TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06a/NQ-TLĐ | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 01 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
HỘI NGHỊ LẦN THỨ SÁU
BAN CHẤP HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM KHOÁ X
VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Khoá X) họp ngày 5-6 tháng 01 năm 2011, tại thành phố Hồ Chí Minh, đã thảo luận Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thực trạng công tác chỉ đạo và hoạt động của công đoàn cơ sở (CĐCS).
Hội nghị nhất trí đánh giá những kết quả đã đạt được và những hạn chế cần khắc phục; thống nhất quan điểm, mục tiêu, nội dung, giải pháp chủ yếu tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ do Đại hội X Công đoàn Việt Nam đề ra, góp phần thực hiện Nghị quyết 6 TW (khoá X) của Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
I- TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CĐCS
1- Về ưu điểm
- Mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của CĐCS hiện nay cơ bản đã đáp ứng được việc tập hợp công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) gia nhập tổ chức công đoàn và tham gia hoạt động của CĐCS, từng bước thích ứng với những chuyển đổi của các loại hình đơn vị, doanh nghiệp. Tính đến tháng 11/2010 cả nước có 106.116 CĐCS với 7.098.829 đoàn viên công đoàn.
- Đội ngũ cán bộ CĐCS đa số có phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình, được đoàn viên tín nhiệm. Thông qua hoạt động thực tiễn, nhiều cán bộ công đoàn đã trưởng thành nhanh chóng, tự học hỏi, nắm vững chính sách, pháp luật, nêu cao vai trò đại diện cho tập thể lao động, có bản lĩnh đấu tranh vì lợi ích của người lao động.
- Hoạt động CĐCS khu vực nhà nước có nhiều thuận lợi, các nội dung hoạt động được triển khai khá toàn diện; có trên 90% CNVCLĐ gia nhập tổ chức công đoàn; 70% CĐCS có quy chế hoạt động của ban chấp hành (BCH) và quy chế phối hợp hoạt động giữa BCH công đoàn với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tỷ lệ CĐCS vững mạnh bình quân hàng năm đạt trên 80%.
- Hoạt động CĐCS khu vực ngoài nhà nước gặp nhiều khó khăn, song trong những năm qua với sự hướng dẫn, hỗ trợ của công đoàn cấp trên không ít CĐCS ở doanh nghiệp đã thương lượng và ký được TƯLĐTT có điều khoản có lợi cho người lao động; chủ động tổ chức đối thoại và duy trì chế độ làm việc định kỳ giữa BCH công đoàn với ban giám đốc để phản ánh kịp thời những kiến nghị của CNLĐ, nên đã kịp thời phòng ngừa giải quyết có hiệu quả tranh chấp lao động. Đã vận động được nhiều người lao động gia nhập công đoàn, tỷ lệ CĐCS đạt vững mạnh hàng năm đạt 49%.
2- Hạn chế
- Một số nơi tuy đủ điều kiện nhưng chưa thành lập CĐCS, hoặc chưa đủ điều kiện nhưng vẫn chuyển công đoàn bộ phận thành CĐCS nên không thực hiện được quyền hạn của CĐCS theo quy định của pháp luật.
- Đội ngũ cán bộ CĐCS chủ yếu kiêm nhiệm, ít có điều kiện trau dồi về nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động công đoàn. Cán bộ công đoàn bộ phận, tổ công đoàn đa số chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn. Phần lớn CĐCS các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có đông đoàn viên chưa bố trí được cán bộ chuyên trách công đoàn.
- Phần lớn CĐCS chưa thực hiện phân cấp nhiệm vụ và quyền hạn đối với CĐCS thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn; chưa thực hiện việc bầu cán bộ tổ công đoàn hàng năm; chưa coi trọng sinh hoạt tổ công đoàn.
- Công đoàn cơ sở thuộc khu vực nhà nước, có nơi chưa thực hiện tốt công tác tham gia quản lý; tổ chức phong trào thi đua, tổ chức đại hội CNVC, hội nghị cán bộ công chức và hoạt động của ban thanh tra nhân dân còn hình thức. Việc tự chấm điểm xếp loại CĐCS vững mạnh hàng năm còn nặng về hình thức, chưa sát với thực chất hoạt động của CĐCS.
- Công đoàn cơ sở thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn lúng túng về nội dung và phương pháp hoạt động. Việc tuyên truyền giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở nhiều đơn vị không có điều kiện triển khai. Tỷ lệ CNLĐ gia nhập công đoàn và CĐCS đạt vững mạnh hàng năm thấp.
3- Nguyên nhân của hạn chế
3.1- Về chủ quan:
- Sự chỉ đạo của các cấp công đoàn chưa đồng bộ, thiếu các giải pháp cụ thể. Sự phối hợp giữa công đoàn cấp huyện và công đoàn ngành địa phương, công đoàn các khu công nghiệp trên địa bàn chưa tốt dẫn đến chồng chéo. Chỉ đạo hoạt động CĐCS dàn trải, hình thức. Một số văn bản hướng dẫn chậm được ban hành, hoặc chưa sát với thực tiễn. Đánh giá xếp loại CĐCS, NĐ vững mạnh của công đoàn cấp trên chưa phản ánh đúng chất lượng hoạt động của CĐCS; chưa coi trọng việc tổng kết thực tiễn và tập huấn, bồi dưỡng cán bộ hoạt động ở CĐCS.
- Đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp ở nhiều nơi thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng nên chưa thực hiện tốt vai trò đại diện và chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS. Đội ngũ cán bộ chuyên trách CĐCS quá thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên biến động.
- Công đoàn cơ sở được giao nhiều nhiệm vụ, quyền hạn, nhưng không có điều kiện thực hiện. Lợi ích giữa đoàn viên và người lao động chưa gia nhập công đoàn không có nhiều sự khác biệt, vì vậy chưa thu hút được đông đảo CNLĐ tham gia tổ chức công đoàn và đoàn viên chưa tích cực tham gia hoạt động công đoàn.
3.2- Về khách quan:
- Các cấp công đoàn không được chủ động quyết định về biên chế và tuyển dụng cán bộ chuyên trách công đoàn. Chế độ tiền lương đối với cán bộ CĐCS chưa hợp lý nên chưa thu hút được người làm cán bộ chuyên trách công đoàn.
- Không ít doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước vừa không tạo điều kiện, vừa gây khó khăn cho CĐCS hoạt động.
- Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm pháp luật lao động và quyền công đoàn của các cơ quan chức năng Nhà nước chưa kịp thời, hiệu quả thấp, do vậy ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động CĐCS.
- Số doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước hiện nay có tổ chức Đảng không nhiều nên hoạt động của CĐCS nhiều khi gặp khó khăn.
II- QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
A- Quan điểm
- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS nhằm thực hiện tốt chức năng của tổ chức công đoàn, nâng cao vị trí, vai trò của CĐCS, thu hút đông đảo CNLĐ gia nhập tổ chức công đoàn, xây dựng CĐCS vững mạnh.
- Giữ vững sự ổn định, thống nhất về tổ chức và đoàn kết trong hệ thống, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng.
B- Mục tiêu
- Thực hiện Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam “tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn các cấp, hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu”.
- Tập hợp đông đảo CNLĐ gia nhập tổ chức công đoàn và tham gia hoạt động công đoàn, nâng cao chất lượng hoạt động và đội ngũ cán bộ CĐCS. Phấn đấu có trên 90% CNVCLĐ trong doanh nghiệp nhà nước, trên 60% CNLĐ khu vực ngoài nhà nước gia nhập tổ chức công đoàn. Hàng năm có trên 80% CĐCS khu vực nhà nước, trên 40% CĐCS khu vực ngoài nhà nước đạt vững mạnh và vững mạnh xuất sắc.
C- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1- Về tổ chức và cán bộ
- Mô hình tổ chức CĐCS phải linh hoạt, thuận lợi cho CNLĐ tham gia tổ chức công đoàn và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CĐCS.
- Cơ cấu tổ chức của CĐCS phải gọn, phù hợp với cơ sở. Nhiệm vụ của CĐCS thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn phải được hướng dẫn cụ thể.
- Số lượng và chất lượng cán bộ công đoàn chuyên trách cấp trên trực tiếp CĐCS phải được đảm bảo để thực hiện tốt công tác hướng dẫn, chỉ đạo CĐCS. Những CĐCS đông đoàn viên được bố trí cán bộ chuyên trách.
- Cán bộ CĐCS phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn và kỹ năng đàm phán thương lượng, ký kết TƯLĐTT.
2- Về nội dung và phương thức hoạt động
- Đối với CĐCS trong khu vực nhà nước: Tiếp tục duy trì và phát huy vai trò nòng cốt để thúc đẩy việc phát triển đoàn viên và xây dựng CĐCS vững mạnh trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước; thực hiện đồng bộ các chức năng của công đoàn, chú trọng thực hiện quy chế dân chủ và tổ chức phong trào thi đua có hiệu quả. Tích cực tham gia công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong đội ngũ CNVCLĐ.
- Đối với CĐCS khu vực ngoài nhà nước: Tập trung hướng dẫn CĐCS kỹ năng, phương thức hoạt động, xác định nội dung trọng tâm để tổ chức thực hiện. Chủ động đề xuất và tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại, thương lượng ký kết TƯLĐTT; xây dựng đội ngũ đoàn viên nòng cốt; thực hiện tốt việc phân công đoàn viên tuyên truyền, giới thiệu người gia nhập công đoàn.
- Phải quản lý thật tốt tài chính CĐCS, mở sổ sách theo dõi, khắc phục tình trạng thất thu kinh phí, đoàn phí công đoàn; chi phải đảm bảo nguyên tắc và quy định của Tổng Liên đoàn và phục vụ kịp thời các phong trào của CĐCS ; đẩy mạnh các hoạt động tự kiểm tra hoạt động ở cơ sở.
- Hoạt động CĐCS cần linh hoạt, kiên trì, lấy thương lượng, vận động, thuyết phục là chủ yếu. Đối với người lao động và đoàn viên, CĐCS cần tập trung vào vận động là chính. Đối với người sử dụng lao động, công đoàn phải vừa hợp tác, vừa đấu tranh để doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật và các thoả thuận cam kết đối với người lao động và công đoàn theo HĐLĐ và TƯLĐTT.
3- Về kinh phí hoạt động
- Khuyến khích các CĐCS đẩy mạnh các hoạt động tăng nguồn thu bổ sung kinh phí hoạt động tại CĐCS.
- Tăng tỷ lệ kinh phí để lại cho CĐCS.
- Tiếp tục phân cấp quản lý tài chính công đoàn, tạo sự chủ động phục vụ cho hoạt động của công đoàn cơ sở.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
- Tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh dự án Luật Công đoàn sửa đổi trình Quốc hội; tham gia hoàn chỉnh dự án Bộ luật Lao động sửa đổi.
- Chỉ đạo xây dựng các đề án, quy định, hướng dẫn:
+ Về bổ sung Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khoá X. Hướng dẫn đánh giá chất lượng hoạt động công đoàn cấp cơ sở.
+ Về định biên cán bộ công đoàn chuyên trách cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS; chế độ tiền lương, phụ cấp cán bộ CĐCS và cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở.
+ Về quy định phân phối tài chính công đoàn.
+ Về hướng dẫn cách thức và nội dung tuyên truyền giáo dục chính trị trong các đơn vị, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên kiêm chức công đoàn, chuyên gia đàm phán thương lượng TƯLĐTT cho công đoàn cấp trên trực tiếp của CĐCS.
- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo của công đoàn xây dựng giáo trình, tài liệu phục vụ cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn.
- Ưu tiên cho công tác chỉ đạo và nâng cao hiệu quả hoạt động CĐCS, định kỳ tổ chức sơ, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết.
- Các ban của Tổng Liên đoàn chủ động đề xuất với Đoàn Chủ tịch và chủ động hướng dẫn các chuyên đề trong phạm vi được phân công, tạo điều kiện để các cấp công đoàn chủ động tổ chức thực hiện.
2- Đối với các công đoàn cấp trên
- Củng cố công đoàn ngành địa phương theo hướng tinh gọn, phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành, địa phương; đẩy mạnh phân cấp phát triển đoàn viên và thành lập, chỉ đạo CĐCS có cùng ngành nghề trên địa bàn, thí điểm việc thương lượng, ký TƯLĐTT ngành địa phương. Xây dựng quy chế phối hợp chỉ đạo CĐCS giữa các công đoàn cấp huyện, ngành địa phương, các khu công nghiệp. Kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức công đoàn trong các tổng công ty, tập đoàn kinh tế trực thuộc các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW theo hướng là cấp chỉ đạo trực tiếp của CĐCS.
- Hướng dẫn CĐCS xây dựng, thương lượng ký TƯLĐTT và tổ chức hội nghị người lao động bảo đảm chất lượng. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật; Đổi mới việc tập hợp CNLĐ và thành lập CĐCS theo cách tiếp cận từ dưới lên trên nhằm giảm bớt sự can thiệp và phụ thuộc từ phía người sử dụng lao động.
- ưu tiên đào tạo và ổn định đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác chỉ đạo, hướng dẫn phát triển đoàn viên và xây dựng CĐCS vững mạnh. Đầu tư thoả đáng nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở.
- Hàng năm tổ chức tổng kết công tác phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS vững mạnh.
3- Đối với công đoàn cơ sở
- Sắp xếp cơ cấu tổ chức cho phù hợp với hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp; những CĐCS thành viên, công đoàn bộ phận không phát huy hiệu quả thì chủ động sắp xếp lại theo cơ cấu tổ chức CĐCS trực tiếp chỉ đạo đến tổ công đoàn.
- Xác định rõ những nội dung trọng tâm phải thực hiện. Tập trung củng cố hoạt động của tổ công đoàn và thực hiện tốt phân công đoàn viên hoạt động.
- Thực hiện tốt công tác thu, chi, và quản lý tài chính CĐCS theo đúng quy định.
- Thực hiện tự chấm điểm đánh giá phân loại CĐCS đúng với thực chất hoạt động; khuyến khích CĐCS tự đánh giá và thông qua lấy ý kiến đoàn viên.
Trên cơ sở Nghị quyết này, Ban Chấp hành TLĐ giao Đoàn Chủ tịch TLĐ hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện. Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW, công đoàn tổng công ty trực thuộc TLĐ căn cứ sự chỉ đạo, hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch TLĐ để xây dựng chương trình, kế hoạch, có chỉ tiêu và biện pháp để triển khai Nghị quyết phù hợp với đặc điểm của ngành, địa phương.
Nơi nhận: | TM. BAN CHẤP HÀNH |