HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2009/NQ-HĐND | Cần Thơ, ngày 09 tháng 12 năm 2009 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC ĐẶT TÊN ĐƯỜNG VÀ TÊN CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ MƯỜI BẢY
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;
Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ;
Theo Tờ trình số 89/TTr-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc đặt tên đường và công trình công cộng trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ;
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Đặt tên đường và tên công trình công cộng trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, cụ thể như sau:
1. Tên đường
Số TT | Tên đường | Chiều dài (m) | Giới hạn |
1 | Huỳnh Cương | 1.578,7 | Điểm đầu đường Hoàng Văn Thụ - xung quanh Hồ Xáng Thổi - điểm cuối đường Hoàng Văn Thụ |
2. Tên công trình công cộng
Số TT | Tên công trình công cộng | Địa điểm |
1 | Công viên Sông Hậu | Phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ |
2 | Hồ Xáng Thổi | Phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ |
(Kèm theo phụ lục)
Điều 2.
Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai và thực hiện gắn biển tên đường và tên công trình công cộng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân thành phố khóa VII, kỳ họp thứ mười bảy thông qua và được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật./.
| CHỦ TỊCH |
PHỤ LỤC
TÓM TẮT TIỂU SỬ NHÂN VẬT LỊCH SỬ VÀ ĐỊA DANH
(Kèm theo Nghị quyết số 19/2009/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2009 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ)
1. HUỲNH CƯƠNG (1925 - 1997)
Ông quê xã Vĩnh Phước, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Năm 1949, ông là Tổng Thư ký phân viện Phật học Khmer Nam bộ. Năm 1953, ông tham gia hoạt động bí mật trong phong trào sinh viên, trí thức, sư sãi yêu nước tại Sóc Trăng. Ông đã từng bị bọn Mỹ - Diệm lên kế hoạch ám sát nhưng không thành, sau đó ông vào khu giải phóng.
Năm 1961, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Khu Tây Nam bộ. Ông cũng được Trung ương tín nhiệm cử làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Từ năm 1976 - 1997, ông giữ nhiều chức vụ khác nhau: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hậu Giang, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hậu Giang, đại biểu Quốc hội - khóa VI, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - khóa VII, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng - khóa VII, Phó Trưởng Ban Dân tộc Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Trưởng phân ban Ban Dân tộc Trung ương Nam bộ, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên tổ đặc phái viên I của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ.
Ông là một vị lãnh đạo cao cấp, người dân tộc Khmer, đã cống hiến cả cuộc đời cho Phật học và cho sự nghiệp cách mạng. Ông có nhiều công lao sáng lập ra trường Pali trung cấp đầu tiên ở Nam bộ. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất và nhiều Huân chương, Huy chương, bằng khen các loại.
2. CÔNG VIÊN SÔNG HẬU
Sông Hậu là một trong hai chi lưu của hệ thống sông Mekong. Ở phần hạ lưu từ Phnôm pênh (Campuchia), sông Mekong chia thành hai nhánh chảy vào Việt Nam được gọi là sông Tiền và sông Hậu, rồi đổ ra biển Đông theo 9 cửa. Phần sông Hậu chảy qua thành phố Cần Thơ dài khoảng 65km. Sông Hậu có hàm lượng phù sa lớn, có tác dụng tưới nước, tiêu úng và có vai trò quan trọng trong giao thông đường thủy.
Công viên Sông Hậu nằm bên bờ sông Hậu thuộc địa bàn phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ có chiều dài 1.958,6m được xây dựng và hoàn thành vào tháng 9 năm 2009 nhân kỷ niệm 64 năm Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 02 tháng 9 và chào mừng sự kiện thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Công viên Sông Hậu góp phần làm tăng vẻ đẹp đô thị “thành phố vùng sông nước” của Cần Thơ.
3. HỒ XÁNG THỔI
Hồ Xáng Thổi nằm trên địa bàn phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Tên gọi Hồ Xáng Thổi xuất xứ cùng với sự hình thành của hồ. Đây là một hồ nước được hình thành vào khoảng năm 1940 do chính quyền Pháp thuộc cho xáng thổi từ bờ sông Cái Khế vào sâu trong đất liền dùng làm nơi đóng quân của hải quân Pháp. Xung quanh hồ lúc bấy giờ là nơi làm việc và lưu trú của gia đình những người làm cho hải quân Pháp. Con rạch từ bờ sông Cái Khế dẫn vào hồ được người dân gọi là rạch Xáng Thổi hoặc kênh Xáng Thổi. Hồ Xáng Thổi cũng còn được gọi là Bùng Binh Xáng. Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam và đến chế độ Mỹ ngụy, hồ Xáng Thổi trở nên hoang tàn là nơi cư trú của người dân tứ xứ trôi dạt đến. Xung quanh bờ hồ là những nhà sàn lụp xụp, dưới hồ được người dân trồng rau muống lâu ngày trở thành nơi ao tù nước đọng là túi rác lớn giữa lòng đô thị Cần Thơ.
Ngày 20 tháng 10 năm 2006 công trình cải tạo nâng cấp khu vực kênh và hồ Xáng Thổi được khởi công. Các hạng mục như: nạo vét chất hữu cơ, bùn đất trong kênh, làm bờ kè dọc kênh, công viên cây xanh,… đã được hoàn thành vào ngày 26 tháng 8 năm 2009. Hồ Xáng Thổi giờ đây đã trở thành một trong những công trình góp phần làm nên vẻ mỹ quan và mang đậm bản sắc văn hóa “thành phố vùng sông nước” của Cần Thơ.
- 1 Quyết định 665/QĐ-UBND năm 2014 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành đến năm 2013 hết hiệu lực và còn hiệu lực thi hành
- 2 Nghị quyết 17/NQ-HĐND năm 2013 công bố văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh Cần Thơ, thành phố Cần Thơ ban hành hết hiệu lực thi hành
- 3 Nghị quyết 17/NQ-HĐND năm 2013 công bố văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh Cần Thơ, thành phố Cần Thơ ban hành hết hiệu lực thi hành
- 1 Nghị quyết 17/2012/NQ-HĐND về đặt tên đường và công trình công cộng của thành phố Cần Thơ
- 2 Nghị quyết 33/2012/NQ-HĐND về đặt tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đợt 2, năm 2012
- 3 Nghị quyết 24/2012/NQ-HĐND về đặt tên một số đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 4 Nghị quyết 19/2011/NQ-HĐND về đặt tên, điều chỉnh độ dài đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 5 Thông tư 36/2006/TT-BVHTT hướng dẫn thực hiện Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng kèm theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP do Bộ Văn hóa Thông tin ban hành
- 6 Nghị định 91/2005/NĐ-CP về Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng
- 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 8 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Nghị quyết 17/2012/NQ-HĐND về đặt tên đường và công trình công cộng của thành phố Cần Thơ
- 2 Nghị quyết 33/2012/NQ-HĐND về đặt tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đợt 2, năm 2012
- 3 Nghị quyết 24/2012/NQ-HĐND về đặt tên một số đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 4 Nghị quyết 19/2011/NQ-HĐND về đặt tên, điều chỉnh độ dài đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội