Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/2014/NQ-HĐND

Bình Thuận, ngày 18 tháng 7 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP CHO HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ HỌC NGHỀ TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ BÌNH THUẬN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 của Liên Bộ: Tài chính - Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1915 /TTr-UBND ngày 02/6/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quy định chế độ trợ cấp cho học sinh dân tộc thiểu số học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình số 1915/TTr-UBND ngày 02/6/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quy định chế độ trợ cấp cho học sinh dân tộc thiểu số học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận. Cụ thể như sau:

1. Đối tượng áp dụng:

a) Học sinh dân tộc thiểu số đang học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh có nguyện vọng chuyển sang học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận;

b) Học sinh dân tộc thiểu số ở các huyện đã tốt nghiệp trung học cơ sở có nhu cầu học nghề và được Hội đồng tuyển sinh cấp huyện, cấp tỉnh xét duyệt danh sách tham gia học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận.

2. Số lượng, trình độ, thời gian và hình thức đào tạo:

a) Số lượng đào tạo: hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể cho Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận;

b) Trình độ, thời gian đào tạo: trình độ trung cấp nghề với thời gian đào tạo là 3 năm/khóa học;

c) Hình thức đào tạo: vừa học nghề, vừa học văn hóa theo chương trình quy định đối với hệ Trung cấp nghề.

3. Chế độ trợ cấp đối với học sinh:

Các đối tượng nêu tại Khoản 1 Điều này, trong thời gian học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận được hưởng các chế độ như sau:

a) Được miễn học phí/toàn khóa học;

b) Được bố trí ở nội trú miễn phí tại ký túc xá của Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận (trong đó định mức điện năng tiêu thụ để thắp sáng và sinh hoạt là 25Kwh/tháng/học sinh; định mức nước sinh hoạt là 4m3/tháng/học sinh);

c) Được hỗ trợ học bổng hàng tháng bằng 80% mức tiền lương cơ sở/học sinh/tháng (hưởng 12 tháng/năm học) để chi phí cho việc ăn và học tập hàng tháng;

d) Được hỗ trợ 02 bộ quần áo đi học/năm học, định mức 300.000 đồng/bộ;

đ) Được hỗ trợ tiền tàu, xe 04 chuyến/học sinh/năm học (đi và về trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ hè; giá vé tàu, xe tính theo giá vé quy định của Nhà nước tại thời điểm thanh toán);

e) Chế độ thưởng:

Học sinh nếu học tập và rèn luyện tốt, đạt kết quả từ khá trở lên (ở năm học trước đó) được nhà trường thưởng một lần/năm học như sau:

- 400.000 đồng/học sinh nếu đạt khá;

- 600.000 đồng/học sinh nếu đạt giỏi;

- 800.000 đồng/học sinh nếu đạt xuất sắc;

g) Hỗ trợ khác:

- Được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian học; cấp sổ khám, chữa bệnh và tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm;

- Được nhà trường hỗ trợ chi phí làm hồ sơ tuyển sinh, trúng tuyển và tốt nghiệp theo quy định; làm thẻ học sinh và phù hiệu học sinh (nếu có);

- Mỗi năm được hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh vào dịp Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số;

- Được nhà trường hỗ trợ toàn bộ nguyên, vật liệu phục vụ việc thực hành trong thời gian học nghề (nếu có).

4. Trường hợp học sinh bị kỷ luật buộc thôi học thì không được nhận chế độ theo khoản 3 Điều này kể từ ngày bị buộc thôi học; trường hợp học sinh bị đình chỉ học tập thì không được nhận học bổng theo Điểm c, Khoản 3 Điều này trong thời gian bị đình chỉ, trừ trường hợp dừng học do ốm đau, tai nạn, hoặc dừng học vì lý do khác (không do kỷ luật hoặc tự thôi học)

5. Trường hợp học sinh không hoàn thành khóa học theo thời gian quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều này thì trong thời gian học lại sẽ không còn được hưởng các chế độ theo quy định tại Nghị quyết này.

6. Nguồn kinh phí chi trả chế độ trợ cấp cho học sinh dân tộc thiểu số học nghề tại trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận theo Điều 1 của Nghị quyết này được sử dụng từ nguồn ngân sách tỉnh.

7. Thời gian thực hiện: Kể từ năm học 2014 - 2015.

Điều 2. Giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Trong quá trình thực hiện, nếu Ủy ban nhân dân tỉnh có đề nghị điều chỉnh, bổ sung Quy định chế độ trợ cấp cho học sinh dân tộc thiểu số học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận, Hội đồng nhân dân tỉnh ủy quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các ban Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ quy định của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương để quyết định việc điều chỉnh, bổ sung và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh trong kỳ họp gần nhất.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa IX, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 17 tháng 7 năm 2014 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hùng