Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/NQ-HĐND

Sóc Trăng, ngày 20 tháng 5 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TỈNH SÓC TRĂNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 6 (CHUYÊN ĐỀ)

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;

Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về khuyến nông;

Căn cứ Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông sử dụng ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng;

Xét Tờ trình số 56/TTr-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc thông qua Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030, với nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

1.1 Mục tiêu chung

- Liên kết 4 nhà (Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhà nông và Nhà khoa học) trong phát triển nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng.

- Sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước, khu vực và trên thế giới.

1.2 Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- 100% đối tượng thực hiện Đề án am hiểu về tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, có khả năng tự sản xuất hữu cơ khi kết thúc Đề án.

- Xây dựng 32 điểm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ có chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ trong nước hoặc quốc tế.

- Diện tích đất sản xuất hữu cơ đạt khoảng trên 210 ha (bao gồm, đất trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò và dê); trong đó, diện tích đất được chứng nhận hữu cơ đạt 180 ha.

- Nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,2 - 1,4 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

- 100% sản phẩm được chứng nhận hữu cơ được quảng bá, bao tiêu.

b) Định hướng đến năm 2030

- Sản xuất hữu cơ có chứng nhận phát triển nhân rộng về diện tích và được áp dụng trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác.

- Diện tích đất sản xuất hữu cơ đạt trên 400 ha; trong đó, diện tích sản xuất hữu cơ được chứng nhận hữu cơ khoảng 370 ha.

- Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt hữu cơ có chứng nhận cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

- 100% sản phẩm sản xuất hữu cơ được quảng bá, bao tiêu.

2. Phạm vi và đối tượng

a) Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Sóc Trăng.

b) Đối tượng sản xuất

- Cây trồng: Lúa; cây ăn trái (Nhãn xuồng, Thanh nhãn, Bưởi da xanh, Xoài cát chu, Mãng cầu gai, Sầu riêng Ri6, Dừa dứa, Ổi Rubi, Vú sữa tím, Chanh không hạt); rau màu (hành tím, tỏi, rau các loại).

- Vật nuôi: Bò giống thịt, dê giống thịt.

- Thủy sản: Tôm càng xanh, tôm sú, cá đồng.

c) Đối tượng thực hiện: Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân,... sản xuất hữu cơ.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2025.

4. Dự toán kinh phí: 67.665.620.000 đồng (Sáu mươi bảy tỷ, sáu trăm sáu mươi lăm triệu, sáu trăm hai chục nghìn đồng); trong đó:

- Ngân sách tỉnh: 22.854.320.000 đồng (chiếm 33,76%).

- Nông dân/doanh nghiệp đối ứng: 44.811.300.000 đồng (chiếm 66,24%).

Nguồn vốn ngân sách nhà nước theo khả năng cân đối của ngân sách địa phương trong phạm vi định mức chi thường xuyên, phù hợp với quy định của pháp luật. Việc sử dụng ngân sách để thực hiện Đề án không được trùng lặp về nội dung, đối tượng hưởng lợi đối với việc thực hiện Nghị quyết này và ngược lại.

Điều 2.

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng Khóa X, Kỳ họp thứ 6 (chuyên đề) thông qua ngày 20 tháng 5 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội (bộ phận phía Nam);
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ NN và PTNT;
- TT. TU, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đơn vị tính Sóc Trăng;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT. HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Hồ Thị Cẩm Đào