Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/2007/NQ-HĐND

Đồng Hới, ngày 12 tháng 07 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2007-2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010;

Căn cứ Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2006- 2010;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Chỉ thị số 02/CT-TU ngày 07 tháng 6 năm 2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính;

Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 1313/TTr-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2007-2010, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu:

a) Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao, thực sự là nền hành chính phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

b) Các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ban hành đúng quy định của pháp luật và tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thủ tục hành chính được rà soát hàng năm đảm bảo rõ ràng, đơn giản, công khai, minh bạch; tạo sự thông thoáng, hấp dẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động theo cơ chế một cửa và cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.

c) Sắp xếp bộ máy hành chính các cấp tinh gọn theo quy định của Chính phủ, tách chức năng quản lý hành chính Nhà nước với hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công. Phấn đấu có 80% chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh hàng năm.

d) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp; đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có tính chuyên nghiệp cao, có đạo đức, năng lực quản lý và kỹ năng thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Phấn đấu 100% công chức các sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện và 80% công chức cấp xã đạt chuẩn quy định về trình độ đào tạo, sử dụng thành thạo tin học văn phòng và giỏi về ngoại ngữ ở một số lĩnh vực cần thiết.

đ) Thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo quy định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương.

2. Nhiệm vụ:

a) Về cải cách thể chế:

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật có các nội dung phân cấp quản lý trên các lĩnh vực: Đất đai, thu hút đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy hoạch, xây dựng, thu chi ngân sách, tổ chức và cán bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ các văn bản hết hiệu lực thi hành.

- Xây dựng quy trình giải quyết công việc hành chính, quy trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính theo hướng quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cán bộ, công chức và thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo đơn giản hóa thủ tục, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Mở rộng các lĩnh vực và nâng cao chất lượng dịch vụ trong việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Thực hiện tiêu chuẩn hóa và bố trí cán bộ công chức có đủ tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất làm việc trực tiếp tại bộ phận “Một cửa”.

b) Về cải cách tổ chức bộ máy:

- Tiến hành rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị để khắc phục sự chồng chéo, đảm bảo một nội dung công việc chỉ giao cho một cơ quan phụ trách và chịu trách nhiệm chính. Tổ chức thực hiện có hiệu quả những quy định về phân cấp giữa Trung ương và địa phương, phân cấp giữa các cấp chính quyền theo các quy định của Nhà nước; trước mắt tập trung vào các lĩnh vực bức xúc, có quan hệ nhiều với người dân và doanh nghiệp như: Đất đai, xây dựng, đầu tư, quản lý ngân sách, tổ chức và cán bộ.

- Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa thông tin, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ. Gắn cải cách tổ chức bộ máy với bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp.

c) Về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức:

- Đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức; xác định lại cơ cấu, chức danh, tiêu chuẩn cán bộ, công chức hợp lý, phù hợp với nhiệm vụ của từng cơ quan hành chính Nhà nước.

- Xây dựng, ban hành và thực hiện một số chế độ đãi ngộ của địa phương nhằm sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức hiện có; thu hút những người giỏi và tâm huyết về công tác tại địa phương nhất là ở các xã, phường, thị trấn.

- Đổi mới nội dung, chương trình và phương thức đào tạo, bồi dưỡng, kết hợp đào tạo chính quy với các hình thức đào tạo không chính quy; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời tổ chức lại hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức một cách hợp lý và có hiệu quả. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về cải cách hành chính, quản lý Nhà nước, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, tin học và ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức.

- Giáo dục cán bộ, công chức về tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, ý thức tận tâm, tận tuỵ với công việc, thực hiện quy chế công vụ thanh tra, kiểm tra gắn với quy chế dân chủ; loại ra khỏi bộ máy những cán bộ yếu về năng lực, kém về phẩm chất. Thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

d) Về cải cách tài chính công:

- Tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp quản lý tài chính và ngân sách. Đẩy mạnh xã hội hóa ở một số lĩnh vực để tăng thêm nguồn lực. Chuyển một số dịch vụ công cho doanh nghiệp, tổ chức dân lập, tư nhân; xây dựng cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo, dạy nghề, khám chữa bệnh có chất lượng cao; thực hiện cơ chế khoán một số dịch vụ công; chuyển tất cả các đơn vị hành chính và sự nghiệp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

đ) Hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước:

- Hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan hành chính; tập trung đầu tư xây dựng trụ sở làm việc bảo đảm tính kiên cố cho chính quyền cấp xã.

- Triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước; triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO: 9001-2000 trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước; xây dựng và từng bước vận hành nền hành chính điện tử, giảm giấy tờ hành chính; dành nhiều thời gian trực tiếp giải quyết vướng mắc ở cơ sở. Thực hiện Quy chế văn hóa, văn minh công sở; nâng cao hiệu quả giải quyết công việc và chất lượng các cuộc họp.

3. Các giải pháp chủ yếu:

a)- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; xem cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt và đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện cải cách hành chính.

- Tăng cường sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính các cấp, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính để kịp thời đề xuất biện pháp tích cực phù hợp yêu cầu nhiệm vụ. Hàng năm đưa công tác cải cách hành chính vào một trong những chỉ tiêu để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Khen thưởng, khuyến khích đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời xử lý nghiêm những đơn vị, địa phương thực hiện công tác cải cách hành chính kém hiệu quả.

b)- Rà soát các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính nhằm chuyển biến cơ bản hoạt động các cơ quan Nhà nước sang phương thức phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông.

- Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn nhằm phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước, hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công, sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Sắp xếp lại hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo quy định của pháp luật, chú trọng phân cấp quản lý và làm tốt công tác xã hội hóa.

c) Có chính sách đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút những chuyên gia, những cán bộ khoa học kỹ thuật có năng lực và tâm huyết, những sinh viên, học viên tốt nghiệp loại giỏi ở một số lĩnh vực cần thiết về công tác tại tỉnh.

d) Cải tiến chế độ hội họp, kiên quyết cắt giảm những cuộc họp không thiết thực... Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh cần nghiên cứu các nội dung như nghị quyết, chỉ thị, quyết định của các cơ quan Nhà nước cấp trên để có hình thức quán triệt và triển khai thực hiện thích hợp vừa tiết kiệm, vừa mang lại hiệu quả cao.

đ) Chú trọng công tác tuyên truyền cải cách hành chính nhằm nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính.

e) Gắn thực hiện cải cách hành chính với thực hiện phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đồng thời gắn thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở với trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

f) Bố trí nguồn tài chính hàng năm phù hợp từ ngân sách Nhà nước, huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính; có chế độ, chính sách động viên cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác cải cách hành chính.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh có kế hoạch cụ thể và chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cấp tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV, kỳ họp thứ 10 thông qua./.

 


Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội;
- VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước, VP Chính phủ;
- Ban chỉ đạo CCHC Chính phủ;
- Bộ Nội vụ (Vụ CCHC);
- Bộ Tài chính, Cục KTVB - Bộ Tư pháp;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh
- Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Ban, VP HĐND tỉnh;
- Các cơ quan ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT.HĐND, UBND các huyện, TP;
- Đài PT TH, Báo QB, Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, VP HĐND tỉnh.

CHỦ TỊCH




Lương Ngọc Bính