Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/2021/NQ-HĐND

Lai Châu, ngày 10 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA CÁC DÂN TỘC GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ NĂM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa, đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;

Xét Tờ trình số 3969/TTr-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo thẩm tra số 646/BC-HĐND ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khóa XV, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ;
- Các bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài chính;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Công báo tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Giàng Páo Mỷ

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ BẢO TỒN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA CÁC DÂN TỘC GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Khôi phục lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống; bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống, chợ phiên truyền thống; truyền dạy văn hóa truyền thống, truyền dạy và sản xuất vật mẫu nghề; tổ chức các đội văn nghệ quần chúng; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển các điểm du lịch cộng đồng có điều kiện, lợi thế tiêu biểu; đa dạng hóa sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các dân tộc cư trú thành cộng đồng; doanh nghiệp, Ban quản lý điểm du lịch, bản, nhóm hộ gia đình, hộ gia đình, đội văn nghệ quần chúng, nghệ nhân (người nắm giữ và thực hành di sản), người dân (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân).

2. Các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện chính sách quy định tại Nghị quyết này.

Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Ưu tiên hỗ trợ bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch tại các điểm du lịch đã được công nhận, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch đã được công nhận, có điều kiện, lợi thế tiêu biểu của tỉnh.

2. Phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và các mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

3. Phù hợp với định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá do cấp có thẩm quyền ban hành.

4. Các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phải thực hiện đầy đủ các cam kết khi đăng ký. Trường hợp không thực hiện đúng cam kết phải bồi hoàn số kinh phí được hỗ trợ.

5. Trong cùng một nội dung hỗ trợ, có nhiều chính sách, quy định khác nhau thì đối tượng chỉ được hưởng một chính sách. Trường hợp một tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư nhiều nội dung khác nhau thì sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo từng nội dung nếu đáp ứng được các điều kiện tại Nghị quyết này.

Điều 4. Cơ chế hỗ trợ

1. Đối với các nội dung hỗ trợ có tính chất hỗ trợ đầu tư xây dựng: vận dụng cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng có sự tham gia thực hiện của cộng đồng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Đối với các nội dung khác: Thực hiện cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết này.

3. Đối với tổ chức và cá nhân (không thuộc cơ quan Nhà nước), thực hiện cơ chế hỗ trợ sau đầu tư.

Điều 5. Nguồn kinh phí

1. Chính sách này sử dụng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

2. Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, bố trí vốn trong dự toán ngân sách địa phương của tỉnh để thực hiện chính sách.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Khôi phục lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống

1. Hỗ trợ khôi phục 02 lễ hội truyền thống của các dân tộc cư trú thành cộng đồng đã bị mai một, gián đoạn và không còn được duy trì trong cộng đồng.

a) Mức hỗ trợ: Tối đa 150 triệu đồng/lễ hội; tổng kinh phí hỗ trợ cho cả giai đoạn không quá 300 triệu đồng.

b) Điều kiện hỗ trợ: Có kế hoạch, dự toán kinh phí, nội dung kịch bản phục dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Hỗ trợ khôi phục quy trình sản xuất nghề: Nghề đan lát dân tộc Mảng; nghề rèn dân tộc Mông; nghề chạm bạc dân tộc Dao.

a) Mức hỗ trợ: Tối đa 50 triệu đồng/nghề, tổng kinh phí hỗ trợ cho cả giai đoạn không quá 150 triệu đồng.

b) Điều kiện hỗ trợ: Là nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của các dân tộc cư trú thành cộng đồng có nguy cơ mai một; có kế hoạch, dự toán kinh phí, nội dung quy trình nghề thủ công truyền thống được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 7. Bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống, chợ phiên truyền thống

1. Hỗ trợ duy trì tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm sau khôi phục.

a) Mức hỗ trợ: Tối đa 80 triệu đồng/lễ hội/năm, tổng kinh phí hỗ trợ cho cả giai đoạn không quá 480 triệu đồng.

b) Điều kiện hỗ trợ: Là lễ hội tiêu biểu của các dân tộc cư trú thành cộng đồng mới được khôi phục; có kế hoạch, dự toán kinh phí, nội dung kịch bản được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Hỗ trợ tổ chức 35 lễ hội/năm, tổng số trong 04 năm tổ chức 140 lễ hội.

a) Mức hỗ trợ: Tối đa 80 triệu đồng/lễ hội/năm, tổng kinh phí hỗ trợ cho cả giai đoạn không quá 11.200 triệu đồng.

b) Điều kiện hỗ trợ: Là lễ hội tiêu biểu của các dân tộc cư trú thành cộng đồng, duy trì tổ chức hàng năm hoặc lễ hội khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Có kế hoạch, dự toán kinh phí, nội dung kịch bản tổ chức lễ hội được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hỗ trợ để thực hiện bảo tồn, phát huy 02 chợ phiên truyền thống

a) Mức hỗ trợ: Tối đa 3.000 triệu đồng/chợ, tổng kinh phí hỗ trợ cả giai đoạn không quá 6.000 triệu đồng.

b) Điều kiện hỗ trợ: Là các chợ phiên truyền thống gắn với các điểm du lịch cộng đồng có điều kiện, lợi thế tiêu biểu của tỉnh; đang hoạt động, có hồ sơ thiết kế và dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 8. Truyền dạy văn hóa truyền thống, truyền dạy và sản xuất vật mẫu nghề

1. Hỗ trợ truyền dạy và sản xuất vật mẫu nghề: Nghề đan lát dân tộc Mảng; nghề rèn dân tộc Mông, nghề chạm bạc dân tộc Dao.

a) Mức hỗ trợ: Tối đa 150 triệu đồng/nghề, cho các nội dung: Hỗ trợ người truyền dạy, mức hỗ trợ 250.000 đồng/người/buổi, hỗ trợ người học 50.000 đồng/người/buổi và chi phí vật tư, vật liệu; tổng kinh phí hỗ trợ cho cả giai đoạn không quá 450 triệu đồng;

b) Điều kiện hỗ trợ: Là nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của các dân tộc cư trú thành cộng đồng; sản phẩm sản xuất sau truyền dạy để trưng bày trong Bảo tàng, đạt tối thiểu là 10 mẫu, đối với nghề chạm bạc là 05 mẫu; có kế hoạch, dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt và vật mẫu được cấp có thẩm quyền nghiệm thu.

2. Tổ chức 37 lớp truyền dạy văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh: Lớp dạy chữ viết của một số dân tộc thiểu số có chữ viết; lớp dạy ẩm thực của một số dân tộc thiểu số; lớp dạy nghề thủ công truyền thống của các dân tộc (Lự, Dao, Thái, Mông, Giấy) tại 05 điểm du lịch có điều kiện, lợi thế tiêu biểu của tỉnh; lớp dạy kỹ thuật tạo hình trang phục, nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống, chế tác nhạc cụ của 13 dân tộc cư trú thành cộng đồng.

a) Mức hỗ trợ: Tối đa 150 triệu đồng/lớp/dân tộc cho các nội dung: Hỗ trợ người truyền dạy, mức hỗ trợ 250.000 đồng/người/buổi, hỗ trợ người học 50.000 đồng/người/buổi và chi phí mở lớp; tổng kinh phí hỗ trợ cho cả giai đoạn không quá 5.550 triệu đồng;

b) Điều kiện hỗ trợ

Có kế hoạch, dự toán kinh phí, nội dung truyền dạy được cấp có thẩm quyền phê duyệt, học viên là người địa phương.

Thời gian tổ chức lớp tối đa 40 buổi/lớp, riêng với lớp dạy chữ viết của người dân tộc thiểu số không quá 90 buổi/lớp; quy mô tối thiểu từ 10 học viên/lớp.

Điều 9. Tổ chức các đội văn nghệ quần chúng

1. Mỗi huyện, thành phố lựa chọn và hỗ trợ ban đầu cho 01 đội văn nghệ cấp xã, 05 đội văn nghệ thôn, bản tiêu biểu để mua sắm đạo cụ, nhạc cụ, trang phục tập luyện và xây dựng, phục dựng, dàn dựng các tiết mục biểu diễn.

2. Mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần tối đa 20 triệu đồng/đội, tổng kinh phí hỗ trợ cả giai đoạn không quá 960 triệu đồng.

3. Điều kiện hỗ trợ: Đội văn nghệ quần chúng đang hoạt động được cấp có thẩm quyền thành lập; có tối thiểu từ 10 thành viên trở lên được địa phương đánh giá hoạt động hiệu quả, tiêu biểu, là điển hình cần phát triển, nhân rộng.

4. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ: Đơn đề nghị hỗ trợ của đội văn nghệ quần chúng (xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã); Quyết định thành lập đội kèm theo danh sách thành viên đội văn nghệ; Quy chế hoạt động của đội văn nghệ; Báo cáo kết quả hoạt động của năm liền kề năm được hỗ trợ có xác nhận của UBND cấp xã, được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đánh giá hoạt động hiệu quả, tiêu biểu, là điển hình cần phát triển, nhân rộng.

5. Trình tự thực hiện: Đại diện đội văn nghệ nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến UBND cấp xã, trong thời hạn 05 ngày làm việc UBND cấp xã có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ, trình UBND cấp huyện. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp huyện xem xét, thẩm định và phê duyệt chính sách hỗ trợ theo quy định. Trong trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện các cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 10. Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển các điểm du lịch cộng đồng có điều kiện, lợi thế tiêu biểu

1. Hỗ trợ một lần phát triển hạ tầng điểm du lịch cho các nội dung sau:

a) Hỗ trợ một lần xây dựng địa điểm tổ chức các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu văn hóa, thể thao đặc sắc dân tộc.

Mức hỗ trợ: Tối đa 70% tổng dự toán kinh phí và không quá 1.000 triệu đồng/mô hình/điểm du lịch; tổng kinh phí hỗ trợ cả giai đoạn không quá 5.000 triệu đồng.

Điều kiện hỗ trợ: Có hồ sơ thiết kế và dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ: Văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân; bản thuyết minh, bản vẽ thiết kế xây dựng, phương án tổ chức các hoạt động, dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt; biên bản nghiệm thu của cơ quan chuyên môn.

Trình tự thực hiện: Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến UBND cấp xã nơi xây dựng địa điểm tổ chức các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu văn hóa, thể thao đặc sắc dân tộc, trong thời hạn 05 ngày làm việc UBND cấp xã có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ, trình UBND cấp huyện. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp huyện xem xét, thẩm định và phê duyệt chính sách hỗ trợ theo quy định. Trong trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện các cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

b) Hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà ở theo kiến trúc nhà ở truyền thống

Mức hỗ trợ: Tối đa 70% tổng dự toán kinh phí cải tạo, sửa chữa nhà ở truyền thống được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không quá 160 triệu đồng/hộ, 10 hộ/điểm du lịch; tổng kinh phí hỗ trợ cả giai đoạn không quá 8.000 triệu đồng.

Điều kiện hỗ trợ: Là các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay); có hồ sơ thiết kế và dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có cam kết kinh doanh dịch vụ homestay tối thiểu 05 năm kể từ thời điểm được hỗ trợ.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ: Biên bản bình chọn của cộng đồng dân cư tại điểm du lịch; đơn đề nghị hỗ trợ của hộ gia đình kèm theo hồ sơ thiết kế nhà ở truyền thống, dự toán kinh phí thực hiện; bản cam kết thực hiện theo đúng thiết kế của cơ quan chuyên môn hướng dẫn; bản sao giấy công nhận hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) đủ điều kiện đón khách du lịch; biên bản nghiệm thu của cơ quan chuyên môn.

Trình tự thực hiện: Hộ gia đình nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến UBND cấp xã nơi cư trú, trong thời hạn 05 ngày làm việc UBND cấp xã có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ, trình UBND cấp huyện. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp huyện xem xét, thẩm định và phê duyệt chính sách hỗ trợ theo quy định. Trong trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện các cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Xây dựng mới nhà vệ sinh cho hộ gia đình kinh doanh dịch vụ lưu trú nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay).

Mức hỗ trợ: Tối đa 70% tổng dự toán kinh phí xây dựng mới nhà vệ sinh và không quá 50 triệu đồng/hộ, 10 hộ/điểm du lịch; tổng kinh phí hỗ trợ cả giai đoạn không quá 2.500 triệu đồng.

Điều kiện hỗ trợ: Là các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay); được công nhận đủ điều kiện đón khách du lịch, có hồ sơ thiết kế và dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có cam kết kinh doanh dịch vụ homestay tối thiểu 05 năm kể từ thời điểm được hỗ trợ.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ: Biên bản bình chọn của cộng đồng dân cư tại điểm du lịch; đơn đề nghị hỗ trợ của hộ gia đình kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng nhà vệ sinh đáp ứng theo quy định về điều kiện hỗ trợ tại điểm này và dự toán kinh phí thực hiện; Bản sao giấy công nhận hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) đủ điều kiện đón khách du lịch; biên bản nghiệm thu của cơ quan chuyên môn.

Trình tự thực hiện: Hộ gia đình nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến UBND cấp xã nơi cư trú, trong thời hạn 05 ngày làm việc UBND cấp xã có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ, trình UBND cấp huyện. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp huyện xem xét, thẩm định và phê duyệt chính sách hỗ trợ theo quy định. Trong trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện các cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

d) Lập bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng 04 điểm du lịch, tỷ lệ bản đồ 1/2.000 cho các điểm du lịch.

Mức hỗ trợ: Tối đa 200 triệu đồng/điểm du lịch, tổng kinh phí hỗ trợ cho cả giai đoạn không quá 800 triệu đồng.

Điều kiện hỗ trợ: Có thuyết minh và bản đồ quy hoạch kèm theo được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

e) Xây dựng hệ thống điện chiếu sáng dọc đường nội bản, đường dạo tại điểm du lịch

Mức hỗ trợ: Tối đa 70% tổng dự toán và không quá 500 triệu đồng/điểm du lịch; tổng kinh phí hỗ trợ cả giai đoạn không quá 2.500 triệu đồng.

Điều kiện hỗ trợ: Có hồ sơ thiết kế và dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có phương án quản lý, sử dụng sau đầu tư.

f) Xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp bãi đỗ xe

Mức hỗ trợ: Tối đa 70% tổng dự toán, không quá 300 triệu đồng/bãi đỗ xe/điểm du lịch đối với xây dựng mới và không quá 150 triệu đồng đối với cải tạo, sửa chữa, nâng cấp/bãi đỗ xe/điểm du lịch; tổng kinh phí hỗ trợ cho cả giai đoạn không quá 1.050 triệu đồng.

Điều kiện hỗ trợ: Có hồ sơ thiết kế và dự toán kinh phí xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp bãi đỗ xe được cấp có thẩm quyền phê duyệt; diện tích xây dựng mới tối thiểu từ 300m2 trở lên và có phương án quản lý, sử dụng sau đầu tư.

g) Cải tạo, nâng cấp đường nội bản, đường dạo tại điểm du lịch

Mức hỗ trợ: Tối đa 70% tổng dự toán kinh phí cải tạo, nâng cấp đường nội bản, đường dạo và tối đa không quá 500 triệu đồng/km, 2.500 triệu đồng/điểm du lịch; tổng kinh phí hỗ trợ cả giai đoạn không quá 12.500 triệu đồng.

Điều kiện hỗ trợ: Có hồ sơ thiết kế và dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

h) Xây dựng mới nhà vệ sinh công cộng

Mức hỗ trợ: Tối đa 70% tổng dự toán và không quá 300 triệu đồng/nhà vệ sinh/điểm du lịch; tổng kinh phí hỗ trợ cho cả giai đoạn không quá 1.500 triệu đồng.

Điều kiện hỗ trợ: Có hồ sơ thiết kế và dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đạt tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch theo Quyết định số 225/QĐ-TCDL ngày 08/5/2012 của Tổng cục Du lịch quy định về tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch và có phương án quản lý, sử dụng sau đầu tư.

2. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch

a) Hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng

Mức hỗ trợ: 200.000/người/ngày bao gồm chi phí ăn, ở, đi lại, tổng kinh phí hỗ trợ cả giai đoạn không quá 150 triệu đồng.

Điều kiện hỗ trợ: Là người dân tham gia hoạt động du lịch tại các điểm du lịch; có kế hoạch và dự toán kinh phí mở lớp được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tối thiểu 30 người/lớp, thời gian tối đa 05 ngày/lớp.

b) Hỗ trợ học nghề du lịch

Mức hỗ trợ: 10 triệu đồng/người/khóa học, tổng kinh phí hỗ trợ cả giai đoạn không quá 1.000 triệu đồng.

Điều kiện hỗ trợ: Là người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Lai Châu, có đăng ký theo nhu cầu đào tạo của các điểm du lịch và được UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch đào tạo.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ: Đơn đề nghị hỗ trợ của cá nhân; bản cam kết phục vụ hoạt động du lịch tại địa phương cử đi học; chứng chỉ nghề của cơ sở đào tạo cấp theo quy định.

Trình tự thực hiện: Cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến UBND cấp xã, trong thời hạn 05 ngày làm việc UBND cấp xã có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ trình UBND cấp huyện. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp huyện xem xét, thẩm định và phê duyệt chính sách hỗ trợ theo quy định. Trong trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện các cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 11. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch

1. Xây dựng 01 điểm ngắm cảnh ruộng bậc thang và nâng cấp đường vào ngắm cảnh ruộng bậc thang xã Tả Lèng

Mức hỗ trợ: Đối với điểm ngắm cảnh ruộng bậc thang tối đa 70% tổng dự toán và không quá 900 triệu đồng/điểm; đối với nâng cấp đường vào ngắm cảnh ruộng bậc thang tối đa 70% tổng dự toán và không quá 500 triệu đồng/km; tổng kinh phí hỗ trợ cả giai đoạn không quá 1.400 triệu đồng.

Điều kiện hỗ trợ: Là điểm phụ cận gắn với điểm du lịch có lợi thế tiêu biểu của tỉnh; có hồ sơ thiết kế và dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có phương án quản lý, sử dụng sau đầu tư.

2. Xây dựng 01 điểm bay dù lượn gắn với phát triển du lịch

a) Mức hỗ trợ: Tối đa 70% tổng dự toán và không quá 2.000 triệu đồng/điểm bay.

b) Điều kiện hỗ trợ: Có hồ sơ thiết kế, dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có phương án quản lý, sử dụng sau đầu tư./.