Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/NQ-HĐND

Thái Bình, ngày 15 tháng 7 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH, CÁC BAN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA XVI, NHIỆM KỲ 2016 - 2021

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Xét Tờ trình số 08/TTr-TTHĐ ngày 07 tháng 7 năm 2016 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021; Báo cáo thẩm tra số 10/BC-BPC ngày 11 tháng 7 năm 2016 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành Quy chế hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 (Có Quy chế kèm theo).

Điều 2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình Khóa XVI, Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 15 tháng 7 năm 2016./.

 

 

CHỦ TỊCH




Đặng Trọng Thăng

 

QUY CHẾ

TIẾP CÔNG DÂN CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 35/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiếp công dân.

Điều 2. Mục đích

1. Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của công dân; tăng cường mối liên hệ giữa cử tri và nhân dân trong tỉnh với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng thời giám sát các cơ quan quản lý nhà nước, đảm bảo thực thi pháp luật.

2. Giải thích, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho công dân; hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật.

3. Tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; kịp thời kiến nghị giải quyết những vướng mắc, bức xúc của nhân dân trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Điều 3. Nguyên tắc tiếp công dân

Việc tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện theo nguyên tắc công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và đảm bảo an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Địa điểm tiếp công dân

1. Tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh (số 360, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình).

2. Tại nơi tiếp công dân ở địa phương mà đại biểu ứng cử theo sự bố trí của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 5. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh công tác

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh công tác có trách nhiệm tạo điều kiện để đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp công dân, tiếp nhận, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Điều 6. Trách nhiệm tham gia tiếp công dân của các cơ quan liên quan

Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham dự đầy đủ các buổi tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khi có yêu cầu; đồng thời thực hiện đúng kết luận của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong công tác tiếp công dân; giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Điều 7. Trách nhiệm của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh

Các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm giúp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc xem xét, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân thuộc lĩnh vực có liên quan.

Chương II

TIẾP CÔNG DÂN

Điều 8. Tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp công dân ít nhất một ngày trong một quý; Phó Chủ tịch và Ủy viên của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp công dân theo sự phân công và ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp công dân một ngày trong một tháng, không kể trường hợp tiếp công dân đột xuất tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh.

3. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp công dân theo đăng ký của các tổ chức, công dân và theo sự phân công của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

4. Thời gian, địa điểm, nội dung tiếp công dân được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và niêm yết tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh.

5. Kế hoạch tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, mời đại diện các cơ quan này và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan cùng dự tiếp công dân.

Điều 9. Cơ quan tiếp nhận đơn đăng ký của công dân

Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp nhận đơn đăng ký gặp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh do công dân gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính; đồng thời chịu trách nhiệm xem xét, thẩm tra xác minh khi có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 10. Thành phần tiếp công dân

Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì; đại diện lãnh đạo chuyên trách các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh; Ban Tiếp công dân tỉnh, cơ quan thụ lý hồ sơ, lãnh đạo sở, ngành có liên quan, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố nơi phát sinh vụ việc và các thành phần khác liên quan đến nội dung tiếp công dân.

Điều 11. Trình tự tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh điểm danh, lập danh sách đại diện các cơ quan dự tiếp công dân và danh sách công dân được mời; tuyên bố lý do; giới thiệu người chủ trì, thành phần tham dự, thư ký ghi biên bản; đọc nội quy tiếp công dân.

2. Công dân trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (trường hợp có nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung: nếu có từ 05 đến 10 người thì cử 01 hoặc 02 người đại diện; trường hợp có trên 10 người thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 05 người. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử người đại diện).

3. Công dân cung cấp các văn bản, tài liệu có liên quan.

4. Các sở, ngành chức năng báo cáo, trao đổi những vấn đề có liên quan.

5. Chủ trì buổi tiếp công dân giải thích chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân để chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật (nếu công dân có yêu cầu).

6. Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh tổng hợp đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; đề xuất tham mưu phương án giải quyết báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

7. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp công dân, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh dự thảo văn bản kết luận trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành; dự thảo văn bản ý kiến, kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh phát hành thông báo bằng văn bản ý kiến kết luận của Chủ tịch, Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc ý kiến kết luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đến các cơ quan chức năng và công dân.

Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của công dân khi tham dự tiếp công dân

1. Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các quyền sau đây:

a) Trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

b) Được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình;

c) Được nhận văn bản thông báo kết luận tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc văn bản ý kiến, kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh;

d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành nội quy, quy định nơi tiếp công dân;

b) Cung cấp đầy đủ các tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo và ký rõ tên, địa chỉ; chịu trách nhiệm trước pháp luật về các văn bản, bằng chứng đã cung cấp;

c) Thực hiện các nghĩa vụ khác được quy định trong Luật Khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân.

Chương III

VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH CỦA CÔNG DÂN

Điều 13. Việc tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh

1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; nghiên cứu nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chuyển đến cơ quan, tổ chức, địa phương có liên quan để xem xét, giải quyết; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét và tham mưu với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh về những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong các lĩnh vực thi hành Hiến pháp và pháp luật, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính ở địa phương.

3. Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét và tham mưu với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh về những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đô thị, giao thông, xây dựng, khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường ở địa phương.

4. Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét và tham mưu với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh về những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin, thể dục, thể thao và chính sách tôn giáo ở địa phương.

5. Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh có nhiệm vụ:

a) Tiếp nhận, xem xét đơn đăng ký của công dân gặp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh;

b) Phối hợp với các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đơn vị liên quan, Ban Tiếp công dân tỉnh để chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và bố trí lịch cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp công dân;

c) Tổ chức và bảo đảm điều kiện, cơ sở vật chất cho việc tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh;

d) Tham mưu cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp nhận, chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh của công dân;

đ) Cử đại diện phối hợp với Ban tiếp công dân tỉnh thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh khi có yêu cầu; tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về các nội dung liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh;

e) Phối hợp với cơ quan có liên quan trong việc bảo đảm an ninh, trật tự tại nơi tiếp công dân;

g) Phát hành thông báo kết luận nội dung tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; văn bản ý kiến, kiến nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đến cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan;

h) Định kỳ (tháng, quý, 6 tháng, năm) phối hợp với Ban Tiếp công dân tỉnh thống kê, tổng hợp, báo cáo sơ kết, tổng kết về kết quả tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

6. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh không xem xét, chuyển những đơn, thư tố cáo nặc danh, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký, những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết, nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới, tố cáo do khiếu nại không đạt mục đích và không có chứng cứ.

Điều 14. Về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được chuyển đến

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền nhận được văn bản đề nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chuyển đến có trách nhiệm:

a) Thông báo việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được;

b) Xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo, pháp luật có liên quan và thông báo kết quả giải quyết đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày vụ việc được giải quyết.

Trường hợp vụ việc đã được giải quyết trước đó thì thông báo ngay (không quá 02 ngày) cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã chuyển đơn biết.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến người đã khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh như sau:

a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo đến người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một trong các nội dung sau đây:

- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được thụ lý để giải quyết;

- Việc xem xét khiếu nại, tố cáo để thụ lý cần kéo dài thời gian do cần xác minh thêm theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo;

- Từ chối thụ lý đối với khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc không đủ điều kiện thụ lý;

- Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm thông báo cho người khiếu nại, tố cáo về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Điều 15. Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

1. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không đúng với quy định của pháp luật thì Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết xem xét lại; trường hợp vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết lại thì có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp trên của người đứng đầu đó xem xét.

2. Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết của cấp trên của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thì Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh để thực hiện việc giám sát theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Giám sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân

Việc giám sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân được bố trí vào chương trình giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 17. Trách nhiệm của người đứng đầu sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

Người đứng đầu các cơ quan trực tiếp thụ lý hồ sơ, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tổng hợp, báo cáo đầy đủ, chính xác, kịp thời, cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn gửi đến Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh khi có yêu cầu, phối hợp chuẩn bị nội dung tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Sáu tháng một lần, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức họp để đánh giá về tình hình và kết quả hoạt động tiếp công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

2. Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan tham mưu giúp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện đúng Quy chế này. Trường hợp có phát sinh vướng mắc, thì kịp thời tổng hợp báo cáo trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh xem xét, giải quyết./.