Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/NQ-HĐND

Bến Tre, ngày 05 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI TRONG CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 6

Căn c Lut t chc chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn c Lut hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Sau khi xem xét Báo cáo số 603/BC-HĐND ngày 05 tháng 10 năm 2017 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tnh về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp; Tờ trình số 663/TTr-HĐND ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp; ý kiến thảo luận ca đi biu Hi đng nhân dân tnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp với những nội dung như sau:

1. Kết quả đạt được

Nhìn chung, chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội được các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và số tiền thu bảo hiểm xã hội năm sau luôn cao hơn năm trước. Tính đến cuối tháng 7 năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 1.672 doanh nghiệp, số doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là 758 doanh nghiệp, tỉ lệ 45,33%. Tính đến hết tháng 6 năm 2017, tổng số thu bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 314,538 tỷ đồng. Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh và các ngành có liên quan đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp cũng như cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh việc giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động khi có yêu cầu.

2. Những hạn chế, bất cập

- Tỉ lệ doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh còn thấp, còn 914 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định nhưng chưa tham gia, chiếm tỉ lệ 54,66%. Nhiều doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội nhưng tham gia không đầy đủ số lao động hiện có, kết quả là còn nhiều người lao động vẫn chưa được tham gia và hưởng chính sách bảo hiểm xã hội theo quy định.

- Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội kéo dài của một số doanh nghiệp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động về ốm đau, thai sản, hưu trí… nhưng công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, chỉ có 1/4 doanh nghiệp chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Việc thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động chưa nghiêm, chưa hiệu quả. Việc khởi kiện ra tòa đối với hành vi chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp được giao cho tổ chức Công đoàn cơ sở tiến hành khởi kiện theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật công đoàn năm 2012 nhưng trên thực tế thực hiện rất khó khăn do cán bộ Công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh không dám đứng ra khởi kiện chủ doanh nghiệp.

- Công tác tuyên truyền hiệu quả chưa cao, chưa làm thay đổi được nhận thức của một bộ phận người lao động cũng như chủ doanh nghiệp.

3. Nguyên nhân của hạn chế, bất cập:

a) Nguyên nhân khách quan:

- Tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phần lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội tăng lên khi thời gian nợ kéo dài dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ.

- Hệ thống pháp luật hiện nay chưa đảm bảo sự công bằng giữa người thực hiện tốt chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội với những người không thực hiện. Các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội khi chậm nộp thì cơ quan Bảo hiểm xã hội đến thanh tra nhắc nhở thu hồi nợ, trong khi các doanh nghiệp khác không tham gia thì chưa có chế tài xử phạt nghiêm.

- Trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, sử dụng lao động là thành viên trong gia đình, không ký kết hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội.

- Chức năng thanh tra, kiểm tra được giao cho cơ quan Bảo hiểm xã hội và ngành Lao động, Thương binh và Xã hội nhưng lực lượng, phương tiện, công cụ để thực hiện chức năng này còn thiếu, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra phải tuân thủ quy định tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

b) Nguyên nhân chủ quan

- Về phía người lao động, một bộ phận người lao động phổ thông nhận thức về quyền lợi bảo hiểm chưa thông suốt, chỉ muốn hưởng nguyên lương, không muốn tham gia bảo hiểm xã hội. Về phía người sử dụng lao động, nhiều chủ doanh nghiệp ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm đối với người lao động chưa cao, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động để chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội sử dụng vào mục đích khác.

- Công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa thể hiện được vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động do phải lệ thuộc vào chủ doanh nghiệp, có những doanh nghiệp chưa thành lập được tổ chức Công đoàn.

Điều 2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc khắc phục các hạn chế, bất cập

Trên cơ sở kết quả giám sát, Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp rà soát, thẩm định, phân loại khả năng trả nợ của các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài. Đến tháng 6 năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thành việc thẩm định khả năng trả nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp này. Trên cơ sở kết quả thẩm định:

a) Đối với các doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ, Ủy ban nhân dân tỉnh có giải pháp khoanh nợ, tập trung giải quyết chế độ cho người lao động.

b) Đối với doanh nghiệp có khả năng trả nợ, buộc các doanh nghiệp phải đưa ra lộ trình cam kết trả nợ cụ thể, khả thi, giao các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ việc thực hiện lộ trình, đảm bảo đến cuối năm 2018 doanh nghiệp trả được ít nhất 70% tổng số nợ. Nếu doanh nghiệp vẫn không thực hiện, đề nghị áp dụng quy định tại Điều 23 của Luật Bảo hiểm Xã hội cho phép thông tin rộng rãi việc vi phạm của doanh nghiệp trên báo, đài cũng như kiên quyết tiến hành các bước xử lý tiếp theo theo đúng quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

2. Tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, về phía người lao động cần nói rõ mục đích, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm xã hội, quyền lợi mà người lao động được hưởng; đồng thời tập trung vào đối tượng người sử dụng lao động, thực hiện phổ biến, tuyên truyền về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho chủ doanh nghiệp trước khi thành lập doanh nghiệp.

3. Phối hợp ngành Bảo hiểm xã hội hướng dẫn cho các doanh nghiệp làm tốt việc chốt sổ, giải quyết chế độ cho những người lao động đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu ở các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội.

Điều 3. Tổ chc thc hin

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo kết quả thực hiện vào Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh cuối năm 2018.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm theo dõi các kiến nghị mà Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh đã gửi đến các cơ quan ở Trung ương về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, kịp thời thông tin cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được biết.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, Khóa IX - Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 05 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Võ Thành Hạo