Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 72/2007/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 25 tháng 07 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SẢN XUẤT, CUNG ỨNG GIỐNG LÚA, NGÔ CHỊU HẠN CHO CÁC XÃ MIỀN NÚI TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2007 - 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 20/1998/NĐ-CP, ngày 31/3/1998; Nghị định số 02/2002/NĐ-CP, ngày 3/1/2002 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 20/1998/NĐ-CP về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 253/2005/QĐ-TTg, ngày 12/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh miền Tây tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010;

Sau khi xem xét Tờ trình số 35/TTr-UBND, ngày 05 tháng 7 năm 2007 của UBND tỉnh Thanh Hóa về chính sách hỗ trợ sản xuất, cung ứng giống lúa, ngô chịu hạn cho 11 huyện miền núi, giai đoạn 2007 - 2010; Báo cáo thẩm tra số 160KT/HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất, cung ứng giống lúa, ngô chịu hạn cho 11 huyện miền núi, giai đoạn 2007 - 2010; cụ thể như sau:

I. Đối tượng, phạm vi và thời gian thực hiện.

- Đối tượng, phạm vi áp dụng: Các tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng giống lúa, ngô chịu hạn cho các hộ nông dân ở các xã miền núi tỉnh Thanh Hóa.

- Thời gian thực hiện: Từ vụ chiêm xuân 2008 đến hết vụ mùa năm 2010.

II. Cơ chế, chính sách hỗ trợ.

1. Hỗ trợ khảo nghiệm và xây dựng các mô hình trình diễn giống lúa, ngô chịu hạn:

Hàng năm Sở Khoa học - Công nghệ, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học cho việc khảo nghiệm, xây dựng mô hình trình diễn sản xuất bằng giống lúa, ngô chịu hạn. Cụ thể: Mỗi năm tổ chức khảo nghiệm ở 2 vụ (vụ chiêm xuân và vụ mùa); mỗi vụ khảo nghiệm ở 4 điểm (2 điểm ở vùng miền núi cao và 2 điểm ở vùng miền núi thấp). Mỗi vụ trong năm xây dựng 2 mô hình trình diễn cho mỗi giống lúa, ngô chịu hạn (1 mô hình cho vùng miền núi cao và 1 mô hình cho vùng miền núi thấp).

2. Hỗ trợ nhập giống tác giả, giống siêu nguyên chủng (đối với lúa) và giống bố mẹ (đối với ngô) để sản xuất giống nguyên chủng và giống ngô lai F1 cung cấp cho nông dân:

- Hỗ trợ nhập giống tác giả, giống siêu nguyên chủng đối với lúa: 12.000đ/kg (mỗi ha hỗ trợ 40kg).

- Hỗ trợ nhập giống bố, mẹ để sản xuất ngô lai F1: 300.000đ/kg (bao gồm cả việc mua bản quyền và qui trình sản xuất). Mỗi ha hỗ trợ 20kg (gồm 16kg giống mẹ và 4kg giống bố).

3. Trợ giá, trợ cước vận chuyển giống lúa, ngô chịu hạn:

- Đối với giống ngô lai chịu hạn:

+ Về trợ giá: Đối với 15 xã biên giới và xã Mường Lý thuộc huyện Mường Lát được trợ giá 10.000đ/kg; đối với các xã còn lại của 11 huyện miền núi được trợ giá 5.000đ/kg.

+ Về trợ cước vận chuyển: UBND tỉnh quy định cụ thể theo mức trợ cước vận chuyển hiện hành đối với các loại giống cây trồng. Khi có biến động về giá cước vận tải UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế tại địa phương nhưng phải tuân thủ các quy định của Chính phủ.

- Đối với giống lúa thuần chịu hạn cấp nguyên chủng trở lên:

+ Về trợ giá: Hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân sản xuất giống là 1.410đ/kg thực tế tiêu thụ cho cho đồng bào miền núi.

+ Về trợ cước vận chuyển: Áp dụng như đối với giống ngô lai chịu hạn nêu trên.

III. Nguồn kinh phí.

- Kinh phí hỗ trợ khảo nghiệm và xây dựng các mô hình trình diễn giống lúa, ngô chịu hạn bố trí từ nguồn “kinh phí sự nghiệp khoa học” hàng năm.

- Kinh phí hỗ trợ nhập giống tác giả, giống siêu nguyên chủng và giống bố mẹ để sản xuất giống nguyên chủng, giống ngô lai F1 được bố trí từ nguồn “chương trình giống cây con” hàng năm.

- Kinh phí trợ giá, trợ cước vận chuyển giống lúa, ngô chịu hạn được bố trí từ nguồn “trợ giá, trợ cước” hàng năm.

Điều 2. Giao UBND tỉnh, căn cứ Nghị quyết và các quy định hiện hành của Pháp luật, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này. Định kỳ hàng năm báo cáo HĐND tỉnh.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; các ban, các đại biểu của Hội đồng nhân dân tỉnh; Hội đồng nhân dân các địa phương liên quan, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khóa XV kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25 tháng 7 năm 2007./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Tích