Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6e/2008/NQCĐ-HĐND

Huế, ngày 04 tháng 4 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP THỂ DỤC THỂ THAO TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHOÁ V, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 57/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phát triển ngành thể dục thể thao đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 4467 /TTr-UBND ngày 08 tháng 10 năm 2007 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến thảo luận của các đại biểu tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành và thông qua quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm quy hoạch:

a) Phát huy mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển thể dục, thể thao Thừa Thiên Huế mang tính dân tộc, khoa học và nhân dân, góp phần tăng cường sức khoẻ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân và góp phần hội nhập quốc tế.

b) Phát triển thể dục, thể thao toàn diện trên cả ba mặt: trường học, quần chúng và thể thao thành tích cao; gắn phát triển thể dục thể thao với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là gắn với các hoạt động văn hoá và du lịch.

c) Phát triển thể thao thành tích cao theo xu hướng chung của quốc gia và quốc tế, lấy đào tạo vận động viên làm khâu đột phá.

d) Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thể dục, thể thao dưới sự quản lý thống nhất của nhà nước. Tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, từng bước đưa thể dục, thể thao thành một loại hình kinh tế dịch vụ, đảm bảo sự phát triển ổn định bền vững.

2. Mục tiêu phát triển:

a. Mục tiêu chung:

Phát triển thể dục, thể thao để nâng cao thể lực và tầm vóc con người Thừa Thiên Huế; nâng cao vị thế thể thao của tỉnh ở trong nước và quốc tế. Phấn đấu đưa sự nghiệp thể dục, thể thao Thừa Thiên Huế xứng đáng là một trong những địa phương đứng ở thứ hạng cao của khu vực miền Trung và cả nước.

b. Các mục tiêu cụ thể:

Phong trào thể dục, thể thao trường học:

- Số trường phổ thông đảm bảo tốt chương trình giảng dạy thể dục thể thao nội khoá đạt 100% năm 2020.

- Số trường phổ thông tổ chức tốt hoạt động thể dục, thể thao ngoại khoá, có các câu lạc bộ thể dục, thể thao đạt 49% năm 2010, 54% năm 2015, 60% năm 2020.

- Năm 2015: 50% trường tiểu học, 100% trường THCS và THPT có giáo viên chuyên trách thể dục, thể thao.

- Số trường phổ thông có sân tập thể dục, thể thao đạt tiêu chuẩn và nhà tập đơn giản đạt 20% năm 2010, 40% năm 2015, 55 - 65% năm 2020.

- Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề đảm bảo chương trình thể dục nội khóa. Khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa.

Phong trào thể dục, thể thao quần chúng:

- Số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên so với dân số đạt 23% năm 2010, 28% năm 2015, 35 - 40% năm 2020 (không tính học sinh phổ thông).

- Số gia đình thể thao đạt 12 - 14% năm 2010, 15 - 17% năm 2015, 20 - 22% năm 2020.

- Số huyện, thành phố có sân vận động, nhà tập, bể bơi đạt 30% năm 2010, 50% năm 2015, 80 - 90% năm 2020.

- Số xã, phường, thị trấn xây dựng các địa điểm tập luyện thể dục, thể thao theo quy định đạt 100% năm 2020.

Thể thao thành tích cao:

- Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng yêu cầu huấn luyện các môn thể thao trọng điểm, nâng cao thành tích thi đấu thể thao ở trong nước, ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á.

- Tập trung đầu tư, sớm đưa Đội bóng đá Huda Huế lên hạng chuyên nghiệp. Nghiên cứu hình thức chuyển đội bóng cho doanh nghiệp quản lý.

- Trong các Đại hội thể thao toàn quốc, thể thao Thừa Thiên Huế phấn đấu dành thứ hạng ổn định từ 10 - 15.

Phát triển thể dục, thể thao gắn liền với phát triển văn hoá - dịch vụ - du lịch và đẩy mạnh xã hội hoá thể dục, thể thao:

- Đến năm 2010 có 80% đơn vị sự nghiệp thể dục, thể thao của nhà nước chuyển sang cơ chế dịch vụ công. Khuyến khích các cơ sở ngoài công lập phát triển thể dục, thể thao.

- Đa dạng hóa các loại hình và phương thức tổ chức hoạt động thể dục, thể thao, gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch, dịch vụ; khôi phục các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc để từng bước đưa vào chương trình thi đấu hàng năm của tỉnh.

- Xây dựng các công trình thể thao theo hướng gắn công trình với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ và đa dạng loại hình hoạt động.

3. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:

a. Giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đổi mới phương pháp hoạt động, tăng cường tổ chức bộ máy thể dục thể thao các cấp.

b. Giải pháp về cơ chế chính sách: xây dựng các cơ chế, chính sách về hoạt động và hưởng thụ thể dục thể thao của nhân dân vùng sâu, vùng xa; về xã hội hoá các hoạt động thể dục thể thao; về phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để phát triển thể dục thể thao; về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; về khen thưởng.

c. Giải pháp về quy hoạch và sử dụng đất:

- Đất dành cho các cơ sở thể dục, thể thao đến năm 2010 là 979,26 ha, trong đó có 801,1ha là các công trình thể thao trọng điểm.

- Bảo đảm diện tích đất bình quân cho người dân tập luyện thể dục thể thao đạt 2m2/ người năm 2015; 3m2/người năm 2020.

d. Giải pháp về đầu tư, huy động vốn:

- Từng bước tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho sự nghiệp thể dục, thể thao, đồng thời tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

- Huy động vốn từ xã hội hoá trong lĩnh vực thể dục, thể thao thông qua các nguồn viện trợ, tài trợ trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Uỷ ban Nhân dân tỉnh tiếp thu và hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch theo nghị quyết Hội đồng nhân dân đã thông qua. Đồng thời, tiến hành triển khai thực hiện quy hoạch theo chức năng, thẩm quyền. Quá trình thực hiện, Uỷ ban Nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của quy hoạch khi cần thiết, nhưng phải đảm bảo theo đúng quan điểm và mục tiêu, báo cáo Hội đồng Nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

2. Giao Thường trực, các Ban và các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch. Cuối mỗi kỳ kế hoạch tổ chức đánh giá tình hình thực hiện để tiếp tục bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đạt mục tiêu đề ra.

Nghị quyết này đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa V, kỳ họp chuyên đề lần thứ 6 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cường