Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 66/NQ-HĐND

Vĩnh Phúc, ngày 12 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH CHO NGƯỜI NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 211/NQ-HĐND ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2016;

Căn cứ Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 27 tháng 9 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 60/BC-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2016 của Đoàn giám sát HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người nghèo trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 đến nay; Báo cáo số 231/BC-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh tiếp thu giải trình một số nội dung tại buổi giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người nghèo trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 - 2016; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. HĐND tỉnh tán thành Báo cáo của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người nghèo trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 đến nay, cụ thể như sau:

1. Kết quả đạt được

Trong những năm qua, công tác chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách cho người nghèo được triển khai đồng bộ và kịp thời trên địa bàn tỉnh; Ban Chỉ đạo các cấp về công tác giảm nghèo được thành lập từ tỉnh đến cơ sở; công tác tuyên truyền được quan tâm, nhận thức của cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp và người dân về giảm nghèo bền vững theo cách tiếp cận đa chiều từng bước được nâng lên; cuộc vận động ủng hộ, xây dựng Quỹ Vì người nghèo đang trở thành phong trào rộng khắp. Từ năm 2013 đến năm 2016, toàn tỉnh đã tập trung huy động các nguồn kinh phí với tổng số tiền 1.142,491 tỷ đồng để thực hiện các chương trình giảm nghèo. Hộ nghèo, cận nghèo đã được thụ hưởng và tiếp cận các dịch vụ công, các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở...; hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất; xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các địa phương được quan tâm đầu tư phát triển, nhất là các vùng miền núi, vùng khó khăn của tỉnh; qua đó giúp cho người nghèo, cận nghèo từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chỉ tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 bình quân mỗi năm giảm 1,72% (đạt mục tiêu đề ra). Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã có 107/112 xã đạt tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng Nông thôn mới, Vĩnh Phúc không còn xã đặc biệt khó khăn, chỉ còn 03 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II (Đồng Pheo, Quang Đạo, Yên Phú thuộc xã Yên Dương - huyện Tam Đảo). Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, năm 2016 toàn tỉnh có 14.412 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 4,96% tổng số hộ dân cư) và 12.357 hộ cận nghèo (chiếm 4,26 % tổng số hộ dân cư toàn tỉnh), Vĩnh Phúc là 1 trong 10 tỉnh, thành phố có tổng số hộ nghèo thấp, đứng thứ 56/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và Vĩnh Phúc không có xã nghèo, huyện nghèo.

2. Một số hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người nghèo còn một số hạn chế, vướng mắc sau:

Một số cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở một số địa phương, cơ sở chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo. Công tác tuyên truyền và hoạt động trợ giúp pháp lý về chính sách, pháp luật cho người nghèo còn dàn trải, chưa sát với một số nhóm đối tượng đặc thù, một số hộ nghèo chưa tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước để tìm biện pháp chủ động vươn lên thoát nghèo. Một số Ban Chỉ đạo công tác giảm nghèo các cấp hoạt động chưa hiệu quả. Nguồn lực thực hiện chế độ, chính sách giảm nghèo còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn xã hội hóa cho chương trình giảm nghèo của tỉnh còn khó khăn; các chính sách an sinh xã hội gia tăng. Tổ chức đào tạo nghề cho người nghèo hiệu quả chưa cao, chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động; việc lồng ghép triển khai một số chương trình, đề án, dự án chưa thực sự hiệu quả; công tác khảo sát, thiết kế, xây dựng một số công trình cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, hiệu quả sử dụng thấp. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí chưa được quan tâm đúng mức; công tác sơ kết, tổng kết đánh giá chính sách chưa được thực hiện thường xuyên, chưa kịp thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả.

Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 928 hộ tái nghèo; khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn; đa số người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, còn tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, ở vùng khó khăn.

3. Nguyên nhân

Những hạn chế nêu trên là do một số nguyên nhân chính sau:

Sự phát triển kinh tế - xã hội chưa đồng đều giữa các vùng; nguồn lực đầu tư và hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo chưa tập trung, còn bị phân tán, cấp huyện, cấp xã bố trí kinh phí cho công tác giảm nghèo còn ít, nguồn huy động từ cộng đồng gặp khó khăn; một số chính sách chưa phù hợp với thực tiễn địa phương; do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bệnh tật phức tạp đã ảnh hưởng đến đời sống hộ nghèo, cận nghèo.

Sự phối hợp thiếu chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành và cấp; trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa quan tâm coi trọng đúng mức đến công tác giảm nghèo; Ban Chỉ đạo công tác giảm nghèo các cấp chủ yếu kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động hạn chế; một số công chức, viên chức làm công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm ở cơ sở năng lực, kinh nghiệm thực tiễn còn bất cập; một bộ phận người nghèo chưa chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.

Điều 2. Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Để tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người nghèo, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Phấn đấu trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh mỗi năm bình quân giảm 1,0 - 1,5%/năm (theo chuẩn mới giai đoạn 2016 - 2020); đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều còn dưới 2,0% (riêng thành phố Vĩnh Yên phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo dưới 1,0%).

2. Ban hành kế hoạch thực hiện giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, xây dựng các chỉ tiêu cụ thể từng năm và cả giai đoạn về công tác giảm nghèo trong tháng 12 năm 2016.

3. Tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch giảm nghèo, kịp thời nắm bắt thông tin, lập danh sách quản lý, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện đầy đủ, đúng và kịp thời các chế độ, chính sách cho người nghèo, cận nghèo; rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách của Nhà nước và của Tỉnh đối với người nghèo.

4. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo về công tác giảm nghèo các cấp; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trách nhiệm làm việc của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.

5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, trợ giúp pháp lý, cung cấp các dịch vụ, hỗ trợ trang thiết bị thông tin để người nghèo, người ở những vùng khó khăn tiếp cận kịp thời, đầy đủ thông tin cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.

6. Tăng cường các nguồn lực, thực hiện lồng ghép chương trình giảm nghèo với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và các chương trình, dự án của địa phương để tập trung nguồn lực cho giảm nghèo bền vững. Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, rà soát phân kỳ đầu tư, tránh dàn trải, nợ đọng, đảm bảo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

7. Tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phục vụ sản xuất, kinh doanh tự tạo việc làm, tăng thu nhập; giám sát việc sử dụng vốn vay, thu nợ đảm bảo đúng kỳ hạn, quay vòng vốn nhanh và có hiệu quả.

8. Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe cho người nghèo; tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo; triển khai các giải pháp nâng cao trình độ dân trí, nghề nghiệp cho lao động nghèo; thực hiện kịp thời chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh - sinh viên nghèo theo quy định.

9. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người nghèo, gắn đào tạo nghề với nhu cầu thị trường lao động, đảm bảo người học nghề xong có việc làm, thu nhập ổn định.

10. Thực hiện xét duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, đúng đối tượng theo quy định của Nhà nước; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hộ nghèo thống nhất ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã.

11. Tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực chung sức tham gia thực hiện giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh cuộc vận động ủng hộ, xây dựng Quỹ Vì người nghèo các cấp, tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa về giảm nghèo; hướng dẫn hộ nghèo lập phương án và tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương và theo khả năng quy mô, trình độ sản xuất từng vùng, từng hộ; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và cộng đồng dân cư trong việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người nghèo.

12. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, việc sử dụng các nguồn hỗ trợ, nguồn vốn vay cho người nghèo, đảm bảo hiệu quả; không để xảy ra tình trạng cán bộ và người dân trục lợi chính sách. Chỉ đạo các cấp chính quyền kịp thời tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm việc thực hiện chính sách; đề xuất các giải pháp và kiến nghị điều chỉnh, bổ sung chính sách đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với HĐND tỉnh.

2. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khóa XVI, kỳ họp thứ 4, thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Văn Vinh