Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2017/NQ-HĐND

Nghệ An, ngày 20 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CƠ CHẾ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG CHO HỌC SINH MẦM NON VÀ TIỂU HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030; Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030; Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 8968/TTr-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định về tiêu chuẩn, định mức, nguyên tắc, nguồn kinh phí thực hiện; nội dung và mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện Chương trình Sữa học đường cho học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020.

2. Đối tượng áp dụng

Học sinh, phụ huynh học sinh các trường mầm non và tiểu học tại các trường công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh tham gia Chương trình Sữa học đường; Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường, giáo viên các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh tham gia Chương trình Sữa học đường.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

1. Chương trình sữa học đường thực hiện tại tất cả các trường mầm non, tiểu học và khuyến khích tất cả các bậc phụ huynh học sinh tự giác, tự nguyện đăng ký tham gia.

2. Giá sản phẩm sữa triển khai trong Chương trình sữa học đường không cao hơn giá sản phẩm cùng loại của các nhà cung cấp sữa khác trên thị trường.

3. Doanh nghiệp cung ứng sữa được tổ chức mời, lựa chọn theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo cam kết hỗ trợ một phần kinh phí để triển khai thành công Chương trình Sữa học đường.

Điều 3. Tiêu chuẩn và định mức sữa học đường

1. Sữa cung ứng cho Chương trình Sữa học đường phải đảm bảo tiêu chuẩn Sữa học đường theo quy định của Bộ Y tế và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

2. Học sinh mầm non và tiểu học tham gia Chương trình Sữa học đường được uống Sữa học đường 5 lần/tuần (mỗi ngày đến trường/lần), mỗi lần 1 hộp sữa 180ml/học sinh và trong 9 tháng đến trường của mỗi năm học.

Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Ngân sách tỉnh đảm bảo hỗ trợ 10% số kinh phí còn lại (ngoài phần đóng góp của phụ huynh học sinh) để thực hiện Chương trình Sữa học đường cho các nội dung tại Điều 5 Nghị quyết này, mức hỗ trợ không quá 15 tỷ đồng mỗi năm học.

2. Đóng góp từ phụ huynh học sinh:

a) Miễn phí 100% chi phí sản phẩm sữa đối với học sinh mầm non và tiểu học thuộc diện hộ nghèo (theo chuẩn hộ nghèo hiện hành); con thương binh, con liệt sỹ; học sinh là trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi. Đối tượng này gọi là Diện A.

b) Phụ huynh học sinh mầm non và tiểu học thuộc hộ cận nghèo (theo quy định hiện hành) tham gia Chương trình Sữa học đường đóng góp 50% chi phí sản phẩm sữa. Đối tượng này gọi là Diện B.

c) Phụ huynh học sinh mầm non và tiểu học thuộc diện còn lại tham gia Chương trình Sữa học đường đóng góp 70% chi phí sản phẩm sữa. Đối tượng này gọi là Diện C.

3. Nguồn hỗ trợ từ Doanh nghiệp cung ứng sữa và các nhà tài trợ khác.

Ngoài phần kinh phí đóng góp của phụ huynh học sinh và kinh phí cấp từ nguồn ngân sách tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức huy động phần kinh phí còn lại từ nguồn xã hội hóa (từ các doanh nghiệp, nhà tài trợ,...) để triển khai Chương trình Sữa học đường.

Điều 5. Nội dung chi và mức chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh

1. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh được sử dụng chi cho các nội dung quản lý, vận hành Chương trình Sữa học đường:

a) Hỗ trợ cho mỗi giáo viên chủ nhiệm 100.000 đồng/tháng;

b) Hỗ trợ công tác quản lý chương trình tại trường học 300.000 đồng/tháng/trường;

c) Hỗ trợ công tác quản lý Chương trình Sữa học đường tại Phòng Giáo dục và Đào tạo theo các mức:

- Đối với huyện (thành phố, thị xã) có số lượng dưới 30 trường mầm non và tiểu học tham gia Chương trình: 1.000.000 đồng/tháng/phòng;

- Đối với huyện (thành phố, thị xã) có số lượng từ 30 - 49 trường mầm non và tiểu học tham gia Chương trình: 1.500.000 đồng/tháng/phòng;

- Đối với huyện (thành phố, thị xã) có số lượng từ 50 - 69 trường mầm non và tiểu học tham gia Chương trình: 1.700.000 đồng/tháng/phòng;

- Đối với huyện (thành phố, thị xã) có số lượng từ 70 trường mầm non và tiểu học trở lên tham gia Chương trình: 2.000.000 đồng/tháng/phòng.

2. Mức hỗ trợ tại Khoản 1 Điều này được tính theo số tháng thực hiện, tối đa không quá 9 tháng của mỗi năm học.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng đề án triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVII, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2017./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Sơn