Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 187/2010/NQ-HĐND

Biên Hòa, ngày 09 tháng 12 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH CỦA TỈNH ĐỒNG NAI NĂM 2011

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 21

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2011 - 2015 của tỉnh Đồng Nai;

Sau khi xem xét Tờ trình số 9412/TTr-UBND ngày 17/11/2010 của UBND tỉnh về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và môi trường năm 2010, dự kiến các chỉ tiêu kinh tế xã hội và môi trường năm 2011; Báo cáo số 9413/BC- UBND ngày 17/11/2010 của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2010, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2011; Tờ trình số 9580/TTr-UBND ngày 22/11/2010 của UBND tỉnh về bảng quy định giá các loại đất tỉnh Đồng Nai năm 2011; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và tổng hợp ý kiến thảo luận của Đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí với đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2010 theo Báo cáo số 9413/BC-UBND ngày 17/11/2010 của UBND tỉnh và mục tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Đồng Nai năm 2011 theo Tờ trình số 9412/TTr-UBND ngày 17/11/2010 của UBND tỉnh với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu chung

Phục hồi đà tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và phát triển bền vững; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập Quốc tế. Nỗ lực phấn đấu đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi đôi với bảo vệ môi trường; thực hiện tốt và đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, nâng cao mức thu nhập cho người lao động; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, trật tự xã hội.

2. Các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và môi trường

a) Chỉ tiêu về kinh tế:

- Phấn đấu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng từ 13% - 13,5% so với thực hiện năm 2010. Trong đó: Ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 14,1% - 14,6%; ngành dịch vụ tăng từ 14,4% - 15,1%; ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 2,7% - 3%.

- GDP theo giá hiện hành dự kiến khoảng 91.400 - 91.736 tỷ đồng. GDP bình quân đầu người từ 34,886 - 35,022 triệu đồng, tương đương 1.735 - 1.743 USD/người.

- Cơ cấu kinh tế: Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 57,3%; dịch vụ chiếm 35,2% và nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 7,5%.

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 17% - 18% so với năm 2010.

- Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 3,7% - 4% so với năm 2010.

- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ 36.000 tỷ đồng - 37.700 tỷ đồng, chiếm 39,4% - 41,1% GDP.

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn phấn đấu đạt dự toán Trung ương giao.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 15% - 17%.

- Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 1,5 tỷ USD - 1,7 tỷ USD.

- Thu hút vốn đầu tư trong nước từ 30 ngàn tỷ đồng - 33 ngàn tỷ đồng, vốn đăng ký doanh nghiệp từ 16 ngàn tỷ đồng - 18 ngàn tỷ đồng.

b) Chỉ tiêu về xã hội:

- Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,10%.

- Tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng đạt 220 sinh viên/vạn dân.

- Phấn đấu 90% trạm y tế có bác sỹ phục vụ ổn định; 100% xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 5,5 bác sỹ và 20 giường bệnh/01vạn dân.

- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 14%, trẻ em dưới 02 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 8%.

- Giải quyết việc làm 90 ngàn lao động. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 43,5%.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5% so với năm 2010 (theo chuẩn năm 2010).

- Toàn tỉnh có 87% ấp, khu phố văn hóa và 95% hộ gia đình văn hóa.

- Tỷ lệ hộ dùng điện đạt 99%. c) Chỉ tiêu về môi trường:

- Nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch (khu vực đô thị đạt 98,2%, khu vực nông thôn đạt 92%).

- Thu gom và xử lý 82% chất thải sinh hoạt; 100% chất thải y tế; 65% chất thải nguy hại.

- 100% khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường.

- Tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định 29,76%.

3. Các giải pháp chủ yếu

a) Huy động các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng mà trọng tâm là các dự án giao thông huyết mạch, giao thông kết nối có tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

b) Chủ động hội nhập kinh tế Quốc tế; đồng thời phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, không ngừng nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước:

- Thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế Quốc tế không trái với các quy định của WTO; mở rộng quan hệ hợp tác phát triển kinh tế xã hội với các vùng, lãnh thổ nước ngoài.

- Tiếp tục củng cố vai trò và phát huy hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp, các ngành trong quản lý phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ và công chức từ cấp tỉnh xuống cơ sở có phẩm chất đạo đức, năng lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Quan tâm công tác đào tạo, thu hút nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

c) Phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, phát triển ổn định lĩnh vực nông nghiệp:

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, một số quy hoạch ngành, quy hoạch cấp huyện, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế và yêu cầu phát triển giai đoạn tới.

- Tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến của các doanh nhân để tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Hỗ trợ, cung cấp thông tin về thị trường, vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, tập trung xây dựng các cảng biển, Cảng ICD, Khu Logistic, dịch vụ ngân hàng, du lịch, thương mại.

- Tăng cường công tác hướng dẫn ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp.

- Triển khai thực hiện một số biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại do hạn hán và dịch bệnh; xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với diễn biến của thời tiết, khí hậu; lồng ghép các dự án đầu tư, ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ vùng quy hoạch chăn nuôi, giết mổ tập trung; ban hành chế độ hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất.

d) Tiếp tục huy động vốn cho đầu tư phát triển:

- Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, trọng tâm là đầu tư hệ thống giao thông kết nối hệ thống cảng theo quy hoạch, các công trình giao thông huyết mạch, hạ tầng phục vụ nông nghiệp nông thôn.

- Rà soát các quy định pháp luật liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đề xuất thủ tục hành chính phù hợp thực tế và tăng cường nhân lực cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện cho các dự án triển khai thực hiện.

- Tiếp tục rà soát tình hình triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kịp thời tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

- Thực hiện xúc tiến đầu tư thông qua nhiều hình thức: Phối hợp các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm; các địa phương nước ngoài có quan hệ hợp tác phát triển kinh tế xã hội; các doanh nghiệp đầu tư thành công tại Đồng Nai để giới thiệu với các nhà đầu tư tiềm năng.

đ) Tập trung công tác quản lý giá cả đối với những mặt hàng do Nhà nước quản lý để ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn.

e) Thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách tạo việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

- Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu Quốc gia, đặc biệt là các chương trình gắn với công tác tạo việc làm và giảm nghèo. Hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi và thực hiện các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Các chính sách, dự án của chương trình giảm nghèo phải thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, bảo đảm cho người nghèo chủ động, tích cực tham gia vào chương trình giảm nghèo, nhằm nâng cao hiệu quả và thoát nghèo bền vững.

- Mở rộng mạng lưới đào tạo, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nhất là cho người dân trong vùng dự án có thu hồi đất nhanh chóng ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

g) Quản lý chặt chẽ tài nguyên, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường:

- Tiếp tục điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản làm cơ sở để xây dựng quy hoạch, kế hoạch nhằm khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên.

- Hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Thạnh Phú và Khu công nghiệp Ông Kèo; thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi khu đô thị, khu dân cư tập trung.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường.

- Đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

h) Công tác cải cách hành chính:

- Tập trung rà soát bộ thủ tục hành chính đã công bố để đề xuất điều chỉnh phù hợp thực tế. Nâng cao chất lượng thực hiện giải quyết hồ sơ theo quy trình một cửa, một cửa liên thông.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phục vụ công tác phòng chống tham nhũng. Bảo đảm thời hạn, tiến độ giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo và thực hiện các quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

i) Tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng đấu tranh phòng chống tội phạm, cả về phòng ngừa xã hội và phòng chống nghiệp vụ; điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật và xử lý nghiêm đủ sức răn đe đối với các loại tội phạm, nhất là triệt phá băng nhóm tội phạm hình sự và các loại tội phạm mới để đảm bảo tiếp tục giữ vững an ninh chính trị và an toàn xã hội.

Điều 2. Nhất trí thông qua nội dung Tờ trình số 9580/TTr-UBND ngày 22/11/2010 của UBND tỉnh về bảng quy định giá các loại đất tỉnh Đồng Nai năm 2011, công bố thực hiện từ ngày 01/01/2011 (kèm theo Tờ trình số 9580/TTr- UBND).

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này; định kỳ có đánh giá, kiểm điểm quá trình thực hiện và báo cáo tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Ban hành quyết định để công bố giá các loại đất tỉnh Đồng Nai năm 2011, thời gian thực hiện từ ngày 01/01/2011.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này theo luật định.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên vận động các tổ chức và nhân dân cùng giám sát việc thực hiện Nghị quyết; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan chức năng theo đúng quy định pháp luật.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII, kỳ họp thứ 21 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2010.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Đình Thành