Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2022/NQ-HĐND

Lạng Sơn, ngày 10 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BỐN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Xét Tờ trình số 156/TTr-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện một số nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định nội dung và mức chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện một số nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng, quyết toán và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây viết tắt là Chương trình).

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Kinh phí sự nghiệp thực hiện các nội dung của Chương trình phải hướng tới đạt mục tiêu Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021- 2025 ban hành tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 318/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; số 319/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 về việc ban hành quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; số 320/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

2. Công khai, minh bạch về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

3. Không sử dụng kinh phí của Chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm và các nội dung, nhiệm vụ bố trí kinh phí từ các Chương trình, dự án khác.

4. Việc thực hiện phân bổ bảo đảm đồng bộ, không chồng chéo, trùng lặp với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

5. Các nội dung và mức chi hỗ trợ khác chưa quy định tại Nghị quyết này thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Chương II

NỘI DUNG VÀ MỨC CHI

Điều 4. Đối với xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới

1. Chi tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở

a) Xã chưa có đài truyền thanh: hỗ trợ tối đa 100% chi phí mua sắm đài truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, bao gồm:

- Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị đài truyền thanh và cụm loa tại trung tâm xã không quá 70 triệu đồng/01 xã.

- Hỗ trợ mua sắm cụm loa truyền thanh cho các thôn, bản không quá 32 triệu đồng/01 cụm.

b) Xã đã có đài truyền thanh FM (không dây hoặc có dây):

- Hỗ trợ mua sắm thiết bị tích hợp chuyển đổi đài truyền thanh không dây hoặc có dây với đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (IP): không quá 30 triệu đồng/01 xã.

- Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị đài truyền thanh (thiết bị quản lý, lưu trữ thông tin và sản xuất chương trình phát thanh; Micro phòng thu chuyên dụng; phần mềm quản lý): không quá 38 triệu đồng/01 xã.

- Hỗ trợ mua sắm cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (IP) cho trung tâm xã và các thôn, bản bị hư hỏng không còn sử dụng được: không quá 32 triệu đồng/01 cụm.

c) Chi sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng của đài truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (IP): theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật hiện hành, tối đa không quá 70% so với mức mua sắm mới.

2. Chi hỗ trợ các dự án liên kết, kế hoạch liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp

Hỗ trợ tối đa không quá 50% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch liên kết thuộc phạm vi đầu tư của chương trình. Mức hỗ trợ thực hiện một (01) dự án, kế hoạch không quá 900 triệu đồng/dự án, kế hoạch liên kết.

3. Chi nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

a) Chi mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã: hỗ trợ không quá 80 triệu đồng/thiết chế.

b) Chi hỗ trợ xây dựng tủ sách cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao cấp xã, nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn:

- Tủ sách xã: không quá 30 triệu đồng/ 01 tủ sách.

- Tủ sách thôn: không quá 15 triệu đồng/ 01 tủ sách.

c) Chi hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao xã và hỗ trợ kinh phí tổ chức giải thể thao cấp xã: hỗ trợ không quá 30 triệu đồng/01 năm.

4. Chi tổ chức các hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chi hội, tổ hội nghề nghiệp

a) Hỗ trợ tuyên truyền nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, lợi ích trong việc xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tập huấn về quy trình thành lập; tổ chức, hoạt động của chi hội, tổ hội nghề nghiệp: hỗ trợ tối đa 100% chi phí, nhưng không quá 30 triệu đồng/01 lớp (hội nghị).

b) Tổ chức cho cán bộ, hội viên chi hội, tổ hội đi học tập, nghiên cứu, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiêu biểu trong và ngoài tỉnh. Mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/01 năm.

Điều 5. Đối với xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

1. Chi hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Mức hỗ trợ: thực hiện theo khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 09/2019/NQ- HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

2. Chi tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở

a) Xã đã có đài truyền thanh FM (không dây hoặc có dây): hỗ trợ theo điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị quyết này.

b) Xã có đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (IP): hỗ trợ mua sắm mở rộng cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (IP) cho các thôn, bản: hỗ trợ không quá 32 triệu đồng/01 cụm.

c) Chi sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng của đài truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (IP): hỗ trợ theo điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị quyết này.

3. Chi hỗ trợ các dự án liên kết, kế hoạch liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp: hỗ trợ theo khoản 2 Điều 4 Nghị quyết này.

4. Chi hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, thôn

a) Chi hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, thôn: hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện mô hình thí điểm được phê duyệt, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương tối đa không quá 70%, phần kinh phí còn lại do ngân sách địa phương đảm bảo.

b) Chi hỗ trợ phát triển (xây dựng và nhân rộng) các mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, thôn: hỗ trợ tối đa không quá 70% kinh phí thực hiện mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Chi hỗ trợ tư vấn, giám sát và gắn mã vùng trồng cho các cá nhân, tổ chức

Hỗ trợ tối đa 100% chi phí tư vấn giám sát và gắn mã vùng trồng cho các cá nhân, tổ chức (hỗ trợ 01 lần), nhưng không quá 18,0 triệu đồng/mã số (đối với vùng trồng cây lâu năm có diện tích tối thiểu 10ha; vùng trồng cây hằng năm có diện tích tối thiểu 01 ha). Ưu tiên cấp mã vùng trồng cho vùng sản xuất đã được đánh giá chứng nhận vùng trồng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và nông nghiệp hữu cơ.

6. Chi hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại

Hỗ trợ 50% tổng kinh phí thực hiện dự án cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Mức hỗ trợ 300 triệu đồng/ha để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường, nhưng không quá 02 tỷ đồng/dự án được phê duyệt.

7. Chi nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

a) Chi mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã: hỗ trợ không quá 70 triệu đồng/thiết chế.

b) Chi hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao xã và hỗ trợ kinh phí tổ chức giải thể thao cấp xã: hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/01 năm.

Điều 6. Đối với xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

Chi hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền: hỗ trợ tối đa không quá 50% kinh phí thực hiện dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 7. Đối với huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới

1. Chi mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện: hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/thiết chế.

2. Chi hỗ trợ xây dựng tủ sách cho thư viện cấp huyện: hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/tủ sách.

Điều 8. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối ứng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

2. Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo quy định.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn khóa XVII, kỳ họp thứ mười bốn thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2022 và có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND tỉnh;
- Thường trực: HU, HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Công báo tỉnh, Báo Lạng Sơn, Đài PTTH Lạng Sơn, Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, HSKH.

CHỦ TỊCH




Đoàn Thị Hậu