CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/NQ-CP | Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2016 |
NGHỊ QUYẾT
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 02 NĂM 2016
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 08/2012/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp tháng 02 năm 2016, tổ chức ngày 29 tháng 02 năm 2016,
QUYẾT NGHỊ:
1. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 và 02 tháng đầu năm 2016; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, Điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016
Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong hai tháng đầu năm, các bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chuẩn bị các Điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 và các nhiệm vụ cần triển khai ngay sau kỳ nghỉ Tết. Nhân dân đón Tết trong không khí đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Nguồn cung hàng hóa, dịch vụ dồi dào; giá cả, thị trường ổn định. Dư nợ tín dụng tăng. Xuất khẩu tăng trưởng và có xuất siêu. Sản xuất công nghiệp và nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng. Khu vực dịch vụ khởi sắc, khách du lịch trong nước và quốc tế tăng. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả tích cực, giải ngân vốn FDI, ODA và vay ưu đãi tăng so với cùng kỳ năm 2015. Hoạt động phát triển doanh nghiệp có tín hiệu tích cực. Các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai kịp thời, thiết thực, đặc biệt là người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được quan tâm cả về vật chất và tinh thần. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và thông tin, tuyên truyền diễn ra sôi động, phong phú, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền đất nước được giữ vững. Công tác đối ngoại được chú trọng.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên cùng với Điều kiện thời tiết không thuận ở các tỉnh phía Bắc đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp và đời sống Nhân dân. Tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, số người chết còn cao, nhất là trong những ngày Tết tình trạng vi phạm quy định an toàn giao thông diễn ra phổ biến; tai nạn cháy, nổ tăng so với dịp Tết năm trước. Công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở một số nơi còn lỏng lẻo; việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, khu du lịch có nơi còn chưa nghiêm...
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; chỉ đạo quyết liệt và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, Điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, phấn đấu đạt và vượt các Mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra, tạo tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo tăng trưởng dư nợ tín dụng hợp lý gắn với triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2016 theo đúng quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư phát triển. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; triển khai đồng bộ, nhất quán các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhất là Luật đầu tư năm 2014, Luật doanh nghiệp năm 2014.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến giá dầu thô thế giới, đánh giá tác động của các Hiệp định thương mại tự do để chủ động đề xuất giải pháp cân đối nguồn thu ngân sách nhà nước; quyết tâm thu đạt và vượt dự toán ngân sách nhà nước; quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo, Điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2016.
- Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; chủ động đề xuất phương án khai thác dầu thô phù hợp trong Điều kiện giá dầu thô giảm sâu. Triển khai đồng bộ các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục theo quy định trình Quốc hội phê chuẩn và xây dựng chương trình hành động triển khai có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mới ký kết.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phát triển rừng và bảo vệ rừng, ngăn ngừa nguy cơ cháy rừng do hạn hán, nắng nóng.
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông trọng Điểm, cấp bách. Tăng cường triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, đẩy mạnh kiểm tra Điều kiện an toàn của các phương tiện vận tải; phối hợp với các địa phương tiếp tục kiểm soát tải trọng xe cơ giới.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo công tác chuẩn bị kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 bảo đảm trung thực, khách quan và tạo Điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
- Bộ Y tế tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, giám sát an toàn thực phẩm, nhất là tại các cơ sở kinh doanh du lịch và tại các lễ hội. Tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, nhất là dịch bệnh do vi rút Zika gây ra.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý lễ hội, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các Điểm du lịch; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chủ động phối hợp với địa phương cung ứng kịp thời nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp; nắm tình hình đời sống Nhân dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc và vùng bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm ngập mặn trong mùa giáp hạt để có biện pháp cứu trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu đói.
- Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động chống phá, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Bộ Công an tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nhất là tại các địa Điểm tổ chức lễ hội; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
- Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tạo đồng thuận trong xã hội; động viên, cổ vũ Nhân dân đoàn kết, hăng hái lao động sản xuất, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi, quyết tâm chung sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
- Các bộ, cơ quan được giao chủ trì xây dựng các báo cáo, đề án trình Hội nghi Trung ương và các báo cáo, dự án luật trình tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII khẩn trương hoàn chỉnh, trình theo đúng quy định và bảo đảm chất lượng.
2. Về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội theo quy định.
3. Về Báo cáo bổ sung tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, tình hình triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2016
Giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo. Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội theo quy định.
4. Về tình hình hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và giải pháp khắc phục
Đây là đợt hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra sớm, kéo dài trên diện rộng và nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Dự báo trong thời gian tới sẽ có nguy cơ tiếp tục xảy ra thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhận thức đầy đủ tính chất nghiêm trọng của đợt hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra, chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và chăm lo ổn định đời sống Nhân dân, nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, bị đói và bùng phát dịch bệnh. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
- Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ liên quan thông tin kịp thời tình hình hạn hán, xâm nhập mặn; thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước các hồ thủy lợi, hồ thủy điện trên địa bàn để cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, trong đó ưu tiên nước uống, nước sinh hoạt cho Nhân dân và nước cho chăn nuôi. Chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục hạn hán trên địa bàn; rà soát xác định các hộ thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là các hộ nghèo, gia đình chính sách để chủ động hỗ trợ kịp thời; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chế độ canh tác phù hợp với khả năng bảo đảm nguồn nước. Chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống hạn, xâm nhập mặn theo quy định.
- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao kịp thời tổng hợp, đề xuất báo cáo Thủ tướng xem xét hỗ trợ địa phương theo quy định.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ liên quan rà soát, xác định số kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ theo chính sách, chế độ quy định; tạm ứng 70% kinh phí cho các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức giao ban với các địa phương vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn để kịp thời chỉ đạo hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn; tổ chức, chỉ đạo các địa phương đắp đập tạm, khoanh vùng giữ nước để chống xâm nhập mặn và tích trữ nước ngọt; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện các giải pháp sử dụng nước có hiệu quả, hạn chế thất thoát nước. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với Điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn. Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo nghiên cứu, phát triển giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với Điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh huy động nguồn lực, cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật đầu tư công và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình cấp bách phục vụ phòng, chống hạn, xâm nhập mặn và sạt lở ven biển, trong đó ưu tiên bố trí vốn để sớm hoàn thành các công trình, dự án dở dang.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi, dự báo, thông tin kịp thời về nguồn nước; đánh giá cụ thể tác động của các dự án làm thay đổi dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Công, đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.
- Chính phủ đồng ý nguyên tắc mở rộng phạm vi, nội dung hỗ trợ kinh phí phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn cho các địa phương như đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan rà soát các nội dung cấp bách cần hỗ trợ kinh phí, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo nguyên tắc trước hết các địa phương phải chủ động bố trí ngân sách địa phương, ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương khó khán, bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán, xâm nhập mặn phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.
5. Về việc tiếp tục áp dụng Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội Khóa XIII kỳ họp thứ 11 xem xét, ghi vào Nghị quyết kỳ họp Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho đến khi Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được ban hành và có hiệu lực./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
- 1 Nghị quyết 76/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2016
- 2 Nghị quyết 71/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2016
- 3 Nghị quyết 59/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2016
- 4 Nghị quyết 49/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2016
- 5 Nghị quyết 33/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2016
- 6 Nghị quyết 23/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2016
- 7 Chỉ thị 04/CT-TTg năm 2016 thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Nghị quyết 10/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2016
- 9 Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 do Chính phủ ban hành
- 10 Nghị quyết 89/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2015
- 11 Nghị quyết 81/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2015
- 12 Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 13 Luật Đầu tư 2014
- 14 Luật Doanh nghiệp 2014
- 15 Luật Đầu tư công 2014
- 16 Nghị định 08/2012/NĐ-CP về Quy chế làm việc của Chính phủ
- 17 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 1 Nghị quyết 76/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2016
- 2 Nghị quyết 71/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2016
- 3 Nghị quyết 59/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2016
- 4 Nghị quyết 49/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2016
- 5 Nghị quyết 33/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2016
- 6 Nghị quyết 23/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2016
- 7 Nghị quyết 10/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2016
- 8 Nghị quyết 89/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2015
- 9 Nghị quyết 81/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2015