Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2020/NQ-HĐND

Bình Phước, ngày 10 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẶC THÙ NGƯỜI CÓ UY TÍN, GIÀ LÀNG TIÊU BIỂU TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ SINH VIÊN NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BỐN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số;

Xét Tờ trình số 137/TTr-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 26/BC-HĐND-DT ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Ban dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định chính sách hỗ trợ đặc thù cho người có uy tín, già làng tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số và sinh viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước, cụ thể như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ đặc thù từ nguồn ngân sách địa phương nhằm đảm bảo mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Phước.

2. Đối tượng áp dụng

a) Người có uy tín; già làng tiêu biểu, xuất sắc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước phê duyệt danh sách;

b) Sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo quy định của cơ quan có thẩm quyền) và sinh viên người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú từ 03 năm trở lên tại các xã thuộc vùng khó khăn, xã biên giới của tỉnh đang học (không thuộc diện cử đi học bằng ngân sách Nhà nước, như sinh viên hệ cử tuyển, quân nhân, sĩ quan chuyên nghiệp) tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân;

c) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết.

3. Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Ngoài các chính sách được quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước được:

- Hỗ trợ tiền xăng xe đi lại bằng 0,1 lần mức lương cơ sở/người/tháng;

- Mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa có thẻ bảo hiểm y tế hoặc chưa được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế từ các chính sách khác, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

4. Chính sách đối với già làng tiêu biểu xuất sắc trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước

a) Cung cấp thông tin

- Được cấp ủy, chính quyền các cấp định kỳ hoặc đột xuất phổ biến, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng, Nhà nước; tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương;

- Được cấp không thu tiền 01 tờ/số các báo: Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Bình Phước, Bản tin Dân tộc thiểu số và Miền núi;

- Được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tham quan, học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

b) Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần

- Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán, tết của các dân tộc thiểu số không quá 02 lần/năm. Mức chi không quá 500.000 đồng/người/lần;

- Thăm hỏi, hỗ trợ vật chất khi ốm đau không quá 01 lần/năm. Mức chi: không quá 1.500.000 đồng/người/năm đối với cấp tỉnh; không quá 800.000 đồng/người/năm đối với cấp huyện; không quá 500.000 đồng/người/năm đối với cấp xã;

- Thăm hỏi, hỗ trợ hộ gia đình già làng gặp khó khăn (thiên tai, hỏa hoạn). Mức chi không quá 1.000.000 đồng/gia đình/năm đối với cấp tỉnh; không quá 500.000 đồng/gia đình/năm đối với cấp huyện, cấp xã;

- Thăm viếng, động viên khi già làng, thân nhân trong gia đình già làng (bố, mẹ, vợ, chồng, con) qua đời. Mức chi không quá 1.000.000 đồng/trường hợp đối với cấp tỉnh; không quá 500.000 đồng/trường hợp đối với cấp huyện, cấp xã;

- Được đón tiếp, tặng quà khi các đoàn đại biểu già làng đến thăm, làm việc với cơ quan thực hiện công tác quản lý Nhà nước về công tác dân tộc; mức chi thực hiện theo quy định về chế độ chi tiếp khách trong nước;

- Già làng có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc được biểu dương, khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các quy định hiện hành về thi đua, khen thưởng;

- Hỗ trợ tiền xăng xe đi lại bằng 0,1 lần mức lương cơ sở/người/tháng;

- Mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho già làng chưa có thẻ bảo hiểm y tế hoặc chưa được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế từ các chính sách khác, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

5. Chính sách hỗ trợ kinh phí cho sinh viên người dân tộc thiểu số

- Hỗ trợ tiền sinh hoạt phí hàng tháng bằng 0,4 lần mức lương cơ sở. Thời gian hỗ trợ là 10 tháng/năm học;

- Hỗ trợ tiền tàu, xe đi lại dịp hè, tết Nguyên đán (04 lượt/năm), định mức theo giá vé của các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng (trừ máy bay);

- Hỗ trợ tiền làm luận văn báo cáo tốt nghiệp bằng 04 lần mức lương cơ sở;

- Được khen thưởng thành tích học tập theo học kỳ, cụ thể như sau:

Sinh viên có thành tích học tập xếp loại xuất sắc được khen thưởng bằng 0,3 lần mức lương cơ sở/tháng. Thời gian hỗ trợ 05 tháng/học kỳ;

Sinh viên có thành tích học tập xếp loại giỏi được khen thưởng bằng 0,25 lần mức lương cơ sở/tháng. Thời gian hỗ trợ 05 tháng/học kỳ;

Sinh viên có thành tích học tập xếp loại khá (có điểm trung bình học tập từ 7.0 trở lên) được khen thưởng bằng 0,2 lần mức lương cơ sở/tháng. Thời gian hỗ trợ 05 tháng/học kỳ;

Đối với sinh viên khi gia đình thoát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm tiếp theo thì vẫn được hưởng đủ kinh phí hỗ trợ cho năm học đó.

Điều 2.

Giao Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chi tiết việc tổ chức, thực hiện; giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 27/2016/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước quy định về chính sách đối với già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa IX, kỳ họp thứ mười bốn thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 21 tháng 12 năm 2020./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp (Cục KTVB);
- TTTU, TTHĐND, UBND, BTTUBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- TTHĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm CNTT và TT;
- LĐVP, Phòng Tổng hợp;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Huỳnh Thị Hằng