Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Nghị quyết số: 54/2010/QH12

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2010

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI NĂM 2011

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ mười;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội;
Trên cơ sở xem xét đề nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quốc hội tiến hành giám sát tối cao các nội dung sau đây:

1. Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII

1.1. Xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XII của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

1.2. Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (nếu có).

2. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII

Xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII.

3. Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII

3.1. Xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

3.2. Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội;

3.3. Giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Điều 2. Trên cơ sở nội dung hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội và căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình; có kế hoạch chi tiết cho từng quý, tháng để phục vụ việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát; thực hiện công tác tổng hợp, báo cáo theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào các nội dung tại Điều 1 của Nghị quyết này, chương trình giám sát của các cơ quan của Quốc hội và tình hình, điều kiện thực tế, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, tiến hành hoạt động giám sát và báo cáo kết quả theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Giao Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát, chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị giám sát. Đồng thời, xem xét báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội 6 tháng và cả năm; tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội.

Các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương có liên quan có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát. Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010./.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Phú Trọng