Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/2013/NQ-HĐND

Hà Tĩnh, ngày 13 tháng 7 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỆ THỐNG THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO CƠ SỞ GIAI ĐOẠN 2013 – 2020

HỘI ÐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ 7

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới;

Căn cứ Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định mẫu tổ chức hoạt động và tiêu chí của Trung tâm văn hóa, thể thao xã; Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08 tháng 3 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định mẫu tổ chức hoạt động và tiêu chí Nhà văn hóa, Khu thể thao thôn;

Sau khi xem xét Tờ trình số 232/TTr-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Đề án “Tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 – 2020”; Báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án “Tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 – 2020”, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Xây dựng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, khắc phục tình trạng chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân các vùng trên địa bàn toàn tỉnh. Tạo sự phát triển cân đối giữa kinh tế, văn hóa - xã hội thông qua việc tổ chức các hoạt động và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, thể thao ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng và phát triển “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, góp phần xây dựng con người mới có tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, phòng chống tiêu cực, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

1.2. Mục tiêu đến năm 2015

a. Đối với vùng đồng bằng, đô thị

- 35% số xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) có thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn;

- Có 50% thiết chế văn hóa, thể thao thôn, làng, bản, tổ dân phố (gọi chung là thôn) đạt chuẩn;

- 100% xã, thôn được quy hoạch khu thể thao;

- Thu hút 40% trở lên/tổng số dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, 30% trở lên/tổng số dân tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, 20% trở lên/tổng số gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

b. Đối với vùng miền núi, biển ngang

- Có 30% thiết chế văn hóa, thể thao xã đạt chuẩn;

- Có 35% thiết chế văn hóa, thể thao thôn đạt chuẩn;

- Thu hút 25% trở lên/tổng số dân tham gia vào các hoạt động văn hóa; 10% trở lên/tổng số gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

1.3. Mục tiêu đến năm 2020

a. Đối với vùng đồng bằng, đô thị

Tiếp tục củng cố về chất lượng, nâng cao tỷ lệ các chỉ tiêu đạt được trong giai đoạn 2013-2015.

- Có 80% thiết chế văn hóa, thể thao xã đạt chuẩn;

- Có 80% thiết chế văn hóa, thể thao thôn đạt chuẩn;

- Thu hút 50% trở lên/tổng số dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, 25% trở lên/tổng số dân luyện tập thể thao thường xuyên.

b. Đối với vùng miền núi, biển ngang

Tiếp tục củng cố về chất lượng, nâng cao tỷ lệ các chỉ tiêu đạt được trong giai đoạn 2013-2015.

- Có 70% thiết chế văn hóa, thể thao xã đạt chuẩn;

- Có 70% thiết chế văn hóa, thể thao thôn đạt chuẩn;

- Thu hút 30% trở lên/tổng số dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, 15% trở lên/tổng số dân luyện tập thể thao thường xuyên.

2. Nhiệm vụ

2.1. Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao xã, phường, thị trấn đạt chuẩn

Theo Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định mẫu tổ chức hoạt động và tiêu chí của Trung tâm văn hóa, thể thao xã; về: Cơ sở vật chất; Bộ máy cán bộ; Kinh phí hoạt động; Tổ chức các hoạt động.

2.2. Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn đạt chuẩn

Theo Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/03/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định mẫu tổ chức hoạt động và tiêu chí Nhà văn hóa, Khu thể thao thôn, về: Cơ sở vật chất; Bộ máy cán bộ; Kinh phí hoạt động; Tổ chức các hoạt động.

3. Giải pháp

3.1. Nâng cao nhận thức

a. Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân về vai trò, tác dụng của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; trách nhiệm thực hiện, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hiện nay.

b. Phải thống nhất nhận thức đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cũng chính là tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho hệ thống chính trị, chính quyền các cấp; thiết chế văn hóa, thể thao cũng chính là bộ mặt của địa phương, cơ sở.

c. Lồng ghép việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở với thực hiện chiến lược phát triển văn hóa, thể thao Việt Nam đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

3.2. Giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo

a. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, coi đây là nhiệm vụ vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa trọng tâm, cấp bách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

b. Đưa chỉ tiêu phát triển Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch nhà nước của các cấp chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

c. Lồng ghép việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở các địa phương trong Quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

d. Tăng mức đầu tư, hỗ trợ ngân sách Nhà nước. Ban hành và thực thi các chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực phát triển Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

3.3. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước

a. Tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

b. Tăng cường hiệu lực công tác thanh tra nhà nước về văn hóa, tác động hiệu quả việc thực hiện các chính sách, pháp luật đã ban hành về phát triển Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

c. Xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, viên chức trong các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thực hiện chức danh nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.

d. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng. Tăng cường tổ chức cung ứng dịch vụ công về văn hóa, thể thao và du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao ngày càng nâng cao của nhân dân.

đ. Rà soát sắp xếp lại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, đa năng, phục vụ rộng rãi các đối tượng người dân ở cơ sở.

Khuyến khích việc sử dụng các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn, nhất là các Đình làng cổ đáp ứng được yêu cầu về quy mô, diện tích, kết cấu để sử dụng làm Nhà văn hóa (Hội quán) cấp thôn và tổ chức các hoạt động văn hoá.

3.4. Ban hành và thực hiện các chính sách

a. Chính sách về sử dụng đất

- Chính quyền các cấp quy hoạch đất công dành xây dựng các công trình phúc lợi về văn hóa – xã hội, trong đó có diện tích đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Đảm bảo quỹ đất và phân bổ quỹ đất cho thiết chế thể thao cơ sở đến năm 2020 theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới và tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Giao đất dài hạn, không thu tiền sử dụng đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao.

- Đối với diện tích đất đang sử dụng, nằm trong quy hoạch xây dựng các công trình phúc lợi về văn hóa – xã hội, các cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; hỗ trợ kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.

Đối với các xã, phường, thị trấn nếu không thể quy hoạch đất mà buộc phải mua diện tích đất để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao thì ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí đền bù để giải phóng mặt bằng, số còn lại do ngân sách huyện, thành phố, thị xã đảm bảo và huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

b. Chính sách về tài chính

- Đầu tư, hỗ trợ Ngân sách nhà nước ở các cấp:

+ Tăng cường đầu tư ngân sách cho sự nghiệp văn hóa, thể thao theo mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh như Kết luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 (khóa IX).

+ Đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các Trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã; Hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị của Nhà văn hóa, khu thể thao và điểm vui chơi trẻ em ở cấp thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, biên giới, hải đảo và vùng có nhiều khó khăn, cụ thể như sau:

Đối với các xã đặc biệt khó khăn ở miền núi chưa xây dựng được Nhà văn hoá, sân thể thao, ngân sách hỗ trợ 70% tổng dự toán từ các nguồn vốn lồng ghép xây dựng nông thôn mới cho xây dựng cơ bản với giá trị đầu tư được tính theo đơn giá xây dựng cơ bản do nhà nước quy định tại thời điểm đầu tư xây dựng công trình, số còn lại do ngân sách huyện, xã và huy động từ nguồn hợp pháp khác;

Đối với các xã miền núi còn lại chưa xây dựng được Nhà văn hoá, sân thể thao, ngân sách hỗ trợ 60% từ nguồn vốn lồng ghép xây dựng nông thôn mới cho xây dựng cơ bản với giá trị đầu tư được tính theo đơn giá xây dựng cơ bản do nhà nước quy định tại thời điểm đầu tư xây dựng công trình, số còn lại do ngân sách huyện, xã và huy động các nguồn hợp pháp khác;

Đối với các xã đồng bằng, phường, thị trấn chưa xây dựng được Nhà văn hoá, sân thể thao, ngân sách hỗ trợ 40% từ nguồn vốn lồng ghép xây dựng nông thôn mới cho xây dựng cơ bản với giá trị đầu tư được tính theo đơn giá xây dựng cơ bản do nhà nước quy định tại thời điểm đầu tư xây dựng công trình, số còn lại do ngân sách huyện, thành phố, thị xã, xã, phường, thị trấn và huy động từ các nguồn hợp pháp khác;

Các xã, phường, thị trấn đã xây dựng được Nhà văn hóa, sân thể thao nhưng chưa đạt tiêu chuẩn thì ngân sách huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn đảm bảo và huy động từ các nguồn hợp pháp khác;

Đối với các làng, bản đặc biệt khó khăn chưa xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, ngân sách tỉnh hỗ trợ hỗ trợ 70.000.000đ/làng (bảy mươi triệu đồng), các địa bàn khác 40.000.000đ (bốn mươi triệu đồng), phần còn lại do ngân sách huyện, xã hỗ trợ và huy động từ các nguồn xã hội hóa;

Bổ sung từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa, thể thao đối với các xã đặc biệt khó khăn và các xã thuộc huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh và vùng biển ngang với mức hỗ trợ 10.000.000đ/năm và các địa bàn khác 5.000.000đ/năm.

+ Đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên (duy trì bộ máy tổ chức) và kinh phí tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở (Nhà nước đặt hàng).

- Tăng cường nguồn lực xã hội hóa:

+ Đảm bảo cơ cấu và tỷ lệ đầu tư hợp lý trong các hoạt động xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giữa Nhà nước và nhân dân, giữa tỉnh, huyện và cơ sở.

+ Lồng ghép hợp lý và hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng và tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở với chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình khác.

- Huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp xây dựng khu văn hóa, thể thao công nhân lao động ở các khu công nghiệp.

+ Vận động nhân dân đóng góp xây dựng Nhà Văn hóa, Khu Thể thao và Điểm vui chơi trẻ em ở cấp thôn.

+ Hỗ trợ kinh phí của các ngành, đoàn thể xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao chuyên ngành.

+ Khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao xã hội hóa; được hưởng các chính sách khuyến khích theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 20/5/2008 của Chính phủ;

+ Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được chủ động liên kết, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn mở rộng các hoạt động nghiệp vụ, các dịch vụ công về văn hóa, thể thao và du lịch.

3.5. Đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức hoạt động nghiệp vụ

a. Thường xuyên tổ chức và hướng dẫn các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng, phù hợp với nội dung, phương thức hoạt động của Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

- Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị; phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật góp phần nâng cao dân trí.

- Các hoạt động thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng và luyện tập thể dục, thể thao;

- Các hoạt động giáo dục truyền thống; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; tổ chức các ngày hội văn hóa, thể thao ở địa phương.

b. Xây dựng, phát triển lực lượng văn hóa, thể thao ở cơ sở

- Tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trình độ, kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở.

Tăng cường mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn hoá, thể thao cho cán bộ, công chức văn hoá xã, phường, thị trấn và cán bộ làng, bản, khối, xóm hàng năm.

Thực hiện việc đào tạo và đào tạo lại cán bộ, công chức văn hoá xã, phường, thị trấn hàng năm hoặc theo định kỳ để đảm bảo 100% cán bộ, công chức văn hoá cấp xã có trình độ trung cấp chuyên ngành văn hóa, thể thao trở lên vào năm 2020.

- Xây dựng, phát triển các loại hình câu lạc bộ sở thích về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các cộng tác viên và hạt nhân văn hóa, thể thao quần chúng.

- Vận động các hội viên, đoàn viên của các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trở thành lực lượng nòng cốt hoạt động, văn hóa, thể thao quần chúng ở cơ sở.

4. Kinh phí thực hiện

4.1. Kinh phí đầu tư

a. Kinh phí đầu tư

Tổng số kinh phí đầu tư xây dựng thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 – 2020 (ước tính): 2.881,734 tỷ đồng, trong đó:

+ Phân theo nguồn vốn đầu tư:

- Nguồn đầu tư phát triển: 1.476,200tỷ đồng.

- Nguồn sự nghiệp: 333,706 tỷ đồng.

- Nguồn xã hội hóa: 1.071,828 tỷ đồng

+ Phân theo cấp ngân sách:

- Nguồn ngân sách Nhà nước: 1.809,906 tỷ đồng

- Nguồn xã hội hóa: 1.071,828tỷ đồng

b. Phân kỳ đầu tư

- Kinh phí đầu tư xây dựng thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2015 (ước tính): 605,837 tỷ đồng.

- Kinh phí đầu tư xây dựng thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2016 – 2020 (ước tính): 2.275,896 tỷ đồng.

4.2. Kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước: 1.809,906 tỷ đồng.

Trong đó:

- Nguồn vốn lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (theo Quyết định số 19/2012/QĐ-UBND ngày 16/5/2012 của UBND tỉnh): 900,275 tỷ đồng.

- Ngân sách tỉnh: 18,035 tỷ đồng.

- Ngân sách huyện: 126,122 tỷ đồng.

- Ngân sách xã:  765,474 tỷ đồng.

4.3. Kinh phí đầu tư từ nguồn xã hội hóa: 1.071,828 tỷ đồng.

Trong đó:

- Nhân dân đóng góp: 969,628tỷ đồng.

- Huy động nguồn vốn hợp pháp khác: 102,200 tỷ đồng.

4.4. Nội dung đầu tư xây dựng

a. Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao xã: 772,900 tỷ đồng.

b. Xây dựng thiết chế thể thao thôn: 1.574,660 tỷ đồng.

c. Kinh phí mua sắm trang thiết bị: 134,101 tỷ đồng.

d. Kinh phí đào tạo cán bộ VH,TT cơ sở: 11,050 tỷ đồng

đ. Kinh phí nâng cao chất lượng hoạt động: 389,023 tỷ đồng.

Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp để bổ sung, hoàn thiện Đề án, xây dựng các quy hoạch, ban hành chính sách cụ thể để tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu cần bổ sung, điều chỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVI, kỳ họp thứ 7 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ, Website Chính phủ;
- Kiểm toán Nhà nước khu vực II;
- Bộ Tư lệnh QK4;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- VP Tỉnh uỷ, VP UBND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐ, CV VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- TT Thông tin - VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- TT Công báo - Tin học VP UBND tỉnh;
- Lưu: VP.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình