Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2017/NQ-HĐND

Tây Ninh, ngày 27 tháng 09 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ỨNG DỤNG, CHUYỂN GIAO VÀ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ; PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CÔNG NGHỆ, TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2017-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Xét Tờ trình số 2468/TTr-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc ban hành Nghị quyết chính sách hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công nghệ, tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Thống nhất thông qua chính sách hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; phát triển thị trường công nghệ, tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2020, cụ thể như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Chính sách này quy định cơ chế tài chính hỗ trợ đối với các hoạt động về đầu tư ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; phát triển thị trường công nghệ, tài sản trí tuệ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật Việt Nam, có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hoặc có đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ tại tỉnh Tây Ninh.

2. Tổ chức, cá nhân có nội dung xin hỗ trợ đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ ở chính sách khác thì không được hỗ trợ trong chính sách này; doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ có 100% vốn đầu tư nước ngoài không thuộc diện hỗ trợ của chính sách này.

Điều 3. Điều kiện xét duyệt hỗ trợ

1. Đối với doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ đang hoạt động

a) Hoạt động đúng với ngành nghề đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ;

b) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định hiện hành của Nhà nước về thuế, chính sách đối với người lao động, bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

c) Không bị cơ quan có thẩm quyền kết luận tình hình tài chính không lành mạnh, đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ đọng không có khả năng chi trả, đang trong quá trình giải thể.

2. Đối với dự án đầu tư mới

a) Dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư (nếu thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận đầu tư);

b) Dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; được cấp giấy phép xây dựng và các giấy phép khác theo quy định của pháp luật về triển khai thực hiện dự án đầu tư.

Chương II

NỘI DUNG VÀ MỨC HỖ TRỢ

Mục 1. HỖ TRỢ ỨNG DỤNG, CHUYỂN GIAO VÀ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ

Điều 4. Các lĩnh vực đổi mới công nghệ được hỗ trợ

1. Chế biến nông, lâm, thủy, sản; công nghệ thực phẩm; dược phẩm;

2. Vật liệu mới, vật liệu Composit, vật liệu nhẹ, vật liệu tái chế;

3. Cơ khí chế tạo;

4. Công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành: dệt may, da giày, cao su, bao bì; công nghiệp hỗ trợ phát triển công nghệ cao;

5. Công nghiệp hóa chất;

6. Xử lý môi trường;

7. Công nghệ thông tin, sinh học, môi trường; các phương pháp gia công hiện đại;

8. Các lĩnh vực đặc biệt khác.

Điều 5. Các loại hình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ được hỗ trợ

1. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để tạo sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao;

2. Nghiên cứu, đổi mới thiết bị công nghệ nhằm nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm;

3. Nghiên cứu, đổi mới công nghệ do doanh nghiệp tự cải tiến để tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động;

4. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất;

5. Nghiên cứu, ứng dụng các dạng năng lượng không gây ô nhiễm môi trường, năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong sản xuất;

6. Nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng các công cụ, thiết bị mới, cải tiến thay thế nhập khẩu, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương phục vụ chế biến nông lâm thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm tiêu dùng khác;

7. Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y - dược để tạo ra các sản phẩm mới, hiệu quả chữa bệnh cao, các dịch vụ y học công nghệ cao. Nghiên cứu thử nghiệm các chất có hoạt tính sinh học từ động vật, thực vật và vi sinh vật để sản xuất các loại thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng;

8. Ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản xuất nhiên liệu sinh học;

9. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong công nghệ sinh học để xử lý các chất thải gây ô nhiễm, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường, lưu giữ, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, đất đai, nước, không khí vì mục tiêu phát triển bền vững;

10. Ứng dụng công nghệ mới, các tiến bộ khoa học và công nghệ trong quá trình canh tác và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản của địa phương nhằm tạo ra những sản phẩm mới, sản phẩm đạt chất lượng, sản phẩm đạt giá trị gia tăng cao, hiệu quả kinh tế đáp ứng các yêu cầu thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và thân thiện với môi trường;

11. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất, giảm thất thoát, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng.

Điều 6. Mức hỗ trợ

1. Hỗ trợ 30% tổng kinh phí đầu tư cần thiết để thực hiện đề tài, dự án nhưng tối đa không quá 01 tỷ đồng/đề tài, dự án.

2. Hỗ trợ đến 50% tổng kinh phí đầu tư cần thiết để thực hiện đề tài, dự án nhưng tối đa không quá 01 tỷ đồng/đề tài, dự án cho các đề tài, dự án sau:

a) Phục vụ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 theo quy định của Chính phủ;

b) Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa được Chứng nhận là doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ;

c) Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất sản phẩm làng nghề của tỉnh;

d) Nghiên cứu công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung; đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung; sản xuất thiết bị cho vật liệu xây không nung;

e) Xây dựng mô hình, công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả áp dụng, nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

3. Hỗ trợ đến 70% tổng kinh phí đầu tư cần thiết để thực hiện đề tài, dự án nhưng tối đa không quá 01 tỷ đồng/đề tài, dự án cho các đề tài, dự án sau:

a) Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất nông sản; nhằm nâng cao chất lượng, năng lực sơ chế, chế biến và bảo quản hàng hóa nông sản, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao;

b) Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất sản phẩm đặc thù mang địa danh của tỉnh.

Mục 2. HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CÔNG NGHỆ

Điều 7. Nội dung và mức hỗ trợ

1. Hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ; chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

2. Hỗ trợ 100% phí và lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ;

3. Hỗ trợ 50% phí và lệ phí về đào tạo, cấp chứng chỉ, chứng nhận về thị trường công nghệ như: tư vấn môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ; đánh giá, định giá công nghệ; đổi mới sáng tạo, quản trị tài sản trí tuệ; ươm tạo, quản lý ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính;

4. Hỗ trợ 30% kinh phí nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/đề tài, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu hoặc chuyển giao quyền sử dụng cơ sở dữ liệu về tư vấn môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ; đánh giá, định giá công nghệ; đổi mới sáng tạo, quản trị tài sản trí tuệ; ươm tạo, quản lý ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính.

Mục 3. HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Điều 8. Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp

1. Nội dung hỗ trợ

a) Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp: đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa trong nước;

b) Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ngoài nước;

c) Hỗ trợ nhận chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trí tuệ.

2. Mức hỗ trợ

a) Hỗ trợ 100% phí qua đại diện về sở hữu trí tuệ; phí và lệ phí theo quy định của pháp luật hiện hành về sở hữu công nghiệp; Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn tra cứu thông tin, viết bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích nhưng tối đa không quá 15 triệu đồng/hợp đồng; Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn nghiên cứu thiết kế kiểu dáng công nghiệp nhưng tối đa không quá 15 triệu đồng/hợp đồng; Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn nghiên cứu thiết kế, xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận nhưng tối đa không quá 08 triệu đồng/hợp đồng;

b) Hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng cho một nhãn hiệu đăng ký tại một quốc gia (đăng ký ngoài nước). Trong trường hợp nhãn hiệu đăng ký theo hệ thống cộng đồng (một đơn đăng ký nhiều quốc gia) chỉ hỗ trợ theo số lượng đơn, tối đa 20 triệu đồng/đơn;

c) Hỗ trợ 100% phí qua đại diện về sở hữu trí tuệ; phí và lệ phí theo quy định của pháp luật hiện hành về chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trí tuệ.

Điều 9. Hỗ trợ doanh nghiệp đạt giải thưởng về thương hiệu

1. Nội dung hỗ trợ: hỗ trợ doanh nghiệp đạt giải thưởng về thương hiệu khi tham gia Hội chợ quốc tế thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam do Bộ, ngành có chức năng phối hợp tổ chức.

2. Mức hỗ trợ: 30 triệu đồng/doanh nghiệp.

Điều 10. Hỗ trợ sản phẩm đặc thù, sản phẩm làng nghề mang địa danh của tỉnh

1. Nội dung hỗ trợ: hỗ trợ chi phí in ấn tem, logo mang chỉ dẫn địa lý, thương hiệu của sản phẩm; chi phí đóng gói, cước phí vận chuyển sản phẩm tiêu thụ trong nước, ngoài nước.

2. Mức hỗ trợ

a) Hỗ trợ 30% chi phí in ấn tem, logo nhưng tối đa không quá 05 triệu đồng/năm cho các sản phẩm tiêu thụ trong tỉnh Tây Ninh;

b) Hỗ trợ 50% chi phí in ấn tem, logo nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng/năm; hỗ trợ 30% chi phí đóng gói, cước phí vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/năm cho các sản phẩm được tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, các địa điểm lịch sử, du lịch-văn hóa ngoài tỉnh Tây Ninh;

c) Hỗ trợ 100% chi phí in ấn tem, logo nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng/năm; 100% chi phí đóng gói, cước phí vận chuyển sản phẩm từ nơi sản xuất đến Cảng, Cửa khẩu Quốc tế (nơi xuất khẩu) nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/năm.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Nguồn kinh phí

Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; phát triển thị trường công nghệ, tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2020 từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, định kỳ có đánh giá, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện; phê duyệt các đề tài/dự án đầu tư để hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Khóa IX Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 27 tháng 9 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 09 tháng 10 năm 2017./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- HĐND, UBND huyện, thành phố;
- Báo Tây Ninh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, VP.HĐND tỉnh.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Tâm