HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/NQ-HĐND | Bắc Giang, ngày 07 tháng 12 năm 2018 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG, GIAI ĐOẠN 2016 - 2018
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ngày 20 tháng 11 năm 2015/
Xét Báo cáo số 143/BC-HĐND ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016 - 2018; Báo cáo thẩm tra của Ban pháp chế; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Đánh giá tình hình
HĐND tỉnh thống nhất với nội dung Báo cáo số 143/BC-HĐND ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Đoàn giám sát của HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2018; nhất trí với những đánh giá về kết quả đạt được, những hạn chế khuyết điểm và các kiến nghị, đề xuất nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của Luật PCTN trên địa bàn tỉnh; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau:
Trong giai đoạn 2016-2018, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về PCTN. Qua đó, giúp cho nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên. Các giải pháp phòng ngừa được các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị tích cực triển khai thực hiện; công tác phát hiện xử lý tham nhũng được coi trọng. Những kết quả trên đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, ổn định tình hình, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chấp hành pháp luật về PCTN trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2018 còn một số tồn tại, hạn chế như: Hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức về PCTN; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa đồng bộ; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu.
Điều 2. Nhiệm vụ, giải pháp
Để khắc phục những tồn tại trong việc chấp hành pháp luật về PCTN trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác PCTN, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, coi trọng hơn nữa công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; Có giải pháp hữu hiệu trong đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác tham mưu về PCTN để bảo đảm việc nắm, hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện các quy định về PCTN, phân biệt rõ với các quy định pháp luật chuyên ngành; theo đó thực hiện công tác quản lý nhà nước một cách hiệu quả, kịp thời tổ chức quán triệt, tuyên truyền phổ biến và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật PCTN sửa đổi khi Luật có hiệu lực.
2. Chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị đánh giá sâu tình hình tham nhũng, phân loại các vấn đề nhạy cảm, các vấn đề ưu tiên để nhận diện các biểu hiện và diễn biến tham nhũng hiện nay theo đó có biện pháp kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.
3. Chỉ đạo rà soát, bổ sung hoàn thiện các văn bản, các quy định về công tác PCTN, các cơ chế, chính sách của địa phương, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: Đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản, các hoạt động đấu thầu, mua sắm công, quản lý ngân sách, công tác tổ chức cán bộ, giải quyết thủ tục hành chính, các khoản hỗ trợ, đóng góp của nhân dân... Có các quy định để nhận diện và có biện pháp cụ thể hơn tập trung cao phòng, chống tình trạng "tham nhũng vặt" đang diễn ra hiện nay.
4. Chấn chỉnh và có biện pháp khắc phục những tồn tại, khuyết điểm đã được chỉ ra sau Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN. Tổ chức rút kinh nghiệm việc chấp hành pháp luật về PCTN trên địa bàn, trên cơ sở đó có biện pháp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả pháp luật về PCTN. Tăng cường chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thủ trưởng các cơ quan, địa phương, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, chấp hành nghiêm các quy định nhất là các quy định về trình tự, thủ tục công khai, minh bạch.
5. Tăng cường công tác thanh tra, nhất là thanh tra trách nhiệm thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện các quy định pháp luật về PCTN; kiểm tra việc thực hiện công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm và chú trọng đến những đơn vị, địa phương có dư luận tiêu cực, tham nhũng đi đôi với việc phát hiện, xử lý nghiêm túc những cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực; Chú trọng công tác tự kiểm tra, đấu tranh phát hiện tham nhũng trong nội bộ, kiên quyết chuyển cơ quan pháp luật để điều tra, xét xử khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng; Quan tâm thực hiện tốt việc hậu kiểm sau thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi các vi phạm. Thực hiện tốt công tác PCTN ngay trong lực lượng thực hiện chức năng PCTN.
6. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt hơn việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, nhất là những nơi, những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều thủ tục hành chính, tiếp xúc nhiều với nhân dân, doanh nghiệp và có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực; có cơ chế lắng nghe dư luận và có biện pháp điều tra, xem xét để xử lý kịp thời.
7. Chỉ đạo ngành chức năng tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp trong việc xử lý các vi phạm khi có dấu hiệu tham nhũng; có cơ chế điều hòa, phối hợp giữa các cấp, các ngành, phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác PCTN; có giải pháp phòng chống hiệu quả việc lạm dụng xử lý hành chính dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan, UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết; báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm 2019.
2. Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 32/KH-UBND 2019 triển khai, thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- 2 Kế hoạch 48/KH-UBND năm 2019 về triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 do tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 3 Kế hoạch 239/KH-UBND năm 2018 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 của thành phố Hà Nội
- 4 Kế hoạch 3700/KH-UBND năm 2018 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 do tỉnh Hà Nam ban hành
- 5 Kế hoạch 479/KH-UBND năm 2018 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 do tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 6 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015
- 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 8 Luật phòng, chống tham nhũng 2005
- 1 Kế hoạch 479/KH-UBND năm 2018 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 do tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 2 Kế hoạch 3700/KH-UBND năm 2018 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 do tỉnh Hà Nam ban hành
- 3 Kế hoạch 239/KH-UBND năm 2018 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 của thành phố Hà Nội
- 4 Kế hoạch 48/KH-UBND năm 2019 về triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 do tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 5 Kế hoạch 32/KH-UBND 2019 triển khai, thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình