- 1 Quyết định 18/QĐ-UBND về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 2 Quyết định 162/QĐ-UBND Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 do tỉnh Trà Vinh ban hành
- 3 Quyết định 101/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh An Giang
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/NQ-HĐND | Hậu Giang, ngày 09 tháng 12 năm 2021 |
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
KHÓA X KỲ HỌP THỨ NĂM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Xét Tờ trình số 182/TTr-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang thống nhất với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021 tại Báo cáo số 177/BC-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 với nhũng nội dung như sau:
1. Mục tiêu:
Tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh; ưu tiên phân bổ vốn, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ, các hoạt động văn hóa, an sinh xã hội; cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2022
a) Lĩnh vực kinh tế
(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tăng 8%, trong đó, khu vực I tăng 3%, khu vực II tăng 16,79%, khu vực III tăng 6,33%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,9%.
(2) GRDP bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người, tương đương 2.609 USD.
(3) Cơ cấu kinh tế khu vực I: 25,29%, khu vực II: 27,19%, khu vực III: 38,17%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm: 9,36%. Tỷ trọng của khu vực I giảm 1,33% so cùng kỳ.
(4) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn theo giá hiện hành 18.600 tỷ đồng.
(5) Tổng thu ngân sách nhà nước 9.002 tỷ đồng, trong đó thu trên địa bàn 4.800 tỷ đồng (thu nội địa 4.300 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu 500 tỷ đồng).
(6) Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 1.058 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ 768 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu 290 triệu USD.
(7) Số doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế 2.950 doanh nghiệp.
b) Lĩnh vực văn hóa - xã hội
(8) Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 6,08‰.
(9) Tỷ lệ đô thị hóa 29,7%.
(10) Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1%/năm trở lên.
(11) Số lao động được tạo việc làm mới là 15.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo 65%.
(12) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 82,19% tổng số trường; số sinh viên trên 10.000 người dân là 210 sinh viên.
(13) Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 10,5%; số bác sĩ trên 10.000 người dân là 9 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 người dân là 35,5 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 92,81%.
(14) Xây dựng công nhận mới 02 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới lên 36/51 xã, đạt 70,58% tổng số xã; công nhận mới 03 xã nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã nông thôn mới nâng cao lên 8/36 xã, đạt 22,2% tổng số xã.
c) Tài nguyên, môi trường
(15) Tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch 97%, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch 83,5%.
(16) Tỷ lệ rác thải sinh hoạt ở đô thị và nông thôn được thu gom và xử lý 90%.
d) Lĩnh vực quốc phòng - an ninh
(17) Xây dựng lực lượng quân sự, công an chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt đúng theo quy định của Quân khu. Hoàn thành tốt công tác huấn luyện, diễn tập, giáo dục bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh và công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ.
(18) Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm; kéo giảm tai nạn giao thông.
3. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu
a) Về kinh tế
(1) Thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững
Cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, cắt, giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Có các giải pháp mạnh để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng vốn đầu tư công cho các dự án quan trọng tạo động lực phát triển.
(2) Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
- Về công nghiệp:
Tập trung nguồn lực nhanh chóng triển khai các giải pháp đồng bộ cho công tác tạo quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Với khẩu hiệu hành động của Tỉnh là “2 nhanh” và “3 tốt”, đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư”; 3 tốt là “cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”.
Triển khai chương trình thu hút, phát triển doanh nghiệp đầu tư mới là thành tố quan trọng trong phát triển công nghiệp. Lấy năm 2022 là năm doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Xây dựng danh mục ưu tiên doanh nghiệp đầu tư với mục tiêu tối ưu hóa hiệu quả kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.
Phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng... Xây dựng chánh sách, đặc biệt là hệ thống văn bản để làm cơ sở thúc đẩy hoạt động phát triển công nghiệp. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn...Thúc đẩy tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa.
Lập quy hoạch đầu tư mới các khu công nghiệp tại huyện Châu Thành, Châu Thành A khoảng 1.884 ha và các cụm công nghiệp huyện, thị xã, thành phố khoảng 580 ha.
Kêu gọi một số nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư dự án trả tiền thuê đất một lần cho 50 năm để giảm thiểu vốn ngân sách ứng trước.
- Về nông nghiệp:
Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, mạng sản xuất, nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác. Phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng địa bàn; chuyển đổi một phần đất trồng lúa sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn hoặc làm đất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại hiệu quả cao.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác tạo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.
Ưu tiên ngân sách cho lĩnh vực tái cơ cấu ngành nông nghiệp với quan điểm vốn nhà nước hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp là vốn mồi, dẫn dắt, khuyến khích các thành phần tham gia.
Xây dựng thành công 5 nông sản chủ lực, có thế mạnh, có giá trị kinh tế cao, định vị thương hiệu tiêu thụ ở ba thị trường: tại chỗ, vùng miền và xuất khẩu (lúa, mít, chanh không hạt, cá thát lát, lươn đồng).
- Về dịch vụ, du lịch: Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, mang đặc trưng của Tỉnh. Triển khai các nhiệm vụ và bố trí nguồn ngân sách hiện thực hóa 2 điểm nhấn du lịch vươn tầm khu vực và cả nước. Đầu tư kết cấu hạ tầng cho hoạt động du lịch, nhất là giao thông. Rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp điều kiện của tỉnh. Tạo lập cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch của tỉnh.
(3) Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế.
- Cơ cấu lại đầu tư công:
Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án tạo nguồn lực phát triển, các dự án kết nối vùng và liên vùng, tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa,... vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư” để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là đầu tư phát triển các khu cụm công nghiệp và kết cấu hạ tầng.
Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên các nguồn lực đầu tư công thực hiện các dự án lớn, quan trọng, các dự án có tác động lan tỏa. Dành nguồn lực thích đáng hỗ trợ giải quyết các điểm nghẽn phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.
- Thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.
- Hỗ trợ chuyển đổi hộ sản xuất, kinh doanh thành doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng lợi ích của các thành viên.
- Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh. Xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược.
(4) Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển đô thị.
- Tập trung nguồn lực để chuẩn bị kết nối tốt nhất vào hệ thống đường cao tốc Quốc gia. Các dự án kết nối vùng và liên vùng; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu, cụm công nghiệp.
- Phát triển đô thị: Xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, theo hướng hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị văn minh đối với các đô thị trọng điểm. Đồng thời, tập trung nguồn lực để đầu tư các tuyến đường giao thông trọng yếu tại các đô thị, khu vực có lợi thế về thu hút đầu tư để khai thác quỹ đất (hai bên đường) có hiệu quả, nhằm tái tạo nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng các đô thị, khu, cụm công nghiệp, du lịch và tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
b) Về văn hóa - xã hội, an sinh xã hội
- Đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng mua thẻ bảo hiểm y tế, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 92,81%.
- Tiếp tục đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, dành nguồn kinh phí đầu tư sửa chữa nâng cấp các trường đã đạt chuẩn để công nhận lại; đảm bảo lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển giáo dục của tỉnh vào kế hoạch và ngân sách của các cấp, các ngành. Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với nhu cầu lao động của thị trường và xã hội góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội.
- Ban hành Chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang đến năm 2030. Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh mới. Áp dụng các cơ chế, chính sách để phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
- Tiếp tục củng cố, nâng chất và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông gắn với xây dựng xã văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn văn minh đô thị. Chú trọng và nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật, tác phẩm, sản phẩm văn hóa nghệ thuật.
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng tới khu vực nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao dân trí. Triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh.
- Ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh nhằm cụ thể hóa các chính sách của Đề án “Thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025”. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo trợ xã hội và “Đền ơn - đáp nghĩa”. Tổ chức triển khai thực hiện nhanh việc chi hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo quy định.
- Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong xuất khẩu lao động. Tập trung mọi giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo.
- Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp; tăng nhanh diện bao phủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là BHXH tự nguyện; phấn đấu tỷ lệ người tham gia BHXH so với lực lượng lao động năm 2022 là 20,14%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp so với lực lượng lao động năm 2022 là 13,88%.
- Triển khai có hiệu quả Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm. Chủ động nâng cao khả năng phòng tránh, hạn chế tác động xấu của thiên tai, biến đổi khí hậu, sạt lở....
c) Về xây dựng hệ thống chính quyền
- Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền, triển khai xây dựng chính quyền điện tử; chấn chỉnh phong cách lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan.
- Tập trung giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo; tổ chức tốt công tác đối thoại; góp phần giữ vững ổn định chính trị và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Phấn đấu giải quyết đạt từ 90% trở lên số đơn thuộc thẩm quyền; chú trọng việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về nhiệm vụ đột phá trong công tác xây dựng thể chế, chính sách trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
d) Về quốc phòng, an ninh
- Tăng cường công tác xây dựng lực lượng vũ trang trong sạch, vững mạnh, chủ động xử lý các tình huống, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Gắn kết phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh.
- Đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội; chủ động tấn công mạnh các loại tội phạm, quyết tâm kiềm chế, kéo giảm tội phạm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, nhất là các loại tội phạm gây bức xúc trong quần chúng Nhân dân.
Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vận động quần chúng Nhân dân thực hiện tốt nội dung Nghị quyết này.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát quá trình thực hiện nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang Khóa X Kỳ họp thứ Năm thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 09 tháng 12 năm 2021./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 18/QĐ-UBND về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 2 Quyết định 162/QĐ-UBND Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 do tỉnh Trà Vinh ban hành
- 3 Quyết định 101/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh An Giang