Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 306/NQ-HĐND

Đà Nẵng, ngày 08 tháng 7 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐIỀU CHỈNH KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2020, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC ĐẦU TƯ CÔNG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2020 VÀ PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025 CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
KHÓA IX, NHIỆM KỲ 2016-2021, KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

Xét Báo cáo số 153/BC-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2020 của UBND thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 và nhiệm vụ công tác đầu tư công 6 tháng cuối năm 2020; Báo cáo số 166/BC-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2020 của UBND thành phố về phương án phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố, ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê chuẩn điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 như sau:

1. Điều chỉnh tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2020: 12.373,196 tỷ đồng (giảm 1.966,106 tỷ đồng so với kế hoạch vốn đầu năm)

a) Vốn trong nước: 11.007,096 tỷ đồng, gồm các nguồn sau:

- Nguồn ngân sách tập trung:

 

+ Ngân sách thành phố:

 

+ Ngân sách quận, huyện:

2.117,652 tỷ đồng

(giảm 1.167,94 tỷ đồng)

1.695,896 tỷ đồng

(giảm 1.167,94 tỷ đồng)

421,756 tỷ đồng

- Nguồn thu tiền sử dụng đất:

 

+ Ngân sách thành phố:

+ Ngân sách huyện Hòa Vang để chi đầu tư Chương trình Nông thôn mới:

2.500,000 tỷ đồng

(không thay đổi)

2.370,514 tỷ đồng

129,486 tỷ đồng

- Nguồn thu xổ số kiến thiết:

175,000 tỷ đồng

- Nguồn vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu:

323,000 tỷ đồng

- Nguồn khác, nguồn tăng thu tiết kiệm chi các năm trước chuyển sang: giảm 798,166 tỷ đồng

 5.891,444 tỷ đồng

b) Vốn nước ngoài (ODA): 1.366,100 tỷ đồng (không thay đổi), gồm các nguồn sau:

- Vốn Trung ương hỗ trợ:

(trong đó: Chương trình Ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020)

769,000 tỷ đồng

185,704 tỷ đồng

 

- Nguồn vay lại của Trung ương vay nước ngoài:

(Nguồn bội chi ngân sách địa phương)

597,100 tỷ đồng

2. Điều chỉnh phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020

a) Điều chỉnh giảm:

Rà soát, cắt giảm những công trình thừa vốn sau quyết toán, các công trình vướng đền bù giải tỏa chưa triển khai thi công và các công trình mới đến nay chưa hoàn thành các thủ tục để khởi công nên không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn đã bố trí; phân bổ từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi dự nguồn để bù đắp tương ứng nguồn ngân sách tập trung dự kiến giảm thu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

b) Điều chỉnh tăng: Việc bổ sung vốn cho các công trình thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Ưu tiên bố trí vốn để thanh toán cho các công trình đã có quyết định phê duyệt quyết toán;

- Các công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2020, ưu tiên bố trí vốn thanh toán đến 90% khối lượng hoàn thành theo quy định để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.

- Đối với công trình chuyển tiếp, ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tập trung vốn cho công tác đền bù giải tỏa;

- Đối với công trình mới, ưu tiên bổ sung vốn cho các công trình trọng điểm, động lực, thực hiện giải tỏa, các công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2020 và các công trình mới đến nay đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công quý IV năm 2020.

c) Đối với vốn đầu tư phân cấp cho các quận, huyện: đề nghị các địa phương chủ động căn cứ vào khả năng thu ngân sách để rà soát, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi và sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương để đảm bảo cân đối theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

3. Nhiệm vụ công tác đầu tư công 6 tháng cuối năm 2020 và một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020

a) Các Sở, ban, ngành, các chủ đầu tư, quản lý dự án và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo tiến độ thực hiện đền bù giải tỏa các dự án trên địa bàn thành phố năm 2020, phấn đấu đảm bảo tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 622/TTg-KTTH ngày 26 tháng 5 năm 2020 về việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

b) Hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa; phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, đơn vị quản lý để có kế hoạch đền bù giải tỏa bàn giao mặt bằng phù hợp với tiến độ thi công của nhà thầu; UBND các quận, huyện ưu tiên tập trung rà soát xử lý các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình trọng điểm, động lực; các dự án đã lựa chọn nhà thầu nhưng chưa thi công được do chưa có mặt bằng như Dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐT601; Tuyến đường Trục I Tây Bắc (đoạn từ đường sắt đến Quốc lộ 1A), hay các dự án đã triển khai từ các năm trước đến nay vẫn còn vướng mặt bằng như Dự án Đường Vành đai phía Tây; Đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan (đoạn Km5+226,59 - KM10+501 - từ Cầu Đỏ - QL14B); Tuyến đường liên xã Hòa Phú - Hòa Ninh; Khu công nghệ cao, Các tuyến đường 45m (đoạn từ đường Hồ Ngọc Lãm đến đường Trương Định, đoạn từ đường Lê Hữu Trác đến đường Nguyễn Văn Thoại); Đường ĐH 2 (Hòa Phú - Hòa Nhơn)…

c) Các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án: có kế hoạch chi tiết, phân công theo dõi, giám sát, đôn đốc nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị… tổ chức tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, đặc biệt các công trình trọng điểm, động lực…; phối hợp, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà thầu trong việc hoàn thiện hồ sơ quyết toán, hồ sơ nghiệm thu khối lượng hoàn thành (không để dồn khối lượng); chủ động rà soát và kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng xử lý đến các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ.

d) Các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành xây dựng tích cực thực hiện, tháo gỡ các khó khăn trong việc lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công; công tác mời thầu, đấu thầu dự án; công tác giải phóng mặt bằng…

đ) Chủ động điều chuyển vốn các công trình không triển khai được hoặc chậm triển khai, không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn đã bố trí để bổ sung cho các công trình đã có Quyết định phê duyệt quyết toán, có khối lượng hoàn thành, các công trình trọng điểm, động lực và các công trình cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân cao, có nhu cầu vốn đền bù giải tỏa cho các khu đất giao cho nhà đầu tư… Thống nhất giải ngân kế hoạch vốn đã bố trí cho các công trình trong năm 2020 nhưng chưa có hoặc lũy kế vốn bố trí vượt so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 5679/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2019 (sẽ được điều chỉnh tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố cuối năm 2020).

e) Khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, chuẩn bị công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án nhất là các dự án động lực, trọng điểm, đặc biệt các dự án chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2020) và chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII như: Trạm trung chuyển rác thải khu vực đường Lê Thanh Nghị; Nâng cấp, cải tạo Hệ thống xử lý nước rỉ rác tại Bãi rác Khánh Sơn - giai đoạn 2; Dự án Trung tâm công nghệ sinh học kết hợp Cơ sở nuôi cấy mô tế bào thực vật (giai đoạn 2); Xử lý ngập úng khu vực lân cận hạ lưu tuyến cống Khe Cạn - ngã Ba Huế; Khu đất bên cạnh công viên APEC - Vườn tượng APEC mở rộng; Cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng; Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1); Tuyến ống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành; Cụm công nghiệp Cẩm Lệ (giai đoạn 2); Trung tâm y tế quận Sơn Trà (giai đoạn 1); Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ (giai đoạn 1); Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng giai đoạn 1; Trường THPT Hòa Vang (cơ sở 2); Xây mới Trường THCS Trưng Vương; Kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Yên (đoạn qua thôn La Châu xã Hòa Khương, thôn An Trạch và thôn Bắc An xã Hòa Tiến).

Điều 2. Về phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đề nghị UBND thành phố tiếp tục hoàn thiện xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công năm 2021 theo quy định của Luật Đầu tư công và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định tại kỳ họp cuối năm 2020. Trong đó, lưu ý một số vấn đề sau:

- Về nguồn vốn: Nguồn vốn vay (7.428 tỷ đồng), nguồn thu tiền sử dụng đất (22.690 tỷ đồng) là rất lớn so với giai đoạn 2016-2020. Đề nghị cần có kế hoạch chuẩn bị đầu tư, thực hiện công trình, dự án theo lộ trình khai thác quỹ đất. Đồng thời, quan tâm ưu tiên tập trung nguồn lực này để đầu tư cho các công trình lớn, tạo sức lan tỏa; hạn chế phân bổ đầu tư dàn trãi.

- Nguồn vốn chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 là 10.960 tỷ đồng (vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công). Đề nghị UBND thành phố có ý kiến với Trung ương về nguồn vốn chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 nêu trên.

- Về phân bổ nguồn vốn:

+ Báo cáo của UBND thành phố chỉ mới trình số liệu và phương án phân bổ tổng thể, không kèm theo danh mục chi tiết công trình, dự án. Đề nghị UBND thành phố tiếp tục hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đảm bảo đúng nguyên tắc bố trí vốn theo quy định tại Điều 51, Luật Đầu tư công.

+ Về nguồn vốn vay, đề nghị rà soát nguồn vốn vay, tính toán hạn mức phù hợp, dành hạn mức để cân đối được cho vốn vay ODA (do Trung ương cho thành phố vay lại) trong trường hợp Trung ương thống nhất thực hiện các dự án từ nguồn vốn vay ưu đãi trên địa bàn thành phố.

+ Tổng nguồn vốn nêu trên chưa tính toán phân bổ để chi trả bồi thường cho các dự án thu hồi đất theo quy hoạch. Đề nghị UBND thành phố có kế hoạch, tiến độ và giải pháp nguồn lực để thực hiện thu hồi các khu đất lớn theo chủ trương của thành phố.

+ Về nguồn vốn dự phòng dự kiến 589 tỷ đồng, lưu ý nguồn dự phòng ngân sách giai đoạn đầu cần bố trí đảm bảo thực hiện các dự án phát sinh, đặt biệt là chủ động nguồn để đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đối ứng cho các dự án Trung ương hỗ trợ có mục tiêu; vốn tham gia thực hiện dự án theo phương thức PPP (nếu có)…

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Uỷ ban nhân dân thành phố căn cứ vào Nghị quyết, kế hoạch điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua để chỉ đạo các ngành, các quận, huyện thực hiện, đảm bảo khối lượng thực hiện, giải ngân hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2020. Tổng hợp, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trình Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp cuối năm 2020.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 08 tháng 7 năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày Hội đồng nhân dân thành phố biểu quyết thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTVQH, Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- Ban Thường vụ Thành ủy;
- Các cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy;
- UBND, UBMTTQVN, Đoàn ĐBQH thành phố;
- Đại biểu HĐND thành phố;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố;
- VP Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND thành phố;
- Quận/Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN các quận, huyện;
- UBND các phường, xã;
- Báo Đà Nẵng, Đài PT-TH Đà Nẵng, Trung tâm TTVN (VTV8), Cổng TTĐT thành phố;
- Lưu: VT, CTHĐ.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Nho Trung