Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/NQ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2020

NGHỊ QUYẾT

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Căn cứ báo cáo thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 105/TTr-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2019 và Công văn số 2230/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 23 tháng 4 năm 2020 về tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị quyết phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên quy hoạch, phạm vi ranh giới, thời kỳ quy hoạch

a) Tên quy hoạch: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

b) Phạm vi ranh giới, thời kỳ quy hoạch

- Phạm vi ranh giới: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 05 năm (2021 - 2025) được thực hiện trên phạm vi toàn bộ diện tích đất tự nhiên cả nước.

- Thời kỳ quy hoạch: thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc

a) Quan điểm

- Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; tăng giá trị kinh tế, tài chính đất đai đem lại hiệu quả sử dụng đất cao nhất vừa đáp ứng mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài cho phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh.

- Quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền tảng và phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia; gắn với quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương tạo tính liên kết liên vùng, liên tỉnh nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng đất đai của từng vùng, địa phương, là cơ sở để thực hiện chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất khu bảo tồn thiên nhiên, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và đất di tích danh thắng nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, quản lý diện tích rừng bền vững; bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; bảo vệ nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Phát triển quỹ đất theo hướng khai hoang, lấn biển; xây dựng công trình ngầm trong lòng đất tại khu vực có đủ điều kiện; đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch để khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai tại các vùng trung du, miền núi, biên giới, ven biển và hải đảo. Cho phép chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa tại những khu vực bị nhiễm mặn, hạn hán, ngập lụt để chuyển sang các mục đích khác và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm thành phố nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung phát triển các hạ tầng then chốt, có sức lan tỏa lớn; đáp ứng quỹ đất cho phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới; đặc biệt đối với vùng miền núi, biên giới, hải đảo nhằm thu hút các nguồn lực để khai thác hiệu quả quỹ đất.

- Tiếp thu và ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ của các nước trên thế giới và trong khu vực; kế thừa những thành tựu đã có để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

b) Mục tiêu

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân bổ và khoanh vùng đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương; sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững nhằm phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất đai, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước.

c) Nguyên tắc

- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường.

- Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

- Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.

- Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, tính bảo tồn.

- Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng. Bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và khả năng, quỹ đất của quốc gia nhằm sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả.

- Nội dung phân bổ và sử dụng đất trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

- Bảo đảm nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

3. Nội dung Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

a) Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030

- Điều tra, thu thập, đánh giá tổng hợp các thông tin, tài liệu, hiện trạng sử dụng đất.

- Phân tích đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực.

- Dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030.

- Xác định các quan điểm và mục tiêu sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030.

- Xây dựng phương án sử dụng đất đến năm 2030 đáp ứng mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Xác định và khoanh định diện tích các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia đến năm 2030: Đất trồng lúa (trong đó có đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt); đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất rừng sản xuất (trong đó có đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); đất khu công nghiệp; đất khu kinh tế; đất khu công nghệ cao; đất đô thị; đất quốc phòng; đất an ninh; đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia gồm đất giao thông, đất xây dựng cơ sở văn hóa, đất xây dựng cơ sở y tế, đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo, đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao, đất công trình năng lượng, đất công trình bưu chính, viễn thông; đất xây dựng kho dự trữ quốc gia, đất có di tích lịch sử - văn hóa; đất bãi thải, xử lý chất thải; đất chưa sử dụng, gồm đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng trong kỳ quy hoạch và đất chưa sử dụng còn lại.

- Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

- Đánh giá tác động của phương án phân bổ và tổ chức không gian sử dụng đất đến kinh tế, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Đề xuất các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

b) Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm (2021 - 2025)

- Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ trước.

- Xác định diện tích các loại đất trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo từng thời kỳ kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021 - 2025).

- Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021 - 2025) cho từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính cấp tỉnh.

- Giải pháp thực hiện kế hoạch sử dụng đất.

c) Tầm nhìn sử dụng đất đến năm 2050

- Xác định quan điểm, mục tiêu sử dụng đất dựa trên cơ sở dự báo phát triển kinh tế - xã hội, dân số, đô thị; công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

- Xác định tầm nhìn sử dụng đất đến năm 2050 đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu: đất trồng lúa; đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất rừng sản xuất; đất khu công nghiệp; đất khu kinh tế; đất khu công nghệ cao; đất đô thị; đất quốc phòng; đất an ninh; đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia.

d) Đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Điều tra, thu thập các thông tin, tài liệu, số liệu hiện trạng môi trường tự nhiên, các nguyên nhân gây ra biến đổi môi trường hiện nay liên quan đến lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đến năm 2030.

- Xác định các căn cứ pháp luật và kỹ thuật để thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; tổ chức thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; tóm tắt nội dung quy hoạch.

- Phạm vi đánh giá môi trường chiến lược và điều kiện môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội.

- Đánh giá tác động của quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến môi trường.

- Đề xuất giải pháp duy trì xu hướng tích cực; hạn chế, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính trong quá trình thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Kế hoạch quản lý, giám sát môi trường.

- Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược.

- Xây dựng báo cáo thuyết minh đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

đ) Xây dựng báo cáo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

e) Xử lý, tích hợp báo cáo đánh giá môi trường chiến lược vào báo cáo quy hoạch.

g) Xây dựng cơ sở dữ liệu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

h) Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học; tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng.

i) Thẩm định và phê duyệt Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

k) ông bố công khai Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Phương pháp lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được triển khai theo phương pháp tiếp cận hai chiều (vĩ mô và vi mô) với sự tham gia của các Bộ, ngành và địa phương; các đối tượng của quy hoạch sử dụng đất được đặt trong mối quan hệ tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực của nhiều yếu tố tác động đến việc sử dụng đất. Trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sử dụng các phương pháp chủ yếu sau:

a) Phương pháp điều tra thứ cấp, sơ cấp.

b) Phương pháp tổng hợp, phân tích và xử lý số liệu.

c) Phương pháp phân tích không gian, phân tích đa tiêu chí (M E) trên cơ sở ứng dụng GIS.

d) Phương pháp phân tích định tính và định lượng.

đ) Phương pháp kết hợp phân tích vĩ mô và vi mô.

e) Phương pháp toán kinh tế và dự báo.

g) Phương pháp chuyên gia.

5. Thời hạn lập quy hoạch

Thời hạn lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không quá 30 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.

6. Thành phần, số lượng, tiêu chuẩn, quy cách hồ sơ quy hoạch

a) Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

b) Nghị quyết của Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

c) Báo cáo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

d) Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân về quy hoạch; bản sao ý kiến góp ý của Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý về quy hoạch;

đ) Báo cáo thuyết minh Đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

e) Hệ thống bản đồ

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất quốc gia; bản đồ định hướng sử dụng đất quốc gia và bản đồ quy hoạch sử dụng đất quốc gia: bản dạng giấy ở tỷ lệ 1:1.000.000; bản đồ số ở tỷ lệ 1:100.000 - 1:1.000.000

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo vùng kinh tế - xã hội: bản dạng giấy ở tỷ lệ 1:250.000; bản đồ số ở tỷ lệ 1:50.000 - 1:250.000

(Sản phẩm tại các điểm a, b, c, d và đ gồm bản giấy và bản số)

Đĩa D lưu cơ sở dữ liệu về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

7. Chi phí lập quy hoạch

a) Kinh phí cho hoạt động Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kinh phí đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch sử dụng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: nguồn vốn đầu tư công.

b) Kinh phí lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia 05 năm (2021 - 2025): nguồn chi các hoạt động kinh tế.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm:

a) Phê duyệt dự toán chi tiết và lựa chọn đơn vị lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định hiện hành.

b) Xây dựng kế hoạch thực hiện và kịp thời báo cáo Hội đồng quy hoạch quốc gia về quá trình tổ chức lập quy hoạch; các nội dung vướng mắc, vượt thẩm quyền.

c) Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Nhiệm vụ khi phát sinh nội dung trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) nhưng không làm thay đổi mục tiêu của Nhiệm vụ.

2. Các Bộ, ngành có trách nhiệm:

a) Báo cáo tình hình sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020 trong phạm vi quản lý; đề xuất nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), danh mục các công trình, dự án trọng điểm có sử dụng đất gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc cung cấp chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành có liên quan đến sử dụng đất trong kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (bao gồm cả dự thảo); thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020 và đề xuất nhu cầu sử dụng đất của địa phương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), danh mục các công trình, dự án trọng điểm có sử dụng đất gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc cung cấp các thông tin, tài liệu, số liệu của địa phương có liên quan đến lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

4. Trong quá trình lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), tổ chức tư vấn lập quy hoạch tuyển chọn chuyên gia trong nước, chuyên gia nước ngoài theo quy định của pháp luật.

5. Cơ chế phối hợp: các Bộ, ngành và địa phương theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin thuộc phạm vi quản lý đảm bảo kịp thời về thời gian và tính chính xác về nội dung để tổ chức lập quy hoạch và tạo dữ liệu khung cho hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Điều 3. Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng và Cơ quan thường trực của Hội đồng Quy hoạch quốc gia theo Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 24 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng các bộ; Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (…).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc