Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2022/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC MỘT SỐ LĨNH VỰC KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XVI - KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Thủ đô ngày 21 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao ngày 14 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 01 năm 2009;

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007, Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ quy định và sửa đổi bổ sung về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;

Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;

Căn cứ Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chiếu sáng đô thị;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định, số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải; Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định về y tế xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục;

Xét Tờ trình số 278/TTr-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2022; Báo cáo số 315/BC-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc xây dựng Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền, xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân Thành phố về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội; Báo cáo thẩm tra số 51/BC-PC ngày 07 tháng 9 năm 2022 của Ban Pháp chế; Báo cáo thẩm tra số 75/BC-KTNS ngày 08 tháng 9 năm 2022 của Ban Kinh tế và Ngân sách; Báo cáo thẩm tra số 60/BC-VHXH ngày 09 tháng 9 năm 2022 của Ban Văn hóa - Xã hội; Báo cáo thẩm tra số 38/BC-BĐT ngày 09 tháng 9 năm 2022 của Ban Đô thị; Báo cáo giải trình số 329/BC-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của các Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố:

a) Tổ chức thực hiện quy định tại Nghị quyết này.

b) Ban hành nguyên tắc, tiêu chí và danh mục các công trình phân cấp quản lý trong các lĩnh vực; chỉ đạo các cơ quan có liên quan và cấp huyện bàn giao, tiếp nhận quản lý công trình theo phân cấp.

c) Hướng dẫn, phân công thực hiện các nội dung cần xử lý chuyển tiếp và quy định các nội dung cần xử lý chuyển tiếp chưa được quy định tại Nghị quyết này.

2. Giao Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ:

a) Chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nội dung được Thành phố phân cấp quản lý tại Quy định này.

b) Chủ động phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn.

3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp tham gia giám sát thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 12 tháng 9 năm 2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2022. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban công tác đại biểu thuộc UBTVQH;
- Các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, KHĐT, TC;
- VP Quốc hội, VP Chính phủ;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ TP;
- Các Ban Đảng Thành ủy;
- Các Ban HĐND Thành phố ;
- Các vị Đại biểu HĐND Thành phố;
- Các Văn phòng: Thành ủy; Đoàn ĐBQH và HĐND TP, UBND TP;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- TTr HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã;
- Công báo TP, Cổng GTĐT TP;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Tuấn

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC MỘT SỐ LĨNH VỰC KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

a) Quy định này quy định việc phân cấp quản lý nhà nước giữa chính quyền Thành phố và chính quyền cấp huyện. Căn cứ các nội dung được phân cấp, chính quyền cấp huyện giao nhiệm vụ cho chính quyền cấp xã thực hiện quản lý từng lĩnh vực và nội dung công việc trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với điều kiện, khả năng cụ thể của mỗi địa phương, phù hợp thẩm quyền, trách nhiệm của cấp xã theo quy định của Nhà nước.

b) Các nội dung phân cấp quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực về kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố và chính quyền Thành phố theo quy định của pháp luật, cụ thể: quản lý đường bộ; quản lý chiếu sáng công cộng; quản lý công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ; quản lý thoát nước đô thị và xử lý nước thải; quản lý vệ sinh môi trường; quản lý bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm đón, trả khách, vận tải hành khách tuyến cố định và vận tải hành khách công cộng; quản lý cấp nước sạch; quản lý thủy lợi; quản lý đê điều; quản lý rừng; quản lý thông tin truyền thông; quản lý giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; quản lý văn hóa - thể thao, du lịch; quản lý y tế; quản lý các hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; quản lý chợ.

Những nội dung phân cấp quản lý nhà nước về các lĩnh vực khác không quy định tại Nghị quyết này thì thực hiện theo các văn bản pháp luật hiện hành.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Chính quyền Thành phố và các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền Thành phố (sau đây gọi tắt là Thành phố).

b) Chính quyền cấp huyện và các cơ quan chuyên môn trực thuộc (sau đây gọi tắt là “cấp huyện”).

c) Tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nguyên tắc phân cấp

1. Đúng quy định pháp luật hiện hành, quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019, Luật Thủ đô ngày 21 tháng 11 năm 2012.

2. Đảm bảo tính đồng bộ, tính hệ thống, tính liên tục, không trùng, không sót trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý nhà nước; đảm bảo yếu tố khoa học, kỹ thuật chuyên ngành trong mỗi lĩnh vực.

3. Từng bước phân cấp đồng bộ giữa đầu tư và quản lý sau đầu tư đối với các lĩnh vực, nhiệm vụ đang tập trung quản lý sau đầu tư ở cấp Thành phố theo hướng tăng cường phân cấp cho cấp huyện.

4. Trách nhiệm, quyền hạn của cấp chính quyền nào thì cấp đó phải làm. Đảm bảo điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để cấp huyện thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân cấp.

5. Đảm bảo nguyên tắc phân cấp giảm đầu mối, tầng nấc, việc nào, cấp nào nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, khả năng quản lý, phù hợp với điều kiện, khả năng cân đối các nguồn lực cần thiết để thực hiện trừ những lĩnh vực có tính liên kết hệ thống và tính đặc thù Thành phố thống nhất quản lý.

6. Đảm bảo yêu cầu quản lý đô thị, yêu cầu phát triển nông thôn: cấp Thành phố quản lý những nhiệm vụ trọng yếu của Thành phố, cấp huyện quản lý những nhiệm vụ gắn liền với đời sống dân sinh.

7. Thành phố quản lý đảm bảo thống nhất trên toàn địa bàn thông qua việc xây dựng mục tiêu, nguyên tắc, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, quy trình, quy chế tổ chức triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát thông qua hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, nguyên tắc và hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung.

8. Đảm bảo tính kế thừa những ưu điểm, khắc phục các nhược điểm trong quy định phân cấp trong thời gian qua; đồng thời cần có tính ổn định để triển khai hiệu quả.

9. Đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, gắn quyền hạn với trách nhiệm giải quyết công việc và cải cách hành chính trong các lĩnh vực được phân cấp; gắn với trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền địa phương. Gắn phân cấp quản lý với tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện sau phân cấp từ Thành phố.

10. Tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có năng lực tổ chức triển khai, có nguồn lực tốt. Tạo điều kiện cho cấp huyện phát huy cao nhất tính sáng tạo, linh hoạt, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp; đảm bảo phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa ngành với ngành và giữa ngành với cấp trong quản lý theo ngành, lĩnh vực và quản lý theo địa bàn.

Điều 3. Từ ngữ giải thích

Trong Quy định này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quản lý được hiểu là quá trình tổ chức, điều hành, thực thi quyền hạn gắn với trách nhiệm của Nhà nước nói chung, của cơ quan quản lý nhà nước các cấp nói riêng từ Thành phố đến cấp xã đối với các hoạt động của con người và các quá trình xã hội liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố nhằm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội trên địa bàn Thành phố.

2. Đầu tư được hiểu là đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công.

3. Đường bộ gồm các hạng mục được quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải.

4. Đường đô thị là đường bộ nằm trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm cả đường thuộc phạm vi nội thị của thị xã, thị trấn theo quy hoạch.

Các loại đường và cấp đường đô thị được quy định tại Bảng số 3 QCVN 07-4:2016/BXD ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BXD ngày 01/02/2016 của Bộ Xây dựng.

5. Đường huyện là đường nối từ trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

6. Lòng đường là phạm vi mặt đường giữa 2 mép bó vỉa hè đường (đối với đường có vỉa hè) hoặc phạm vi kết cấu mặt đường (đối với đường không có vỉa hè).

7. Đường, phố trong địa bàn các quận là các tuyến đường, phố được Thành phố đặt tên theo quy định.

8. Công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, công nghệ và công cụ kỹ thuật hiện đại để sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số.

9. Cơ sở hạ tầng thông tin là hệ thống trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất, truyền tải, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính và cơ sở dữ liệu.

10. Hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung của Thành phố bao gồm mạng tin học diện rộng của Thành phố (mạng WAN) và hạ tầng Trung tâm dữ liệu.

11. Hệ thống thông tin dùng chung là hệ thống sử dụng công nghệ thông tin để thu thập, truyền, lưu trữ, xử lý, phân phối thông tin và dữ liệu để có thể ứng dụng trong nhiều cơ quan nhà nước.

12. Cơ sở dữ liệu dùng chung là tập hợp các dữ liệu về các lĩnh vực, được sử dụng trong nhiều cơ quan nhà nước, được sắp xếp, tổ chức để dễ dàng truy nhập, khai thác, quản lý an toàn và cập nhật thông qua các phương tiện điện tử.

13. Nghĩa trang được phân loại như sau: nghĩa trang tập trung cấp quốc gia, nghĩa trang tập trung liên tỉnh, nghĩa trang cấp Thành phố, nghĩa trang cấp huyện và nghĩa trang cấp xã.

a) Nghĩa trang tập trung quốc gia là nơi chôn cất phần mộ đồng thời là nơi tưởng niệm, ghi công các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các danh nhân văn hóa, các nhà khoa học... có công với đất nước.

b) Nghĩa trang tập trung liên tỉnh là nghĩa trang có vị trí ranh giới nằm trên địa bàn từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, có phạm vi phục vụ từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.

c) Nghĩa trang cấp Thành phố là các nghĩa trang có phạm vi phục vụ từ hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.

d) Nghĩa trang cấp huyện là các nghĩa trang có phạm vi phục vụ từ hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên trên địa bàn.

đ) Nghĩa trang cấp xã (bao gồm cả nghĩa trang thôn, xóm) là các nghĩa trang có phạm vi phục vụ trong địa bàn xã.

Chương II

NỘI DUNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC MỘT SỐ LĨNH VỰC KINH TẾ - XÃ HỘI

Điều 4. Quản lý đường bộ

1. Thành phố thống nhất quản lý tổ chức giao thông trên địa bàn toàn Thành phố.

2. Thành phố quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo trì đường bộ:

a) Thành phố đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng: đường cao tốc, đường quốc lộ do Trung ương bàn giao về Thành phố đầu tư, quản lý; đường vành đai, đường trên cao; đường tỉnh lộ; đường theo quy hoạch là đường huyện đi qua địa bàn hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên; đường đô thị và đường theo quy hoạch là đường đô thị: quy chuẩn từ loại đường chính khu vực trở lên (theo QCVN 07-4:2016/BXD, có bề rộng mặt cắt ngang đường từ 23 m trở lên theo quy hoạch) trên địa bàn các quận, quy chuẩn từ loại đường khu vực trở lên (theo QCVN 07-4:2016/BXD, có bề rộng mặt cắt ngang đường từ 16 m trở lên) đối với các huyện còn lại và thị xã Sơn Tây.

b) Thành phố quản lý, bảo trì các đường bộ (trừ hè đường) do Thành phố đầu tư tại điểm a khoản này.

c) Thành phố đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường đô thị và đường theo quy hoạch là đường đô thị có quy chuẩn từ loại đường chính khu vực trở lên (theo QCVN 07-4:2016/BXD, có bề rộng mặt cắt ngang đường từ 23 m trở lên theo quy hoạch) trên địa bàn 05 huyện có Đề án thành lập quận đến năm 2025 (gồm các huyện: Đông Anh, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì).

d) Thành phố quản lý, bảo trì các đường đô thị có quy chuẩn từ loại đường khu vực trở lên (theo QCVN 07-4:2016/BXD, có bề rộng mặt cắt ngang đường từ 16 m trở lên) trên địa bàn 05 huyện có Đề án thành lập quận đến năm 2025 (gồm các huyện: Đông Anh, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì).

3. Thành phố quản lý, bảo trì các hạng mục đường bộ (không bao gồm hè đường) trên: các đường, phố trong địa bàn các quận trừ đường ngõ, ngách; các đường, phố, các tuyến đường từ loại đường khu vực trở lên (theo QCVN 07-4:2016/BXD, có bề rộng mặt cắt ngang đường từ 16m trở lên) trong các khu đô thị trên địa bàn các quận, các khu đô thị trên địa bàn từ hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên sau khi chủ đầu tư các khu đô thị bàn giao về Thành phố.

4. Thành phố quản lý, bảo trì các hạng mục đường bộ (không bao gồm hè đường) một số tuyến đường giao thông quan trọng, các trục hướng tâm trên địa bàn các huyện và thị xã Sơn Tây để phục vụ công tác tổ chức giao thông, chống ùn tắc giao thông theo danh mục Thành phố phê duyệt.

5. Thành phố thống nhất khai thác, vận hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn Thành phố.

a) Thành phố quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo trì hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên các tuyến đường Thành phố quản lý.

b) Cấp huyện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý, bảo trì hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên các tuyến đường cấp huyện quản lý.

6. Cấp huyện quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo trì các công trình đường bộ còn lại trên địa bàn, trừ đường do Trung ương và Thành phố quản lý đầu tư, bảo trì theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều này.

7. Cấp huyện quản lý và bảo trì toàn bộ hè đường, bao gồm cả các hè đường trong các khu đô thị do các chủ đầu tư bàn giao về Thành phố trên địa bàn.

Điều 5. Quản lý chiếu sáng công cộng

1. Thành phố quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo dưỡng, sửa chữa, cấp điện hệ thống chiếu sáng công cộng (bao gồm cả chiếu sáng trang trí mỹ thuật đô thị) đồng bộ với đầu tư hệ thống đường bộ do Thành phố đầu tư.

2. Thành phố quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống chiếu sáng công cộng (bao gồm cả chiếu sáng trang trí mỹ thuật đô thị) trên các tuyến đường bộ, trong các công viên, vườn hoa, quảng trường và các khu vực công cộng khác do Thành phố quản lý.

3. Thành phố quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, cấp điện toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn các quận trừ chiếu sáng ngõ, ngách.

4. Các quận đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống chiếu sáng đồng bộ với đầu tư hệ thống đường bộ do cấp huyện đầu tư; quản lý, đầu tư, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa chiếu sáng ngõ, ngách.

5. Các huyện, thị xã Sơn Tây quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống chiếu sáng công cộng đồng bộ với đầu tư hệ thống đường bộ do cấp huyện đầu tư; trong công viên, vườn hoa và các khu vực công khác do cấp huyện quản lý.

Điều 6. Quản lý công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ

1. Thành phố quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, duy trì, chăm sóc, bảo tồn các công viên, vườn hoa đặc biệt quan trọng theo danh mục Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt (bao gồm cả hồ nước trong công viên, vườn hoa).

2. Thành phố đầu tư trồng mới cây xanh, thảm cỏ trong các khu vực công cộng, quảng trường, trên hệ thống đường do Thành phố đầu tư.

3. Thành phố quản lý, duy trì, chăm sóc, cắt tỉa, trồng bổ sung, thay thế cây xanh bóng mát, cây cảnh, thảm cỏ trên các tuyến đường đô thị từ cấp khu vực trở lên (theo QCVN 07-4:2016); đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường trên cao do Thành phố quản lý đi qua địa bàn các quận, huyện, thị xã; trên các tuyến đường quan trọng theo danh mục Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

4. Cấp huyện quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, duy trì, chăm sóc, bảo tồn các công viên (bao gồm cả bảo đảm chất lượng nước hồ), vườn hoa, ao, hồ còn lại trên địa bàn, trừ các công viên, vườn hoa Thành phố quản lý tại khoản 1 Điều này.

5. Cấp huyện:

a) Đầu tư trồng mới cây xanh, thảm cỏ trong các khu vực công cộng, trên hệ thống đường do cấp huyện đầu tư.

b) Quản lý, duy trì, chăm sóc, cắt sửa, trồng bổ sung, thay thế cây xanh, thảm cỏ còn lại trên địa bàn (kể cả trong khu đô thị), trừ cây xanh, thảm cỏ do Thành phố quản lý sau đầu tư tại khoản 3 Điều này.

Điều 7. Quản lý thoát nước đô thị và xử lý nước thải

1. Thành phố quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thoát nước gắn với các khu vực (không bao gồm thoát nước ngõ, xóm); các tuyến đường do Thành phố đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trên địa bàn Thành phố; hệ thống thoát nước liên khu vực (bao gồm cả các hồ trong khu vực đô thị) không gắn trực tiếp với đường theo danh mục do Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt hoặc ủy quyền cho các sở chuyên ngành phê duyệt.

2. Thành phố quản lý, duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa toàn bộ hệ thống thoát nước trên địa bàn các quận, trừ thoát nước ngõ, ngách; hệ thống thoát nước gắn với các khu vực, các tuyến đường do Thành phố quản lý sau đầu tư trên địa bàn các huyện và thị xã Sơn Tây (bao gồm cả đường trong khu đô thị do chủ đầu tư bàn giao về Thành phố); quản lý, duy tu, duy trì và quản lý môi trường nước (bao gồm cả quản lý nước thải khu vực hồ, quản lý chất lượng nước hồ; không bao gồm công tác quản lý diện tích, an ninh trật tự, các hoạt động xã hội khu vực hồ do chính quyền cấp huyện quản lý) đối với các hồ thoát nước, hồ điều hòa có giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan môi trường trên địa bàn các quận (ngoài các hồ trong công viên Thành phố quản lý) và quản lý điều tiết mực nước hồ theo danh mục hồ nước do Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

3. Cấp huyện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng: hệ thống thoát nước gắn với các khu vực, các tuyến đường do cấp huyện đầu tư; hệ thống thoát nước ngõ, xóm; hệ thống thoát nước còn lại (bao gồm hệ thống thoát nước ao, hồ do cấp huyện đầu tư) trừ hệ thống thoát nước do Thành phố đầu tư.

4. Các quận quản lý, duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thoát nước ngõ, ngách.

5. Các huyện và thị xã Sơn Tây quản lý, duy tu, duy trì hệ thống thoát nước và các hồ điều hòa còn lại trên địa bàn, trừ phần Thành phố quản lý sau đầu tư tại điểm b khoản 1 Điều này (bao gồm thoát nước ao, hồ do cấp huyện quản lý).

6. Xử lý nước thải:

a) Thành phố thống nhất quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, vận hành, bảo trì hệ thống xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố, trừ hệ thống xử lý nước thải phân cấp cho cấp huyện quy định tại điểm b khoản này.

b) Cấp huyện quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo trì đối với công trình xử lý nước thải cục bộ (quy mô dưới 5.000m3/ngày đêm) và hệ thống thu gom nước thải trên địa bàn nhằm xử lý nước thải tại các khu dân cư không kết nối được với hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của Thành phố.

Điều 8. Quản lý vệ sinh môi trường

1. Thành phố quản lý, duy trì vệ sinh môi trường: quét hút; rửa đường, hè; thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và công tác vệ sinh môi trường khác trên các đường cao tốc do Thành phố quản lý trừ việc duy trì vệ sinh tuyến đường dẫn, cầu vượt ngang, tuyến đường gom hai bên Đại lộ Thăng Long.

2. Thành phố quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, vận hành, duy trì các khu, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng tập trung trên địa bàn Thành phố, gồm các khu liên hợp xử lý chất thải: Sóc Sơn; Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và các khu xử lý chất thải, chất thải rắn xây dựng tập trung khác của Thành phố theo quy hoạch; các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phục vụ công tác thu gom, vận chuyển chất thải theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Thành phố phân luồng vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố về khu xử lý chất thải, nhà máy xử lý chất thải, bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt do Thành phố đầu tư hoặc đã ký hợp đồng dịch vụ xử lý đối với các nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt.

4. Cấp huyện quản lý, duy trì vệ sinh môi trường: quét hút; rửa đường, hè; thu gom, vận chuyển chất thải và công tác vệ sinh môi trường khác trong toàn bộ phạm vi địa giới hành chính (trừ các đường cao tốc).

5. Quận Nam Từ Liêm, các huyện: Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai ngoài thực hiện quản lý sau đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều này, quản lý, duy trì vệ sinh môi trường tuyến đường dẫn, cầu vượt ngang, tuyến đường gom hai bên Đại lộ Thăng Long trên địa bàn.

6. Cấp huyện quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, vận hành và duy trì các khu tập kết rác thải sinh hoạt, các khu tập kết chất thải rắn xây dựng, phân bùn bể phốt có phạm vi phục vụ nội huyện.

7. Cấp huyện chỉ đạo và hướng dẫn trong việc thành lập và tổ chức hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường tại địa phương, đảm bảo hoạt động có hiệu quả.

Điều 9. Quản lý bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm đón, trả khách, vận tải hành khách tuyến cố định và vận tải hành khách công cộng

1. Thành phố thống nhất quản lý vận tải hành khách công cộng và toàn bộ kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng trên toàn địa bàn Thành phố.

2. Thành phố quản lý bến xe khách liên tỉnh, bến xe tải theo quy hoạch.

3. Thành phố tổ chức lựa chọn các đơn vị thực hiện xã hội hóa quản lý sau đầu tư việc khai thác vận hành các bến xe phục vụ công cộng do Thành phố đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng.

4. Thành phố quản lý việc khai thác vận hành, thỏa thuận về phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và các nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật: toàn bộ trạm dừng nghỉ trên tuyến đường thuộc hệ thống đường địa phương; toàn bộ bến xe tải, bến xe khách liên tỉnh; các bãi đỗ, điểm đỗ xe trên lòng đường thuộc các tuyến đường và các khu vực công cộng trên địa bàn các quận và trên lòng đường thuộc các tuyến đường do Thành phố quản lý sau đầu tư đi qua các huyện và thị xã Sơn Tây.

5. Thành phố quy định giá cụ thể đối với dịch vụ trông giữ xe trong bãi đỗ xe được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước, giá tối đa đối với dịch vụ trông giữ xe trong bãi đỗ xe được đầu tư bằng nguồn ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố.

6. Cấp huyện quản lý:

a) Các bãi đỗ xe trên địa bàn theo quy hoạch.

b) Các bãi, điểm đỗ xe trên hè đường, lòng đường do cấp huyện quản lý.

c) Các điểm đỗ xe trong các khu dân cư, trung tâm thương mại và khu vực công cộng khác trên địa bàn.

Điều 10. Quản lý cấp nước sạch

1. Thành phố:

a) Quản lý, giám sát các đơn vị cấp nước trong việc đảm bảo cấp nước sạch đô thị, nước sạch tập trung do Thành phố đầu tư.

b) Quy định số lượng, tiêu chuẩn chất lượng, khung giá bán nước sạch trên địa bàn toàn Thành phố.

c) Phối hợp với đơn vị cấp nước quản lý bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước và ổn định dịch vụ cấp nước tại địa bàn Thành phố đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng.

d) Quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình hạ tầng ngoài hàng rào và hỗ trợ khác theo chính sách nước sạch đô thị của nhà nước khi triển khai dự án cấp nước sạch tập trung tại: các quận, thị xã Sơn Tây; các khu vực có sử dụng nguồn nước sạch tập trung của Thành phố và công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn Thành phố.

đ) Hỗ trợ theo chính sách đầu tư nước sạch nông thôn khi triển khai các dự án cấp nước sạch nông thôn tại các huyện, thị xã Sơn Tây.

2. Cấp huyện:

a) Quản lý, giám sát các đơn vị cấp nước sạch tại địa phương về số lượng, tiêu chuẩn chất lượng, giá bán cho từng đối tượng cụ thể trên địa bàn theo khung giá bán Thành phố quy định.

b) Phối hợp với đơn vị cấp nước bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước và ổn định dịch vụ cấp nước tại địa phương.

c) Quản lý, giám sát các đơn vị được giao khai thác vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn đảm bảo đúng quy định và cam kết với nhà nước.

d) Quản lý, đầu tư, duy trì hệ thống nước sạch tại khu vực nông thôn vùng sâu vùng xa không thể kết nối với hệ thống cấp nước tập trung; những khu vực chưa có hệ thống cấp nước và không có nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa.

e) Quản lý, duy tu, bảo trì công trình cấp nước sạch tập trung hiện có tại địa phương đã được đầu tư bằng ngân sách hoặc có nguồn gốc ngân sách nhà nước mà chưa xã hội hóa quản lý sau đầu tư được.

Điều 11. Quản lý thủy lợi

1. Thành phố quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo trì:

a) Công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi vừa trên địa bàn Thành phố (trừ công trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý);

b) Công trình thủy lợi mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến hai xã, phường, thị trấn trở lên;

c) Công trình thủy lợi nhỏ (trạm bơm, cống, đập, đường ống, xi phông, tuynel, cầu máng dùng để dẫn, chuyển, điều tiết nước) gắn với công trình thủy lợi do Thành phố quản lý theo quy định tại điểm a, điểm b khoản này (trừ công trình quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này).

2. Cấp huyện quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo trì:

a) Các công trình thủy lợi còn lại trên địa bàn Thành phố (trừ các công trình thủy lợi quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều này);

b) Công trình thủy lợi nội đồng.

3. Cấp huyện phối hợp quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi thuộc nhiệm vụ quản lý của Thành phố trên địa bàn.

4. Công trình thủy lợi do tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng thì tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm quản lý.

Điều 12. Quản lý đê điều

1. Thành phố trực tiếp quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, duy tu, bảo dưỡng, xử lý cấp bách sự cố các tuyến đê (kể cả công trình trên đê) từ cấp III trở lên trên địa bàn Thành phố.

2. Cấp huyện:

a) Trực tiếp quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, duy tu, bảo dưỡng, xử lý cấp bách sự cố các tuyến đê (kể cả công trình trên đê) từ cấp IV trở xuống và các tuyến đê chưa phân cấp trên địa bàn.

b) Phối hợp quản lý, bảo vệ các tuyến đê do Thành phố quản lý đi qua địa bàn theo quy định pháp luật về đê điều và quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Điều 13. Quản lý rừng

1. Thành phố quản lý chung việc bảo vệ và phát triển rừng, tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn Thành phố.

2. Thành phố đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, duy trì, bảo tồn rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên địa bàn Thành phố.

3. Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng từ loại rừng này sang loại rừng khác; quyết định (hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận) chuyển đổi rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang mục đích sử dụng khác theo quy định của pháp luật.

4. Cấp huyện thực hiện trách nhiệm quản lý và phối hợp quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật và Thành phố về bảo vệ, phát triển rừng.

5. Cấp huyện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng phục vụ bảo vệ, hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên địa bàn theo chính sách hiện hành của nhà nước; trực tiếp quản lý, đầu tư, bảo vệ, phòng chống cháy rừng sản xuất, rừng còn lại trên địa bàn.

Điều 14. Quản lý thông tin truyền thông

1. Thành phố quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, vận hành, duy trì, bảo dưỡng hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm dùng chung cho các cơ quan quản lý nhà nước ở cả ba cấp quản lý của Thành phố (cấp Thành phố, cấp huyện, cấp xã).

2. Thành phố quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo dưỡng hệ thống thông tin nguồn cấp Thành phố theo quy định về quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

3. Thành phố quản lý các hoạt động báo chí, xuất bản và các đài phát thanh truyền hình thuộc Thành phố theo thẩm quyền.

4. Cấp huyện quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành các đài phát thanh, truyền thanh cấp huyện, cấp xã trên địa bàn, trong đó có đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

5. Cấp huyện:

a) Phối hợp quản lý và khai thác hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung được Thành phố triển khai tại đơn vị.

b) Quản lý, duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành các đài phát thanh, truyền thanh cấp huyện, cấp xã trên địa bàn, trong đó có đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

Điều 15. Quản lý giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp

1. Thành phố:

- Quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo dưỡng, sửa chữa các trường công lập: trường đại học, trường cao đẳng, trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục, trường trung cấp thuộc thành phố Hà Nội; các trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có cấp trung học phổ thông; các trường phổ thông cơ sở, tiểu học, mầm non trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (Trường Mầm non B, Trường Mẫu giáo Việt Triều hữu nghị); trường dành cho người khuyết tật (Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu; Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn; Trường Tiểu học Bình Minh).

- Quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa các trường trung học phổ thông; trường phổ thông dân tộc nội trú có cấp trung học phổ thông.

2. Cấp huyện:

- Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các trường trung học phổ thông; trường phổ thông dân tộc nội trú có cấp trung học phổ thông.

- Quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo dưỡng, sửa chữa: trường trung học cơ sở; trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó không có cấp học trung học phổ thông; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường phổ thông dân tộc nội trú không có cấp trung học phổ thông; trường tiểu học; trường mầm non (trừ các trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo); trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; các cơ sở giáo dục, đào tạo cấp huyện có tên gọi khác; trung tâm học tập cộng đồng.

Điều 16. Quản lý văn hóa - thể thao - du lịch

1. Thành phố quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, tu bổ, bảo tồn, duy tu, bảo trì, phát huy giá trị các di tích quan trọng do Thành phố trực tiếp quản lý: Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long; Khu di tích Cổ Loa; Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Di tích Bác Hồ ở Vạn Phúc - Hà Đông; Di tích Nhà tù Hỏa Lò; Di tích 48 Hàng Ngang; Di tích 5D Hàm Long; Di tích 90 Thợ Nhuộm; cụm di tích Đền Bà Kiệu, hồ Hoàn Kiếm - Di tích Đền Ngọc Sơn - tượng đài Vua Lê và các di tích quốc gia đặc biệt khác (nếu có) do Thành phố quản lý sau khi được xếp hạng, công nhận, cấp huyện quản lý, duy tu, bảo trì các di tích còn lại trên địa bàn, trừ các di tích Thành phố trực tiếp quản lý.

2. Thành phố đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, tu bổ các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến do cấp huyện đang quản lý và các di tích quốc gia đặc biệt khác (nếu có) khi Thành phố giao cấp huyện quản lý sau khi được xếp hạng, công nhận, cấp huyện đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích còn lại trên địa bàn, trừ các di tích Thành phố trực tiếp đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng.

3. Thành phố quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo dưỡng, sửa chữa các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng cấp Thành phố; nhà thi đấu thể thao, trung tâm huấn luyện thi đấu thể thao, sân vận động cấp Thành phố; Cung thanh niên Thành phố, Cung thiếu nhi Hà Nội. Cấp huyện quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình văn hóa, thể thao cấp huyện, xã, thôn, tổ dân phố, khu vui chơi cộng đồng.

4. Thành phố quản lý và thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ đối với các di tích trên địa bàn Thành phố: nghiên cứu, kiểm kê xếp hạng, lập hồ sơ tư liệu, hồ sơ khoa học về di tích, địa điểm khảo cổ; lập hồ sơ khoa học về di vật theo đề nghị của địa phương; quản lý và tổ chức thực hiện việc nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê phân loại di sản văn hóa phi vật thể; quản lý hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể.

5. Thành phố quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo trì các tượng đài, tranh hoành tráng gồm: tượng đài vua Lý Thái Tổ, tượng đài và tranh hoành tráng trong khuôn viên di tích do Thành phố quản lý, tượng đài trong công viên do Thành phố quản lý, tranh hoàng tráng trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên. Cấp huyện quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo trì các tượng đài, tranh hoành tráng còn lại trên địa bàn.

Điều 17. Quản lý Y tế

1. Thành phố quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các: bệnh viện (bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến Thành phố và tuyến huyện), trung tâm chuyên khoa, đơn vị sự nghiệp (Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội).

2. Thành phố quản lý các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở dược trên địa bàn do Thành phố cấp phép hoạt động.

3. Cấp huyện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa: trung tâm y tế cấp huyện (bao gồm cả các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trạm y tế xã, phường, thị trấn) theo sự hướng dẫn chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Y tế.

4. Cấp huyện phối hợp quản lý y tế, dược tư nhân và Ban dân quân y trên địa bàn.

Điều 18. Quản lý các hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng

1. Thành phố quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa

a) Các nghĩa trang cấp Thành phố, gồm: Mai Dịch, Nhổn, Ngọc Hồi; Văn Điển, Yên Kỳ, Thanh Tước, Sài Đồng, Vĩnh Hằng (phần diện tích do Thành phố đầu tư và đang quản lý), nghĩa trang liệt sỹ người Trung Quốc tại Xuân Mai - Chương Mỹ; các nghĩa trang tập trung cấp Thành phố đầu tư mới theo quy hoạch.

b) Cơ sở hỏa táng trên địa bàn Thành phố; nhà tang lễ cấp Thành phố.

2. Thành phố quy định giá dịch vụ nghĩa trang, dịch vụ cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố theo quy hoạch; quản lý nguồn thu dịch vụ từ các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ do Thành phố quản lý theo quy định.

3. Cấp huyện quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các nghĩa trang còn lại (bao gồm cả nhà tang lễ trong khuôn viên nghĩa trang) trên địa bàn.

4. Cấp huyện quản lý nguồn thu dịch vụ từ nghĩa trang, nhà tang lễ do cấp huyện quản lý theo quy định.

Điều 19: Lĩnh vực quản lý chợ

1. Thành phố quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo dưỡng sửa chữa các chợ đầu mối sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước.

2. Cấp huyện quản lý, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, bảo dưỡng, sửa chữa các chợ hạng 1, 2, 3 sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Phân công trách nhiệm và xử lý chuyển tiếp

1. Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và các cơ quan của cấp huyện: Phối hợp lập danh mục công trình, bàn giao, tiếp nhận và quản lý các công trình thuộc lĩnh vực quản lý của ngành theo phân cấp tại Quy định này; kiện toàn tổ chức bộ máy, phân công cụ thể trách nhiệm tổ chức thực hiện cho các đơn vị trực thuộc và tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung phân cấp tại Quy định này.

2. Ủy ban nhân dân Thành phố tập trung hoàn thiện, báo cáo và trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của Thành phố đảm bảo phù hợp với quy định, nhiệm vụ phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố tại Quy định này và các quy định phân cấp hiện hành.

3. Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các sở chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành và trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành những nội dung theo thẩm quyền quy định về phân cấp tổ chức bộ máy, phương án quản lý, nguồn kinh phí, cơ chế quản lý vận hành, duy tu, duy trì các công trình, nhiệm vụ quản lý theo phân cấp và quy định cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước giữa các ngành, các cấp và của từng ngành, lĩnh vực, đảm bảo đạt hiệu quả cao.

4. Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cấp huyện để thực hiện tốt nhiệm vụ được phân cấp; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân cấp.

5. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã:

a) Có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nội dung được Thành phố phân cấp quản lý tại Quy định này.

b) Chủ động phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn.

6. Xử lý chuyển tiếp

a) Đối với quy định phân cấp về hệ thống đèn tín hiệu giao thông thuộc lĩnh vực quản lý đường bộ, cho phép thực hiện nhiệm vụ quản lý liên quan đến các công trình đang thực hiện quản lý bảo trì của mỗi cấp đến hết thời gian thực hiện gói thầu bảo trì.

b) Cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2021 về phân cấp một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, nay không được quy định tại Nghị quyết này được tiếp tục triển khai đến ngày 31 tháng 12 năm 2021.

c) Các dự án đầu tư công đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị thực hiện trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện các quyết định của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp về nguồn vốn đối với từng dự án cụ thể; chính quyền các cấp tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư tương ứng với thẩm quyền quản lý tại thời điểm hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị thực hiện dự án, trừ các trường hợp quy định tại điểm d khoản này.

d) Các dự án thuộc lĩnh vực thương mại, giáo dục trong danh mục dự án tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23 tháng 9 năm 2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 08 tháng 4 năm 2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố về kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội tiếp tục sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp Thành phố tối đa bằng số vốn đã được Hội đồng nhân dân Thành phố quyết nghị; chính quyền cấp huyện tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư tương ứng với thẩm quyền quản lý quy định tại Nghị quyết này.

Điều 21. Điều khoản thi hành

1. Các quy định phân cấp quản lý nhà nước về các lĩnh vực kinh tế - xã hội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành trái với nội dung quy định tại Nghị quyết này đều bãi bỏ.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, trường hợp cơ quan nhà nước cấp trên ban hành văn bản có nội dung quy định khác quy định tại Nghị quyết này thì thực hiện theo văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên ban hành.

3. Trường hợp có phát sinh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, các đơn vị phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân Thành phố để báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết./.