HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/NQ-HĐND | Tiền Giang, ngày 08 tháng 12 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH TIỀN GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Thông tư số 50/2015/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, quản lý quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và thương mại;
Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Xét Tờ trình số 308/TTr-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết điều chỉnh Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 100/BC-HĐND ngày 29 tháng 11 năm 2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Điều chỉnh Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cụ thể như sau:
1. Quan điểm phát triển
- Phát triển thương mại tỉnh Tiền Giang tương xứng với tiềm năng và khai thác tối đa lợi thế so sánh của các tiểu vùng trong toàn tỉnh; phù hợp với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và định hướng phát triển thương mại của cả nước.
- Phát triển thương mại tỉnh Tiền Giang theo hướng hiện đại hoá và văn minh thương mại, chú trọng việc phát triển thương mại gắn với các địa bàn trọng điểm của tỉnh như thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy; hỗ trợ thúc đẩy thị trường nông thôn, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển hệ thống chợ nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, phù hợp với nhu cầu của người dân và chủ động ứng phó có hiệu quả với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
- Phát triển thương mại tỉnh theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội; gắn kết với sự phát triển đa dạng các loại hình sở hữu đối với doanh nghiệp thương mại, thương mại gắn với đầu tư, phát triển thương mại theo cơ chế thị trường trên cơ sở tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, chống các hành vi kinh doanh trái phép, buôn lậu, trốn thuế và gian lận thương mại.
- Phát triển thị trường theo hướng mở cửa, gắn thị trường trong nước với thị trường ngoài nước; phát triển xuất khẩu của tỉnh trên cơ sở phát huy lợi thế về vị trí địa kinh tế của các hoạt động thương mại xuất, nhập khẩu hàng hoá của các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hoá.
2. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu tổng quát:
Phát triển nhanh và bền vững thương mại tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 thương mại đạt trình độ phát triển ngang bằng với các tỉnh khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; nâng cao khả năng điều tiết, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa trong nền kinh tế của tỉnh; lợi ích của người tiêu dùng, người sản xuất được bảo vệ; Cơ sở vật chất của ngành thương mại ngày càng phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, văn minh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Nâng cao chất lượng tăng trưởng và hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Phấn đấu đến năm 2020, giá trị tăng thêm của ngành thương mại đạt 5.159 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,5%/năm. Đến năm 2030, đạt 14.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,5%/năm.
- Gia tăng tốc độ lưu chuyển hàng hoá đảm bảo nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước, phấn đấu đến năm 2020, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 83.533 ngàn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 14,2%/năm; đến năm 2030, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 337.937 ngàn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 15%/năm. Đến năm 2020 có trên 25% hàng hoá lưu chuyển qua các loại hình thương mại hiện đại.
- Phấn đấu đến năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt 5,981 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 3,879 tỷ USD (tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 14,1%/năm); nhập khẩu đạt 2,102 tỷ USD (tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13,5%/năm). Đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt 23,482 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 15,690 tỷ USD (tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 15%/năm); nhập khẩu đạt 7,792 tỷ USD (tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 14%/năm)
- Chuyển dịch cơ cấu hàng hoá trao đổi trên thị trường nội địa và quốc tế theo hướng gia tăng sản phẩm chế biến, có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; thúc đẩy hoạt động dịch vụ thương mại, đa dạng hoá thị trường và phương thức kinh doanh theo hướng văn minh hiện đại.
3. Nội dung quy hoạch
a) Thực hiện điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 và bổ sung định hướng quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030:
- Phát triển xuất - nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh chế biến sản phẩm xuất khẩu, thu hút sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng của các nhóm sản phẩm có lợi thế như hàng công nghiệp nhẹ, nông thủy sản, đa phương hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Phát triển xuất khẩu các loại hình dịch vụ như: xuất khẩu lao động, xuất khẩu dịch vụ du lịch, dịch vụ phục vụ hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài…
- Hình thành cấu trúc cân đối, hợp lý trong thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng, phát triển mạng lưới các khu thương mại - dịch vụ của tỉnh, lấy thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy làm trung tâm. Phát triển hệ thống thị trường hàng tư liệu sản xuất cung ứng trực tiếp từ sản xuất đến tiêu dùng, khuyến khích đấu thầu mua sắm các sản phẩm chủ yếu, khối lượng lớn và cung ứng hàng hóa trực tiếp để giảm chi phí. Hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà cung ứng bán nông sản vào các siêu thị, gắn kết doanh nghiệp chợ với các nhà sản xuất nông sản, đẩy mạnh thực hiện tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng giữa thương nhân và người nông dân.
- Phát triển đa dạng, hài hòa các loại hình doanh nghiệp thương mại và các loại hình thương mại như cửa hàng hiện đại, siêu thị, chợ tổng hợp, chợ chuyên doanh, hợp tác xã thương mại thu mua… Hình thành và phát triển kết cấu thương mại theo hướng hiện đại: tổ chức và phát triển chợ truyền thống nhất là các chợ trung tâm, chợ hạng I, nâng cấp vai trò lưu thông hàng hóa của chợ nông thôn, trong đó, chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại; phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội.
- Bố trí quy hoạch theo không gian thương mại tỉnh vừa đảm bảo tính tập trung, vừa đảm bảo tính phân bố đều trên phạm vi toàn tỉnh; tạo nên không gian thương mại phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng.
- Phát triển các thành phần kinh tế hoạt động thương mại theo hướng đa dạng; khuyến khích, hỗ trợ thành phần tư nhân tham gia hoạt động thương mại, phát triển loại hình kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình, thu hút đầu tư vào ngành thương mại đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Phát triển dịch vụ phụ trợ của ngành thương mại, tổ chức các dịch vụ phụ trợ ở các trung tâm bán buôn, chợ đầu mối, trung tâm logistics, phát triển hệ thống thông tin thương mại và thương mại điện tử.
b) Nhu cầu vốn đầu tư các dự án chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ưu tiên đầu tư:
- Giai đoạn 2016 - 2020: Tổng nhu cầu vốn là 2.873 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn vốn ngân sách: 321 tỷ đồng (bình quân khoảng 65 tỷ đồng/năm); nguồn vốn mời gọi đầu tư: 2.552 tỷ đồng (bình quân 512 tỷ đồng/năm).
- Giai đoạn 2021 - 2030: Tổng nhu cầu vốn là 878 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn vốn ngân sách: 61 tỷ đồng (bình quân 6 tỷ đồng/năm); nguồn vốn mời gọi đầu tư: 817 tỷ đồng (bình quân 82 tỷ đồng/năm).
c) Nhu cầu sử dụng đất phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh:
- Đến năm 2020, tổng diện tích đất phục vụ phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh là 123,8 ha.
- Đến năm 2030, tổng diện tích đất phục vụ phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh là 51 ha.
4. Các giải pháp thực hiện
a) Giải pháp về quản lý nhà nước:
Đổi mới phương thức và năng lực quản lý nhà nước đối với phát triển thương mại trên địa bàn. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phù hợp, nhất là đầu tư theo hướng xã hội hóa, đầu tư tại các khu vực có điều kiện khó khăn.
Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn; từng bước tách dần chức năng quản lý hành chính với chức năng cung cấp dịch vụ công; phân định và làm rõ các quy chế phối hợp giữa các Sở Công Thương với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị đảm bảo tính thống nhất theo mục tiêu phát triển ngành thương mại của tỉnh và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp thương mại; thực hiện tốt việc phân cấp quản lý thương mại đi đôi với công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, hậu kiểm đối với các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
b) Giải pháp thu hút vốn phát triển thương mại:
Chú trọng khai thác nguồn vốn của các thành phần kinh tế; tăng cường xây dựng các dự án để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các cơ chế, chính sách, điều kiện ưu đãi để thu hút vốn. Huy động vốn từ các nhà đầu tư, vốn vay ưu đãi để đầu tư khai thác chợ. Thu hút vốn đầu tư mạng lưới thương mại hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm logictics thông qua các hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư.
c) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực thương mại:
Coi trọng bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực của ngành thương mại, thúc đẩy nâng cao trình độ công nghệ kinh doanh, công nghệ mới trong quản lý kinh doanh. Tổ chức cung cấp thông tin, kiến thức cho người tiêu dùng, hộ kinh doanh, các thương nhân…
d) Giải pháp phát triển khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kinh doanh thương mại:
Tích cực thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật quản lý kinh doanh hiện đại của các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ. Hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ phát triển, đổi mới khoa học công nghệ, tích cực ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh.
Các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho các thành phần kinh tế trong phát triển thương mại.
e) Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng liên kết, hợp tác phát triển thương mại trong và ngoài nước:
Thực hiện tốt các nội dung cơ bản của hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu, thị trường trong nước theo quy định. Cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận các thông tin về các hội chợ xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại. Tổ chức nghiên cứu thị trường trọng điểm, thị trường các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ để xác định lợi thế so sánh và tìm kiếm khả năng giao thương, hợp tác.
g) Giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và phòng cháy chữa cháy trong hoạt động thương mại:
Có kế hoạch từng bước nâng cấp, gia cố hệ thống giao thông đường bộ, để hạn chế tác động của nước biển dâng. Xem xét vị trí và cao độ của công trình thương mại để hạn chế trường hợp bị ngập, lúng. Thực hiện tốt các tiêu chuẩn, tiêu chí về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thương mại. Bố trí kinh phí để tổ chức và duy trì hoạt động của lực lượng Phòng cháy chữa cháy (PCCC) cơ sở; tổ chức các đợt kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện những quy định về PCCC.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang Khóa IX, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 420/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2025
- 2 Quyết định 20/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch phát triển thương mại tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025
- 3 Nghị quyết 27/2017/NQ-HĐND về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035
- 4 Quyết định 1600/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Thông tư 50/2015/TT-BCT quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, quản lý và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và thương mại do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 6 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 7 Thông tư 05/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 8 Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 9 Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 1 Quyết định 420/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2025
- 2 Quyết định 20/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch phát triển thương mại tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025
- 3 Nghị quyết 27/2017/NQ-HĐND về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035