Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/NQ-HĐND

Thành phố Hải Phòng, ngày 06 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở;

Căn cứ Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;

Căn cứ Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các cơ sở đào tạo thuê; Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung thuê; Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị;

Căn cứ Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Thông tư số 16/2010/TT-BXD ngày 01/9/2010 của Bộ Xây dựng quy định cụ thể và hướ­ng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở; Quyết định số 859/QĐ-BXD ngày 13/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành thuộc lĩnh vực nhà ở;

Sau khi xem xét Tờ trình số 79 /TTr-UBND ngày 22/11/2013 của UBND thành phố về Chương trình phát triển nhà ở xã hội thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua “Chương trình phát triển nhà ở xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2025” với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu như sau:

A. Quan điểm

- Giải quyết vấn đề nhà ở xã hội gắn với chương trình cải tạo, chỉnh trang, phát triển đô thị Hải Phòng theo hướng văn minh hiện đại, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống đối tượng hưởng chính sách xã hội về nhà ở.

- Xây dựng nhà ở xã hội là trách nhiệm toàn xã hội, trước hết là các cấp chính quyền và người sử dụng lao động.

- Nhà ở xã hội được đầu tư phải đảm bảo tiêu chuẩn nhà ở và chất lượng xây dựng theo quy định của pháp luật; phù hợp với các đối tượng sử dụng theo quy định.

- Quỹ nhà ở xã hội được quản lý, sử dụng đúng đối tượng và bền vững, phát huy trách nhiệm của người sử dụng.

B. Mục tiêu, nhiệm vụ

1. Mục tiêu:

- Huy động mọi nguồn lực để hình thành quỹ nhà ở xã hội thành phố, đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu sử dụng của các các đối tượng theo quy định.

- Các căn hộ nhà ở xã hội: Chung cư có vị trí, tiêu chuẩn diện tích, chất lượng và giá bán phù hợp với điều kiện thu nhập của người sử dụng, khả năng hỗ trợ của ngân sách thành phố; ứng dụng vật liệu xây dựng và công nghệ thi công thích hợp nhằm giảm thiểu giá thành.

- Phấn đấu đến năm 2015 giải quyết được 20% nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp; 30% nhu cầu về nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp tập trung và 40% chỗ ở cho sinh viên.

- Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng khoảng 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đáp ứng chỗ ở cho 60 - 70% hộ thu nhập thấp khu vực đô thị, khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 80% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở.

2. Nhiệm vụ:

a) Năm 2014 và 2015

- Hoàn thành 06 dự án nhà ở thu nhập thấp đã và đang triển khai với tổng số trên 300.000 m2 sàn (tương đương 3.100 căn hộ), đáp ứng chỗ ở cho 11.000 người. Bổ sung thêm từ 1 - 3 dự án mới nếu có điều kiện thuận lợi.

- Hoàn thành 06 dự án nhà ở cho công nhân thuê đã, đang triển khai với tổng số diện tích khoảng 380.000 m2 sàn (tương đương 4.000 căn hộ), đáp ứng chỗ ở cho 16.000 người. Trên cơ sở quy hoạch, yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất phải xây dựng các khu nhà ở cho công nhân khi xây dựng nhà máy. Chuyển 4 dự án xây dựng nhà ở công nhân do Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà đang làm chủ đầu tư cho các nhà đầu tư khác có đủ điều kiện năng lực thực hiện.

- Hoàn thành giai đoạn I và triển khai giai đoạn II Dự án nhà ở sinh viên tập trung do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư tại phường Kênh Dương với tổng diện tích sàn 63.000 m2, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 7.000 sinh viên thuê.

b) Định hướng đến năm 2025:

- Tiếp tục tạo điều kiện ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư quỹ nhà ở xã hội để bán, cho thuê, thuê mua theo các chính sách của Nhà nước và địa phương; đồng thời bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng khoảng 1,8 triệu m2 sàn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách của thành phố thuê, thuê mua.

- Những năm tiếp theo, thực hiện giai đoạn III Dự án đầu tư ký túc xá sinh viên tập trung với quy mô: 02 nhà 21 tầng, diện tích sàn: 67.600m2, giải quyết cho khoảng 8.000 sinh viên thuê.

- Thành phố tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các ưu đãi đầu tư nhằm kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà ở cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp tập trung thuê.

C. Giải pháp

1. Nâng cao nhận thức về nhà ở xã hội

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về nhà ở xã hội để nâng cao nhận thức toàn xã hội; trước hết tạo nhận thức về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết các loại hình nhà ở xã hội, các đối tượng sử dụng nhà ở xã hội; cơ chế chính sách pháp luật về nhà ở xã hội và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý nhà ở xã hội của cán bộ, công chức và người sử dụng lao động.

2. Giải pháp tăng cường quản lý nhà nước

a) Giải pháp về quy hoạch, kế hoạch

- Nghiên cứu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội đến 2025, đảm bảo phù hợp, tạo tiền đề và là một bộ phận trong Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009; đồng thời đảm bảo phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác: Quy hoạch khu, cụm công nghiệp, quy hoạch bệnh viện, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.

- Xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội thành phố hàng năm và 5 năm theo đúng quy định của pháp luật.

b) Thực hiện tốt, đầy đủ các cơ chế, chính sách ­ưu đãi khuyến khích hiện hành của nhà nước đối với nhà ở xã hội.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các dự án nhà ở xã hội được hưởng các cơ chế, chính sách Chính phủ quy định đối với các dự án nhà ở xã hội cho công tác phát triển, quản lý nhà ở xã hội, cụ thể như sau:

- Dự án khu nhà ở xã hội gắn với dự án nhà thương mại (quỹ đất 20%) hoặc tại các khu dân cư sẵn có tạo điều kiện hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đảm bảo cho các hộ dân được sử dụng các công trình kỹ thuật và xã hội đã có sẵn, nhằm giảm chi phí đầu tư, thực hiện an sinh xã hội.

- Nghiên cứu, lồng ghép việc quy hoạch cải tạo xây dựng lại các khu tập thể, chung cư cũ với việc hình thành quỹ nhà ở xã hội mới.

- Xác định các dự án có quy mô phù hợp để giảm chi phí đầu tư, có giá bán phù hợp (dự án có 800 đến 1.000 căn hộ, diện tích đất từ 3,5 đến 5 ha, số dân khoảng 3.200 đến 4.000 người...)

- Khuyến khích các dự án nhà ở thương mại chuyển toàn bộ hoặc một phần sang nhà ở thu nhập thấp; điều chỉnh cơ cấu căn hộ các nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị để có diện tích phù hợp, giảm giá thành sản phẩm để người dân thu nhập thấp có thể tiếp cận.

- Đối với các khu công nghiệp đang trong giai đoạn hình thành, chủ đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phải đăng ký, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của khu nhà ở công nhân khu công nghiệp. Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở công nhân được phân bổ vào giá thuê đất tại khu công nghiệp; cam kết xây dựng nhà ở, dịch vụ, công trình văn hóa (theo quy hoạch) cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp trước khi cấp phép đầu tư.

- Rà soát, bổ sung quy hoạch; tổ chức thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất mới để giao doanh nghiệp kinh doanh sử dụng nhiều lao động trong các khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu kinh tế, công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp thuê. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng được trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất để lại cho địa phương.

- Thực hiện đầy đủ chính sách thuế hiện hành đối với các doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở công nhân và các doanh nghiệp thuê nhà cho công nhân ở.

- Đối với các cơ sở đào tạo trong khuôn viên còn quỹ đất, phù hợp với quy hoạch, thành phố thống nhất với cơ quan chủ quản và cơ sở đào tạo cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở sinh viên; chuyển giao nhà ở sinh viên do thành phố đang quản lý trong khuôn viên các trường đại học cho các trường đại học đó quản lý, bảo dưỡng, nâng cấp mở rộng.

- Tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng khu đất được quy hoạch cho khu nhà ở sinh viên tập trung để tranh thủ vốn trái phiếu Chính phủ nhằm triển khai giai đoạn 2 (2013-2015) và giai đoạn 3 (2015-2025).

c) Ban hành đưa vào thực hiện các quy định quản lý, cơ chế mô hình quản lý cần thiết:

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng, khai thác, sử dụng nhà ở xã hội. Ưu tiên giải quyết thủ tục hành chính trong việc vay vốn đầu tư, thủ tục về đất đai, về thủ tục chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

- Xác định rõ mô hình tổ chức quản lý, quy chế quản lý các nhà ở xã hội hợp lý, hiệu quả đối với từng loại đối tượng ở. Xác định giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật, đảm bảo khả thi, phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, sức chi trả của người sử dụng

- Nghiên cứu, ban hành các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án nhà ở xã hội để đảm bảo dự án khả thi, đúng tiến độ. Nghiên cứu, ban hành cơ chế khuyến khích các chủ đầu tư chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

- Nghiên cứu, ban hành các tiêu chí kỹ thuật, yêu cầu về tiện ích, tiện nghi nhà ở xã hội phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế thành phố để đảm bảo phù hợp về phong tục, tập quán và khả năng chi trả của các đối tượng sử dụng nhà ở xã hội.

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, mô hình quản lý, huy động nguồn lực theo hướng “tự quản, tự chủ” để sửa chữa, cải tạo, xây dựng các khu chung cư đã xuống cấp; chỉnh trang đô thị.

3. Giải pháp huy động các nguồn vốn

a) Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân và sinh viên được hưởng đầy đủ các ưu đãi đầu tư theo đúng quy định hiện hành của nhà nước:

- Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án.

- Được giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao nhất.

- Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo và được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động;

- Được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc bù lãi suất theo quy định; vay từ Quỹ phát triển nhà ở của địa phương và các nguồn vốn vay ưu đãi khác (nếu có); được xem xét, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay (tuỳ theo khả năng ngân sách của địa phương);

- Được cung cấp miễn phí các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình về nhà ở cũng như các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thi công, xây lắp nhằm giảm giá thành xây dựng công trình; được áp dụng hình thức tự thực hiện nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định thầu đối với các hợp đồng tư vấn, thi công xây lắp và mua sắm thiết bị;

- Được Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước).

b) Thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội thành phố, Quỹ tiết kiệm nhà ở và bố trí ngân sách để hỗ trợ việc phát triển nhà ở xã hội của thành phố theo kế hoạch. Trước hết, thực hiện đúng các quy định hiện hành về nguồn vốn Quỹ phát triển nhà ở xã hội:

- Tiền thu từ việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định số 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ: 100%;

- Tiền sử dụng đất sau khi trừ chi phí hợp lý của các dự án phát triển nhà ở thương mại và dự án khu đô thị mới trên địa bàn thành phố: 10%.

c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hải Phòng có cơ chế cụ thể, thích hợp tạo thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được vốn từ gói 30.000 tỷ đồng, lãi suất 6% năm của Chính phủ cho các dự án, các đối tượng được vay theo quy định trên địa bàn thành phố.

d) Tích cực đề nghị các cơ quan chức năng để Chính phủ tăng hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội ở Hải Phòng tương xứng với nhu cầu phát triển nhà ở xã hội của đô thị Hải Phòng..

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

Giao UBND thành phố xây dựng Kế hoạch chỉ đạo các cấp, ngành và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết.

Giao Thường trực HĐND thành phố, các Ban HĐND thành phố, đại biểu HĐND thành phố giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND thành phố Hải Phòng khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2013./.

 

 

CHỦ TỊCH HĐND THÀNH PHỐ




Nguyễn Văn Thành