Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 69/2022/QH15

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2022

NGHỊ QUYẾT

VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2023

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 32/BC-CP ngày 16 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra số 53/BC-UBTCNS15-m ngày 19 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách; Báo cáo tiếp thu, giải trình số 362/BC- UBTVQH15 ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2023

1. Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.620.744 tỷ đồng (một triệu, sáu trăm hai mươi nghìn, bảy trăm bốn mươi bốn tỷ đồng).

2. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.076.244 tỷ đồng (hai triệu, không trăm bảy mươi sáu nghìn, hai trăm bốn mươi bốn tỷ đồng).

3. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỷ đồng (bốn trăm năm mươi lăm nghìn, năm trăm tỷ đồng), tương đương 4,42% tổng sản phẩm trong nước (GDP), bao gồm:

Bội chi ngân sách trung ương là 430.500 tỷ đồng (bốn trăm ba mươi nghìn, năm trăm tỷ đồng), tương đương 4,18% GDP;

Bội chi ngân sách địa phương là 25.000 tỷ đồng (hai mươi lăm nghìn tỷ đồng), tương đương 0,24% GDP.

4. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 648.213 tỷ đồng (sáu trăm bốn mươi tám nghìn, hai trăm mười ba tỷ đồng).

(Kèm theo các phụ lục số I, II, III và IV)

Điều 2. Bổ sung, điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

1. Bổ sung dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022 tương ứng 1.707,58 tỷ đồng từ nguồn thu từ Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí đang theo dõi tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo kiến nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 31/TTr-CP và Báo cáo số 32/BC-CP ngày 16 tháng 10 năm 2022. Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu; thanh toán, quyết toán theo đúng quy định khi thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước. Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán theo quy định.

2. Bổ sung 7.265 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho Bộ Giao thông vận tải từ nguồn ngân sách trung ương chưa phân bổ, để bố trí cho 01 dự án do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam làm chủ đầu tư đã được Quốc hội cho phép chuyển từ vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước tại Nghị quyết số 63/2022/QH15.

3. Bổ sung 31.392 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển vốn nước ngoài cho Bộ Giao thông vận tải, đồng thời tăng tương ứng bội chi ngân sách nhà nước năm 2022 để bố trí kế hoạch vốn năm 2022 cho 05 dự án, gồm: 01 dự án do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam làm chủ đầu tư và 04 dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư đã được Quốc hội cho phép chuyển từ vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước tại Nghị quyết số 63/2022/QH15.

4. Cho phép sử dụng dự toán chi trả nợ của ngân sách trung ương năm 2022 để thanh toán các khoản nợ vay nước ngoài đến hạn của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và hoàn trả nợ gốc đã ứng trả các khoản vay nước ngoài của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam được chuyển đổi thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước theo quy định. Chính phủ chịu trách nhiệm về số liệu phải chi trả; thanh toán, quyết toán theo đúng quy định.

5. Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư và sự nghiệp của ngân sách trung ương trong nước năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch năm 2021 đã được kéo dài sang năm 2022) của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ tại Nghị quyết số 517/NQ- UBTVQH15 ngày 22 tháng 5 năm 2022 chưa giải ngân đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023.

6. Cho phép tổng hợp các khoản đầu tư vốn ngân sách trung ương từ nguồn xử lý, sắp xếp nhà đất của các Bộ, cơ quan trung ương vào dự toán ngân sách nhà nước hằng năm trên cơ sở khả năng thu thực tế, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

7. Đối với việc điều chỉnh Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giữa các nhiệm vụ, dự án trong nội bộ của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Trường hợp điều chuyển nội bộ làm thay đổi tổng mức vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo ngành, lĩnh vực, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, Chính phủ tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để thực hiện, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

8. Đối với việc thay thế, bổ sung nhiệm vụ, dự án mới vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 so với danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

9. Từ năm 2022 thực hiện điều tiết ngân sách trung ương hưởng 100% đối với số thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, dịch vụ xuyên biên giới và các dịch vụ khác do nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

10. Chính phủ xây dựng phương án phân bổ số vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để bố trí cho các dự án thuộc Chương trình khi đủ điều kiện theo quy định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31 tháng 3 năm 2023. Sau thời điểm trên, số vốn chưa phân bổ của Kế hoạch đầu tư công trung hạn chuyển vào dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn; số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội không thực hiện phân bổ tiếp.

Điều 3. Về thực hiện chính sách tiền lương

1. Chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trong năm 2023. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ Chính trị.

2. Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương theo ngạch, bậc khi nâng bậc, nâng ngạch).

3. Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Trong giai đoạn 2023 - 2025, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để dành nguồn cải cách tiền lương như quy định tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội.

Điều 4. Giao Chính phủ

1. Tập trung điều hành chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả, kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, bảo đảm mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt trong một số lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới,... bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước. Trường hợp thu ngân sách trung ương năm 2023 vượt so với dự toán, đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ theo hướng bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định và ưu tiên giảm bội chi ngân sách nhà nước. Tổng hợp, báo cáo Quốc hội tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước vào kỳ họp cuối năm 2023.

Từ năm 2023, Chính phủ xây dựng cơ chế theo dõi số thu thuế của nhà cung cấp nước ngoài kê khai và nộp đối với thu nhập phát sinh sau khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ phân biệt riêng cho cá nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam để có cơ sở đánh giá, hoàn thiện và bảo đảm chế tài thực hiện chính sách quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài.

Quản lý chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu bảo đảm đúng đối tượng theo đúng quy định của pháp luật; tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Khẩn trương xây dựng các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; sớm phê duyệt, điều chỉnh đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.

Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về tài chính trong lĩnh vực đất đai theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; có giải pháp củng cố, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

3. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; phân bổ và giao dự toán đúng thời hạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng giải ngân nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn; xem xét trách nhiệm trong xây dựng dự toán không sát thực tế, tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh định mức kinh phí, ưu tiên bố trí bảo đảm công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, nhất là trong lĩnh vực giao thông; ban hành đầy đủ định mức kinh tế, kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ công, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công để làm căn cứ xây dựng đơn giá, kế hoạch đặt hàng và giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập.

Có giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đề xuất, công tác chuẩn bị, phê duyệt dự án ODA, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện, nghiên cứu chế tài xử lý đối với các trường hợp trả lại kế hoạch vốn hằng năm do nguyên nhân chủ quan.

4. Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

5. Chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Chú trọng tổ chức thực hiện các nội dung liên quan tại Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

6. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ; đánh giá, dự báo rủi ro về khả năng vay, khả năng trả nợ để có phương án quản lý, điều hành hiệu quả ngân sách nhà nước; chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả khi mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu Chính phủ; điều hành kinh phí chi trả chi phí phát hành, mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu Chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách trung ương năm 2023 được Quốc hội quyết định.

7. Hướng dẫn chi tiết việc thực hiện khoản 1 và khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết này.

Điều 5. Giám sát và kiểm toán việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

2. Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiến hành kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2022.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Vương Đình Huệ

PHỤ LỤC I

CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2023
(Kèm theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội)

Đơn vị: Tỷ đồng

STT

NỘI DUNG

DỰ TOÁN NĂM 2023

A

B

1

A

TỔNG THU NSNN

1.620.744

1

Thu nội địa

1.334.244

2

Thu từ dầu thô

42.000

3

Thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu

239.000

4

Thu viện trợ

5.500

B

TỔNG CHI NSNN

2.076.244

1

Chi đầu tư phát triển

726.684

2

Chi dự trữ quốc gia

1.875

3

Chi trả nợ lãi

102.890

4

Chi viện trợ

2.000

5

Chi thường xuyên (bao gồm chi tinh giản biên chế)

1.172.295

6

Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính

100

7

Dự phòng NSNN

57.900

8

Chi cải cách tiền lương và điều chỉnh lương hưu, một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, chính sách an sinh xã hội (1)

12.500

C

BỘI CHI NSNN

455.500

(Tỷ lệ bội chi so GDP)

4,42%

1

Bội chi NSTW

430.500

2

Bội chi NSĐP (2)

25.000

D

CHI TRẢ NỢ GỐC

192.713

1

Chi trả nợ gốc NSTW

190.515

- Từ nguồn vay để trả nợ gốc

190.515

- Từ nguồn bội thu, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư

2

Chi trả nợ gốc NSĐP

2.198

- Từ nguồn vay để trả nợ gốc

1.862

- Từ nguồn bội thu, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư

336

Đ

TỔNG MỨC VAY CỦA NSNN

648.213

1

Vay để bù đắp bội chi (3)

455.836

2

Vay để trả nợ gốc

192.377

Ghi chú:

(1) Chưa bao gồm dự kiến sử dụng khoảng 47 nghìn tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của NSTW và NSĐP đã trích từ các năm trước.

(2) Chênh lệch giữa số bội chi của các địa phương có bội chi NSĐP và số bội thu của các địa phương có bội thu NSĐP.

(3) Gồm vay bù đắp bội chi của NSTW và vay bù đắp bội chi của các địa phương có bội chi NSĐP.

PHỤ LỤC II

DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THEO LĨNH VỰC NĂM 2023
(Kèm theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội)

Đơn vị: Tỷ đồng

STT

NỘI DUNG THU

DỰ TOÁN NĂM 2023

A

B

1

TỔNG THU NSNN

1.620.744

I

Thu nội địa

1.334.244

1

Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước

168.582

2

Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

229.714

3

Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh

312.919

4

Thuế thu nhập cá nhân

154.652

5

Thuế bảo vệ môi trường

63.888

6

Các loại phí, lệ phí

79.655

Trong đó: Lệ phí trước bạ

40.332

7

Các khoản thu về nhà, đất

177.823

- Thuế sử dụng đất nông nghiệp

2

- Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

2.261

- Thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước

24.592

- Thu tiền sử dụng đất

150.000

- Thu tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

968

8

Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết

37.580

9

Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

5.088

10

Thu khác ngân sách (1)

26.206

11

Thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác

902

12

Thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước

77.236

II

Thu từ dầu thô

42.000

III

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu

239.000

1

Tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu

425.000

- Thuế giá trị gia tăng thu từ hàng hóa nhập khẩu

315.400

- Thuế xuất khẩu

9.200

- Thuế nhập khẩu

67.292

- Thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hóa nhập khẩu

32.200

- Thuế bảo vệ môi trường thu từ hàng hóa nhập khẩu

824

- Thu khác

84

2

Hoàn thuế giá trị gia tăng

-186.000

IV

Thu viện trợ

5.500

Ghi chú: (1) Bao gồm thu từ nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

PHỤ LỤC III

CÂN ĐỐI NGUỒN THU, CHI DỰ TOÁN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG VÀ NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2023
(Kèm theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội)

Đơn vị: Tỷ đồng

STT

NỘI DUNG

DỰ TOÁN NĂM 2023

A

B

1

A

NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG

I

Thu NSTW hưởng theo phân cấp

863.567

1

Thu thuế, phí và các khoản thu khác

858.067

2

Thu từ nguồn viện trợ

5.500

II

Tổng chi NSTW

1.294.067

1

Chi NSTW theo phân cấp (không kể bổ sung cho NSĐP)

857.863

2

Chi bổ sung cho NSĐP

436.204

- Chi bổ sung cân đối

238.243

- Chi bổ sung có mục tiêu

197.961

III

Bội chi NSTW

430.500

B

NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

I

Tổng thu NSĐP

1.193.381

1

Thu NSĐP hưởng theo phân cấp

757.177

2

Thu bổ sung từ NSTW

436.204

- Thu bổ sung cân đối

238.243

- Thu bổ sung có mục tiêu

197.961

II

Tổng chi NSĐP

1.218.381

1

Chi cân đối NSĐP theo phân cấp (không kể bổ sung có mục tiêu từ NSTW)

1.020.420

2

Chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu của NSTW

197.961

III

Bội chi NSĐP (1)

25.000

1

Bội chi của các địa phương có bội chi NSĐP

25.336

2

Bội thu của các địa phương có bội thu NSĐP

336

Ghi chú:

(1) Chênh lệch giữa số bội chi của các địa phương có bội chi NSĐP và số bội thu của các địa phương có bội thu NSĐP.

PHỤ LỤC IV

DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC, CHI NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG VÀ CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG THEO CƠ CẤU CHI NĂM 2023
(Kèm theo Nghị quyết số 69/2022/QH ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội)

Đơn vị: Tỷ đồng

SỐ TT

NỘI DUNG

NSNN

CHIA RA

NSTW

NSĐP

A

B

1=2 3

2

3

TỔNG CHI NSNN

2.076.244

1.055.824

1.020.420

I

Chi đầu tư phát triển

726.684

383.403

343.281

II

Chi dự trữ quốc gia

1.875

1.875

III

Chi trả nợ lãi

102.890

102.890

IV

Chi viện trợ

2.000

2.000

V

Chi thường xuyên

1.172.295

515.256

657.039

Trong đó:

- Chi giáo dục - đào tạo và dạy nghề

286.700

26.700

260.000

- Chi khoa học và công nghệ

12.091

8.800

3.291

VI

Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính

100

100

VII

Dự phòng NSNN

57.900

37.900

20.000

VIII

Chi cải cách tiền lương, lương hưu, điều chỉnh một số chế độ trợ cấp, phụ cấp và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở (1)

12.500

12.500

Ghi chú:

(1) Chưa bao gồm dự kiến sử dụng khoảng 47 nghìn tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của NSTW và NSĐP đã trích từ các năm trước.