HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2012/NQ-HĐND | Sóc Trăng, ngày 07 tháng 12 năm 2012 |
VỀ VIỆC THÔNG QUA BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG NƯỚC MẶT LỤC ĐỊA NĂM 2012, TỈNH SÓC TRĂNG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 08/2010/TT-BTNMT ngày 18 tháng 3 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xây dựng Báo cáo môi trường quốc gia, Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực và Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh;
Sau khi xem xét Tờ trình số 75/TTr-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Báo cáo chuyên đề hiện trạng môi trường nước mặt lục địa năm 2012, tỉnh Sóc Trăng; báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế và ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân và giải trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Báo cáo chuyên đề hiện trạng môi trường nước mặt lục địa năm 2012, tỉnh Sóc Trăng (kèm theo báo cáo tóm tắt).
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khóa VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
CHUYÊN ĐỀ HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG NƯỚC MẶT LỤC ĐỊA NĂM 2012, TỈNH SÓC TRĂNG
(Kèm theo Nghị quyết số 27/2012/NQ-HĐND ngày 07/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng)
Các sông, kênh chính trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là nơi chịu tác động trực tiếp từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, việc đánh giá hiện trạng môi trường nền về nước mặt lục địa nhằm phục vụ cho các mục đích sử dụng nước từ các sông, kênh chính; xác định các vấn đề ô nhiễm môi trường cần được quan tâm giải quyết; đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường nước mặt lục địa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
2. Đối tượng, phạm vi thực hiện
Báo cáo chuyên đề hiện trạng môi trường nước mặt lục địa được lập trên cơ sở số liệu môi trường nền về chất lượng nước tại 20 điểm quan trắc của 13 tuyến sông, kênh chính trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; các điểm quan trắc thuộc mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 theo Quyết định số 1825/QĐHC-CTUBND ngày 31 tháng 12 năm 2008 và Quyết định số 1314/QĐHC-CTUBND ngày 14 tháng 12 năm 2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Việc đánh giá và dự báo về môi trường tác động của từng vùng, khu vực không thuộc phạm vi của báo cáo này.
3. Hiện trạng môi trường nước mặt lục địa
a) Nguồn gây ô nhiễm: Áp dụng mô hình đánh giá tổng hợp trên cơ sở các thông tin, số liệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm các sông, kênh rạch, số liệu quan trắc kết hợp với hiện trạng thực hiện công tác quản lý nguồn tài nguyên nước trên địa bàn, .... Ngoài ra, việc theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường nước mặt lục địa còn dựa trên cơ sở các nguồn gây ô nhiễm chính như sau:
- Chất thải sinh hoạt: Được đánh giá theo định mức QCXDVN 01:2008/BXD và thống kê dân số năm 2011; trong đó:
+ Nước thải sinh hoạt: Đối với khu vực đô thị với dân số 360.198 người, định mức cấp nước sinh hoạt 120 lít/người/ngày, lượng nước cấp 43.224 m3/ngày và lượng nước thải phát sinh khoảng 34.579 m3/ngày (bằng 80% lượng nước cấp). Đối với khu vực nông thôn với dân số 943.464 người, định mức cấp nước sinh hoạt 60 lít/người/ngày, lượng nước cấp 56.608 m3/ngày và lượng nước thải phát sinh khoảng 45.286 m3/ngày (bằng 80% lượng nước cấp). Tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 79.865 m3/ngày, tương đương 29.150.000 m3/năm.
+ Chất thải rắn sinh hoạt: Định mức rác thải ở đô thị là 0,9 kg/người/ngày, ở nông thôn là 0,3 kg/người/ngày; tổng lượng rác phát sinh khoảng 221.000 tấn rác/năm. Theo định mức 10 tấn rác thải sẽ thải ra 1 m3 nước rỉ; do vậy, lượng nước rỉ rác phát thải là 22.100 m3/năm.
- Giao thông: Với số phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 71.146, ước tính mức vận hành tối thiểu 20 lít xăng-dầu/phương tiện thì lượng xăng dầu tiêu thụ khoảng 1.422.920 lít/năm cho phương tiện thủy nội địa.
- Sản xuất công nghiệp và dịch vụ: Theo số liệu báo cáo về nước thải đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp phát sinh nhiều nước thải trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2011 và năm 2012 là các nhà máy chế biến thủy sản, nhà máy đường, nhà máy Bia Sài Gòn - Sóc Trăng, …, thì lượng nước thải sản xuất phát sinh vào khoảng hơn 5.500 m3/ngày, tương đương 2.010.000 m3/năm.
- Nông nghiệp:
+ Để đạt được 1 tấn tôm thành phẩm, cần sử dụng 1,3 tấn thức ăn; trong đó, 30% thức ăn vào tôm và 70% còn lại sẽ là chất thải hữu cơ (nguồn: Soraphat Panakorn, AQUA Culture Asia Pacific Magazine, March/April 2011). Sản lượng tôm nuôi năm 2011 đạt khoảng 48.000 tấn/năm, ước tính người nuôi phải sử dụng 62.400 tấn thức ăn/năm và phát thải vào môi trường ao nuôi là 43.680 tấn chất thải/năm.
+ Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, để nuôi được 1 tấn cá thì cần sử dụng 1,6 tấn thức ăn, chất thải phát sinh bằng 80% lượng thức ăn khô. Sản lượng nuôi cá tra năm 2011 là 27.400 tấn/năm, ước tính người nuôi phải sử dụng 43.840 tấn thức ăn/năm và lượng chất thải phát sinh vào khoảng 35.000 tấn/năm.
+ Theo số liệu thống kê diện tích lúa gieo trồng trên địa bàn tỉnh năm 2011 là 348.980 ha/năm; nếu áp dụng công thức bón phân NPK được khuyến cáo, tỷ lệ phân đạm bị thấm vào đất và chảy trôi tan trong nước, ước tính lượng phân đạm phát thải vào trong môi trường nước vào khoảng từ 5.500 - 8.300 tấn/năm. Đối với thuốc bảo vệ thực vật, nông dân sử dụng bình quân 2,6 lít thuốc các loại/ha/vụ, tỷ lệ hấp thụ qua cây trồng chỉ 20%, ước tính lượng thuốc sử dụng khoảng 907.348 lít thuốc các loại/năm, lượng thải vào môi trường khoảng 725.879 lít thuốc các loại/năm.
+ Năm 2011, toàn tỉnh có 205 trang trại và trên 7.000 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, 28 lò giết mổ gia súc tập trung và 51 điểm giết mổ nhỏ lẻ; ước tính lượng nước thải vào môi trường khoảng 7,3 triệu m3/năm (chi tiết theo Bảng 1); hầu hết lượng nước thải chăn nuôi, giết mổ đều chưa được xử lý triệt để hoặc chỉ được xử lý sơ bộ.
Bảng 1. Lượng nước thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi
TT | Loài | Số lượng | Định mức theo WHO (m3/con/năm) | Lượng nước thải m3/năm |
1 | Trâu | 3.279 | 8 | 26.232 |
2 | Bò | 28.333 | 8 | 226.664 |
3 | Heo | 251.620 | 14,6 | 3.673.652 |
4 | Gia cầm | 4.213.331 | 0,9 | 3.370.664 |
Tổng cộng | 7.297.212 |
(Nguồn: Trung tâm Quan trắc TN&MT Sóc Trăng, năm 2012)
- Y tế: Theo Niên giám thống kê năm 2011, toàn tỉnh Sóc Trăng có 2.120 giường, định mức nước cấp là 250 lít/giường bệnh (QCXDVN 365:2007/BXD) và lượng nước thải phát sinh khoảng 424 m3/ngày (lượng nước thải bằng 80% nước cấp), tương đương 160.000 m3/năm.
b) Hiện trạng chất lượng nước mặt lục địa
- Theo số liệu quan trắc chất lượng nước mặt ở 20 điểm tại các sông, kênh chính trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2012, thực hiện việc so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08:2008/BTNMT) và số liệu quan trắc từ năm 2008 đến nay; kết quả như sau:
+ Ô nhiễm vật lý: Hầu hết các điểm quan trắc có các thông số nhiệt độ (t0), độ kiềm và axít (pH), oxy hòa tan (DO) đều đạt tiêu chuẩn cho phép, nhưng hầu hết các điểm quan trắc đều có độ đục cao.
+ Ô nhiễm hữu cơ (thể hiện qua 02 thông số nhu cầu oxy hóa học - COD và nhu cầu oxy sinh học - BOD5): Thông số COD và BOD5 tại các điểm quan trắc đều vượt giới hạn cho phép và không đảm bảo sử dụng cho mục đích sinh hoạt; trong đó, khu vực huyện Kế Sách có các thông số ô nhiễm hữu cơ thấp nhất, có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt và tưới tiêu nhưng phải qua xử lý; riêng các thông số ô nhiễm hữu cơ tại kênh Sóc Trăng - Phụng Hiệp, kênh Tám Thước và kênh Maspero vượt giới hạn cho phép đối với việc sử dụng cho mục đích tưới tiêu.
+ Ô nhiễm vi sinh: Thông số Coliform tại các điểm quan trắc đều vượt giới hạn cho phép đối với việc sử dụng cho mục đích sinh hoạt và tưới tiêu; riêng thông số Coliform thuộc sông Hậu tại Cái Côn, kênh số 1 thuộc huyện Kế Sách và kênh Saintard đạt giới hạn cho phép đối với việc sử dụng cho mục đích sinh hoạt nhưng phải qua xử lý.
+ Phú dưỡng: Hầu hết các thông số như đạm (N-NO3-), lân (P-PO43-) tại các điểm quan trắc đều đạt tiêu chuẩn cho phép đối với việc sử dụng cho mục đích tưới tiêu; riêng các thông số về phú dưỡng tại kênh Sóc Trăng - Phụng Hiệp, kênh Xáng vượt giới hạn cho phép đối với việc sử dụng cho mục đích tưới tiêu.
+ Ô nhiễm kim loại nặng: Chất lượng nước mặt tại các sông, kênh trên địa bàn tỉnh chưa có biểu hiện ô nhiễm kim loại nặng; các thông số quan trắc như Cu, Pb, Hg, As, Cd đều đạt tiêu chuẩn cho phép đối với chất lượng nguồn nước mặt.
- Theo kết quả tính toán chỉ số chất lượng nước (được tính theo sổ tay hướng dẫn tính toán chỉ số chất lượng nước "WQI" ban hành kèm theo Quyết định số 879/QĐ-TCMT ngày 01 tháng 7 năm 2011 của Tổng cục Môi trường) và thực hiện việc so sánh, đánh giá sự thay đổi chất lượng nước qua các năm, kết quả cho thấy chưa có biểu hiện gia tăng ô nhiễm và chỉ số chất lượng nước dao động từ 37 - 41; như vậy, chất lượng nguồn nước mặt lục địa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có thể sử dụng cho các mục đích như sau:
+ Sử dụng cho mục đích sinh hoạt: Chủ yếu là nguồn nước trên sông Hậu và các kênh (kênh cấp 1) nối từ sông Hậu vào nội đồng thuộc địa bàn huyện Kế Sách và kênh Saintard, nhưng phải qua xử lý; nguyên nhân do nguồn nước khu vực này ít tiếp xúc trực tiếp với các nguồn chất thải gây ô nhiễm, có lưu lượng nước lớn, khả năng pha loãng và phát tán các chất gây ô nhiễm cao.
+ Các sông, kênh còn lại trên địa bàn tỉnh đều có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi và giao thông; riêng kênh Tám Thước thuộc phường 2, thành phố Sóc Trăng; kênh Sóc Trăng - Phụng Hiệp thuộc khu vực chợ thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành và kênh Maspero thuộc khu vực trung tâm thành phố Sóc Trăng đã bị ô nhiễm nặng và không đạt tiêu chuẩn sử dụng cho mục đích tưới tiêu. Nguyên nhân do các kênh này là nơi tiếp nhận các nguồn chất thải sinh hoạt dân cư, chất thải sản xuất chưa được thu gom, xử lý triệt; cụ thể như sau:
* Kênh Tám Thước: Là nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt của hơn 3.000 hộ dân định cư, sinh sống tại khóm 3, khóm 4 và khóm 7 thuộc phường 2, thành phố Sóc Trăng; nước thải của các nhà máy công nghiệp như Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, Xí nghiệp Chế biến thủy sản Kim Anh, Nhà máy Bia Sài Gòn - Sóc Trăng, Công ty TNHH Thực phẩm Nắng Đại Dương. Các nguồn thải này được xử lý nhưng chưa triệt để; từ đó, chất lượng nước tại khu vực trên bị ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước kênh Cầu Đen, kênh Maspero theo con nước.
* Kênh Maspero (Đoạn tại cầu Maspero - cầu mới): Là nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt của nhân dân khu vực trung tâm thành phố Sóc Trăng; nước thải của các chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ; nước thải sản xuất của các cơ sở công nghiệp như Công ty Cổ phần chế biến thủy sản Sóc Trăng, Công ty TNHH Phương Nam, Xí nghiệp Chế biến thực phẩm Thái Tân,...; đồng thời, đây cũng là nơi tiếp nhận nguồn nước của các kênh như kênh Cầu Đen, kênh Sóc Trăng - Phụng Hiệp (kênh Xáng) theo con nước.
* Kênh Sóc Trăng - Phụng Hiệp (Đoạn trên tuyến kênh tại khu vực chợ thuộc thị trấn Châu Thành): Là nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt dân cư của thị trấn Châu Thành; nước thải khu vực chợ; nước thải sản xuất của các trang trại chăn nuôi heo, gà tập trung; nước thải dân cư và các cơ sở sản xuất khác phân bố dọc theo tuyến kênh trên địa bàn huyện Châu Thành.
4. Dự báo diễn biến môi trường nước mặt lục địa
a) Dự báo các nguồn nước thải gây ô nhiễm: Dự báo đến năm 2020 các nguồn thải sẽ tiếp tục gia tăng; cụ thể như sau:
- Nước thải sinh hoạt: Từ 29.150.000m3/năm tăng lên 32.709.840 m3/năm (dân số của tỉnh Sóc Trăng vào năm 2020 là 1.457.000 người).
- Nước thải chăn nuôi gia súc, gia cầm: Từ 7.300.000 m3/năm tăng lên 22.000.00 m3/năm (chi tiết được tính toán theo Bảng 2).
Bảng 2. Dự báo nước thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi đến năm 2020
TT | Loại | Số lượng (con) | Định mức theo WHO (m3/con/năm) | Lượng phát sinh (m3/năm) |
1 | Trâu | 4.700 | 8 | 37.600 |
2 | Bò | 50.000 | 8 | 400.000 |
3 | Heo | 670.000 | 14,6 | 9.782.000 |
4 | Gia cầm | 13.000.000 | 0,9 | 11.700.000 |
(Nguồn: Trung tâm Quan trắc TN&MT Sóc Trăng, năm 2012)
- Nước thải sản xuất công nghiệp, dịch vụ: Từ 2.010.000 m3/năm tăng lên 16.000.000 m3/năm (tham khảo số liệu tính toán của Chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020).
- Chất thải từ nuôi trồng thủy sản:
+ Lượng hữu cơ phát thải qua thức ăn tôm: Từ 43.680 tấn/năm tăng lên 122.850 tấn/năm (sản lượng tôm năm 2020 ước tính khoảng 135.000 tấn/năm vớ, lượng thức ăn sử dụng 175.500 tấn/năm và lượng chất thải phát sinh 122.850 tấn/năm).
+ Lượng hữu cơ phát thải qua thức ăn nuôi cá tra: Từ 35.000 tấn/năm tăng lên 320.000 tấn/năm (sản lượng năm 2020 ước tính khoảng 250.000 tấn cá/năm với lượng thức ăn sử dụng khoảng 400.000 tấn/năm và lượng chất thải phát sinh 320.000 tấn/năm.
- Nước thải y tế: Từ 160.000 m3/năm tăng lên 266.450 m3/năm (theo Quy hoạch đến năm 2020, tỉnh Sóc Trăng có 3.650 giường bệnh với định mức nước cấp là 250 lít/giường và lượng nước thải phát sinh 730 m3/ngày, tương đương 266.450 m3/năm).
b) Dự báo diễn biến chất lượng nguồn nước mặt:
Kết quả đánh giá về hiện trạng chất lượng nguồn nước mặt các sông, kênh rạch chính trên địa bàn tỉnh cho thấy nguồn nước mặt đáp ứng được cho các nhu cầu về tưới tiêu và giao thông thủy. Tuy nhiên, về chất lượng nước của từng vùng, khu vực hay từng tuyến sông, kênh còn phụ thuộc vào lưu lượng nước, biên độ triều, mật độ phân bố dân cư và tình hình phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.
Việc dự báo diễn biến chất lượng nguồn nước mặt tại các sông, kênh, rạch chính trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 dựa trên cơ sở hiện trạng hệ thống sông, kênh rạch và các nguồn gây ô nhiễm có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nước mặt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể như sau:
- Ô nhiễm cục bộ có khả năng phát sinh ở một số sông, kênh đi qua khu vực trung tâm thị trấn Mỹ Xuyên, Châu Thành, Long Phú, Ngã Năm và kênh Tiếp Nhật (đoạn tiếp giáp thị trấn Mỹ Xuyên) và đập Bảy Giá thuộc huyện Trần Đề; nguyên nhân do các sông, kênh này có lưu lượng nước thấp và tiếp nhận các nguồn chất thải sinh hoạt, chất thải các khu chợ, chất thải sản xuất.
- Do có lưu lượng nước cao và dòng chảy mạnh, nguồn nước mặt tại khu vực trên sông Hậu và các kênh cấp 1 nối từ sông Hậu vào nội đồng thuộc địa bàn huyện Kế Sách có chất lượng tốt và ổn định, có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt nhưng phải qua xử lý; tuy nhiên, chất lượng nước có thể bị tác động xấu do ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ biển Đông do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các đập thủy điện và chất thải nuôi thủy sản từ phía thượng nguồn.
- Việc sử dụng các loại hóa chất, thức ăn dư thừa, bùn thải trong nuôi tôm ở thị xã Vĩnh Châu và các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên và Cù Lao Dung sẽ có khả năng gây ô nhiễm cục bộ nguồn nước, làm tăng tốc độ bồi lấp các kênh cấp thoát nước và các tác động xấu khác; do vậy, phải có quá trình theo dõi, nghiên cứu và đánh giá cụ thể.
- Chất lượng nguồn nước mặt khu vực thành phố Sóc Trăng được dự báo sẽ ngày càng được cải thiện do một số công trình bảo vệ môi trường được tỉnh đầu tư xây dựng trong thời gian tới như: Nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung; Nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung và các vùng lân cận; Nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn 2 Khu công nghiệp An Nghiệp; Dự án cải tạo ô nhiễm kênh 3/2, kênh Tám Thước thuộc khu vực phường 2; ngoài ra, kết hợp việc áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn và vận hành tốt các công trình xử lý chất thải trong sản xuất công nghiệp.
5. Giải pháp bảo vệ môi trường nước mặt lục địa
a) Giải pháp chung:
Trước mắt, tập trung thực hiện các dự án cải tạo, khắc phục ô nhiễm các sông, kênh rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng; cải tạo hệ thống thoát nước đô thị; rà soát danh mục và xây dựng lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường xen kẽ trong dân cư, gần nguồn nước; tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ nguồn nước; dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường nước mặt; thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường.
b) Nhiệm vụ của các sở, ngành
- Sở Tài nguyên và Môi trường:
+ Chủ trì, phối hợp sở, ngành và địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách ưu đãi trong đầu tư thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh; tổ chức khảo sát các tuyến sông, kênh rạch chảy qua nội ô thành phố, thị xã, thị trấn bị ô nhiễm nghiêm trọng và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc lập các dự án đầu tư cải tạo, khắc phục ô nhiễm; lập danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng buộc phải di dời trên địa bàn thành phố Sóc Trăng và huyện Châu Thành, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
+ Phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường; nghiên cứu xây dựng và ứng dụng các mô hình điểm có sự tham gia cộng đồng để nhân rộng.
+ Đẩy mạnh công tác quan trắc, dự báo và cảnh báo ô nhiễm môi trường nước mặt lục địa, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Tổng cục Môi trường kết quả quan trắc môi trường nền về chất lượng môi trường nước mặt hàng năm theo quy định; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền quản lý; thực hiện việc lập Quy hoạch quản lý và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên nước mặt lục địa tỉnh Sóc Trăng nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước mặt; đề xuất việc đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động để dự báo, cảnh báo về môi trường và từng bước hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
+ Đẩy mạnh việc ứng dụng các mô hình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý của ngành.
+ Thực hiện kế hoạch quan trắc môi trường nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản và phòng ngừa, dự báo dịch bệnh phục vụ sản xuất.
- Sở Khoa học và Công nghệ: Nghiên cứu việc chuyển giao công nghệ mới, thân thiện với môi trường và áp dụng vào thực tiễn sản xuất; ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và xử lý chất thải nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
- Sở Công Thương:
+ Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai việc áp dụng Chương trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu các nguồn chất thải gây ô nhiễm.
+ Tuyên truyền, vận động và tham gia việc tổ chức di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường xen kẽ trong các khu dân cư, gần nguồn nước vào các Khu/cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp Sở Tài chính và sở, ngành liên quan cân đối các nguồn vốn, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc triển khai các dự án đầu tư cải tạo, khắc phục ô nhiễm; đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương và vốn khác để đầu tư xử lý ô nhiễm trên địa bàn tỉnh.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
+ Đẩy mạnh công tác quản lý môi trường, tập trung đầu tư xây dựng các bãi rác, áp dụng quy trình quản lý, thu gom và xử lý rác; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; vận động nhân dân giữ gìn nguồn nước mặt, bảo vệ môi trường trong sinh hoạt và nơi công cộng.
+ Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
- Các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nội dung sau:
+ Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và vận động cộng đồng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu dân cư.
+ Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất, sinh hoạt cộng đồng và tham gia giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện về môi trường.
c) Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Hỗ trợ kinh phí lập Quy hoạch quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước mặt lục địa trên sông Hậu, do sông Hậu là nguồn cung cấp nước mặt chính cho các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (liên tỉnh).
- Hỗ trợ việc nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường của biến đổi khí hậu đến chất lượng nguồn nước mặt lục địa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; đồng thời, nghiên cứu và xây dựng các giải pháp quản lý, sử dụng nguồn nước thích nghi với biến đổi khí hậu.
- 1 Quyết định 486/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng kỳ 2014-2018
- 2 Quyết định 486/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng kỳ 2014-2018
- 1 Quyết định 44/2017/QĐ-UBND về đơn giá lập báo cáo hiện trạng môi trường và báo cáo chuyên đề về môi trường tỉnh Đồng Nai
- 2 Quyết định 879/QĐ-TCMT năm 2011 sổ tay hướng dẫn kỹ thuật tính toán chỉ số chất lượng nước do Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ban hành
- 3 Thông tư 08/2010/TT-BTNMT quy định việc xây dựng báo cáo môi trường quốc gia, báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực và báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh do Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 4 Quyết định 81/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 6 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7 Luật Tài nguyên nước 1998