HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/NQ-HĐND | Khánh Hòa, ngày 22 tháng 7 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2011-2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị;
Căn cứ Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị;
Sau khi xem xét Tờ trình số 3591/TTr-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa; Báo cáo thẩm tra số 35/BC-BKTNS ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Ban kinh tế và ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015, gồm các nội dung chính sau:
1. Các mục tiêu chung:
a) Hoàn thiện các điểm còn yếu theo tiêu chuẩn phân loại đô thị ở các đô thị được nâng cấp trong giai đoạn 2007 - 2010;
b) Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 48,77% năm 2010 lên 60% vào năm 2015;
d) Công nhận đô thị loại V cho 04 khu vực: xã Ninh An và xã Ninh Thọ thuộc thị xã Ninh Hòa; xã Diên Phước và xã Diên Lạc thuộc huyện Diên Khánh;
đ) Xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu cho huyện đảo Trường Sa theo định hướng phát triển kinh tế biển gắn liền với an ninh quốc phòng biển đảo;
e) Toàn tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
2. Các giải pháp thực hiện:
a) Giải pháp về chính sách
- Tiếp tục rà soát các quy định, chính sách về đầu tư, kinh doanh để kiến nghị sửa đổi, sửa đổi các nội dung không đồng bộ, các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh (nếu có);
- Cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực: phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp; xây dựng công trình phúc lợi, nhà ở phục vụ người lao động làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn,... đã được các cơ quan Trung ương ban hành.
b) Giải pháp về quy hoạch
- Thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch lãnh thổ các huyện, thị xã, thành phố, quy hoạch chi tiết sử dụng đất, quy hoạch ngành; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đã lạc hậu;
- Công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư; có kế hoạch cụ thể để thực hiện các quy hoạch đã được duyệt;
- Có kế hoạch triển khai dự án thí điểm hệ thống thông tin địa lý GIS quản lý công tác xây dựng trên địa bàn thành phố Nha Trang nhằm tạo thuận lợi trong việc quản lý và triển khai các dự án.
c) Giải pháp về nguồn nhân lực: Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đào tạo lao động ở các trình độ; phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trên địa bàn; có chính sách khuyến khích đào tạo nghề tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; xây dựng và triển khai có hiệu quả các chính sách thu hút và giữ chân người tài, người có trình độ, tay nghề cao.
d) Giải pháp về xúc tiến đầu tư
- Nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia vào; lập danh mục và thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo, làm cơ sở cho việc đẩy mạnh kêu gọi đầu tư;
- Củng cố, phát triển hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, hoàn thiện cơ chế phối hợp và thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư; tham gia tích cực các chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia.
đ) Giải pháp về phát triển nhà ở và khu dân cư đô thị
- Phát triển các khu công nghiệp phải gắn liền với phát triển các khu đô thị mới và các công trình phúc lợi, nhà ở phục vụ cho người lao động. Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở và công trình phúc lợi công cộng phục vụ lâu dài cho công nhân có thu nhập thấp; đẩy mạnh tiến độ xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân khu công nghiệp, cho người có thu nhập thấp ở đô thị;
- Cải tạo, chỉnh trang các khu chung cư cũ; đầu tư xây dựng mới đối với các khu chung cư xuống cấp, không đảm bảo an toàn;
- Trích tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại và các dự án khu đô thị mới trên địa bàn cho Quỹ phát triển nhà ở đúng quy định hiện hành để đầu tư phát triển nhà ở.
e) Giải pháp về bồi thường giải tỏa và tái định cư
- Các địa phương chủ động lên kế hoạch phát triển quỹ nhà, đất tái định cư, để đáp ứng kịp thời và hỗ trợ nhanh cho công tác đền bù giải tỏa; cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội;
- Rà soát, đánh giá cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế, đảm bảo cho người dân có đất bị thu hồi nhanh chóng ổn định được cuộc sống. Xây dựng cơ chế định giá đất phù hợp, thống nhất và được kiểm soát chặt chẽ;
g) Giải pháp vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng giao thông
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phổ biến, công khai thứ tự sắp xếp các danh mục công trình vận động nhân dân tự nguyện đóng góp; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư các công trình hạ tầng giao thông mà nhân dân tự nguyện giải tỏa, không yêu cầu bồi thường; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng có sự tham gia đóng góp và giám sát của nhân dân; rà soát, thống nhất những quy định trong việc hỗ trợ đối với các hộ bị giải tỏa trắng, hộ nghèo để đảm bảo tính hợp lý, công bằng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai thực hiện dự án;
- Xây dựng cơ chế, chính sách về thưởng thông qua đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phúc lợi xã hội,… đối với các địa phương vận động được nhân dân tự nguyện đóng góp cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng giao thông tại địa phương.
h) Giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong thực hiện Chương trình
- Thực hiện có hiệu quả Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút vốn đầu tư; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tình trạng nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư;
- Ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị ở các địa phương theo phân cấp;
- Duy trì, phát huy hiệu quả cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành với các nhà đầu tư định kỳ 6 tháng một lần để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư;
- Không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu, dự án tác động xấu đến môi trường; thẩm tra kỹ các dự án sử dụng đất có diện tích lớn, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án; định hướng về tỷ suất đầu tư/diện tích đất đối với từng loại dự án, kể cả đất khu công nghiệp khi cấp phép đầu tư; rà soát tình hình triển khai các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là trên thành phố Nha trang, Khu du lịch Bán đảo Cam Ranh và một số dự án trong Khu kinh tế Vân Phong để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để các dự án sớm triển khai; thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không có khả năng triển khai thực hiện.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định, chính sách, pháp luật nhà nước đối với các hoạt động liên quan đến việc triển khai thực hiện Chương trình.
3. Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng đô thị giai đoạn 2011 - 2015:
Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 để thực hiện Chương trình là 47.273,1 tỷ đồng.
Trong đó:
a) Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước là 19.780,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41,84%;
b) Nguồn vốn từ doanh nghiệp và vốn khác là 27.493 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 58,16%.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này trên các lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm được phân công.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa V, kỳ họp thứ 2 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 670/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ lập Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030
- 2 Nghị quyết 91/NQ-HĐND năm 2013 thông qua chương trình phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị Vĩnh Phúc giai đoạn 2013 - 2020
- 3 Quyết định 3224/QĐ-UBND năm 2011 duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán chương trình, kế hoạch phát triển và nâng cấp hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2025 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 4 Thông tư 34/2009/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 42/2009/NĐ-CP về việc phân loại đô thị do Bộ Xây dựng ban hành
- 5 Nghị định 42/2009/NĐ-CP về việc phân loại đô thị
- 6 Quyết định 1132/QĐ-UBND năm 2007 điều chỉnh Quyết định 24/2007/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
- 7 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 3224/QĐ-UBND năm 2011 duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán chương trình, kế hoạch phát triển và nâng cấp hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2025 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 2 Quyết định 1132/QĐ-UBND năm 2007 điều chỉnh Quyết định 24/2007/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
- 3 Nghị quyết 91/NQ-HĐND năm 2013 thông qua chương trình phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị Vĩnh Phúc giai đoạn 2013 - 2020
- 4 Quyết định 670/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ lập Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030