Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 56/NQ-HĐND

Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 09 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ SÁU

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
KHÓA VI, KỲ HỌP THỨ SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khóa VI, nhiệm kỳ 2016-2021;

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu-Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa VI,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với nội dung trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu-Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa VI, Nhiệm kỳ 2016-2021, cụ thể như sau:

1. Về xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh: Hiện nay, ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chăn nuôi heo ngày càng nghiêm trọng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, một số trang trại chăn nuôi đã xả thải và xâm phạm hành lang an toàn bảo vệ của các hồ chứa nước của tỉnh. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, là do công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở chăn nuôi heo trong thời gian qua còn tồn tại nhiều thiếu sót, bất cập. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo vệ môi trường và an toàn các hồ chứa nước của tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:

- Khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp đã được xác định tại báo cáo giải trình chất vấn nội dung liên quan đến tình hình hoạt động của các trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh của Ủy ban nhân dân tỉnh (báo cáo số 259/BC-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2017). Trong đó, phải lấy giải pháp phòng ngừa làm nền tảng, siết chặt khâu cấp phép hoạt động của các cơ sở chăn nuôi; thực hiện quản lý nghiêm ngặt hành lang bảo vệ an toàn cho các hồ chứa nước. Nâng cao trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của người đứng đầu cấp huyện, cấp xã về bảo vệ nguồn nước và ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

- Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm nghiêm túc người đứng đầu các cơ quan, địa phương và cá nhân có liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường của các cơ sở chăn nuôi, trang trại chăn nuôi chưa được cấp phép, xây dựng không đúng quy hoạch, vi phạm hành lang bảo vệ các hồ chứa nước. Rà soát, thay thế ngay những cán bộ, công chức yếu kém, thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, công vụ để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

- Kiên quyết di dời các cơ sở chăn nuôi có nguy cơ cao làm ô nhiễm nguồn nước của các hồ nước; xử lý nghiêm các cơ sở chăn nuôi gây ra suy thoái môi trường, không có giấy phép xả thải.

- Yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý triệt để, kiên quyết những vi phạm môi trường của Trại nuôi heo của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Phát triển Đông Á; đồng thời chỉ đạo dừng ngay hoạt động của Công ty này do gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đe dọa ô nhiễm nguồn nước hồ Châu Pha.

2. Về xử lý nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh:

Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh đây chính là nguyên nhân sẽ tác động tiêu cực đến an sinh xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện tốt những nội dung sau:

- Chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương thực hiện quyết liệt và hiệu quả các giải pháp đã được nêu trong Báo cáo số 263/BC-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong năm 2018 và các năm tiếp theo phải quyết tâm kéo giảm việc nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị và không để phát sinh thêm nợ.

- Yêu cầu Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh và các cơ quan có liên quan tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp đối với việc thực hiện các chính sách về an sinh xã hội cho người lao động, trong đó có bảo hiểm xã hội.

- Yêu cầu Bảo hiểm Xã hội tỉnh thống kê, công khai danh sách các doanh nghiệp chậm nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng và 01 năm trở lên trên địa bàn tỉnh, để các cơ quan, địa phương có giải pháp phù hợp phối hợp xử lý tình trạng nợ bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

3. Về tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh:

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với 8 giải pháp và cam kết thực hiện quản lý khai thác khoáng sản tại báo cáo số 258/BC-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện một số nội dung sau:

- Chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các điểm khai thác khoáng sản; những điểm mỏ khai thác khoáng sản không phép, sai phép phải tổ chức các biện pháp ngăn chặn kịp thời để tránh tình trạng phá vỡ không gian phát triển của địa phương.

- Rà soát trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường xây dựng, san lấp trên địa bàn tỉnh, kể cả cát nhiễm mặn ở Biển Đông.

- Xác định rõ ràng, đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản với nhà nước, với môi trường, cơ sở hạ tầng và phục hồi môi trường mỏ sau khai thác. Nếu cần thiết thì kiến nghị với Bộ, ngành Trung ương để có những cơ chế quản lý phù hợp.

- Chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11/CT- UBND ngày 15 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh để quản lý nguồn vật liệu san lấp và nguyên liệu xây dựng trong nội tỉnh nhằm phục vụ tốt cho sự phát triển của tỉnh; tổ chức rà soát, đánh giá và báo cáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh tình hình khai thác và tiêu thụ khoáng sản. Có giải pháp thống nhất chủ trương quản lý khoáng sản là vật liệu san lấp, cát xây dựng, đá xây dựng trong toàn tỉnh chỉ cung cấp cho nhu cầu xây dựng trong tỉnh, không đưa ra khỏi địa bàn tỉnh, để giảm áp lực về nguồn cung và tiết kiệm tài nguyên.

- Chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc đóng cửa mỏ. Thực hiện nghiêm thời hạn, quy mô khai thác phù hợp để sau khi đóng cửa mỏ, có thể phục hồi môi trường, tiết kiệm quỹ đất và phát huy được công năng khu đất tại khu vực đó sau khi khai thác.

4. Đối với các chất vấn chưa được chất vấn tại Kỳ họp: Hội đồng nhân dân căn cứ vào các báo cáo giải trình:

- Báo cáo số 255/BC-UBND ngày 6/12/2017 về lô đất số 163, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu.

- Báo cáo số 260/BC-UBND ngày 6/12/2017 về lô đất số 266 và 268, đường Lê Lợi, phường 7, thành phố Vũng Tàu.

- Báo cáo số 262/BC-UBND ngày 6/12/2017 về đầu tư Trường Tiểu học, phường 2, thành phố Vũng Tàu.

Để giám sát việc tổ chức thực hiện các giải trình này và xem xét chất vấn tại Phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh lần thứ 12, tổ chức vào tháng 01 năm 2018.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục xem xét những vấn đề được nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân quan tâm và cử tri kiến nghị để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, tổ chức các phiên giải trình tại các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân, Chủ tịch và các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ban, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết này.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Điều khoản thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Khóa VI, Kỳ họp thứ Sáu thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực kể từ ngày 09 tháng 12 năm 2017./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Lĩnh