Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 326/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 08 tháng 02 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI VÀ ỔN ĐỊNH TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 22

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 26 tháng 5 năm 2015; Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19;

Theo đề nghị tại Tờ trình số 766/TTr-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Báo cáo thẩm tra số 79/BC-HĐND ngày 06 tháng 02 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua một số giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID - 19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cụ thể như sau:

1. Các cấp, các ngành, các địa phương cần triển khai quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn 04 nguồn lây nhiễm trên vào địa bàn, gồm: (1) Đối tượng nhập cảnh trái phép; (2) Đối tượng nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, giám sát y tế; (3) Nguồn bệnh lưu hành trong cộng đồng; (4) Một số hàng hóa được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước, các vùng có dịch bệnh. Chủ động ngăn chặn mọi nguyên nhân từ xa, từ sớm, từ cơ sở không để bị động bất ngờ, không để hình thành ổ dịch trên địa bàn nhất là trong các cơ sở sản xuất, các cơ sở lưu trú.

2. Ngành Y tế, các sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện ngay việc rà soát, củng cố, nâng cao năng lực xét nghiệm, năng lực cách ly tập trung, năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19 ở cấp tỉnh, cấp huyện; chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, nhân lực, cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế ... và chủ động có phương án, kịch bản để sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh bùng phát trên diện rộng theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”; kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa người từ vùng có dịch đến các vùng khác và sẵn sàng hỗ trợ, chi viện cho các địa phương khác khi có yêu cầu.

3. Chính quyền cấp cơ sở phải tập trung rà soát năng lực, hiệu quả phòng, chống dịch bệnh tới từng thôn, khu, tổ dân phố; phát huy vai trò tổ giám sát cộng đồng, đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng để truy vết nhanh, phát hiện sớm nhất nguồn lây nhiễm đặc biệt không được bỏ sót bất kỳ F1 nào. Khẩn trương áp dụng ngay các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại “ổ dịch” theo đúng quy định. Yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng. Siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế, trường học, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, chợ, siêu thị… Thực hiện ngay việc khai báo y tế sức khỏe toàn dân trên địa bàn toàn tỉnh, hoàn thành trước ngày 09/02/2021. Thường xuyên, liên tục kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật phòng chống dịch.

Khi xuất hiện bất kỳ ca F0 nào trên địa bàn phải kiên trì thực hiện chiến lược thần tốc và quyết liệt ngay từ đầu, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các lực lượng tuyến đầu.

4. Tăng cường công tác quản lý cư trú, tạm trú, di biến động, quản lý sức khỏe toàn dân, đặc biệt là khai báo y tế trung thực trên các ứng dụng thông minh. Toàn thể người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, người lao động đề cao cảnh giác, tăng cường ý thức, trách nhiệm, có thái độ hành vi tích cực, phù hợp với tình huống cấp bách về dịch bệnh, không hoang mang, lo lắng, gương mẫu trong khai báo y tế, cài đặt phần mềm truy vết (bluezone...); tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở cách ly, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo, hình thành ổ dịch, lây lan ra bên ngoài.

Mỗi người dân phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách theo quy định, hạn chế ra ngoài nếu không thực sự có việc cần thiết, nhất là không đi tới các vùng có dịch.

5. Siết chặt quản lý toàn tuyến biên giới trên bộ, trên biển; không để xảy ra nhập cảnh trái phép, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ; phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, đặc biệt tại các khu cách ly tập trung ngoài cơ sở y tế và ngoài đơn vị quân đội, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo, hình thành ổ dịch. Kiểm soát tốt rủi ro tại các địa bàn giáp ranh với các ổ dịch ở địa phương trong cả nước chưa được dập tắt triệt để, siết chặt quản lý, phát huy hiệu quả của các chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào tỉnh, ra vào các địa phương cấp huyện, cấp xã phù hợp với diễn biến thực tế theo từng cấp độ của dịch bệnh và quy định của pháp luật.

6. UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện kịch bản phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GRDP năm 2021 trong tình hình mới, bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng Quý I/2021 và giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm trên 10% đã được đề ra tại Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 02/12/2020 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 301/NQ-HĐND, ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh. Nhanh chóng xây dựng kịch bản phục hồi ngành du lịch, dịch vụ ngay từ Quý I/2021, tận dụng mọi cơ hội an toàn dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới để phát triển.

7. Kịp thời động viên, hỗ trợ các lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là lực lượng tuyến đầu (cán bộ y tế, bác sỹ, công an, quân đội... tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện cách ly, các chốt kiểm dịch...). Có chính sách hỗ trợ thêm để động viên khuyến khích các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch và các trường hợp cách ly trong dịp Tết Nguyên đán. Thực hiện các phương án bảo vệ tốt nhất, an toàn cho lực lượng bác sỹ, cán bộ y tế, đặc biệt là tại các cơ sở y tế điều trị người mắc dịch COVID-19.

8. Các địa phương phải quan tâm, chăm lo Tết cho nhân dân, nhất là các trường hợp trong các cơ sở cách ly và ổn định đời sống, sản xuất của người dân trong tình hình mới, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, ổn định nguồn cung an toàn, bình ổn giá với các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, khẩu trang, hàng hóa Tết… cho người dân. Có phương án tổ chức giao thông, phục vụ vận tải an toàn, phù hợp với trạng thái bình thường mới đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân nội tỉnh, liên tỉnh; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là tại các địa bàn có ca F0, những nơi phải thực hiện các biện pháp giãn cách, phong tỏa, cách ly y tế, trong các khu cách ly tập trung. Có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động mất việc làm do dịch COVID - 19, không có thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống gia đình, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động có thu nhập thấp... nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

9. Tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất, thường xuyên không báo trước, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi không thực hiện nghiêm túc các giải pháp, biện pháp phòng chống dịch, gây nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là đối với các tổ chức, đơn vị, cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức. Xử phạt nghiêm các cơ sở kinh doanh vận tải khách công cộng vi phạm quy định phòng chống dịch, các trường hợp đầu cơ, tăng giá vật tư y tế và lương thực, thực phẩm.

10. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường tuyên truyền đối với người dân có người thân ở nước ngoài về, người tiếp xúc với F0, F1, F2 chủ động khai báo với cơ quan chức năng khi phát hiện, tích cực tham gia tố giác các trường hợp vi phạm các quy định về phòng dịch; phát động phong trào “Toàn dân tố giác người nhập cảnh trái phép, người trốn cách ly, người khai báo không trung thực” gắn với đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

11. Dừng toàn bộ hoạt động bắn pháo hoa trên địa bàn tỉnh và hạn chế tổ chức các hoạt động lễ hội xuân năm 2021 tụ tập đông người để tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch.

12. Tăng mức trích dự phòng ngân sách ở các cấp lên mức tối đa 4% trên tổng chi ngân sách địa phương. Tiếp tục tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên ngân sách các cấp, hạn chế mua sắm tài sản, cắt giảm chi phí hội họp, đào tạo, tham quan, học tập, công tác phí, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, tạo nguồn lực dự phòng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Dành toàn bộ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách các cấp kết hợp với nguồn huy động hợp pháp khác để báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép Quảng Ninh được sớm mua vắc xin phòng chống COVID-19 để tiêm phòng cho toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19

Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định tại các Nghị quyết của Chính phủ: số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19; số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và các quy định khác do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Điều 3. Nguồn lực thực hiện:

1. Nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống dịch.

a) Tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2021 đã giao dự toán cho các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương (ngoài 10% tiết kiệm tạo nguồn cải cách tiền lương; không bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương, các chế độ chính sách an sinh xã hội).

b) Tiết kiệm từ việc rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách; chi mua sắm tài sản, công tác phí, hội nghị, hội thảo, tham quan, học tập kinh nghiệm, ...

c) Từ nguồn dự phòng ngân sách của các cấp ngân sách.

d) Tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính ngân sách cấp tỉnh.

đ) Tài trợ, viện trợ, đóng góp (bằng tiền/hoặc hiện vật) của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các địa phương.

Các địa phương tự cân đối ngân sách chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, các địa phương chưa tự cân đối ngân sách được tỉnh hỗ trợ 50%.

Trường hợp kinh phí phòng chống dịch ở mức độ lớn, vượt quá nguồn lực của địa phương, ngân sách tỉnh sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch để các huyện có đủ nguồn lực thực hiện.

Điều 4. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

a) Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương báo cáo ngay với cấp có thẩm quyền cho phép tỉnh Quảng Ninh được mua vắc xin để triển khai tiêm phòng trong toàn dân càng sớm, càng tốt nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân nhất là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, công nhân lao động ngành than và lao động tại các khu công nghiệp, kinh tế nhằm ổn định sản xuất, giữ vững ổn định vị trí của địa bàn phên dậu quốc gia, trọng yếu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại.

b) Trong quá trình điều hành, trường hợp phát sinh các nội dung chi khác ngoài các nội dung chi quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ tình hình thực tế, diễn biến dịch, xem xét, quyết định cụ thể theo thẩm quyền để triển khai thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế địa phương và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

2. Thường trực, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, Kỳ họp thứ 22 thông qua ngày 08 tháng 02 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày ký ban hành./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Ký