Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/2018/NQ-HĐND

Ninh Bình, ngày 12 tháng 12 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH SỐ LƯỢNG, MỨC PHỤ CẤP KIÊM NHIỆM VÀ TRỢ CẤP NGHỈ VIỆC MỘT LẦN DO THỰC HIỆN BỐ TRÍ, SẮP XẾP, TINH GIẢN ĐỐI VỚI NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 27/5/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tại Tờ trình số 102/TTr-UBND ngày 23/11/2018 về việc quy định số lượng, mức phụ cấp kiêm nhiệm và trợ cấp nghỉ việc một lần do thực hiện bố trí, sắp xếp, tinh giản đối với người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố để thực hiện việc kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

1. Mỗi xã, phường, thị trấn bố trí tối đa 13 người đảm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách.

2. Mỗi thôn, tổ dân phố bố trí tối đa 06 người đảm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách.

Điều 2. Quy định về phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách

1. Đối tượng được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm là những người hoạt động không chuyên trách được bố trí, sắp xếp để thực hiện việc kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách.

2. Người hoạt động không chuyên trách nếu kiêm nhiệm thêm các chức danh khác có mức phụ cấp lớn hơn 0,5 mức lương cơ sở thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 70% mức phụ cấp của các chức danh kiêm nhiệm; nếu kiêm nhiệm thêm các chức danh khác có mức phụ cấp từ 0,5 mức lương cơ sở trở xuống thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp của các chức danh kiêm nhiệm.

Điều 3. Quy định về trợ cấp nghỉ việc một lần đối với người hoạt động không chuyên trách

1. Đối tượng được hưởng trợ cấp nghỉ việc một lần là những người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc do thực hiện bố trí, sắp xếp, tinh giản.

2. Mức trợ cấp nghỉ việc một lần

a) Mức trợ cấp cho mỗi năm công tác bằng 50% mức phụ cấp hằng tháng của các chức danh đảm nhiệm. Kinh phí trợ cấp nghỉ việc một lần bằng tổng các mức trợ cấp đối với mỗi giai đoạn đảm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách trong quá trình công tác.

b) Người hoạt động không chuyên trách khi nghỉ việc được hưởng mức trợ cấp nghỉ việc cao nhất theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này hoặc chính sách trợ cấp nghỉ việc theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có).

c) Trường hợp người hoạt động không chuyên trách khi nghỉ việc theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này hoặc chính sách trợ cấp nghỉ việc theo quy định của pháp luật chuyên ngành, nếu số tiền được nhận thấp hơn mức hệ số 0,45 nhân với mức lương cơ sở tại thời điểm nghỉ việc thì được hưởng số tiền bằng 0,45 nhân với mức lương cơ sở.

3. Thời gian để tính mức trợ cấp nghỉ việc một lần

a) Thời gian để tính mức trợ cấp nghỉ việc một lần là tổng thời gian của cả quá trình công tác từ khi đảm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách đến khi nghỉ việc. Nếu người hoạt động không chuyên trách có khoảng thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn để tính trợ cấp; không tính thời gian đối với những chức danh trước đây đã được hưởng trợ cấp một lần.

b) Trường hợp thời gian công tác có số tháng lẻ, số tháng lẻ từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là 01 năm, từ 06 tháng trở xuống không được tính.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 12/12/2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

Bãi bỏ Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 05/2010/NQ-HĐND ngày 27/7/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp và phụ cấp kiêm nhiệm hằng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; bãi bỏ Khoản 3 Điều 1 và Điều 2, Điều 3 Nghị quyết số 34/2014/NQ-HĐND ngày 17/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 05/2010/NQ-HĐND ngày 27/7/2010, Nghị quyết số 07/2012/NQ-HĐND ngày 17/4/2012, Nghị quyết số 15/2012/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Kinh phí để thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách được bố trí kiêm nhiệm các chức danh và kinh phí trợ cấp một lần đối với người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc do thực hiện bố trí, sắp xếp, tinh giản được lấy từ nguồn cải cách chính sách tiền lương.

2. Chế độ trợ cấp nghỉ việc một lần do thực hiện bố trí, sắp xếp, tinh giản đối với người hoạt động không chuyên trách được thực hiện đến hết ngày 31/12/2020. Người hoạt động không chuyên trách thực hiện việc kiêm nhiệm; người nghỉ việc do bố trí, sắp xếp, tinh giản kể từ ngày 14/3/2018 được hỗ trợ tương ứng theo mức phụ cấp kiêm nhiệm quy định tại Khoản 2 Điều 2, hưởng hỗ trợ một lần theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết này.

3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

4. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Cục kiểm tra VBQPPL- Bộ Tư Pháp;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- TT HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV;
- VP: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Ban Thường vụ các huyện, thành ủy;
- TTHĐND, UBND, UBMTTQVN các huyện, thành phố;
- Website Chính phủ, Công báo tỉnh;
- Đài PT - TH tỉnh, Báo Ninh Bình;
- Lưu: VT, phòng TH.

CHỦ TỊCH




Trần Hồng Quảng