Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH L
ÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/2006/NQ-HĐND

Đà Lạt, ngày 08 tháng 12 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC Y TẾ TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA VII KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;

Sau khi xem xét Tờ trình số: 7221/TTr-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2006 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc đề nghị HĐND tỉnh Lâm Đồng thông qua Đề án xã hội hóa công tác y tế tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2006 - 2010; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng Nhân dân tỉnh thống nhất thông qua Đề án xã hội hóa công tác y tế tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2006 - 2010 với những nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM VỀ XÃ HỘI HOÁ CÔNG TÁC Y TẾ

- Bên cạnh việc tăng cường đầu tư của nhà nước cho y tế công lập, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cơ bản cho các đối tượng chính sách, người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi, thực hiện xã hội hóa công tác y tế là nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân và xã hội, huy động toàn xã hội tham gia công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng các dịch vụ y tế với chất lượng ngày càng cao.

- Triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao nhằm đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cho những đối tượng có khả năng chi trả, tạo được nguồn thu để tái đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ nhân dân.

- Thực hiện chính sách ưu đãi đối với tổ chức và cá nhân tham gia xã hội hóa y tế tại tỉnh, không hạn chế về tính chất và quy mô các loại hình dịch vụ.

II. MỤC TIÊU VÀ MỘT SỐ CHỈ TIÊU CƠ BẢN

1. Mục tiêu tổng quát:

Nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng vào công tác xã hội hóa y tế. Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển các loại hình dịch vụ trong và ngoài công lập, trong đó hệ thống y tế công lập đóng vai trò chủ đạo nhằm tạo được một mạng lưới y tế phù hợp và thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân.

2. Một số chỉ tiêu cơ bản về công tác xã hội hóa y tế đến năm 2010:

2.1. Đối với hệ thống y tế công lập:

2.1.1. Hoàn thiện hệ thống tổ chức, phát triển mạng lưới y tế cơ sở về số lượng và chất lượng:

Đến năm 2010: 100% cụm xã có Phòng khám Đa khoa khu vực kiên cố, đầy đủ trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế; 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia; 100% số xã, phường, thị trấn có bác sỹ; 100% thôn, bản, khu phố có nhân viên y tế.

2.1.2. Về công tác phòng bệnh:

Tiếp tục mở rộng chủng loại và diện tiêm vaccine ngoài phạm vi cung ứng của chương trình y tế Quốc gia theo yêu cầu của nhân dân; quản lý sức khỏe cho 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động; chủ động kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh; triển khai mô hình Bác sỹ gia đình tại các cụm dân cư, trước mắt thực hiện thí điểm ở thành phố Đà Lạt và thị xã Bảo Lộc.

2.1.3. Về công tác khám, chữa bệnh:

- Khám bệnh và điều trị ngoại trú: Tổ chức các phòng khám bệnh thường xuyên theo yêu cầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh (kể cả ngoài giờ và các ngày nghỉ theo quy định).

- Điều trị nội trú: Ngoài chỉ tiêu giường bệnh kế hoạch được giao hàng năm, các cơ sở khám chữa bệnh bố trí thêm giường bệnh điều trị theo yêu cầu, không hạn chế về số lượng, phấn đấu đến năm 2010:

+ Các bệnh viện tuyến tỉnh: từ 20 - 30%.

+ Các bệnh viện tuyến huyện: từ 10 - 20%.

- Triển khai các dịch vụ kỹ thuật về cận lâm sàng, khám chữa bệnh ngoại viện, vận chuyển người bệnh theo yêu cầu .v.v.

2.2. Đối với y tế ngoài công lập:

- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh hoạt động theo quy định của pháp luật, không hạn chế về tính chất và qui mô các loại hình dịch vụ phù hợp với mô hình và đặc điểm dân cư như: phòng khám bệnh liên chuyên khoa, nhà hộ sinh và trung tâm chẩn đoán y khoa tư nhân.

- Phát triển các loại hình dịch vụ khác có liên quan đến sức khỏe như thành lập các câu lạc bộ dưỡng sinh, cơ sở vật lý trị liệu, câu lạc bộ rèn luyện thân thể .v.v. đảm bảo phục vụ các nhu cầu phục hồi và nâng cao sức khỏe của nhân dân và du khách.

- Kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào Công ty cổ phần Dược - Vật tư Y tế Lâm Đồng, thành lập các doanh nghiệp dược tư nhân để nghiên cứu, nuôi trồng và sản xuất thuốc từ nguyên liệu là cây, con dược liệu .v.v. đặc thù của tỉnh. Phát triển mạng lưới cung ứng thuốc, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm mục đích đảm bảo chất lượng thuốc với giá cả hợp lý và ổn định trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức và cá nhân mở các cơ sở đào tạo cán bộ y tế.

III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Đối với hệ thống y tế công lập:

1.1. Lĩnh vực phòng bệnh:

1.1.1. Nội dung:

- Vận động cộng đồng tham gia phong trào tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe thông qua việc xây dựng làng “Văn hóa - sức khỏe”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe đến tận cụm dân cư và hộ gia đình; phổ biến và tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về y tế phù hợp với đặc điểm cộng đồng dân cư trong tỉnh.

- Ngoài các loại vaccine được nhà nước cung cấp theo các chương trình y tế Quốc gia, các cơ sở y tế trong tỉnh tổ chức tiêm hoặc uống các loại vaccine phòng bệnh khác được Bộ Y tế cho phép sử dụng nhưng chưa có điều kiện cung cấp.

- Triển khai các dịch vụ kiểm soát và bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng hình thức: Hợp đồng khám quản lý sức khỏe định kỳ; đo đạc các chỉ số về an toàn vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường, vệ sinh học đường với các tổ chức và cá nhân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh.

1.1.2. Giải pháp:

- Về nhân lực: Các cơ sở y tế chủ động tuyển dụng, mời hoặc hợp đồng thuê mướn đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp trong và ngoài nước theo hình thức thoả thuận và chi trả từ nguồn kinh phí thu được từ các dịch vụ.

- Về trang thiết bị: Đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác phòng bệnh từ các nguồn vốn: vay hoặc huy động từ các tổ chức, cá nhân.

1. 2. Lĩnh vực khám, chữa bệnh:

1.2.1. Nội dung:

- Khám bệnh và điều trị ngoại trú: Tổ chức các phòng khám bệnh thường xuyên theo yêu cầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh (kể cả ngoài giờ và các ngày nghỉ theo quy định).

- Điều trị nội trú: Ngoài chỉ tiêu giường bệnh kế hoạch được giao hàng năm, các cơ sở khám chữa bệnh bố trí thêm giường bệnh điều trị theo yêu cầu, không hạn chế về số lượng, phấn đấu đến năm 2010:

+ Các bệnh viện tuyến tỉnh: từ 20 - 30%.

+ Các bệnh viện tuyến huyện: từ 10 - 20%.

- Thực hiện các dịch vụ điều trị và chăm sóc theo yêu cầu: Phẫu thuật, thủ thuật, đỡ đẻ và chăm sóc sản phụ trọn gói; làm các dịch vụ cận lâm sàng.

- Tổ chức khám chữa bệnh ngoại viện, chuyển viện.

- Kêu gọi các tổ chức và cá nhân đầu tư vào các loại hình phục vụ dinh dưỡng theo chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh, hoạt động căn tin, bếp ăn từ thiện; các dịch vụ giữ xe, phương tiện vận chuyển cấp cứu người bệnh, triển khai vệ sinh công nghiệp bệnh viện.

1.2.2. Giải pháp:

- Về nhân lực: Sử dụng đội ngũ cán bộ hiện có của đơn vị; mời cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao trong và ngoài nước hoặc hợp đồng thuê mướn bằng hình thức thỏa thuận và cân đối chi trả từ nguồn kinh phí thu từ các dịch vụ.

- Về trang thiết bị: Kêu gọi các nguồn vốn nhằm ưu tiên đầu tư các loại trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác khám, chẩn đoán và điều trị mà Nhà nước chưa có điều kiện đầu tư (chú trọng các trang thiết bị kỹ thuật cao).

- Về nguồn vốn đầu tư: Tùy theo tình hình thực tế, các cơ sở điều trị lựa chọn hình thức huy động vốn thích hợp để đầu tư cụ thể như sau:

+ Liên doanh, liên kết và hợp tác với các công ty trong và ngoài tỉnh để lắp đặt thiết bị, thỏa thuận phương thức phân chia lợi nhuận và chuyển giao công nghệ thông qua ký kết hợp đồng.

+ Huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân và trong đội ngũ cán bộ công chức thông qua hình thức cổ phần hóa.

+ Vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi hoặc vay vốn các tổ chức tín dụng khác.

2. Đối với y tế ngoài công lập:

2.1. Nội dung:

- Tiếp tục phát triển mạng lưới hành nghề y dược tư nhân.

- Xây dựng trung tâm chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao tại thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc và hệ thống khám, chữa bệnh tại các khu công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng: Đan Kia - Suối Vàng, Phú Hội, Lộc Sơn .v.v. với các hình thức bệnh viện đa khoa, phòng khám đa khoa và nhà hộ sinh tư nhân.

- Phát triển mạng lưới cung ứng thuốc, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm mục đích đảm bảo chất lượng thuốc với giá cả hợp lý và ổn định trên địa bàn toàn tỉnh.

- Đa dạng hóa các loại hình đào tạo đội ngũ cán bộ y tế.

2.2. Giải pháp:

- Bên cạnh việc thường xuyên nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với mạng lưới y tế ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức và cá nhân mở rộng quy mô cơ sở và đa dạng hóa các dịch vụ khám chữa bệnh, tư vấn và thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu trong khuôn khổ pháp luật quy định.

- Kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào Công ty cổ phần Dược - Vật tư Y tế Lâm Đồng, thành lập các doanh nghiệp dược tư nhân để nghiên cứu, nuôi trồng và sản xuất thuốc từ nguyên liệu là cây, con dược liệu .v.v. đặc thù của tỉnh.

- Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức và cá nhân mở các cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ y tế.

- Địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất phù hợp để các tổ chức và các nhân đầu tư xây dựng các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh.

IV. CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH

1. Đối với hệ thống y tế công lập:

Thực hiện cơ chế thu chi theo Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Đối với hệ thống y tế ngoài công lập:

Thực hiện cơ chế thu chi theo Thông tư số 91/2006/TT-BTC ngày 02/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ quy định về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập.

Điều 2. Hội đồng Nhân dân tỉnh giao UBND tỉnh ban hành các quy định cụ thể hóa Nghị quyết để tổ chức thực hiện đề án; tạo điều kiện để thu hút, huy động các nguồn vốn trong và ngoài tỉnh, nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, cán bộ công chức; quản lý chặt chẽ về mặt nhà nước để đảm bảo đúng nguyên tắc tài chính và sử dụng đúng mục đích, tránh lãng phí và thất thoát.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngµy 08/12/2006./-

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đẳng