HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/NQ-HĐND | Điện Biên, ngày 14 tháng 10 năm 2016 |
VỀ ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 7 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị;
Căn cứ Thông tư 34/2009/TT-BXD ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Bộ Xây dựng Quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày ngày 7 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị;
Thực hiện Kết luận số 03-KL/TU ngày 20/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 21/11/2011 của Tỉnh ủy (khóa XII) về Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020;
Xét Tờ trình số 3021/TTr-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2016 của UBND tỉnh về việc đề nghị thông qua Đề án phát triển hệ thống đô thị tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020; Báo cáo thẩm tra số 48/BC-HĐND ngày 07/10/2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án phát triển hệ thống đô thị tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020 với các nội dung như sau:
1. Mục tiêu chung
Phát triển hệ thống đô thị theo hướng đồng bộ, đảm bảo kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, các tiêu chí theo quy định; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, trật tự đô thị và tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị tại các trung tâm huyện, thị, thành phố.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Tập trung đầu tư xây dựng nâng cấp toàn diện các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội của các đô thị trong tỉnh để đạt tiêu chí đô thị theo quy định. Đến năm 2020, thành phố Điện Biên Phủ đạt đô thị loại II, thị xã Mường Lay đạt đô thị loại IV, 06 đô thị loại V gồm thị trấn các huyện: Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Chà và Trung tâm huyện Mường Nhé.
2.2. Tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới, khu trung tâm hành chính mới của tỉnh tại khu đô thị phía Đông thành phố Điện Biên Phủ.
2.3. Triển khai thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng tại trung tâm các huyện, thị xã phát triển các thị tứ theo quy hoạch.
2.4. Đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 25%, hệ thống đô thị đảm bảo chất lượng, phù hợp với loại đô thị và cấp quản lý hành chính đô thị.
2.5. Xây dựng và phát triển Chương trình nhà ở đến năm 2020 đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh 17,4 m2 sàn/người (trong đó đô thị đạt 21,0 m2 sàn/người; nông thôn đạt 16,2 m2 sàn/người).
2.6. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
- Giao thông: Tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị từ 20% trở lên.
- Cấp nước: Dân số đô thị được cấp nước sạch trên 90%; tỷ lệ thất thoát nước sạch dưới 18% đối với đô thị loại III, IV và dưới 25% đối với đô thị loại V.
- Thoát nước: Nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 60%.
- Thu gom chất thải rắn đô thị: Đối với đô thị loại III, IV tỷ lệ thu gom đạt 90% trở lên; đối với đô thị loại V đạt 85% trở lên. Xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
- Chiếu sáng đô thị: Chiếu sáng đường phố chính đạt 90%, ngõ hẻm được chiếu sáng đạt 85%.
- Cây xanh đô thị: Diện tích cây xanh sử dụng công cộng đối với đô thị loại III, IV là từ 3,5 m2/người trở lên; đô thị loại V là từ 2,8 m2/người trở lên.
- Thông tin và truyền thông: Tỷ lệ hạ tầng mạng cáp viễn thông, truyền hình được ngầm hóa tại các khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh đạt trên 40%.
3. Nhiệm vụ
3.1. Về công tác quy hoạch xây dựng đô thị:
Tập trung hoàn chỉnh quy hoạch vùng tỉnh Điện Biên; điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Cảng hàng không Điện Biên; chương trình phát triển đô thị tỉnh Điện Biên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; chương trình phát triển đô thị các địa phương đảm bảo bám sát các tiêu chí phân loại đô thị; lập và hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị. Rà soát các quy hoạch chung xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời tổ chức lập, hoàn thiện các đồ án quy hoạch chi tiết sau khi quy hoạch chung điều chỉnh được phê duyệt. Tổ chức đánh giá phân loại và công nhận đô thị.
3.2. Về công tác quản lý quy hoạch đô thị
Tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị làm cơ sở kiểm soát xây dựng, chỉnh trang, phát triển đô thị, xác định các khu vực đô thị cần ưu tiên thiết kế, chỉnh trang, cải tạo. Xây dựng và hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước về cấp phép xây dựng, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên đối với các hoạt động xây dựng để xử lý triệt để các vi phạm về trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn.
3.3. Về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội
- Hạ tầng kỹ thuật: Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay; các thị trấn: Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Điện Biên Đông; khu trung tâm huyện lỵ Mường Nhé, Điện Biên đảm bảo các tiêu chí phân loại đô thị, đồng thời đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng khu trung tâm huyện lỵ Nậm Pồ làm cơ sở hình thành và phát triển đô thị.
- Hạ tầng xã hội: tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, thương mại, dịch vụ tại đô thị; nâng cấp, cải tạo các công trình đã xuống cấp; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ; nâng cấp, cải tạo chợ Trung tâm I thành phố Điện Biên Phủ đáp ứng nhu cầu người dân, phục vụ phát triển du lịch dịch vụ; xây dựng mới chợ Trung tâm huyện Tuần Giáo đảm bảo tiêu chí chợ hạng I; di chuyển chợ tạm cầu Mường Thanh thành phố Điện Biên Phủ đến địa điểm khác theo quy hoạch.
Rà soát các dự án đầu tư phát triển nhà ở đô thị đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, kiểm tra công tác quy hoạch cũng như tiến độ triển khai dự án; dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở đã đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư nhà ở xã hội.
3.4. Các dự án trọng điểm:
- Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Điện Biên Phủ.
- Hạ tầng khung khu đa chức năng dọc trục đường 60m.
- Dự án thu gom, xử lý nước thải thành phố Điện Biên Phủ.
- Cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Điện Biên Phủ.
- Các hạng mục công trình Khu trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh tại phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ.
- Công viên nghĩa trang Điện Biên.
- Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên.
- Xây dựng thí điểm khu nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ.
- Các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên.
- Xây dựng các nhà máy nước tại thị trấn Mường Ảng, trung tâm huyện Nậm Pồ.
- Tuyến đường ASEAN đi qua thành phố Điện Biên Phủ (đường phía Đông thành phố Điện Biên Phủ).
- Thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo Đề án Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn đô thị của tỉnh Điện Biên (Dự án hậu tái định cư thủy điện Sơn La).
- Tiếp tục đầu tư xây dựng trung tâm huyện: Nậm Pồ, Mường Ảng, Điện Biên.
II. Các giải pháp triển khai thực hiện
1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng đô thị; phát triển đô thị
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về phát triển đô thị; nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển đô thị; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phát triển đô thị, phát hiện những bất cập, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai và quản lý theo quy hoạch để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án theo kế hoạch đã đề ra.
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự thống nhất về tư tưởng, hành động và sự đồng thuận trong xã hội về quy hoạch và phát triển đô thị. Định kỳ hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện về phát triển đô thị ở các cấp, các ngành.
2. Về quy hoạch
- Nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, đảm bảo tính khả thi cao, tầm nhìn chiến lược, tính ổn định, phù hợp với thực tế địa phương. Xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo quy hoạch được phê duyệt.
- Tập trung rà soát đánh giá xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong việc phối hợp thực hiện quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
- Thường xuyên kiểm tra, phát hiện những bất cập, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai và quản lý theo quy hoạch để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
3. Xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách tạo đột phá để phát triển đô thị
- Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút nguồn lực đầu tư, nhất là các chính sách khai thác nguồn lực từ đất đai để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đô thị.
- Tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong xúc tiến đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.
4. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia hoạt động quản lý, triển khai phát triển đô thị
- Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao trình độ, năng lực, phát triển đội ngũ làm công tác quy hoạch, quản lý đô thị, hạ tầng kỹ thuật của các cấp chính quyền.
- Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về phát triển đô thị.
5. Giải pháp về nguồn vốn
Tổng kinh phí đầu tư: 17.687 tỷ 517 triệu đồng.
Trong đó:
+ Vốn đầu tư từ Ngân sách Trung ương: 1.878 tỷ 037 triệu đồng.
+ Vốn đầu tư từ Ngân sách địa phương: 2.005 tỷ 499 triệu đồng.
+ Vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế: 13.803 tỷ 981 triệu đồng.
- Huy động vốn: Tận dụng tối đa các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, huy động vốn từ các tổ chức tín dụng - tài chính, nguồn vốn ngân sách tỉnh, nguồn vốn huy động hợp pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, vận động để được viện trợ hoặc vay với lãi suất thấp từ nước ngoài (ODA), đấu giá quyền sử dụng đất tại những vị trí thuận lợi tạo nguồn vốn tái đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.
- Sử dụng vốn: Thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, trong đó:
+ Đối với nguồn vốn nhà nước tập trung đầu tư cho các dự án lớn, dự án có ý nghĩa quan trọng, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình công cộng, các công trình không có khả năng thu hồi vốn.
+ Đối nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước: bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút định hướng đầu tư vào các dự án thương mại, dịch vụ, phát triển du lịch như nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí...
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh và các Đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
1. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
2. Nghị quyết số 255/NQ-HĐND ngày 30/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua “Đề án phát triển hệ thống đô thị tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020” hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIV, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 11 tháng 10 năm 2016./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 1118/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán lập Đề án xây dựng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 đạt mục tiêu 35%
- 2 Quyết định 1005/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ, dự toán kinh phí thực hiện Đề án phát triển hệ thống cấp nước sạch đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 đạt 95% trở lên
- 3 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4 Luật Xây dựng 2014
- 5 Quyết định 58/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống đô thị tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020
- 6 Thông tư 34/2009/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 42/2009/NĐ-CP về việc phân loại đô thị do Bộ Xây dựng ban hành
- 7 Luật Quy hoạch đô thị 2009
- 8 Nghị định 42/2009/NĐ-CP về việc phân loại đô thị
- 1 Quyết định 58/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống đô thị tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020
- 2 Quyết định 1005/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ, dự toán kinh phí thực hiện Đề án phát triển hệ thống cấp nước sạch đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 đạt 95% trở lên
- 3 Quyết định 1118/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán lập Đề án xây dựng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 đạt mục tiêu 35%