ở cấp huyện 3.600 triệu đồng/4 năm

(100 triệu/1 đơn vị x 4 năm x 9 đơn vị = 3.600 triệu đồng)

- Hỗ trợ Ban Chỉ đạo cấp xã thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy 10.800 triệu đồng/4 năm.

(15 triệu/1 đơn vị x 180 đơn vị x 4 năm = 10.800 triệu đồng)

- Hỗ trợ học nghề, dạy nghề, hướng nghiệp nghề 4.000 triệu đồng/4 năm

(1.000 triệu/1 năm x 4 năm = 4.000 triệu đồng)

c) Ngân sách các địa phương hỗ trợ cải tạo các cơ sở điều trị nghiện ma túy của cấp huyện và các xã, phường, thị trấn; công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có ma túy; công tác điều trị nghiện ma túy bắt buộc, tự nguyện theo quy định hiện hành của Nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, định kỳ hằng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 18 tháng 5 năm 2017./.

 

 

CHỦ TỊCH




Bùi Xuân Hòa