Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/2017/NQ-HĐND

Đồng Nai, ngày 07 tháng 7 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI NƯỚC THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;

Xét Tờ trình số 5624/TTr-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cụ thể như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định về đối tượng chịu phí, các trường hợp miễn phí, người nộp phí, mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

2. Đối tượng chịu phí

Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là nước thải ra môi trường từ:

a) Hộ gia đình;

b) Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân (trừ các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc các đơn vị vũ trang nhân dân);

c) Trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng của các tổ chức, cá nhân không gắn liền với địa điểm sản xuất, chế biến;

d) Cơ sở: Rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy;

đ) Bệnh viện; phòng khám, chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở đào tạo, nghiên cứu; cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác;

e) Các tổ chức, cá nhân và đối tượng khác có nước thải không được quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ.

3. Các trường hợp miễn phí

a) Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội;

b) Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn, bao gồm:

- Các xã thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa.

- Các xã không thuộc đô thị đặc biệt, đô thị loại I, II, III, IV và V theo quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về phân loại đô thị.

c) Nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở các nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch;

d) Nước thải sinh hoạt tập trung do đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước tiếp nhận và đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định xả thải ra môi trường;

đ) Các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến sử dụng nguồn nước từ đơn vị cung cấp nước sạch hoặc nước dưới đất, nước mặt phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp thì không nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt;

e) Nước mưa tự nhiên chảy tràn (trừ diện tích thuộc khu vực nhà máy hóa chất);

g) Nước thải sinh hoạt của hộ gia đình thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh;

h) Nước làm mát thiết bị, máy móc không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng;

i) Nước thải từ các phương tiện đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân.

4. Người nộp phí

a) Là tổ chức, cá nhân, đơn vị, hộ gia đình có nước thải ra môi trường được quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị quyết này.

b) Trường hợp các tổ chức, cá nhân xả nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung và trả tiền dịch vụ xử lý nước thải thì không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã tiếp nhận và xả ra môi trường (trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều này).

5. Cơ quan thu phí

a) Đơn vị cung cấp nước sạch thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân sử dụng nước sạch.

b) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nơi có hệ thống nước sạch nhưng tự khai thác nước để sử dụng.

6. Mức phí

a) Trường hợp người nộp phí sử dụng nước từ đơn vị cung cấp nước sạch: Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

b) Trường hợp người nộp phí tự khai thác nước sạch (nước dưới đất và nước mặt) để sử dụng: thì mức phí là 10% giá bán 1 m3 nước sạch trung bình tại xã, phường, thị trấn và được xác định theo từng người sử dụng nước căn cứ vào số lượng nước sử dụng bình quân của một người trong xã, phường, thị trấn nơi khai thác.

7. Xác định số phí phải nộp

Số phí bảo vệ môi trường phải nộp đối với nước thải sinh hoạt được xác định như sau:

Số phí phải nộp (đồng)

=

Số lượng nước sạch sử dụng (m3)

x

Giá bán nước sạch (đồng/m3)

x

Mức thu phí

Trong đó:

a) Số lượng nước sạch sử dụng được xác định:

- Theo đồng hồ đo lượng nước sạch tiêu thụ của người nộp phí.

- Trường hợp hộ gia đình tự khai thác nước thì số lượng nước sạch sử dụng được xác định căn cứ vào số người theo số nhân khẩu thực tế do UBND các xã, phường, thị trấn xác nhận và lượng nước sạch bình quân theo đầu người theo khu vực như sau: tại thành phố Biên Hòa là 0,350 m3/người/ngày, tại thị xã Long Khánh là 0,235 m3/người/ngày, tại các thị trấn là 0,115 m3/người/ngày.

- Đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp; các tổ chức đoàn thể xã hội, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (không phải là đối tượng chịu phí theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 154/2016/NĐ-CP) tự khai thác nước để sử dụng thì số lượng nước sạch sử dụng được xác định căn cứ vào quy mô hoạt động kinh doanh, dịch vụ do cơ sở tự kê khai và thẩm định của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

b) Giá bán nước sạch được xác định như sau:

- Nước do đơn vị cấp nước sạch cung cấp: Là giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

- Nước tự khai thác sử dụng: Là giá bán nước sạch trung bình chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng của các đơn vị cung cấp nước sạch tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi các cá nhân, tổ chức tự khai thác nước sử dụng.

c) Mức thu phí được quy định tại Khoản 6 Điều này.

8. Quản lý và sử dụng phí

a) Mức trích để lại cho các cơ quan thu phí

- Đối với tổ chức cung cấp nước sạch:

+ Để lại 7% trên tổng số phí thu được trên địa bàn thành phố Biên Hòa để hỗ trợ chi phí cho hoạt động thu phí.

+ Để lại 10% trên tổng số phí thu được trên địa bàn các huyện, thị xã Long Khánh để hỗ trợ chi phí cho hoạt động thu phí.

- Đối với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn: Để lại 25% trên tổng số phí thu được để trang trải cho phí cho hoạt động thu phí.

b) Phần còn lại, sau khi trừ số tiền phí được trích để lại theo quy định tại Điểm a Khoản này, đơn vị thu phí có trách nhiệm nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường; bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ Bảo vệ môi trường của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và báo cáo kết quả tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này theo quy định.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên vận động tổ chức và nhân dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết này; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2017.

2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 90/2013/NQ-HĐND ngày 18/9/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai Khóa IX, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 07 tháng 7 năm 2017./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội (A+B);
- Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ (A+B);
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành của tỉnh;
- TT.HĐND, UBND cấp huyện;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Báo, Đài PT-TH Đồng Nai;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Phú Cường