Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06b/NQ-TLĐ

Hà Nội, ngày 29 tháng 1 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

HỘI NGHỊ LẦN THỨ SÁU BAN CHẤP HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM KHOÁ X

VỀ CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG NỮ CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC

Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khoá X) họp ngày 5-6 tháng 1 năm 2011, tại thành phố Hồ Chí Minh, đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (sau đây viết tắt là nữ CNVCLĐ).

I. TÌNH HÌNH NỮ CNVCLĐ VÀ CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG NỮ CNVCLĐ TRONG THỜI GIAN QUA

Trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, hơn hai mươi năm qua, cùng với giai cấp công nhân, đội ngũ nữ CNVCLĐ đã lớn mạnh không ngừng cả về số lượng và chất lượng, chiếm trên 48% tổng số CNVCLĐ. Ở một số ngành, nghề, nữ chiếm tỉ lệ khá cao như Ngân hàng, Giáo dục, Y tế, Dệt may, Cao su... Nữ CNVCLĐ đã có nhiều đóng góp quan trọng vào các thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn luôn quan tâm, chăm lo tạo điều kiện cho sự tiến bộ của nữ CNVCLĐ và thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ. Thực hiện Nghị quyết 4C/TLĐ ngày 5/1/1996 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khoá VII) về “Công tác vận động nữ CNLĐ trong tình hình mới”, 15 năm qua, các cấp công đoàn đã quan tâm chỉ đạo triển khai và thu được những kết quả đáng khích lệ. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ mọi mặt cho nữ CNVCLĐ được đẩy mạnh, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, mở rộng về đối tượng; tích cực tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ CNVCLĐ. Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia và ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, các hoạt động xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, công tác cán bộ nữ có bước chuyển biến. Qua thực tiễn hoạt động phong trào đã xây dựng được đội ngũ cán bộ nữ công luôn tận tụy, tâm huyết; phương thức hoạt động nữ công ngày càng được đổi mới. Kết quả 15 năm thực hiện đã khẳng định cả về mặt lí luận và thực tiễn của Nghị quyết 4C với nội dung toàn diện, phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của đất nước giai đoạn sau 10 năm đổi mới. Việc ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về công tác nữ đã góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với vai trò của lực lượng nữ CNVCLĐ và góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, công tác vận động nữ CNVCLĐ cũng còn nhiều thách thức. Trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, năng lực quản lý điều hành, kỹ năng nghề nghiệp của một bộ phận lao động nữ còn hạn chế; điều kiện lao động, điều kiện sống, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo và đời sống tinh thần của nữ CNVCLĐ vẫn còn nhiều bức xúc. Đặc biệt, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, một bộ phận nữ công nhân ở các doanh nghiệp còn gặp khó khăn, việc làm không ổn định, thu nhập thấp; tình hình giá cả biến động, các dịch vụ xã hội ở các khu công nghiệp chưa được đảm bảo cũng có những áp lực đến đời sống, việc nuôi dạy con cái, hạnh phúc gia đình của nữ CNVCLĐ. Vấn đề chăm sóc sức khoẻ sinh sản, nữ đơn thân, nữ có hoàn cảnh khó khăn chưa được quan tâm đúng mức; tỉ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo quản lý còn thấp; công tác nữ công ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn nhiều khó khăn, chậm đổi mới phương thức hoạt động, chưa thu hút được đông đảo nữ CNVCLĐ vào tổ chức Công đoàn.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do:

- Nhận thức về bình đẳng giới còn hạn chế; sự kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách với nữ CNVCLĐ chưa đồng bộ, chưa quyết liệt, còn có biểu hiện khoán trắng công tác nữ cho cán bộ nữ công.

- Việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ nữ công vừa kiêm nhiệm lại thiếu ổn định.

- Lồng ghép giới trong hoạch định và thực thi chính sách nói chung và hoạt động công đoàn nói riêng là vấn đề mới nên còn lúng túng.

Nhằm tiếp tục phát huy vai trò và tiềm năng của nữ CNVCLĐ, quán triệt Nghị quyết 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Nghị quyết 20/NQ-TW của Ban Chấp hành TW Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Luật Bình đẳng giới và các văn bản pháp luật liên quan. Trong thời gian tới, công tác vận động nữ CNVCLĐ cần quán triệt các quan điểm, mục tiêu và tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Công tác vận động nữ CNVCLĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn nhằm phát huy vai trò, tiềm năng, trí tuệ của nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Công tác vận động nữ CNVCLĐ phải phù hợp với các đối tượng, ngành, nghề; đáp ứng được nguyện vọng, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ CNVCLĐ; tạo điều kiện để nữ CNVCLĐ nâng cao trình độ mọi mặt, thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người vợ, người thầy đầu tiên của con người.

- Vận động nữ CNVCLĐ là trách nhiệm trực tiếp, thường xuyên của các cấp công đoàn, được quán triệt trong các mặt hoạt động của công đoàn. Ban Nữ công có vai trò nòng cốt, đầu mối trong việc tham mưu giúp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp chỉ đạo, triển khai thực hiện.

2. Mục tiêu

- Xây dựng đội ngũ nữ CNVCLĐ ngày càng lớn mạnh, nâng cao trình độ mọi mặt nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, thực hiện bình đẳng giới; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

- Coi trọng việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nữ CNVCLĐ.

- Tập hợp đông đảo nữ CNVCLĐ ở các thành phần kinh tế vào tổ chức Công đoàn; Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ của tổ chức Công đoàn, kiện toàn Ban Nữ công các cấp cả về số lượng và chất lượng.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới

- Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu về công tác phụ nữ trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp công đoàn về công tác vận động nữ CNVCLĐ, trên cơ sở đó chủ động hoặc phối hợp tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình hành động của Tổng Liên đoàn LĐVN thực hiện Nghị quyết 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Nghị quyết 20/NQ-TW của Ban Chấp hành TW Đảng khoá X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” và Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới.

- Các cấp công đoàn, Báo Lao động, Tạp chí Lao động và Công đoàn và các tạp chí trong hệ thống công đoàn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới trong CNVCLĐ; đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm nhân phẩm, bạo hành với nữ CNVCLĐ.

2. Tăng cường vai trò đại diện của Công đoàn nhằm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ CNVCLĐ

- Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ CNVCLĐ, chủ động tham gia có hiệu quả với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến nữ CNVCLĐ, chú trọng lồng ghép giới trong quá trình xây dựng chính sách, kế hoạch của ngành, địa phương, đơn vị.

- Các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở cần tập trung tư vấn, hướng dẫn lao động nữ ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật; thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể và phấn đấu 70% số thoả ước lao động tập thể có các thoả thuận về chính sách lao động nữ có lợi hơn so với quy định của pháp luật.

- Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật lao động nữ. Trong điều kiện doanh nghiệp phải dãn việc, tạm ngừng việc thì phải ưu tiên đảm bảo việc làm cho lao động nữ.

- Đảm bảo điều kiện lao động và an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khoẻ sinh sản và chế độ khám sức khoẻ định kỳ cho nữ CNVCLĐ.

- Đề xuất các biện pháp có tính thực thi giải quyết vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, nhà ở, thiết chế văn hoá tại các khu công nghiệp tập trung và nơi có đông nữ CNVCLĐ.

- Ưu tiên hỗ trợ nữ CNVCLĐ nghèo được vay vốn, phát triển kinh tế gia đình từ Quỹ trợ vốn, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ vì nữ CNLĐ nghèo, tăng cường các hoạt động xã hội của các cấp công đoàn giúp đỡ các trường hợp nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

- Hàng năm, Quỹ Bảo trợ Trẻ em của Công đoàn Việt Nam dành tỉ lệ kinh phí thích đáng trao học bổng cho con nữ CNVCLĐ vượt khó, học giỏi.

3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, xây dựng người nữ CNVCLĐ có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu

- Phối hợp với lãnh đạo chuyên môn của cơ quan, đơn vị, khuyến khích và tạo điều kiện cho nữ CNVCLĐ được học tập, đào tạo bồi dưỡng các kiến thức về chính trị, văn hoá, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Chú trọng việc đào tạo nghề cho lao động nữ đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và phát huy được thế mạnh của phụ nữ.

- Đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua khác trong CNVCLĐ. Cần cụ thể hóa các nội dung, tiêu chuẩn thi đua cho phù hợp với đơn vị, cơ sở; Tôn vinh, biểu dương kịp thời các tài năng sáng tạo nữ, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và các cuộc vận động.

- Giáo dục về truyền thống và phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Xây dựng gian trưng bày truyền thống nữ CNVCLĐ trong Bảo tàng truyền thống Công nhân và Công đoàn Việt Nam.

4. Xây dựng gia đình nữ CNVCLĐ no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc

- Đẩy mạnh các hình thức tư vấn về hôn nhân gia đình, trách nhiệm của nam giới chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc và nuôi dạy con; thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình, mỗi gia đình CNVCLĐ chỉ sinh từ 1 hoặc 2 con, phấn đấu không còn tình trạng sinh con thứ 3.

- Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, đặc biệt trong nữ CNVCLĐ trẻ, các vấn đề về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kỹ năng làm mẹ, làm vợ, làm dâu trong gia đình; phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội.

- Đẩy mạnh các hoạt động như hội thi về nữ công gia chánh; văn hoá ứng xử, các hình thức tọa đàm, gặp mặt, biểu dương các gia đình nữ CNVCLĐ tiêu biểu, quan tâm giúp đỡ các nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, nữ đơn thân.

5. Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nâng cao chất lượng hoạt động Ban Nữ công công đoàn các cấp, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh

- Vận động, tập hợp đông đảo nữ CNVCLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn.

- Tham mưu cho cấp uỷ cùng cấp trong công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ, chú ý đối tượng nữ công nhân trẻ.

- Quan tâm công tác tạo nguồn, bồi dưỡng nữ CNVCLĐ tiêu biểu để giới thiệu với cấp uỷ Đảng xem xét kết nạp.

- Trong nhiệm kỳ Đại hội công đoàn các cấp, phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Công đoàn đạt 30% trở lên.

- Các đơn vị có 30% lao động nữ trở lên, nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ, cơ quan lãnh đạo các cấp công đoàn phải có tỉ lệ nữ phù hợp mục tiêu bình đẳng giới.

- Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về giới, kỹ năng phân tích giới và lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn cho đội ngũ cán bộ công đoàn; phấn đấu 100% cán bộ nữ công được bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác công đoàn và nữ công. Trường Đại học Công đoàn, Đại học Tôn Đức Thắng phối hợp với Liên đoàn lao động địa phương, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn mở các lớp bồi dưỡng về công tác nữ, trao học bổng cho các sinh viên nữ xuất sắc, ưu tiên xét tuyển vào làm cán bộ nữ công ở các cơ quan công đoàn.

- Củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò của Ban Nữ công, Ban Nữ công quần chúng, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức nâng cao hiệu quả hoạt động nữ công, đặc biệt trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Tăng cường sự chỉ đạo của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn các cấp đối với công tác nữ, phân công uỷ viên trực tiếp phụ trách công tác nữ công của Công đoàn.

- Các cấp công đoàn phải đảm bảo kinh phí và huy động nguồn lực cho hoạt động nữ công.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

- Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN chỉ đạo việc triển khai Nghị quyết, tạo điều kiện về chính sách, cơ chế cho các cấp công đoàn triển khai có hiệu quả công tác nữ công.

- Phối hợp với các cơ quan hữu quan để tăng cường công tác vận động nữ CNVCLĐ.

2. Các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn

- Tổ chức quán triệt Nghị quyết và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết, phối hợp với các cơ quan hữu quan để tăng cường công tác vận động nữ CNVCLĐ.

- Hướng dẫn các công đoàn trực thuộc cụ thể hoá Nghị quyết này vào chương trình công tác hàng năm, bố trí kinh phí cho hoạt động nữ công và cán bộ làm công tác nữ công.

3. Hàng năm tổng kết chuyên đề nữ công, định kỳ 5 năm đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết. Ban Nữ công Tổng Liên đoàn chủ trì, phối hợp với các Ban, đơn vị trực thuộc của Tổng Liên đoàn và các cơ quan liên quan giúp Ban Chấp hành theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra đánh giá việc thực hiện Nghị quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Dân vận TW;
- Các Uỷ viên BCH TLĐ;
- Các Ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
- LĐLĐ tỉnh, thành phố,
Công đoàn ngành Trung ương,
Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc TLĐ;
- Các trường Công đoàn;
- Lưu VT, NC TLĐ.

TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Tùng