Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/NQ-HĐND

Cần Thơ, ngày 05 tháng 12 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BỐN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Sau khi xem xét Tờ trình số 66/TTr-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 620/BC- HĐND-VHXH ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Ban văn hóa - xã hội; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Sự cần thiết

Thứ nhất, Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ huy động số trẻ, số học sinh đúng độ tuổi đến lớp, tỷ lệ sinh viên trên một vạn dân vẫn còn thấp; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thấp so với tỷ lệ chung của cả nước.

Thứ hai, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học đã được quan tâm đầu tư, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng thiếu phòng học ở các cấp học, đặc biệt là thiếu phòng học để dạy 2 buổi/ngày; thiếu thiết bị dạy học, thiết bị công nghệ thông tin. Phân bố mạng lưới trường, lớp phổ thông có nơi chưa hợp lý.

Thứ ba, đội ngũ giáo viên đã được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, song cơ cấu chưa đồng bộ, năng lực của giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay và đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015.

Thứ tư, vẫn còn chênh lệch khá lớn giữa thành thị và nông thôn cả về điều kiện và chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Chất lượng giáo dục toàn diện chưa cao, giáo dục kỹ thuật và dạy nghề phổ thông cho học sinh chưa được chú trọng; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Để thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ thành phố và định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, giáo dục và đào tạo của thành phố Cần Thơ cần có quy hoạch tổng thể, toàn diện với những kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Những vấn đề trên đặt ra nhiệm vụ cấp bách phải xây dựng “Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Xây dựng Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố Cần Thơ, góp phần quan trọng cho phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; cơ sở hạ tầng, quy mô trường, lớp ở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được mở rộng, sắp xếp một cách hợp lý, đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đảm bảo có đủ chỗ và tăng tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi đến trường, đủ điều kiện cho sự phát triển toàn diện học sinh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; tiến tới đội ngũ giáo viên giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên có trình độ đại học trở lên; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho người dân, từng bước hình thành xã hội học tập.

b) Mục tiêu cụ thể

- (1) Giáo dục mầm non

Đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi trước năm 2015; đến năm 2020, có ít nhất 30% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và trên 90% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Đến năm 2030, có ít nhất 50% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc tại các cơ sở giáo dục mầm non. Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non, đến năm 2015 dưới mức 11,1%, đến năm 2020 dưới mức 8% và đến năm 2030 dưới mức 5%.

- (2) Giáo dục phổ thông

Đến năm 2020, tỷ lệ các trường phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) thực hiện dạy 02 buổi/ngày là 90%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: mầm non đạt 80%, tiểu học đạt 90%, trung học cơ sở đạt 80% và trung học phổ thông đạt 60%; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 100%, trung học cơ sở là 90% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học. Đến năm 2030, tỷ lệ trường phổ thông thực hiện dạy 02 buổi/ngày là 95%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: mầm non đạt 90%, tiểu học đạt 95%, trung học cơ sở đạt 95% và trung học phổ thông đạt 85%; tỷ lệ huy động học sinh tiểu học đúng độ tuổi là 100%, trung học cơ sở là 95% và trung học phổ thông là 85%; có 90% thanh niên trong độ tuổi có trình độ trung học phổ thông và tương đương.

Năm 2020, 100% trường tiểu học dạy ngoại ngữ theo chương trình tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đảm bảo trước năm 2020, học sinh phổ thông được tiếp cận hình thức học tập E-learning; 100% trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thực hiện công tác quản lý trường học thông qua mạng Internet, đảm bảo công khai về tài chính, nhân sự và chất lượng giáo dục, tạo kênh liên lạc thường xuyên, hiệu quả giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, giữa nhà trường và cộng đồng; trước năm 2020, 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông triển khai giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nghiên cứu, xây dựng mô hình trường học chất lượng cao, trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ để phát triển toàn diện học sinh, thực hiện dân chủ hóa giáo dục, ứng dụng hóa giáo dục, chú ý đến cá biệt hóa giáo dục để phát huy cao nhất năng lực và sở trường của học sinh. Đến năm 2020, có 40% trường phổ thông; đến năm 2030, có 60% trường phổ thông được triển khai mô hình này.

Chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, đặc biệt là nhận thức của toàn xã hội về triển khai giáo dục bắt buộc 9 năm áp dụng sau năm 2020.

- (3) Giáo dục thường xuyên

Nâng cấp các trung tâm giáo dục thường xuyên để thực hiện tốt chức năng liên kết đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Trung tâm giáo dục thường xuyên thành phố liên kết đào tạo trung cấp, cao đẳng và đại học. Phát triển các trung tâm giáo dục thường xuyên theo hướng hợp nhất trung tâm dạy nghề của các quận, huyện trở thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Dạy nghề và Giới thiệu việc làm đáp ứng yêu cầu vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề cho học sinh sau trung học cơ sở, đồng thời dạy nghề ngắn hạn và góp phần tạo việc làm cho nhân dân, ưu tiên các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai. Củng cố và hoàn thiện các trung tâm văn hóa học tập cộng đồng nhằm tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời. Đến năm 2020, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo là 100%, trong đó, có 7% giáo viên đạt trên chuẩn và đến năm 2030 đạt 15% giáo viên trên chuẩn.

Duy trì, củng cố và giữ vững những kết quả đã đạt được về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Người học giáo dục thường xuyên có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để tham gia các chương trình giáo dục đa dạng, liên thông đáp ứng yêu cầu công việc và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Năm 2020, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên là 99%, trong đó, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 là 99,5%; đến năm 2030, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 đến 60 là 100% (trừ những trường hợp không có khả năng học tập).

Năm 2020 có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương, đến năm 2030 là 87%.

- (4) Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học

Mở rộng hệ thống giáo dục nghề nghiệp đảm bảo phân luồng sau trung học cơ sở và liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo. Đến năm 2020, có khả năng tiếp nhận 15% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trên 20% số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mở rộng trường dạy nghề theo hướng vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề cho học sinh ở các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Mở rộng và nâng cấp các trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề để đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông; triển khai liên kết với nước ngoài trong đào tạo nghề chất lượng cao.

Mở rộng quy mô đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đảm bảo nhân lực cho các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, các ngành thủy sản, nông nghiệp, du lịch, giao thông, dịch vụ, y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao trên địa bàn thành phố. Đa dạng hóa các loại hình, ngành nghề đào tạo và liên kết đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu của khu vực nhà nước và các doanh nghiệp nội địa, đáp ứng các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Xây dựng kế hoạch di chuyển một số trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng ở quận trung tâm ra vùng ngoại ô để phát triển lâu dài, đồng thời tập trung diện tích đất đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.

Năm 2015, tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo là 200 sinh viên/1 vạn dân, đến năm 2020 là 350 - 400 sinh viên/1 vạn dân; đến năm 2030 là 450 - 500 sinh viên/1 vạn dân.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ giảng dạy, đồng thời có chính sách thu hút người có trình độ chuyên môn và tay nghề cao về giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề.

Năm 2020, có 40% giáo viên trung cấp, 60% giảng viên cao đẳng và 90% giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó, 30% giảng viên đại học và 12% giảng viên cao đẳng có trình độ tiến sĩ.

Đến năm 2030, có 50% giáo viên trung cấp, 70% giảng viên cao đẳng và 95% giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó, 40% giảng viên đại học và 20% giảng viên cao đẳng có trình độ tiến sĩ.

3. Nội dung Quy hoạch

a) Thành lập mới 129 trường, trong đó, mầm non: 59 trường, tiểu học: 28 trường, trung học cơ sở: 33 trường và trung học phổ thông: 9 trường. Kêu gọi các nhà đầu tư phát triển 1 - 2 trường quốc tế chất lượng cao.

b) Số trường xây mới tại địa điểm mới là 183 trường, với 2.826 phòng học. Xây thêm và xây lại phòng học do xuống cấp là 2.263 phòng (xây thêm: 2.025 phòng và xây lại 238 phòng); giải quyết cơ bản việc thiếu trường, thiếu lớp, nhất là ở các địa bàn khó khăn.

c) Diện tích đất xây dựng trường được mở rộng thêm khoảng 145 ha (khoảng 55% diện tích đất trường học hiện tại), trong đó, mầm non: 34,4 ha; tiểu học: 53 ha, trung học cơ sở: 39 ha và trung học phổ thông: 17,7 ha.

d) Số trường chuẩn quốc gia tăng thêm là 507 trường (bình quân tăng 25 trường/năm); 81/85 xã, phường có trường trung học cơ sở (đạt tỷ lệ 96%); số xã, phường có trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia tăng lên, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố Cần Thơ.

đ) Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng thêm khoảng 5.300 người, trong đó có khoảng 5.000 giáo viên; số giáo viên và cán bộ được đào tạo nâng chuẩn là 4.800 người, trong đó, có 5 - 7 tiến sĩ, từ 250 - 280 thạc sĩ, số còn lại là đại học và cao đẳng.

e) Chất lượng giáo dục được nâng lên do trình độ, chất lượng đội ngũ được nâng cao; cơ sở vật chất trường lớp được xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội trong việc đầu tư và chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

4. Kinh phí thực hiện Quy hoạch

(Đơn vị tính: 1.000 đồng)

Hạng mục

2013 - 2015

2016 - 2020

2021 - 2025

2026 - 2030

Tổng cộng

Xây trường, lớp

1.387.061.405

2.535.012.078

2.774.876.093

2.356.689.807

9.053.639.383

Bồi dưỡng, đào tạo

28.574.760

84.915.942

108.376.652

138.319.122

360.186.476

Công nghệ thông tin

23.438.000

58.595.000

58.595.000

58.595.000

199.223.000

Tổng cộng

1.439.074.165

2.678.523.020

2.941.847.745

2.553.603.929

9.613.048.859

Tổng kinh phí thực hiện Quy hoạch là: 9.613.048.859.000 đồng (Chín ngàn sáu trăm mười ba tỷ, không trăm bốn mươi tám triệu, tám trăm năm mươi chín ngàn đồng). Trong đó:

- Ngân sách Nhà nước (88%): 8.459.482.996.000 đồng;

- Xã hội hóa (12%): 1.153.565.863.000 đồng.

Bình quân mỗi năm ngân sách Nhà nước (bao gồm: ngân sách thành phố, ngân sách quận, huyện, ngân sách Trung ương) chi từ 520 - 550 tỷ đồng và huy động nguồn xã hội hóa từ 55 - 60 tỷ đồng.

Kinh phí đầu tư cho thiết bị công nghệ thông tin bình quân 11 tỷ đồng/năm và kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của toàn ngành khoảng 20 tỷ đồng/năm.

5. Giải pháp thực hiện

a) Xây dựng cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo

- (1) Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù

Đề xuất Hội đồng nhân dân thành phố ban hành một số chính sách: thu hút người tài cho ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố. Hỗ trợ kinh phí đối với học sinh nông thôn sau trung học cơ sở, trung học phổ thông có nguyện vọng học nghề tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề hoặc tại các cơ sở dạy nghề. Học bổng đối với học sinh trường chuyên, học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.

- (2) Các chính sách phát triển xã hội hóa

+ Chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các trường mầm non, phổ thông và trường dạy nghề tư thục chất lượng cao, vừa đảm bảo quyền lợi người học, quyền lợi của xã hội và quyền lợi của nhà đầu tư.

+ Chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, Việt kiều, người nước ngoài đến đầu tư mở trường quốc tế, trường chất lượng cao trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước Việt Nam đáp ứng nhu cầu học tập của con em người nước ngoài đang sinh sống tại Cần Thơ, cũng như con em người Việt Nam có nhu cầu.

+ Chính sách khuyến khích các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường đào tạo nghề liên kết các trường đào tạo nghề nước ngoài để đào tạo một số nghề có đẳng cấp quốc tế; hỗ trợ về cơ chế và kinh phí chuyển một số trường ra ngoài quận trung tâm, mở rộng quy mô trường lớp, cơ sở vật chất phát triển lâu dài, ưu tiên quỹ đất để đầu tư xây dựng trường mầm non, phổ thông.

b) Hệ thống các nhóm giải pháp mang tính đột phá

- (1) Nhóm giải pháp tăng cường cơ sở vật chất

Giải pháp 1: Điều chỉnh và mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố một cách hợp lý; huy động vốn đầu tư từ nhiều nguồn cho việc xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; đảm bảo trường công lập đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của mọi tầng lớp Nhân dân; ưu tiên xây dựng trường ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Giải pháp 2: Ưu tiên quỹ đất cho phát triển mạng lưới trường lớp, tránh những nơi có nguy cơ ngập lụt hoặc sạt lở đất. Các quận, huyện phải đảm bảo quỹ đất để xây dựng trường, lớp khi có kế hoạch đầu tư vốn.

Giải pháp 3: Triển khai xã hội hóa giáo dục một cách hiệu quả, hướng đến triển khai mô hình trường tư thục chất lượng cao ở các cấp học, bậc học từ giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên cho đến giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến mở trường quốc tế, trường chất lượng cao tại thành phố Cần Thơ.

- (2) Nhóm giải pháp đổi mới công tác quản lý

Giải pháp 4: Đổi mới quản lý giáo dục theo hướng đổi mới căn bản và toàn diện; Thực hiện đồng bộ phân cấp quản lý, hoàn thiện và triển khai cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các địa phương trong quản lý nhà nước về giáo dục. Có kế hoạch sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp và Trung tâm Dạy nghề của huyện thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Dạy nghề và Giới thiệu việc làm theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giải pháp 5: Thực hiện phân cấp quản lý giáo dục theo quy định của Nhà nước; đổi mới cơ chế quản lý tài chính, nhân sự, ngành Giáo dục tăng thẩm quyền, chủ động trong quản lý, nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, từng bước xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, dạy và học, đồng thời tạo kênh liên lạc giữa ngành Giáo dục với cộng đồng.

Giải pháp 6: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục; Phân loại chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia, các cơ sở chưa đạt chuẩn phải có lộ trình tiến tới đạt chuẩn; Tăng cường ứng dụng các thành tựu mới về khoa học giáo dục, tâm lý học, khoa học quản lý và từng bước vận dụng chuẩn của các nước tiên tiến trong quản lý chất lượng giáo dục.

- (3) Nhóm giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Giải pháp 7: Chuẩn hóa trong đào tạo, tuyển chọn và sử dụng đội ngũ; phối hợp các trường đại học sư phạm bồi dưỡng nâng cao trình độ trên chuẩn cho đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực cho giáo viên mầm non, phổ thông để giảm sự chênh lệch giữa bằng cấp, trình độ và năng lực của đội ngũ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015; nâng cao nhận thức và hành động của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với các quan điểm của Đảng và Nhà nước trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, nhất là quan điểm: “Vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với chất lượng giáo dục”.

Giải pháp 8: Thực hiện chính sách ưu đãi tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo; đổi mới công tác Thi đua, Khen thưởng nhằm động viên phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có chính sách thu hút nhà giáo, nhà quản lý giỏi, nhà khoa học về công tác lâu dài tại thành phố; tăng cường quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ ở tất cả các cấp học, bậc học; xây dựng kế hoạch đưa giáo viên, giảng viên đi bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ, năng lực nghề nghiệp ở nước ngoài.

- (4) Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học

Giải pháp 9: Thực hiện đổi mới chương trình và nội dung giáo dục; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, pháp luật, thể chất, giáo dục quốc phòng, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, chú trọng giáo dục nghề phổ thông và định hướng nghề nghiệp cho học sinh; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh; ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy và học; tổ chức tốt và tạo điều kiện để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực nghề nghiệp.

Giải pháp 10: Gắn đào tạo của các trường dạy nghề trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học với nhu cầu xã hội; đào tạo nguồn nhân lực có khả năng sử dụng ngoại ngữ độc lập trong nghiên cứu và làm việc. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp có đủ phẩm chất, năng lực tương xứng với trình độ đào tạo, có khả năng tìm việc làm, tham gia thị trường lao động trong nước, khu vực và quốc tế.

Giải pháp 11: Nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu; tăng cường nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào giảng dạy và giáo dục học sinh; đổi mới công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện có hiệu quả Đề án trường chuyên, công tác tuyển chọn và bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi văn hóa, thể dục thể thao, nghệ thuật; Phấn đấu đến trước năm 2020 có học sinh tham dự kỳ thi quốc tế và khu vực về các môn văn hóa, thể dục - thể thao hay nghiên cứu khoa học.

Giải pháp 12: Xây dựng trường học chất lượng cao theo định hướng phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước ta, đảm bảo phát triển toàn diện học sinh, thực hiện cá biệt hóa giáo dục, ứng dụng hóa giáo dục, dân chủ hóa giáo dục và hội nhập quốc tế.

Giải pháp 13: Hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc ít người để giảm dần sự chênh lệch về chất lượng giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.

Giải pháp 14: Tăng cường hợp tác, liên kết trong đào tạo, nghiên cứu khoa học mạnh mẽ và hiệu quả. Thực hiện hợp tác với các Bộ, Ngành, địa phương trong đào tạo, sử dụng lao động qua đào tạo. Liên kết và hợp tác các cơ sở giáo dục trong vùng, trong nước và quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, mở một số ngành nghề đào tạo với trình độ ngang bằng các nước trong khu vực và quốc tế. Đây là một giải pháp quan trọng mang tính đột phá, nhằm thúc đẩy sự hội nhập quốc tế và tạo lợi thế cạnh tranh của Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ trong những giai đoạn tiếp theo.

Điều 2.

Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa VIII, kỳ họp thứ mười bốn thông qua ngày 05 tháng 12 năm 2014 và được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Hiểu